Tên tội phạm với độc chiêu “thổi” giá vườn tùng nghìn tỷ
Những ngày cuối tháng 6 vừa qua, Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử vụ án “ăn đất” làm trang trại ở phường Đồng Tâm của quan chức TP. Vĩnh Yên và tỉnh Vĩnh Phúc.
Từ những lời khai của các bị cáo tại phiên toà, sai phạm được phơi bày rõ hơn, họ đã phải nhận những bản án xứng đáng của pháp luật. Thế nhưng, nhân vật chính của vụ án “ăn đất” này là Nguyễn Anh Quân, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Beta Bộ Quốc Phòng lại đang bỏ trốn ra nước ngoài. Quân đã để lại rất nhiều dự án dang dở và đem theo khoảng 500 tỷ đồng (tương đương với 25 triệu USD) khi bỏ trốn.
Ngày 03/02/2012, Ban thư ký văn phòng INTERPOL Việt Nam đã phát lệnh truy nã quốc tê đối với Nguyễn Anh Quân. Quân bỏ trốn nhưng những chiêu “đôn” giá vườn tùng để gán nợ, để đánh bóng tên tuổi của tên tội phạm này, quả thực khó có người thứ 2 thực hiện được.
Truy tìm nguồn gốc và giá trị thực của “vườn tùng trăm tỷ”
Trong vài lần “trà dư, tửu hậu” với một số người thạo tin ở TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi nghe được thông tin “giật mình” rằng: Mục đích ban đầu của Quân khi “thiết kế” vườn tùng là để làm quà tặng một vị quan chức “chóp bu” của tỉnh này. Quân đã từng thanh minh lý do tặng vườn tùng với rất nhiều người rằng, vị quan chức ấy chẳng thiếu thứ gì, muốn trả ơn giúp đỡ của ông ta, phải nghĩ ra một loại quà tặng “độc” và “khủng” và khác người thì mới ý nghĩa.
Theo suy nghĩ đó của Quân, thì vườn tùng là loại quà độc và “khủng”. Vì thế, Quân rất tích cực trong việc “thiết kế” quà tặng. Đích thân Quân thuê người am hiểu về loại cây tùng cảnh này rồi cùng mình xuất ngoại sang tận Trung Quốc, tốn nhiều kinh phí đi – về như con thoi giữa 2 nước để tậu được vườn tùng độc nhất ở đất Vĩnh Yên, làm quà tặng.
Hành trình đi nước ngoài “thiết kế” quà tặng “khủng” của Quân cũng được giới thạo tin ở Vĩnh Phúc đồn đoán đến mức có thể liệt vào loại truyện cổ tích.
Một cây tùng thế lạ, giá “khủng” trong vườn tùng
Câu chuyện cổ tích được đẩy lên tới mức “huyền thoại” khi có thông tin, giới thạo tin cá cược nhau, với 2 trường phái là có thể hoặc không thể. Trường phái không thể thì giải thích vườn tùng không thể “mọc” lên ở Vĩnh Yên được, vì hải quan, kiểm lâm làm gắt lắm, nhập khẩu về phải thực hiện nhiều thủ tục nhiêu khê, phải xin giấy phép của UBND tỉnh. Trường phái có thể thì chép miệng, họ – tức ám chỉ Quân – đang mạnh thế, nhiều tiền thế, làm gì chẳng được.
Video đang HOT
Hơn nữa, đã là quà “khủng”, từ chối đâu dễ và có thể còn nhận được sự giúp đỡ tận tình của vị quan chức “chóp bu” kia khi nhập khẩu cây tùng từ Trung Quốc về. Vậy là trường phái sau đã thắng, chẳng hiểu vì tiền, vì uy hay vì mối quan hệ của Quân tốt mà Quân đem những cây tùng quý hiếm ở Trung Quốc về Vĩnh Phúc một cách đường hoàng, chính thống tới mức nghễu nghện “giễu” qua hết cửa khẩu kiểm lâm của tỉnh này đến kiểm lâm tỉnh khác mà vẫn lọt. Người dân Vĩnh Phúc đã ví chuyện “thiết kế” quà tặng “độc” của Quân như thể con voi chui qua lỗ kim.
Người trong cuộc, đi cùng Quân sang tìm hiểu về cây tùng ở Trung Quốc tiết lộ: “Ngày ấy, Quân bỏ ra khoảng gần 900 triệu đồng mua cây tùng. Chi phí đi lại, thuê mướn vận chuyển, trồng và chăm sóc ban đầu khoảng 300 triệu đồng”.
Tóm lại, những cây tùng quà “khủng” đến khi thành vườn ở Vĩnh Yên có trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng. Nếu quy ra vàng để so sánh giá trị và nhân lên rồi lại quy ra tiền thì vườn Tùng hiện nay chắc chắn lỗ. “Nhiều người đồn rằng, giá trị của nó là 100, rồi 1.000 tỷ là chẳng hiểu biết gì về loại cây cảnh này cả”, người trong cuộc tiết lộ thêm.
Cây tùng được “thổi” giá lên đến 2 triệu USD
Chiêu “thổi” giá có một không hai
Theo đại tá Nguyễn Văn Hoành – Phó Giám đốc – Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc thì người trực tiếp đi cùng Quân sang Trung Quốc cây tùng về trồng ở Vĩnh Yên là ông Lại Hữu Lân – nguyên Chủ tịch, Bí thư TP. Vĩnh Yên – một trong những người bị khởi tố, truy tố trong vụ “ăn đất” của các quan chức Vĩnh Phúc, trong đó có liên quan đến Quân.
Trong kết luận điều tra vụ án này, ông Lân khai rằng, nhận quà tặng của Quân là 1 chiếc xe ô tô TOYOTA VIOS và là người trong đoàn cùng Quân sang Trung Quốc mua cây Tùng. Ông Lân khai rằng, mua tổng số hơn 10 cây tùng, dùng nhân dân tệ để mua. Đổi số nhân dân tệ đó ra tiền Việt Nam đồng là 890 triệu.Bản thân ông Lân cũng rất thấy làm lạ và khó hiểu, vì sao Quân có thể đưa được những cây tùng đó về Việt Nam một cách dễ dàng như vậy.
Giá trị thực lúc Quân mua cây tùng là như vậy, song chẳng hiểu sao, trong giới doanh nghiệp, trước khi Quân chưa “lộ diện” là tội phạm bị truy nã quốc tế, râm ran đồn rằng: “Doanh nhân Quân có vườn tùng nghìn tỷ rất “khủng” ở Vĩnh Yên. Có vài cây trị giá đến 2 triệu USD/cây.” Lời đồn thổi đó, có thể từ phía người có cây tùng. Bởi, rất ít người được chiêm ngưỡng vườn Tùng của Quân nên khó biết để mà đưa ra tin đồn ban đầu như vậy được.
Đại tá Hoành cho biết thêm: Lời khai của một đối tượng có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án “Trang trại sinh thái ở phương Đồng Tâm” tên là Ng, cho thấy, Quân đã rất bài bản trong việc “thổi” giá vườn Tùng lên cao. Ng và Quân là đối tác làm ăn với nhau, đã từng được Quân đưa lên thăm vườn tùng.
Khi Quân “sa cơ, lỡ vận” không đủ điều kiện trả nợ Ng thì Quân đã gợi ý rằng, gán nợ vườn Tùng cho Ng. Quân định giá vườn Tùng khoảng hơn 100 tỷ. Ng là dân kinh doanh chính hiệu, là Việt kiều Đức nên chưa vội nhận lời. Ng đã phải đi hỏi giá trị, hỏi nơi bán vườn tùng xem như thế nào, rồi mới quyết định có nhận gán nợ của Quân hay không?
Được biết, hiện Ng cũng là giám đốc một doanh nghiệp bất động sản, Đầu tư vào bất động sản rất lớn và đợt giá chung cư, đất biệt thự “rớt” như vừa qua, Ng cũng đã ăn phải “quả đắng”. Một điều tra viên trực tiếp làm việc với Ng cho biết, Ng đã khai ra những chiêu quái “thổi” giá vườn tùng của Quân.
Khi Quân đánh tiếng gán nợ cho Ng vườn tùng thì lại liên tiếp có người hỏi mua vườn Tùng của Ng với giá rất khác nhau khi là 80 tỷ, rồi 100 tỷ, 150 tỷ, 200 tỷ và có thời điểm nó được “đôn” lên thành 1.000 tỷ. Quả là chuyện hoang đường.
Theo NDT
Tội phạm truy nã trốn ở đâu? - Kỳ 3: Hồ sơ giả tràn lan
Qua bắt giữ nhiều đối tượng truy nã núp bóng công nhân, cơ quan công an cảnh báo các công ty, xí nghiệp trong việc tiếp nhận hồ sơ, tuyển dụng người lao động vào làm việc.
Để tìm hiểu quy trình tuyển dụng vào làm việc, chúng tôi quay trở lại Công ty gỗ K.Đ (H.Tân Uyên, Bình Dương), nơi đối tượng Lê Đình Thảo (SN 1985, quê H.An Minh, tỉnh Kiên Giang) bị Công an tỉnh Kiên Giang truy nã về tội hiếp dâm trẻ em, "đội lốt" dưới cái tên Lê Đình Khang.
Công an Bình Dương bắt Hoàng Văn Nhất theo lệnh truy nã của Công an tỉnh Lạng Sơn - Ảnh: Tuy Phong
Hồ sơ giả vẫn... lọt
Bộ phận nhân sự của Công ty gỗ K.Đ cho biết trong quá trình tuyển dụng lao động không khó để phát hiện hồ sơ giả của công nhân (kể cả trường hợp đối tượng Thảo), nhưng vì nhu cầu tuyển lao động quá lớn nên đành phải "nhắm mắt" chấp nhận, kể cả việc biết họ sử dụng hồ sơ giả xin việc. "Mặt khác, đa số công nhân ở các tỉnh xa khác đến đây xin việc nhưng thủ tục làm một bộ hồ sơ tốn rất nhiều thời gian, chi phí... nên nhiều người đã sử dụng hồ sơ giả hoặc hồ sơ của người khác để đi làm", một nhân viên bộ phận nhân sự Công ty gỗ K.Đ tiết lộ.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về việc tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT, bảo vệ tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, từ ngày 16.1 đến ngày 18.1, lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm trên toàn quốc đã truy bắt và vận động ra đầu thú hơn 1.000 đối tượng truy nã; tăng hơn 63% so với trước khi mở đợt cao điểm.
Còn tại một doanh nghiệp nước ngoài đóng tại KCN Tam Phước (Đồng Nai), nơi Đoàn Thị Hồng Anh Đào (SN 1985, quê Thanh Hóa) bị bắt theo lệnh truy nã sau 8 năm trốn lệnh truy nã "biến" thành Đoàn Thị Mai, cũng có lý giải tương tự. "Do nhu cầu tuyển dụng công nhân giày da rất cao nên chúng tôi cũng không xem kỹ về sơ yếu lý lịch. Hơn nữa, việc làm giả hồ sơ hiện nay tràn lan và rất tinh vi nên cũng khó phát hiện", lãnh đạo phòng nhân sự công ty này cho biết.
Chỉ cần ghé vào những trung tâm giới thiệu việc làm dọc tuyến đường Bùi Văn Hòa, P.Long Bình, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) không khó để kiếm một bộ hồ sơ giả (mang họ tên người khác) với đầy đủ con dấu xác thực ở địa phương. Gần đây, Công an TP.Biên Hòa triệt phá rất nhiều đường dây làm giấy giả, con dấu giả của cơ quan nhà nước, trong đó có rất nhiều hồ sơ xin việc cho công nhân.
Dễ như mua rau
Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Nguyễn Văn Nem, Trưởng phòng PC52 Công an Bình Dương, cho biết: "Chỉ tính riêng trong 8 tháng cuối năm 2011, PC52 Bình Dương đã bắt được 127 đối tượng có lệnh truy nã, trong đó 23 đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Đa số các đối tượng trốn lệnh truy nã đều sử dụng hồ sơ, họ và tên giả để đi làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp...". Cũng theo thượng tá Nem, các đối tượng trốn lệnh truy nã sử dụng giấy tờ giả để đi làm, đăng ký tạm trú, tạm vắng khá đầy đủ nên rất khó khăn trong việc truy bắt. Nhiều đối tượng đã lẩn trốn hàng chục năm, hình dáng bề ngoài đã thay đổi khá nhiều nên rất khó khăn trong công tác nhận dạng.
"Qua công tác đấu tranh của công an cho thấy việc làm một bộ hồ sơ giả với đầy đủ: giấy khám sức khỏe, sơ yếu lý lịch, bản sao CMND, bản sao hộ khẩu, giấy chứng nhận tạm trú... là không khó khăn. Giá mỗi bộ hồ sơ như vậy từ 80.000 đến 100.000 đồng và dễ dàng mua được ở các dịch vụ ở gần các khu công nghiệp. Vì vậy, trong quá trình tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý, tránh tạo kẽ hở để tội phạm truy nã lợi dụng lẩn trốn", thượng tá Nem cảnh báo.
Tại Đồng Nai có 32 khu công nghiệp với hàng ngàn công ty, xí nghiệp đang hoạt động, nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn. Do đó, Đồng Nai cũng được nhiều đối tượng trong diện truy nã chọn làm nơi trú ngụ bằng cách thay tên đổi họ, mua hồ sơ giả để vào làm công nhân.
Theo trung tá Hồ Đình Liệu, Đội trưởng Đội tổng hợp Phòng PC52 Công an tỉnh Đồng Nai, từ khi đi vào hoạt động (tháng 7.2010) đến nay PC52 đã bắt được 111 đối tượng truy nã (trong số khoảng 700 đối tượng mà phòng tiếp nhận); vận động được 76 đối tượng truy nã ra đầu thú. "Qua rà soát cho thấy rất nhiều đối tượng trốn lệnh truy nã thay tên đổi họ, mua hồ sơ, bằng cấp chứng chỉ giả để nộp vào các công ty xin làm công nhân. Một kẽ hở hiện nay là tại các công ty hầu như không có nghiệp vụ để phát hiện hồ sơ giả. Một phần do công tác tuyển dụng dễ dãi nên đối tượng bị truy nã dễ dàng trà trộn để lẩn trốn. Chưa hết, nhiều nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp thường ngại thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng nên cũng góp phần tạo điều kiện cho đối tượng bị truy nã ẩn náu".
Theo Phòng PC52, tại Đồng Nai từng có nhiều xóm có biệt danh là xóm "Nghệ An", "Nam Định", khu "Hải Phòng", ngã tư "Phú Thọ"... là nơi tụ tập nhiều người từ các tỉnh về quần tụ, chung sống theo tập quán địa phương. Từ những nơi này, PC52 đã truy bắt nhiều đối tượng trốn truy nã, ẩn náu để làm công nhân.
Thay tên đổi họ cưới vợ hai
Tối 24.11.2011, PC52 Công an tỉnh Bình Dương bắt giữ Hoàng Văn Nhất (SN 1974, quê xã Thiện Tâm, TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) theo lệnh truy nã của Công an tỉnh Lạng Sơn. Theo lời khai của Nhất, khoảng tháng 10.2011, Nhất cùng hơn 10 đối tượng khác tổ chức đánh bạc (xóc đĩa) với mỗi ván lên đến hàng chục triệu đồng. Khi Công an Lạng Sơn đột kích bắt giữ đồng bọn, thì Nhất trốn thoát rồi vào Bình Dương ẩn nấp, xin vào làm công nhân một công ty xây dựng. Tại đây, nhờ thay tên đổi họ mà Nhất còn cưới được cô vợ trẻ dù ở quê Nhất đã có vợ và 3 con. Sau khi nhận thông tin từ Công an Lạng Sơn, PC52 rà soát, khoanh vùng đối tượng và nhanh chóng bắt được Nhất khi đối tượng này vừa về nhà trọ thăm vợ hai. ( T.P)
Theo Thanh Niên
Tội phạm truy nã trốn ở đâu? - Kỳ 2: Mượn tên "thoát xác" Để trốn tránh pháp luật, nhiều đối tượng truy nã đã chọn một số doanh nghiệp ở các khu công nghiệp thuộc Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM làm nơi ẩn náu. Nguyễn Văn Kiên bị Công an Hải Phòng truy nã trốn vào Bình Dương làm công nhân Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Bình Dương vừa...