Tên lửa vác vai trong tay IS – mối họa cho hàng không dân dụng
Nhà nước Hồi giáo nhiều khả năng đang nắm trong tay một lượng lớn tên lửa vác vai và có thể dùng chúng để tấn công máy bay dân sự, gây ra những thảm họa hàng không khủng khiếp.
Tay súng nổi dậy ở thị trấn Ras Lanouf, Libya, vác trên vai tên lửa phòng không SA-7. Ảnh: AP
Các tên lửa nói trên được cho là của Libya. Chúng thất lạc khắp nơi sau khi lãnh đạo nước này, ông Muammar Gaddafi, bị lật đổ hồi năm 2011, theo Newsweek.
Trong một cuộc gặp bí mật gần đây ở thị trấn Sabha thuộc sa mạc Libya, một nhóm phiến quân đã khoe những vũ khí quý giá nhất của họ với Timothy Michetti, điều tra viên của một tổ chức ở London, Anh, chuyên theo dấu nguồn vũ khí ở các khu vực xung đột.
Những vũ khí kể trên gồm 4 tên lửa vác vai SA-7 và hai tên lửa vác vai SA-16 phiên bản mới nhất do Nga sản xuất. Tất cả đều là tên lửa tầm nhiệt, đủ sức bắn hạ cả máy bay dân dụng.
Các phiến quân cho biết đã mua những tên lửa này từ bọn buôn lậu khi đang trên đường đến chợ đen vũ khí ở nước láng giềng Cộng hòa Chad. Sau khi so sánh mã số của chúng với cơ sở dữ liệu công ty nắm giữ, Michetti xác nhận tên lửa có nguồn gốc từ kho vũ khí của Gaddafi.
Phiến quân hiện không thể sử dụng chúng vì thiếu giá đỡ và bệ phóng nhưng theo các quan chức Mỹ và Liên Hợp Quốc, còn hàng nghìn tên lửa vác vai vẫn dùng được trong kho vũ khí của Libya đang thất lạc. Các nguồn tin tình báo Mỹ tiết lộ nhiều tên lửa có thể đã lọt vào tay IS. Nếu điều này là thật, viễn cảnh về việc IS cùng các nhóm liên kết dùng chúng để bắn hạ máy bay dân dụng của châu Phi và châu Âu là không quá xa vời.
Nguy cơ kề cận
“Việc vận chuyển các tên lửa này rất đơn giản, vì thế chúng dễ bị buôn lậu”, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ, người đứng đầu nhóm đặc biệt có nhiệm vụ bảo vệ các tên lửa vác vai của Libya, cho hay.
Nhà chức trách hiện chưa rõ có bao nhiêu tên lửa vác vai bị mất tích ở Libya. Theo một số nguồn am hiểu vấn đề, ông Gaddafi trong 4 thập kỷ cầm quyền tích lũy được khoảng 20.000 tên lửa phòng không vác vai. Tuy nhiên, các quan chức nhấn mạnh tình trạng hao mòn, bảo dưỡng kém và chiến dịch dội bom của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hồi năm 2011 đã làm giảm đáng kể con số ước tính.
Video đang HOT
Không lâu sau khi Gaddafi bị lật đổ, Tổng thống Mỹ Barack Obama phái một nhóm đặc nhiệm đến Libya. Họ truy tìm và phá hủy gần 5.000 tên lửa phòng không vác vai. Nhưng chỉ huy của nhóm cũng không biết còn bao nhiêu chiếc thất lạc.
Ngày 11/9/2012, nhóm đặc nhiệm tìm kiếm tên lửa vác vai ở Libya phải hứng chịu một tổn thất nặng nề. Các phiến quân Hồi giáo khi đó tấn công một trạm bí mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở thành phố Benghazi, sát hại 4 người, bao gồm đại sứ Mỹ tại Libya J. Christopher Stevens.
Việc cơ sở của CIA bị xóa sổ khiến nhóm đặc nhiệm mất đi một trong những nguồn thông tin tình báo vô cùng quan trọng. Gần hai năm sau, họ phải rút khỏi Libya khi đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Tripoli bị đóng cửa do tình hình an ninh chuyển biến xấu.
“Mối lo ngại về tên lửa vác vai xuất hiện ngay khi Gaddafi bị lật đổ”, Rachel Stohl, chuyên gia nghiên cứu vũ khí hạng nhẹ thuộc Trung tâm Stimson, trụ sở Washington, nói. “Chúng có thể mang đến tai họa cho cả máy bay dân sự lẫn quân sự, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người một lúc”.
Hiện người ta chưa phát hiện vụ việc nào mà phiến quân Libya dùng tên lửa vác vai tấn công máy bay dân dụng. Nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều nhóm phiến quân tại quốc gia này chưa được huấn luyện và không biết cách sử dụng tên lửa vác vai, các nhà phân tích nhận định.
Quan trọng hơn, thủ lĩnh của hai nhóm đối địch lớn nhất Libya thực sự chỉ muốn giành quyền kiểm soát đất nước, không mảy may quan tâm đến việc tấn công máy bay dân sự bởi nếu làm vậy, chúng sẽ khiến các chuyến bay đến và rời Libya ngừng hoạt động, gây ảnh hưởng tới hoạt động buôn lậu.
Một quả tên lửa vác vai có giá lên đến 12.000 USD. Các phiến quân sẽ không ngần ngại bán chúng trên chợ đen nếu cần tiền, theo Savannah de Tessieres, thành viên một ban đặc trách của Liên Hợp Quốc chuyên điều tra tung tích vũ khí bị mất cắp tại Libya.
Các tên lửa vác vai mà nhóm phiến quân Hồi giáo Ansar al Sharia thu được sau khi chiếm căn cứ của đặc nhiệm Libya ở Benghazi hồi tháng 7/2014. Ảnh: Long War Journal
Song tại Ai Cập, các phiến quân chống chính phủ hoành hành mạnh hơn thế nhiều lần. Tháng 1/2014, những phiến quân Hồi giáo thuộc nhóm cực đoan Ansar Beit al-Maqdis đã dùng một tên lửa vác vai trong kho vũ khí của Libya để bắn rơi máy bay quân sự của chính phủ trên bán đảo Sinai, khiến 5 binh sĩ thiệt mạng. Nhóm này cuối năm 2014 thề trung thành với IS.
Tháng 11 năm ngoái, một nhóm liên kết với IS ở Ai Cập nhận trách nhiệm đánh bom chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Kogalymavia (Metrojet), Nga, cũng trên bán đảo Sinai, khiến toàn bộ 224 người trên khoang thiệt mạng.
Theo bình luận viên Jeff Stein từ Newsweek, giới quan chức Mỹ, châu Âu và Arab gần đây cũng tỏ ra cảnh giác hơn trước nguy cơ IS dùng tên lửa vác vai tấn công máy bay dân dụng, đặc biệt là ở Libya.
Lầu Năm Góc ước tính IS có khoảng 6.500 tay súng tại Libya. Nhưng theo các nguồn tin tình báo, quân số IS ở đây đang tăng lên nhanh chóng, hiện đã đạt đến 10.000 chiến binh.
Một khi IS mất lãnh thổ và nguồn thu dầu mỏ tại Syria và Iraq, các thủ lĩnh của nhóm sẽ lấy Libya làm nơi để rút lui. Mảnh đất này sẽ mang đến nguồn thu dầu mỏ mới và trở thành căn cứ lý tưởng cho IS. Từ đây, chúng có thể phát tán ảnh hưởng khắp Bắc Phi và tiểu vùng Saraha, châu Phi. IS cũng có khả năng trà trộn vào dòng người tị nạn vượt Địa Trung Hải đến châu Âu để tấn công khủng bố.
Nhằm hiện thực hóa mưu đồ trên, IS đang bắt đầu nhắm đến các cơ sở dầu khí của Libya.
Patrick Skinner, cựu nhân viên CIA, nay là lãnh đạo cấp cao của tổ chức tư vấn tình báo Soufan Group, Mỹ, suy đoán một trong những mục tiêu của IS là phá hoại thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa hai nhóm đối địch chính ở Libya.
Một cái đích khác của IS là tìm kiếm thêm nguồn thu cho ngân quỹ đang co hẹp. IS những tuần gần đây đã chiếm quyền kiểm soát hai thị trấn chiến lược gần thành phố Sirte, Libya, tạo điều kiện để nhóm dễ dàng tiếp cận các mỏ dầu ở phía nam đất nước. Skinner cho rằng cơ hội để chặn đứng bước tiến của IS là rất mong manh trong bối cảnh chính phủ liên hiệp ở Libya vẫn chưa hình thành.
Tổng thống Mỹ Obama hơn một tháng qua phải chịu sức ép từ lực lượng quân đội và các cố vấn an ninh quốc gia, yêu cầu ông phát động chiến dịch ném bom quy mô ở Libya nhằm tiêu diệt IS. Ông Obama đến nay vẫn phản đối đề xuất này. Thay vào đó, ông chủ trương tiến hành không kích có trọng điểm, nhằm vào các thủ lĩnh IS ở Libya và một trại huấn luyện của chúng nằm sát biên giới Tunisia.
IS tháng trước loan tin bắn hạ chiến đấu cơ MiG-23 của chính quyền Libya ở phía tây thành phố Benghazi. Nhóm tung một video ghi lại vụ việc để chứng minh cho tuyên bố. Sau quá trình phân tích video, các quan chức tình báo Mỹ nhận định dường như IS đã dùng tên lửa vác vai để bắn hạ chiến đấu cơ nói trên.
Từ tháng một đến nay, IS cũng hai lần khoe khoang về chiến tích bắn hạ máy bay của chính quyền Libya nhưng nhà chức trách phủ nhận, quả quyết rằng các máy bay rơi do vấn đề kỹ thuật. Theo Jeff Stein, nếu phi cơ bị bắn hạ tiếp theo là máy bay dân dụng, lời giải thích trên sẽ không thể được chấp nhận.
Hồng Vân
Theo VNE
Máy bay của hãng Air France suýt va chạm UAV
Một máy bay Airbus A320 của hãng hàng không Air France (Pháp) suýt va chạm với một máy bay không người lái (UAV) khi chuẩn bị hạ cánh xuống thủ đô Paris trong chuyến bay khởi hành từ Barcelona (Tây Ban Nha).
Một máy bay Airbus A320 của hãng hàng không Air France (Pháp) suýt va chạm với UAV trong tháng 2.2016 - Ảnh: Reuters
Cơ quan điều tra hàng không Pháp (BEA) cho biết chiếc Airbus A320 đang bay ở độ cao khoảng 1.600 m khi đến gần sân bay Charles de Gaulle, thủ đô Paris ngày 19.2 thì cơ phó phát hiện phát hiện UAV bay gần phía bên trái máy bay, theo AFP ngày 4.3.
Cơ phó lập tức ngắt chế độ tự động bay, thông báo với cơ trưởng và điều khiển máy bay kịp thời né UAV ở khoảng cách rất gần để tránh va chạm.
Cơ trưởng ước tính UAV bay dưới cánh trái và cách khoảng 5 m, theo thông cáo của BEA ngày 4.3. BEA gọi đây là một vụ việc "nghiêm trọng".
BEA không công bố số người trên máy bay vào thời điểm xảy ra vụ việc, nhưng chiếc bay Airbus A320 có thể chở được 160 hành khách.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) hồi tháng rồi cảnh báo những UAV dân sự thật sự là mối đe dọa đối với ngành hàng không dân dụng. Vào cuối năm 2014 từng xảy ra hàng loạt UAV bí ẩn bay lượn quanh những nhà máy điện hạt nhân của Pháp.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Cộng đồng quốc tế phản đối Trung Quốc bay thử nghiệm ra Trường Sa Ngày 2/1 và 6/1, Trung Quốc đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm ra sân bay mà nước này xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động bất hợp pháp của Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ vì vi phạm Công ước Hàng không quốc...