Tép mòng um lá chanh
Mỗi năm cứ đến mùa nước nổi, lúc những con sông, rạch miền Tây chìm trong bể nước mênh mông, nước ngập bãi bờ, đồng ruộng. Lúc đó cũng là mùa tép mòng hay còn gọi là tép trấu. Khác với con ruốc biển, mình mỏng, nhỏ xíu; con tép mòng miền Tây lớn hơn con ruốc, mình cỡ bằng đầu đũa, vỏ cứng có màu trong xanh như ngọc thạch. Lúc vừa giở chà ngôm hay xúc được đám tép mòng búng, mình nhảy rồ rồ nghe bắt ham.
Tuỳ vùng mà người ta có cách bắt tép mòng khác nhau. Miệt Trà Vinh là vùng có nhiều tép mòng nên người ta thường đặt chà ngôm để bắt tép. Chà ngôm bắt tép mòng đan bằng tre, hình dáng giống tựa giỏ bắt nhái, hông có khoét lỗ tròn để đặt hom sâu vô trong. Lựa chỗ ruộng tương đối trũng đặt ép chà ngôm xuống, dùng sình be cho chà ngôm đứng vững thấp hơn mặt đất, rồi dọn đường cho tép mòng xuôi theo dòng nước vào. Mồi để dụ tép mòng là cám rang trộn với cháo gạo lứt vò viên tròn cỡ trái chanh. Chà ngôm cứ đặt rải theo bờ ruộng, tối đặt, sáng ra thăm trút tép, rồi đặt tiếp chiều tối lại ra thu hoạch. Những vùng khác thì người ta còn dùng lọp hay đặt vó để kéo tép mòng. Vó loại nhỏ đặt góc ruộng trũng rồi rải cám rang lên mặt để một hồi lâu canh cất vó, trên mặt vó cơ man nào là tép mòng. Tuy nhiên, đến mùa tép mòng nhiều đầy mặt ruộng lúc đó đơn giản nhất là dùng rổ xúc tép vừa nhanh vừa được nhiều.
Mùa tép nhiều, bữa nào trúng, có cái chà ngôm được cả chén tép đầy. Tép nhiều ăn không hết thì mang đi phơi khô hoặc làm mắm. Tép mòng sau khi lựa bỏ những con ốc, cá nhỏ và đất đá, người ta đem rửa sạch rồi phơi khô. Do tép mòng mỏng, nhỏ nên chỉ cần phơi một nắng là tép mòng đã khô rang. Tép sau khi khô cho vào bao bố dùng chày vỗ nhẹ rồi đổ tép ra nia xảy bỏ vỏ. Vậy là đã có tép mòng khô đem cất để dành nấu canh, kho quẹt…Hoặc bữa nào kẹt mồi nhậu, hái mấy trái mít non nhỏ xíu bằng ngón cái, bào mỏng giã với chùm ruột, thêm nước mắm đường, ớt hiểm rồi rắc tép mòng khô vào, vậy là có mồi nhậu bắt hơn cả thịt thà.
Video đang HOT
Trà Vinh còn có loại mắm đặc biệt là mắm tép chua, làm bằng tép mòng, khác với mắm tôm chua làm bằng tép bạc đất. Mắm tép kiểu này chỉ làm bằng tép mòng với muối hột và cơm nguội. Mắm tép sau khi đã ngấu đều có màu đỏ gạch trông rất bắt mắt. Mắm tép mòng trộn với đu đủ chấm cá lóc nướng trui thì ngon hết biết. Lẫn trong vị mặn của mắm là cái hơi chua chua, cay cay, làm cho mắm tép mòng ăn với cá lóc nướng trui có vị lạ đôi khi còn bắt miệng hơn cả mắm nêm.
Tuy nhiên, tép mòng rang lại là món ăn dân dã có nhiều hương vị nhất vì nó đơn sơ mộc mạc, giữ nguyên sự tinh tuý ngọt ngào của con tép miệt sông nước. Tép chỉ cần rửa sạch cho vào chảo với lửa lớn ngọn, dùng đũa huơ qua lại vài cái, tép chuyển sang màu đỏ cánh sen căng mọng vậy là có thể nhắc chảo xuống cuốn tép với bánh tráng, bún và rau sống ăn hoài không thấy ngán. Người ta còn có một biến tấu khác là tép mòng um lá chanh cũng khá đặc sắc. Tép mòng được rửa sạch cho vào nồi với những sợi lá chanh thái chỉ, tép mòng được um chín trong chốc lát, mùi thơm của lá chanh hoà lẫn cùng mùi tép làm cho món ăn trở nên đằm thắm, hấp dẫn hơn.
Theo SGTT
Đại sứ ẩm thực Gò Công cách đây khoảng 180 năm
Chuyến đi xa nhất đầu tiên của mắm tôm chua Gò Công chắc là chuyến ra Huế theo nỗi nhớ của bà Từ Dụ Phạm Thị Hằng cách đây xấp xỉ khoảng 180 năm. Nhờ đó người dân đất Thần kinh mới biết đến ẩm thực Gò Công.
Phải chăng cũng chính qua vị đại sứ ẩm thực của Gò Công này mà có phiên bản mắm tôm chua Huế. Thậm chí thương hiệu Huế nặng hơn Gò Công nên có người còn viết đại loại: mắm tôm chua Gò Công ngon không thua gì mắm tôm chua Huế. Nghĩa là lấy "con" làm chuẩn để so với "mẹ". Thật là bất khả tư nghì kiểu sen từ bùn mà lớn lên lại õng ẹo tẩy chay bùn.
Ảnh: Thanh Hảo
Mắm ở miền Nam mang một nét nghĩa khác hơn mắm nói chung. Chúng không còn là loại nước chấm nữa mà là những sản vật địa phương được cất ủ để dùng lâu ngày, vào những lúc không đang mùa sản vật ấy. Chúng là món ăn mà người dân miền Tây nào cũng đủ thẩm mỹ để cảm được cái ngon của chúng. Có khi phải giới hạn phát ngôn này, vì hiện nay nhiều người miền Tây ở Sài Gòn lứa tuổi 0x chỉ biết loại "mắm ăn liền" của Tây hơn là mắm miền Tây, nếu như ở nhà họ không được quy hoạch những ngày ăn mắm - một thứ mỹ thực rất khẩn hoang - trong thực đơn tuần của gia đình. Trong các món mắm ấy, mắm tôm chua Gò Công đứng vào hàng đỉnh. Nó được làm từ con tôm đất nước lợ ở cái xứ có câu ca dao buồn da diết: "Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng".
Tôm tươi qua tuyển "nguyện vọng một" đem ngâm nước phèn chua, rồi sau đó ngâm khử rượu, cắt bỏ râu, đuôi. Và, đưa vào công thức chế biến riêng của từng nhà sản xuất. Trong cái công thức ấy quan trọng là các thảo vị tạo hương, tạo chua, tạo ngọt, tạo cay cùng với muối như là chất bảo quản.
Món tôm chua này có thể trộn thêm đu đủ hườm thái sợi, gia thêm các loại rau mùi, ớt, tỏi, dứa. Rồi cuốn bánh tráng rau sống với thịt đầu heo hoặc thịt ba chỉ thì đạt đến thập thành ngon.
Theo SGTT