Tết ấm của hai cậu bé mồ côi
Những ai đã từng đọc cuốn “Lỗi của những vì sao” chắc hẳn sẽ ngầm hiểu hàm ý của tác giả: Có lẽ lỗi thuộc về những vì sao định mệnh chiếu sai đường, nên những người yêu thương chẳng thể đồng hành mãi cùng nhau.
Nhưng hơn cả, chúng ta, có lẽ ai cũng đã ít nhiều phải đối mặt với sự nghiệt ngã của số phận, nhưng lựa chọn cách sống thế nào trong cuộc đời lại phụ thuộc hoàn toàn vào mỗi người.
Vụ cháy khu nhà trọ nằm trên đường La Thành hồi tháng 9-2018 những tưởng không có thiệt hại về người, nhưng mấy ngày sau người ta phát hiện hai nạn nhân là một cặp vợ chồng đưa con mới sinh lên Hà Nội chữa bệnh. Hiếm hoi lắm, chữa chạy bao nhiêu chỗ, anh Tạ Văn Tính và chị Hà Thị Lành (ở Thanh Sơn, Phú Thọ) mới sinh thêm được thằng cu nữa. Dù còn nghèo, nhưng vì thương thằng cu lớn, sợ nó không có anh có em nên anh chị cố gắng chạy chữa để sinh thêm em bé. Nhưng do sinh thiếu tháng, nên thằng bé phải lên BV Nhi Trung ương ở Hà Nội để được các bác sỹ theo dõi chữa bệnh sưng phổi. Thằng bé phải nằm cách li trong lồng kính, hàng ngày, anh chị thay nhau vào chăm con, tối lại về nhà trọ gần BV để nghỉ ngơi.
Cũng vì túng, nên để duy trì thời gian lâu dài chăm con trên thành phố, anh Tính, chị Lành chỉ dám thuê nhà trọ giá rẻ gần BV để tiết kiệm tiền. Nào ngờ, con thơ còn chưa kịp được bố mẹ làm giấy khai sinh đã xảy ra sự việc đau lòng. Cùng một lúc, hai cậu bé – một 14 tuổi, một mới 2 tháng tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Hai anh em Công, Minh và ông bà nội.
Anh Tạ Đình Thông – em trai út anh Tính kể, cách đây hơn 20 năm, anh trai anh lấy chị Lành, vợ chồng anh chị sinh sống bằng nghề cày cấy. Nông nhàn, cứ hết việc vợ chồng lại đi làm thuê làm mướn, lao động tự do, ai thuê gì làm nấy. Do mắc bệnh khó sinh nở, cứ gom góp được bao nhiêu tiền anh Tính chị Lành lại dùng chữa trị với mong ước có một mụn con. Sau 5 năm, thằng cu lớn Tạ Thành Công ra đời là niềm hạnh phúc của anh chị. Đến gần đây, thấy sức khỏe tạm ổn, anh chị quyết định sinh thêm bé Tạ Công Minh.
Còn nhớ, cái hồi tháng 10, khi những thước phim do VTV phát sóng hình ảnh ông nội hai bé Công và Minh cùng Công xuống BV Nhi thăm em bé. Từ ngày bố mẹ mất, Minh được các bác sĩ, y tá tại khoa điều trị tích cực tận tình chăm sóc. Thằng cu Minh lúc đó tròn 4 tháng, vì sinh non nên vẫn bé xíu. Nhưng bàn tay nó cố vươn ra nắm chặt lấy tay thằng cu anh và tay ông nội. Thằng em khóc toáng lên, thằng anh lớn lại vỗ vỗ bàn tay nhè nhẹ vào em và dỗ: “Anh đây, không khóc. Em đừng khóc. Cố gắng mạnh mẽ nhé, để về với anh…”.
Video đang HOT
Sau đúng một tháng xảy ra biến cố, thằng cu bé được bác sỹ cho xuất viện. Cả nhà đón em về chăm sóc. Với anh cu lớn, điều ước của nó đã thành hiện thực – món quà mà bố mẹ để lại cho nó – em Minh của nó đã được về với gia đình.
Theo anh Thông, từ ngày đón bé Minh về nhà, việc chăm sóc chính do bà nội và cô út đảm nhận chính. Bà nội pha sữa thì ông nội bế bé Minh. Cứ ngày 17 hàng tháng, cả nhà lại nhớ lịch đưa bé lên khám định kỳ. Trước còn đỡ, chứ giờ, rét mướt, cả nhà lo cho bé lắm, sợ mưa rét, nhưng vẫn cứ phải đưa Minh lên khám, xem có bệnh tình gì không. Chỉ cần em bé khỏe thì cả nhà mới bớt lo.
Cả nhà cứ nhìn vào thằng bé – món quà của cuộc sống mà bố mẹ bé đã phải đánh đổi cả tính mạng là từ ông bà đến các cô chú lại thấy vơi đi nỗi nhớ thương. Cháu mình, cứ tập trung nuôi cho nó khỏe mạnh thôi. Mà ông bà dù đã có tuổi vẫn chăm bé kỹ và cẩn thận lắm. Bé Minh còn non và yếu, buộc phải được chăm sóc trong điều kiện cách ly, hạn chế người vào thăm. Bà con hàng xóm cũng không được tiếp xúc với cháu. Ông bà bảo, khi nào Minh cứng cáp hơn, cháu mới được tiếp xúc với mọi người. Đến giờ, bé Minh đã được 6 tháng, cũng được gần 5kg rồi. Với bé sinh non, lại không được bú mẹ, đây thực sự là một chỉ số quá hạnh phúc của gia đình.
Nhưng ông bà và các cô chú lo nhất là thằng anh lớn. Nó đang ở giai đoạn chuyển giao của tuổi dậy thì. Nó đã cảm nhận được sự mất mát. Nếu tâm lý nó không được quan tâm, giáo dục thì liệu nó có vững vàng trước bao nhiêu thử thách. Giờ, không còn bố mẹ, Công đã biết tự lập nhiều hơn. Ông bà nội lo cơm nước, chăm sóc em bé, Công lo việc rửa bát, quét nhà, tự giặt quần áo của mình. Quan trọng nhất là Công đã ổn định tâm lý phần nào, đã đi học bình thường. Ngoài lúc học, Công cũng mới biết pha sữa cho em, chứ bế thì chưa dám vì em bé quá.
Anh Thông còn chia sẻ, điều khiến gia đình ấm lòng và vượt qua được sự mất mát quá lớn là sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Đầu tiên là sự quan tâm rất kịp thời của chính quyền địa phương. Rồi tới sự quan tâm, chia sẻ của rất nhiều cá nhân, tập thể ở mọi miền đất nước. Có người khi hay tin đã tới tận nhà thăm hỏi, chia sẻ, động viên bằng cả tinh thần và vật chất. Ở xa không tới được thì nhiều người thông qua chính quyền địa phương để gửi quà. Rồi các cơ quan thông tấn, báo chí cũng có những bài viết động viên, truyền tải thông tin, thông qua đó cũng có rất nhiều tấm lòng hảo tâm đã chia sẻ với gia đình. Số tiền mà mọi người quyên góp giúp đỡ, hiện gia đình đã gửi cả vào một quyển sổ tiết kiệm để dành cho hai anh em Minh – Công ăn học sau này. Còn tiền lãi hàng tháng dành để cùng với các cô chú và ông bà nội chăm cho anh lớn ăn học, mua sữa cho em bé Minh.
Tết này, dù vắng bóng anh Tính chị Lành nhưng gia đình vẫn sẽ lo cho Công và Minh một cái Tết đủ đầy ấm áp tình thân như lúc còn bố mẹ. Dù cả chặng đường dài phía trước còn đầy gian nan và thử thách.
Xuân Thanh
Theo phapluatxahoi.vn
Đào chưa phai, mưa phùn chưa nhạt
Có rất nhiều cái tết trôi qua trong một đời người. Có cái tết của thời bao cấp, cứ đầy lên nỗi lo gạo trắng, nước trong.
Có tết giao thừa rồi tôi vẫn phải lo đi gánh nước ở cái máy nước công cộng cuối phố Nguyễn Đình Chiểu, để mai đỡ phải xếp hàng thùng hứng nước. Lại có tết, thật buồn khi tiễn người thân về với đất. Tết với một tôi với một ngọn đèn dầu.
Nhưng không khí rậm rịch cho tết vẫn cứ luôn làm lòng người ta xao xuyến vì sắm sửa và vì thu dọn trong nhà, vì cuối cùng cũng cần ngồi lại một mình, thu dọn lại hồn mình ra sao trong năm qua. Năm mới, cái tết cũng có nhiều tốc độ khác. Tôi thì đã quen với chiếc đèn dầu ở nơi thờ ông bà, cha mẹ, lại ngồi đó, thắc thỏm nhớ cái tết ở vườn nhà xưa.
Ảnh: IT.
Ngày đó, Hà Nội còn cũ kỹ, bố tôi nhắc tết, mẹ nó nhớ sắm lấy cành đào phai. Chơi tết xưa, người Hà Nội gốc chỉ thích đào phai chứ không phải đào bích hay đào thốn. Tết của năm ấy, cành đào phai mẹ ra phía ô Đông Mác, đi qua chợ Đuổi, mua cái bình vôi hôm 29 tết để mẹ tôi vôi ăn trầu. Phía chái bếp có cái gáo dừa đặt trên miệng chum nước và cái ấm đun nước đen xì khói bếp. Ngẩng nhìn chùm bồ kết trên gác bếp cũng đen màu mồ hóng, nhớ bỏ bồ kết xuống, nướng lên với lá mùi già, hương nhu tím, gội đầu tắm rửa.
Tết xưa, lo được bốn bát sáu đĩa, cho đầy mâm cỗ cúng ông bà, đã là nhà khá giả lắm rồi. Nhà tôi chỉ luôn có ba người, bố mẹ và tôi. Tết nào cũng không vắng mặt bà Thưỡi, bà là vợ một ông bác họ giàu có, góa bụa sớm, sống một mình rồi đổ đốn cờ bạc, túng bấn lắm, lúc về già. Bố mẹ tôi lại không nhìn vào cái tật xấu của bà Thưỡi mà chỉ nhìn vào lúc bà hoạn nạn là giúp thôi. Tết, mời bà đến xơi bữa tất niên, cho bà đỡ tủi phận, hưu hắt một đèn một bóng. Rồi khi bà về, mẹ tôi gửi biếu bà một đôi bánh chưng, một thanh chả quế cho bà ăn qua tết.
Cũng nhờ bữa cơm tất niên, bà Thưỡi được uống chén rượu Thanh Mai. Ngày ấy có rượu Thanh mai là quý hóa lắm, vì bố tôi làm ở nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo mới có tem phiếu mua rượu.
Bà Thưỡi kể rằng, bà vẫn nhớ bà nội của tôi năm xưa cứ chiều ba mươi là giục chị Ba, là mẹ tôi đi đón những người nhỡ bữa về nhà ở trong làng mình ăn tết. Chuyện về ông bà nội cưu mang người nghèo khó, hay chuyện chạy tản cư, cả làng Vân Hồ lấp ao. Hình ảnh thương người, sự hào hiệp với người ăn kẻ ở của ông bà nội vẫn luôn hiện hữu trong câu chuyện của bà Thưỡi.
Rồi bà Thưỡi khen ngon. Bát canh có vị của tôm nõn, nước luộc gà, với đủ nấm, cà rốt, xúp lơ xanh, đậu Hà Lan. Canh đủ vị nấu khó, nhìn vào thấy đủ kim mộc thủy hỏa thổ, đẹp mắt. Rồi bát măng khô công phu nấu với ngan, tất cả đều dậy mùi mà không ngán. Rồi bà nhắc về chuyện cũ của ông bà, chuyện của chú Tư Huân tiêu hoang, rộng rãi với người, còn bác Trưởng Ấm thì chúa hà tiện nhưng nấu ăn ngon lắm. Phận người xưa đã khuất bóng nhưng trở về trong bữa cơm tết hiện tại, để con cháu hiểu sự tử tế luôn đọng lại trong cõi người.
Câu chuyện của bữa tất niên và ngày mai năm mới, thăm thẳm trôi. Mãi sau này tôi mới hiểu, ông bà ngày xưa thương người như thể thương thân ra sao. Mẹ lại dặn dò, ở đời giúp ai thì cứ lặng lẽ mà làm, chớ kể lể mà phải tội với giời xanh. Có cái tết khác, bố mẹ ngồi lại hỏi chuyện chị Thứ, người giúp việc cho nhà mình ngày xưa, khi bế ẵm tôi lúc bé, giờ không đủ áo mặc, cơm ăn. Mẹ bảo: "Xem tem phiếu còn không, nhường cho chị Thứ một cái áo cánh mới. Nhớ gửi cân gạo với cân bột mì cho chị ăn cái tết cho tươm tất."
Là nhà mình no, đỡ đần người không may cũng có bữa tết yên dạ. Ngày ấy cứ xem cách xử sự của mẹ, ngỡ chỉ là chuyện thường tình, bâng quơ. Không ngờ, nó "đóng triện" vào trí nhớ, và học theo cách ứng xử của mẹ với đời. Thế nào là chuyện nhường cơm sẻ áo, thế nào là thương người như thể thương thân.
Thế mới hiểu cái tết là sự đùm bọc quây quần, là sự kể lại, là hồi ức xưa, êm đẹp, để nhớ lại lúc còn tươi trẻ ham sống. Chứ đời người về chiều, khi xế bóng, đâu cần gì nhiều của cải vật chất. Chỉ mong đủ sống, mong khỏe mạnh để không làm phiền đến con đến cháu.
Tết của thời hiện đại, chỉ cần nửa buổi chợ, mua đủ một cái tết trong nhà. Nhà máy Trần Hưng Đạo xưa kia, giờ đã là toà nhà Vincom hiện đại. Chợ Đuổi xưa cũng đã là trung tâm thương mại lớn. Dấu xưa, mưa phùn nhòa nhạt, chỉ còn hoa đào chưa phai trong gió bấc lất phất mưa. Không gian này mới thật là không gian của tết bắc, tết Hà Nội. Nó vừa xuýt xoa vừa ấm áp trong xum họp gia đình.
Bây giờ bữa cơm tất niên, có gia đình đối thoại với nhau bằng ba bốn ngôn ngữ, dâu ta rể tây, hay rể tây dâu ta, cháu nội ngoại nói hai ba ngôn ngữ. Tết hội nhập, nhưng món ăn Việt, bánh chưng xanh, bát dưa hành, đĩa xôi gấc đỏ có hòa nhập mấy cũng không trộn lẫn với bất cứ món ăn nào trên thế giới. Bởi nhắc đào phai, gió bấc thì nhớ Hà Nội, nhắc mai vàng phải ngoảnh lại Sài Gòn, tết Việt không hề bị đánh mất trong ký ức. Nó vẫn tua rất chậm trong câu chuyện truyền miệng, lưu giữ trong gia đình khi tết về ấm áp bên nhau.
HOÀNG VIỆT HẰNG
Theo thegioitiepthi.vn
Thấy có lỗi với vợ con khi cặp bồ nhưng tôi chẳng còn yêu vợ Tôi và người kia muốn sống cùng nhau, không thể thoát ra khi mỗi lần gặp nhau là lại càng thấy yêu. Tôi 26 tuổi, đã có vợ và một đứa con trai 2 tuổi. Vợ kém tôi 2 tuổi, rất cần cù chịu khó. Chúng tôi lấy nhau với hai bàn tay trắng, cưới nhau được 2 năm rồi nhưng tôi nhận...