Tên quận và số phận ‘nhà quê’ lên ‘thị thành’
Nguy cơ của việc xây dựng, quy hoạch manh mún, thiếu tầm nhìn, thiếu đồng bộ đã dẫn đến những bộ mặt “phố chẳng ra phố, xóm chẳng còn là xóm” như những nơi đã đô thị hóa cách đây ít năm…
Không chỉ riêng những người dân gốc huyện Từ Liêm mà rất nhiều người đang ngụ cư hoặc dân Hà Nội đều mừng vui vì Chính phủ có ý kiến đồng ý thành lập hai quận mới từ nền tảng của một huyện ngoại thành.
Sự mừng ở đây là thành quả của quá trình đô thị hóa. Sự kiện như tất yếu của đời sống xã hội nhưng vẫn mừng hơn nhiều vì dân cư và hạ tầng tại đơn vị hành chính lãnh thổ đó không phải là “nhà quê” và xóm làng nữa mà là trở thành dân thị thành và phố phường.
Trong nhiều ý kiến mà nhân dân đang quan tâm ở đây và chính quyền đang thận trọng lắng nghe ý kiến dân cư là việc lấy tên quận mới và việc chia phường xã thế nào.
Sự liên hệ sinh quận mới như là việc gia đình trẻ muốn sinh thêm đứa con. Ngoài sự vui sướng khi đứa trẻ sắp ra đời là có thêm thành viên trong gia đình, xã hội có thêm công dân mới… thì cả nhà tập trung vào bàn về cái tên của nó.
Liệu cái tên của quận mới có tạo nên thanh thế và sự nghiệp của nó sau này?Tạm gác chuyện duy tâm về tên tuổi để nhìn ra mấy chuyện hiện hữu mà cả xã hội trong quá trình đô thị hóa đang phải đối mặt chứ không phải chỉ ở mức quan tâm.
Về quy hoạch xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, ngoài việc nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt, đồng thuận, toàn hệ thống chính trị vào cuộc… cho việc thực hiện đô thị hóa.
Nhưng nguy cơ của việc xây dựng, quy hoạch manh mún, thiếu tầm nhìn, thiếu đồng bộ đã dẫn đến những bộ mặt “phố chẳng ra phố, xóm chẳng còn là xóm” như những nơi đã đô thị hóa cách đây ít năm trên cùng địa bàn như: Cầu Giấy, Long Biên, Tây Hồ, Hoàng Mai…
Về quỹ đất cho đô thị hóa, liệu chúng ta có còn giữ được phần nào để tạo được không gian xanh sau vài chục năm tiến hành đô thị hoá?
Việc xây dựng và chỉnh trang khu dân cư do chính quyền có can thiệp và trợ giúp hay để dân tự phát rồi vẽ lên những bức tranh không thể đoán được “trường phái nghệ thuật” thật lãng phí của cải xã hội.
Video đang HOT
Huyện Từ Liêm sẽ thành 2 quận, sẽ có 23 phường mới. Ảnh: Chung Hoàng
Vấn đề môi trường luôn là câu chuyện của đô thị nhưng thường trở nên tồi tệ đối với vùng ven và nơi được đô thị hóa.
Việc ngập cục bộ; vào phố là gặp bãi rác; nước thải lộ thiên cùng biển quảng cáo là điển hình trong mấy quận đang phát triển như Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai…
Con người vẫn là chủ đề nan giải. Lao động đô thị hoàn toàn có đặc tính khác với lao động nông nghiệp.
Khi mà diện tích đất tự nhiên dành cho nông nghiệp bị giảm; nông nghiệp được cơ giới hóa, hiện đại hóa; sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã làm hàng loạt lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc “liên tục thất nghiệp” khi không còn công việc gì và thu nhập nào đảm bảo rằng đó là nghề nghiệp cho đến cuối đời.
Và tệ nạn xã hội từ đây ra; nghèo đói đô thị từ đây ra; bất bình đẳng xã hội từ đây ra…Từ những suy nghĩ về cách tư duy và hành động cần có ấy, chính quyền thành phố Hà Nội phải là nơi khởi xướng và cam kết chiến lược đô thị hóa bằng những tiêu chí và quy hoạch, lộ trình cụ thể.
Sau đó là chính quyền sở tại sắp được “lên” quận nêu trên cần nghiên cứu để có những cam kết cho hành động cụ thể. Như vậy mới thể hiện được những người đang có trách nhiệm và thông thái.
Còn dân cư và những người đang quan tâm về sự kiện đô thị hóa này hãy dành sự quan tâm và ủng hộ chính quyền sẽ cam kết và làm gì như những điều nêu trên thay vì tên quận là gì.
Theo Vietnamnet
Huyện Từ Liêm lý giải đặt tên hai quận Bắc Nam Từ Liêm
Trưởng ban Tuyên giáo huyện Từ Liêm Nguyễn Văn Việt cho biết, trong đề án đặt ra ba lựa chọn tên cho 2 quận mới gồm: Từ Liêm và Mỹ Đình, Từ Liêm và Tây Thăng Long, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
Ngày 2/12, Huyện ủy Từ Liêm gặp gỡ báo chí thông tin chi tiết về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm thành 2 quận mới của Hà Nội. Tại đây, ông Nguyễn Văn Việt - Trưởng ban Tuyên giáo huyện nhận được nhiều câu hỏi đề cập đến việc người dân không đồng tình với tên gọi Bắc - Nam Từ Liêm, kinh phí điều chỉnh địa giới hành chính, biên chế công chức - viên chức cho hai quận mới tăng bao nhiêu...
Trưởng ban Tuyên giáo huyện Từ Liêm Nguyễn Văn Việt trả lời báo chí những câu hỏi xung quanh việc tách huyện Từ Liêm
Không như phương án của huyện, nhiều người dân đề nghị lấy tên của một quận là Từ Liêm còn quận khác tên là Mỹ Đình hoặc Thăng Long, thưa ông?
Đề án chúng tôi cũng đặt ra nhiều phương án để lựa chọn, tuy nhiên tên Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm là phương án ưu tiên. Cụ thể, ba phương án chúng tôi đặt ra là Từ Liêm và Mỹ Đình, Từ Liêm và Tây Thăng Long nhưng vì những lý do khác nhau nên phương án ưu tiên là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
"Từ huyện lên quận, giá đất chắn chắn sẽ tăng, giá đền bù cũng tăng" - ông Nguyễn Văn Việt nói.
Tên quận Mỹ Đình nhiều người cho là rất hay và đã được đặt ra từ lâu, tuy nhiên dư luận những xã khu vực phía Nam lại không đồng tình. Nhiều người cho rằng tên Mỹ Đình không thỏa đáng, bởi lẽ tên một xã lại đặt cho cả quận nên chúng tôi không đưa vào phương án lựa chọn.
Tên Tây Thăng Long được đưa ra để đặt cho một quận mới cũng rất hay. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng không thỏa đáng vì Thăng Long là tên cố đô trong lịch sử lại đặt cho một quận là không hợp lý.
Sau nhiều lần chia tách, Từ Liêm có được thành quả như ngày nay là công lao của tất cả các thế hệ, kết quả chung của cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện cho nên chúng tôi muốn đặt tên Từ Liêm cho hai phía Bắc - Nam và lấy địa giới là đường 32.
Tất cả những thông tin đó chúng tôi đang nghiên cứu, lấy ý kiến nhân dân từ cấp thôn, xã, thị trấn trong huyện. Sau đó, chúng tôi báo cáo HĐND huyện, thành phố và quyết định cuối cùng là Chính phủ.
Việc điều chỉnh địa giới hành chính như vậy sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh như việc xây dựng trụ sở mới của nhiều cơ quan. Vậy, ngân sách để phục vụ cho việc này là bao nhiêu?
Khi tách huyện thành 2 quận, theo đề án trụ sở quận phía Nam nằm ở vị trí hiện tại. Trụ sở phía Bắc sẽ được xây mới hoán toàn trên đường Văn Tiến Dũng, đoạn gần trung tâm thể thao và nhà văn hóa huyện hiện tại. Nhiều phường mới thành lập cũng phải xây thêm trụ sở và các công trình công ích như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế...
Ngân sách phục vụ cho các hoạt động trên chắc chắn Nhà nước sắp xếp. Tuy nhiên, kinh phí là bao nhiêu các cơ quan trách nhiệm của chính quyền - UBND sẽ làm theo đề án dự trù trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Địa giới hai quận mới và các phường đã được xác định trong đề án
Chia tách thành 2 quận mới, bộ máy hành chính hiện tại sẽ điều chuyển thế nào và đội ngũ công chức, viên chức liệu có "phình" ra không, thưa ông?
Việc điều chuyển địa giới hành chính từ một huyện thành 2 quận, đương nhiên có sự điều động, luân chuyển cán bộ. Biên chế cán bộ, công chức, viên chức của 2 quận so với huyện Từ Liêm đương nhiên là sẽ tăng. Tuy nhiên, tăng thế nào phải theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở huyện trình cấp có thẩm quyền là Thành ủy, HĐND thành phố phê duyệt đủ số lượng cũng như chất lượng cán bộ bảo đảm bộ máy quận mới hoạt động bình thường phục vụ nhân dân.
Cán bộ hiện tại được sắp xếp thế nào thì tới đây sẽ bàn. Một điều bất biến là cán bộ chủ chốt của huyện tham gia HĐND huyện được đơn vị nào bầu lên, sau này điều chỉnh địa giới hành chính sẽ ở lại địa bàn đó.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Trí
Hai quận mới sẽ có tên Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm Theo bí thư huyện Từ Liêm, trong đề án điều chỉnh địa giới hành chính của huyện này đã xác định tên 2 quận mới là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Trụ sở UBND huyện Từ Liêm. Bí thư huyện ủy Từ Liêm Lê Văn Thư vừa có thư gửi nhân dân, cán bộ, Đảng viên, chiến sĩ các lực lượng...