Tên lửa Triều Tiên rúng động thế giới
Bất chấp quan ngại của cộng đồng quốc tế, CHDCND Triều Tiên ngày 12.12 bất ngờ phóng thành công tên lửa mang vệ tinh vào quỹ đạo.
“Cuộc phóng tên lửa Unha-3 mang vệ tinh Kwangmyongsong – 3 từ Trung tâm Không gian Sohae vào ngày 12.12 đã thành công. Vệ tinh đã vào quỹ đạo như dự kiến”, Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) hồ hởi thông báo. AP thì dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết một tàu khu trục của nước này đã phát hiện vụ phóng vào lúc 9 giờ 51 phút (giờ địa phương) và tên lửa đã bay qua vùng trời phía tây đảo Okinawa của Nhật Bản vào lúc 9 giờ 58 phút. Quân đội Mỹ cũng xác nhận Triều Tiên phóng thành công tên lửa và đặt “một vật thể” vào quỹ đạo với đường bay đúng theo những gì Bình Nhưỡng đã thông báo trước đó. Tên lửa Unha-3 bay theo hướng nam, với các mảnh rơi xuống Hoàng Hải, biển Hoa Đông và vùng biển gần Philippines.
Đường đi của tên lửa Triều Tiên – Ảnh: AFP – Đồ họa Hoàng Đình
Hồi tháng 4, Triều Tiên đã thất bại trong một đợt phóng tương tự và việc nước này cương quyết phóng thêm lần thứ hai trong vòng một năm làm gợi lên nhiều đồn đoán. Theo KCNA, đợt phóng thành công hôm qua là một “sự kiện đột phá” nhân các sự kiện lớn liên quan tới 3 thế hệ lãnh đạo CHDCND Triều Tiên: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), tưởng niệm nhà lãnh đạo Kim Jong-il vào giỗ đầu (17.12) cũng như đánh dấu một năm ông Kim Jong-un lên cầm quyền.
Bên cạnh đó, báo Chosun Ilbo hồi tuần rồi dẫn một số nguồn tin nói lãnh đạo Kim Jong-un vừa tăng cường bảo vệ dinh thự của ông và một số cơ sở quan trọng tại Bình Nhưỡng, vì “lo ngại đảo chính và bất ổn”. Do đó, một số quan chức Hàn Quốc giấu tên cho rằng cuộc phóng tên lửa thành công lần này sẽ giúp ông Kim Jong-un đạt được một thành tựu đột phá lớn trong mắt người dân, qua đó ổn định tình hình trong nước. Bình Nhưỡng chưa có phản ứng về các đồn đoán này.
Video đang HOT
Một lý do khác khiến Triều Tiên nỗ lực phóng tên lửa được cho là để “át vía” Hàn Quốc ngay trước khi kỳ bầu cử tổng thống của miền Nam cũng như chứng tỏ sự vượt trội về công nghệ khi Seoul vừa phải thông báo hoãn phóng tên lửa mang vệ tinh đến năm 2013 vì lý do kỹ thuật. Trong khi đó, Hàn Quốc, Mỹ và các đồng minh thì tố cáo đây là một cuộc thử tên lửa đạn đạo trá hình, theo AFP.
Đến nay, Triều Tiên vẫn khẳng định phóng tên lửa Unha-3 là một phần chương trình không gian hòa bình của nước này. Trước đó, vào ngày 10.12 qua, KCNA loan tin nước này cân nhắc hoãn phóng đến chậm nhất là ngày 29.12 do trục trặc kỹ thuật. Thậm chí, đến ngày 11.12, Yonhap còn dẫn các nguồn tin quân sự cho biết Triều Tiên đã tháo tên lửa khỏi bệ phóng. Do đó, hầu như tất cả các bên đều ngỡ ngàng khi tên lửa Unha-3 hoàn thành nhiệm vụ vào hôm qua. Báo Nhật Asahi Shimbun thậm chí dẫn lời các chuyên gia cho rằng mọi thông báo về “trục trặc kỹ thuật” trước đó đều là đòn nghi binh. Họ cũng tỏ ra nghi ngờ liệu có đúng Unha-3 được phóng từ Sohae hay không.
Phản ứng mạnh
AFP hôm qua dẫn lời TTK LHQ Ban Ki-moon chỉ trích cuộc phóng là “hành động khiêu khích”, vi phạm nghị quyết của HĐBA. Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản là các bên lớn tiếng lên án nhất. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda lập tức tổ chức họp khẩn để bàn phương án đối phó. Theo các chuyên gia, Seoul, Tokyo và có thể là cả Washington đều bất ngờ khi Bình Nhưỡng phóng thành công tên lửa. Với họ, điều này chứng tỏ công nghệ tên lửa Triều Tiên đã có những đột phá vượt bậc và trong một ngày không xa, tên lửa đạn đạo của nước này có thể vươn tới nước Mỹ.
Bên cạnh đó, vụ phóng thử chắc chắn sẽ là một vấn đề lớn trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào ngày 19.12 nhưng chưa rõ sẽ tác động theo chiều hướng nào, theo Yonhap. Một số chuyên gia cho rằng vụ việc sẽ tạo cơ may cho ứng viên Park Geun-hye của phe cứng rắn trong khi có người nói cử tri Hàn Quốc sẽ không muốn leo thang căng thẳng và bỏ phiếu cho ông Moon Jae-in có đường lối ôn hòa hơn.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Tommy Vietor khẳng định Mỹ sẽ làm việc với các đối tác quốc tế để có “hành động phù hợp”. Nước này và đồng minh cũng kêu gọi HĐBA LHQ có phản ứng mạnh đối với Bình Nhưỡng sau cuộc họp dự kiến diễn ra vào hôm nay, theo AFP. Tuy nhiên, theo giới quan sát, Trung Quốc có thể sẽ không đồng ý siết chặt trừng phạt Triều Tiên. Trong bài xã luận ngày 12.12, Tân Hoa xã cho rằng Triều Tiên “nên tuân thủ các nghị quyết của LHQ” nhưng đồng thời bảo vệ quyền nghiên cứu không gian của nước này và kêu gọi các bên kiềm chế.
Đến tối qua, KCNA dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định nước này sẽ tiếp tục theo đuổi quyền nghiên cứu không gian hòa bình và chỉ trích ngược “các thế lực thù địch” lợi dụng sự kiện lần này để gây hấn. Ông này cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế “bình tĩnh và lý trí để sự việc không đi theo chiều hướng căng thẳng”.
Theo TNO
Mỹ: Triều Tiên đã đưa được một vật thể vào quỹ đạo
Bộ chỉ huy phòng vệ vũ trụ Bắc Mỹ cho biết Triều Tiên có vẻ như đã phóng thành công một vật thể vào quỹ đạo và tên lửa đẩy của Triều Tiên đã bị hệ thống cảnh báo tên lửa Mỹ phát hiện và theo dõi.
Triều Tiên vài giờ trước đó đã xác nhận vụ phóng tên lửa vào sáng nay và cho biết tên lửa đã đưa được một vệ tinh vào quỹ đạo. Vụ phóng tương tự trước đó của tên lửa Unha-3 hồi tháng 4 đã thất bại, khi tên lửa phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng.
"Giới chức Bộ chỉ huy phòng vệ vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) hôm nay thừa nhận hệ thống cảnh báo tên lửa Mỹ đã phát hiện và theo dấu vụ phóng một tên lửa Triều Tiên vào 7h49 EST (00h49GMT), cơ quan phối hợp giữa Mỹ-Canada ra tuyên bố cho biết. "Tên lửa đã được theo dấu ở vùng trời miền nam".
NORAD cho biết những dấu hiệu ban đầu cho thấy tầng một của tên lửa đã rơi xuống Hoàng Hải, và ước đoán tầng 2 rơi xuống vùng biển ngoài khơiPhilippines.
"Dấu hiệu ban đầu cho thấy tên lửa đã triển khai một vật thể và vật thể này có vẻ như đã đến được quỹ đạo", Bộ chỉ huy phòng vệ vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) cho biết. "Tên lửa và các mảnh vỡ của nó không gây nguy hại cho Bắc Mỹ".
Trong khi đó, David Wright, đồng giám đốc chương trình an ninh không gian tại Liên hiệp các nhà khoa học của Mỹ cho biết vẫn còn quá sớm để tin rằng tên lửa Triều Tiên đã đưa được vệ tinh vào quỹ đạo như nước này tuyên bố.
"Vẫn còn quá sớm để biết nó có thành công hay không. Có một vài thông tin cho thấy có vẻ như hai tầng đầu của tên lửa đã hoạt động tốt, nhưng chúng ta sẽ phải đợi xem", ông cho hay.
Tuần trước, người đứng đầu Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho biết Washington đã triển khai tàu trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và đang giám sát Triều Tiên "rất sát" trước vụ phóng dự kiến.
Hai tàu khu trục có tên lửa dẫn đường, USS Benfold và USS Fitzgerald, đã được phái tới khu vực trước vụ phóng, một quan chức hải quân Mỹ cho hay. Hai tàu di chuyển vào vị trí để "theo dõi bất kỳ vụ phóng tên lửa nào của Triều Tiên và để cảnh báo cho các đồng minh về vụ phóng", một quan chức giấu tên cho biết. Cả hai tàu khu trục được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis tinh vi.
Theo Dantri
Triều Tiên hoãn phóng tên lửa đến 29/12 Một binh sĩ đứng bảo vệ tên lửa Unha-3 của Triều Tiên trước lần phóng thất bại hồi tháng 4 Triều Tiên ngày hôm qua (10/12) thông báo thời gian phóng tên lửa mang theo một vệ tinh khoa học của nước này được gia hạn đến ngày 29/12. Ban đầu, Triều Tiên dự định sẽ phóng tên lửa mang theo một vệ...