Tên lửa “tỏa nhiệt” khắp Đông Bắc Á
Khu vực Đông Bắc Á dồn dập biến động đẩy căng thẳng lên cao chưa từng có. Triều Tiên thử tên lửa, Mỹ – Hàn triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối ( THAAD), chính trường Hàn Quốc bất ổn, quan hệ giữa Hàn Quốc với Trung Quốc và Nhật Bản leo thang do những tranh cãi về THAAD…
Khó tìm ra phương thuốc nào để “hạ nhiệt” bán đảo Triều Tiên, Đông Bắc Á khi mỗi bên đều kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình.
Những “hàng rào” tên lửa đấu với các vụ thử hạt nhân
Điểm nóng tâm điểm khu vực chính là bán đảo Triều Tiên khi nơi đây đang “tập kết” những loại vũ khí tối tân nhất như tàu sân bay, tên lửa, tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu… và luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
Trong tuần, một trong những tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân “khủng” nhất của Mỹ xuất hiện ở Busan để cùng quân đội Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu các cuộc tập trận chung thường niên “Đại bàng non” và “Giải pháp then chốt” kéo dài từ cuối tháng 2 đến hết tháng 4. Sự kiện luôn bị Triều Tiên chỉ trích là bước chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh xâm lược nước này.
Không chỉ có tập trận, Mỹ và Hàn Quốc viện dẫn các nguy cơ từ Triều Tiên để giải thích cho quyết định đẩy nhanh kế hoạch triển khai THAAD. Các bộ phận cấu thành của lá chắn tên lửa đang được khẩn trương đưa đến Hàn Quốc để bắt đầu triển khai ở khu vực đông nam nước này, và có thể sẽ hoạt động sớm nhất vào tháng tới.
Tên lửa Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng. Ảnh: CNN.
Để đáp lại, trang mạng 38North của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) chuyên nghiên cứu về động thái của Triều Tiên tiết lộ rằng Bình Nhưỡng cũng đang chuẩn bị cho vụ thử vũ khí hạt nhân lần thứ 6 và vụ thử lần này sẽ tạo sức ép tương đương 282.000 tấn, lớn hơn nhiều lần so với những lần thử vũ khí hạt nhân trước đây mà nước này từng thực hiện.
Theo thông tin của trang mạng 38North, trước đó, qua phân tích các hình ảnh vệ tinh, phát hiện tại lối vào đường hầm phía Bắc, bãi thử nghiệm vũ khí hạt nhân Punggye-ri ở quận Kilju, khu hành chính Hamgyeongbuk-do, đông bắc Triều Tiên đang tiến hành đào bới trên quy mô lớn và đến nay lượng đất cát đào lên ngày càng nhiều.
Căn cứ vào những dữ liệu thu được, trang mạng trên đã đưa ra những phán đoán về độ sâu mà phía Triều Tiên đang tiến hành đào bới. Sau khi phân tích, các chuyên gia cho rằng các đường hầm này có thể chịu được các vụ thử hạt nhân dưới lòng đất có sức ép lớn hơn dự đoán hiện nay.
Nếu Triều Tiên triển khai lần thử hạt nhân thứ 6, sức nổ tối đa của nó có thể lên tới 282.000 tấn, gấp 14 lần so với sức ép của vụ thử hạt nhân thứ 5 gần đây. Theo đánh giá, mỗi lần Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân, họ đều gia tăng sức nổ. Quy mô vụ thử hạt nhân lần đầu tiên hồi tháng 10-2006 được phán đoán là chưa đến 1.000 tấn.
Vụ thử hạt nhân thứ 2 từ 2.200-4.000 tấn, vụ thử thứ 3 và thứ 4 lần lượt là 8.000-10.000 tấn, vụ thử hạt nhân thứ 5 vào tháng 9-2016 đã tăng lên 15.000-20.000 tấn, quy mô tương đương với vụ ném bom nguyên tử xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trước đây.
Trong những năm qua, Triều Tiên không ngừng tiến hành nghiên cứu về công nghệ tên lửa và đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực này, khả năng tấn công và tầm bắn của các tên lửa tầm ngắn và tầm trung do họ tự chế tạo đã được tăng cường.
Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu an ninh quốc tế thuộc Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson, ông Robert Litwak cho rằng cho dù đầu đạn hạt nhân thu nhỏ này “trên thực tế có thể chỉ là một công cụ thông minh” song không thể phủ nhận việc Triều Tiên “dường như đã nhanh chóng trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Trong một diễn đàn về vấn đề Triều Tiên gần đây, ông Litvack tiết lộ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có quy mô gần bằng một nửa kho vũ khí hạt nhân của nước Anh. Ông cho rằng kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng hiện có thể đang có 20 quả bom hạt nhân và lượng plutoni và urani làm giàu đủ để chế tạo hàng chục quả bom hạt nhân.
Video đang HOT
Theo tờ Washington Post, việc Triều Tiên mới đây bắn thành công 4 quả tên lửa tầm trung vào vùng biển Nhật Bản, là bằng chứng cho thấy Triều Tiên đã đạt được nhiều tiến triển trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân và tên lửa, khiến cho cuộc đối đầu quân sự lâu dài giữa Mỹ và Triều Tiên ngày càng trầm trọng. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vì thế không thể hạ nhiệt.
Các chuyên gia nhận định, sở dĩ không thể giải quyết vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là vì, xét từ góc độ bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình, các quyết sách chính trị của Triều Tiên đều nhằm bảo đảm lợi ích cốt lõi là bảo đảm tầng lớp lãnh đạo không mất đi quyền lực và bảo đảm tầng lớp lãnh đạo có khả năng tự đưa ra những quyết sách quan trọng, sẽ không chịu sự chi phối của các cường quốc.
Phân tích một cách tỉ mỉ cho thấy các động thái của Triều Tiên trong những năm gần đây chính là để bảo vệ chặt chẽ những lợi ích cốt lõi trên. Do đó, việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa dùng cho vũ khí hạt nhân là nhằm buộc Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc phải từ bỏ ý định lật đổ chế độ hiện hành từ bên ngoài.
Những mối quan hệ… trong “rối” ngoài “lo”
Theo giới phân tích, các đồng minh chính của Mỹ luôn cảm thấy lo lắng khi kho vũ khí của Triều Tiên không ngừng mở rộng nên đã tích cực nghiên cứu phát triển khả năng tấn công phủ đầu. Các nhà quan sát cho rằng, nguy cơ xung đột trong khu vực hiện nay đã cao hơn nhiều so với những năm trước.
Cùng với việc Triều Tiên luôn nỗ lực tìm kiếm phát hiện mục tiêu, tức là triển khai các tên lửa tầm xa có khả năng tấn công các thành phố của Mỹ, nguy cơ này sẽ còn tiếp tục gia tăng.
Để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên, Mỹ và các đồng minh ở Đông Á đã thử nghiệm các chiến lược khác nhau. Gần đây, họ đang tích cực hơn những năm trước trong việc tìm kiếm các biện pháp để có thể hóa giải mối đe dọa này. Theo các quan chức Nhà Trắng, Tổng thống D.Trump đang xem xét các lựa chọn khác nhau để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.
Tàu sân bay Mỹ tới Busan tham gia diễn tập với quân đội Hàn Quốc. Ảnh: seaforces.org.
Tuy nhiên, các nước như Mỹ hay Hàn Quốc đều đang phải đối phó với những khó khăn lớn ngay từ bên trong. Ở Hàn Quốc có thể gọi là “cơn địa chấn chính trị” liên quan việc Tổng thống Park Geun-hye chính thức bị phế truất. Vừa ổn định tình hình, vừa tìm cách hàn gắn xã hội đang chia rẽ sâu sắc, trong khi chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa phải tiến hành bầu cử tìm nhà lãnh đạo mới, là bài toán khó với chính quyền Hàn Quốc hiện nay.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Hàn Quốc, nhất là các ngành du lịch và thương mại, đang chịu tác động lớn do các biện pháp trả đũa từ phía Trung Quốc để chống lại THAAD. Giới chuyên gia dự đoán rằng “vũ khí kinh tế” của Bắc Kinh có thể khiến Hàn Quốc thiệt hại tới 15 tỷ USD trong thời gian trước mắt.
Trong khi đó, nước Mỹ vừa tuyên bố sẽ từ bỏ chính sách “ xoay trục” trong bối cảnh nhiều sắc lệnh của tân Tổng thống bị phản đối ở khắp các bang. Người dân biểu tình rầm rộ chống lại cách thức điều hành mới. Thực tế đã cho thấy những rối ren chính trị ở Hàn Quốc, cùng mối quan hệ thất thường, thiếu niềm tin giữa các nước trong khu vực đã khiến tiến trình đối thoại giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, hay nỗ lực cải thiện quan hệ Trung – Nhật – Hàn gặp nhiều rào cản trong một thời gian dài.
Những diễn biến mới gần đây đang khiến dư luận lo ngại sẽ càng khiến an ninh và ổn định của khu vực đi theo chiều hướng tiêu cực lâu dài, thậm chí có thể mở đường cho một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực. Trong bối cảnh phức tạp như vậy, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson công du 3 nước Đông Bắc Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, từ ngày 15 đến 19-3, là sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Giới phân tích nhận định ông Tillerson, trong chuyến công du đầu tiên với tư cách người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, phải đối mặt với bài toán đầy thách thức trong việc điều chỉnh mối quan hệ với 3 nước nói trên.
Khó khăn nhất là làm sao điều hướng được mối quan hệ đang căng thẳng giữa Seoul – Bắc Kinh – Tokyo để cùng hợp tác đối phó với Triều Tiên, trong khi dự án triển khai THAAD được tiến hành suôn sẻ. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng, bởi lẽ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản – cùng là hai đồng minh thân thiết của Washington – đã tồn tại những mâu thuẫn chính trị mang tính lịch sử khó giải quyết.
Trong khi đó, phải điều chỉnh quan hệ Mỹ – Trung ra sao để bảo đảm lợi ích khi mà Trung Quốc không ngần ngại trả đũa Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thế “kẹt” ở Đông Bắc Á và “toan tính” của các nước lớn
Với những đặc thù của một khu vực hội tụ nhiều mâu thuẫn và lợi ích đan xen trên cả bình diện song phương và đa phương, “bàn cờ” Đông Bắc Á đang bày “thế” khó cho tất cả các bên liên quan. Liệu Mỹ và Trung Quốc hay Nga có thể đóng góp gì để giải “thế cờ” khó hiện nay?
Trước mắt, theo bài viết đăng trên tờ The New York Times ngày 15-3, một số quan chức tham gia việc lên chương trình cho chuyến công du đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới châu Á cho biết người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sẽ cảnh báo các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng Mỹ sẵn sàng tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa và gây áp lực lên các cơ sở tài chính của Trung Quốc, nếu như họ không vận dụng ảnh hưởng của mình để kiềm chế các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Được biết chính quyền của ông Trump cũng đã thảo luận về việc tăng áp lực lên các ngân hàng Trung Quốc để gây khó khăn cho bất kỳ ngân hàng nào có hoạt động kinh doanh với Triều Tiên bằng đồng USD. Tuy nhiên những nỗ lực “đánh tiếng” của Mỹ dành cho Trung Quốc lập tức bị Triều Tiên “dội một gáo nước lạnh” khi Triều Tiên thẳng thừng bác đề xuất của Trung Quốc về vấn đề hạt nhân.
Ngày 16-3, Công sứ Triều Tiên tại Bắc Kinh Pak Myong Ho cho rằng đề xuất mới đây của Trung Quốc trong nỗ lực nhằm làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là vô nghĩa, cho rằng điều đó cũng đã bị Mỹ bác bỏ.
Trong một cuộc họp báo hiếm hoi được Đại sứ quán Triều Tiên tổ chức ở Bắc Kinh, Công sứ Pak Myong Ho đã bảo vệ chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời nhấn mạnh: “Lập trường của chúng tôi nhằm tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia bằng sức mạnh hạt nhân, do năng lực tấn công phủ đầu và then chốt của sức mạnh hạt nhân đã được chứng minh là đúng đắn. Việc Mỹ từ bỏ chính sách thù địch nhằm vào Triều Tiên là điều kiện tiên quyết để giải quyết mọi vấn đề”.
Bình luận trên được nhân vật số 2 trong Đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh đưa ra sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 8/3 đề nghị Triều Tiên ngừng các hoạt động phát triển tên lửa và hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ ngừng cuộc tập trận thường niên chung với Hàn Quốc. Không chỉ Triều Tiên, Mỹ cũng đã nhanh chóng bác bỏ đề xuất này.
Nước Mỹ cũng ý thức rõ, cách làm cũ, phương thuốc cũ không giúp hạ nhiệt bán đảo Triều Tiên, Đông Bắc Á, cần có cách làm mới, cách tiếp cận mới. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng 2 thập niên nỗ lực nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên đã không đạt hiệu quả, “tôi nghĩ điều quan trọng là cần nhận ra rằng các nỗ lực chính trị và ngoại giao trong suốt 20 năm qua nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên đã thất bại”, do vậy cần một cách tiếp cận mới trong việc giải quyết vấn đề nan giải này.
Ngoại trưởng Rex Tillerson phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida nhân chuyến thăm tới Tokyo của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ rằng, cách tiếp cận mới này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa 3 bên trong liên minh quân sự Mỹ – Nhật – Hàn. Tuy nhiên, không thể chỉ trông chờ vào liên minh trên mà cần có vai trò của Trung Quốc, thậm chí cả Nga.
Nhưng làm thế nào Mỹ có thể thuyết phục Trung Quốc giải quyết các vấn đề về cơ bản xảy ra giữa họ và Triều Tiên trong khi đe dọa chiến tranh thương mại với Trung Quốc? Trung Quốc từng tuyên bố rằng nếu Mỹ muốn họ hợp tác giải quyết các vấn đề liên quan đến Triều Tiên, thì với điều kiện Mỹ phải rút lại quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THADD ở Hàn Quốc. Còn trên thực tế Mỹ vẫn đẩy nhanh quá trình triển khai THADD và khẳng định dự án sẽ hoàn thành vào mùa hè tới.
Những mâu thuẫn giằng xé giữa các nước lớn chính là một trong những căn nguyên khiến tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á cứ mãi dậm chân tại chỗ.
Theo Hoa Huyền
An ninh thế giới
Vì sao Trung Quốc kịch liệt ngăn Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc?
Trước những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ vừa bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc bất chấp sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Ảnh. National Interest
Ngay sau khi Triều Tiên phóng 4 tên lửa ngày 6.3, Mỹ lập tức triển khai 2 bệ phóng của hệ thống THAAD đến căn cứ không quân Osan, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kịch liệt phản đối việc triển khai THAAD đến Hàn Quốc và cảnh báo hai nước Mỹ - Hàn sẽ phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ hậu quả tiếp theo nào xảy ra liên quan đến động thái này này. Đây là 2 lý do quan trọng khiến Trung Quốc kịch liệt phản đối việc triển khai THAAD.
Khả năng trinh sát vào sâu trong lãnh thổ Trung Quốc
Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã tập trung đầu tư một kho vũ khí khổng lồ các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Đây được xem là một phần quan trọng trong "chiến lược chống tiếp cận" mà Trung Quốc xây dựng để đề phòng các mối đe dọa an ninh có thể xảy ra, trong đó Nhật Bản và Mỹ được xem là 2 nguy cơ chính.
THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối của chuyến bay. Hệ thống radar mà THAAD sử dụng là AN/TPY-, thuộc loại radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) có khả năng nhận dạng mục tiêu rất cao. Radar có tầm trinh sát khoảng 1.000 km, có thể mở rộng lên đến 4.000 km.
Vì vậy, với việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc, hoạt động của một loạt các căn cứ quân sự ở dọc phía Đông của Trung Quốc đều nằm trong "tầm ngắm" của radar hệ thống THAAD, nhất là lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc mà từ trước tới nay Mỹ có rất ít thông tin.
Thêm vào đó, các nhà hoạch định chiến lược quân sự Trung Quốc tin rằng, khả năng tấn công tên lửa và răn đe hạt nhân của nước này sẽ giảm đáng kể bởi radar của THAAD sẽ giúp Mỹ phát hiện ra mục tiêu tốt hơn và đưa ra thời gian cảnh báo sớm hơn. Vì thế, Trung Quốc có thể sẽ yếu thế về mặt chiến lược trong một cuộc chiến với Mỹ nếu xảy ra chiến tranh.
Nguy cơ hình thành liên minh phòng thủ tên lửa khu vực
Theo tờ National Interest, Trung Quốc cho rằng khi Mỹ triển khai xong THAAD ở Hàn Quốc thì sẽ dẫn tới việc hình thành một liên minh phòng thủ tên lửa Mỹ - Nhật - Hàn ở khu vực Đông Bắc Á.
Hiện nay, Mỹ và Nhật đang hợp tác triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis BMD trên một số chiến hạm của 2 nước.
Hệ thống Aegis BMD sử dụng tên lửa siêu hạng SM-3 có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa từ bên ngoài bầu khí quyển. Nếu hệ thống THAAD ở Hàn Quốc kết nối với Aegis BMD sẽ trở thành mối đe dọa lớn đối với năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc.
Bắc Kinh lo sợ rằng, THAAD là một bước trong kế hoạch mà Mỹ thực hiện để bao vây Trung Quốc với một hệ thống phòng thủ tên lửa từ Nhật Bản đến Đài Loan và thậm chí là Ấn Độ.
Một cựu tướng Hải quân Trung Quốc cáo buộc, việc hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân của Mỹ ở gần Trung Quốc cũng giống như là "một kẻ có tiền án, tiền sự lang thang ngay ngoài cửa của một gia đình".
Trước đó, năm 2013, trước mối đe dọa hạt nhân từ phía Triều Tiên, Mỹ cũng đã triển khai THAAD ở đảo Guam nhằm ngăn ngừa một cuộc tấn công tên lửa có thể xảy ra từ phía Bình Nhưỡng.
Bắc Kinh lúc đó cũng đã phải đối rất quyết liệt hành động của Mỹ.
Hiện, để phản đối việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc, Trung Quốc đã đóng cửa hàng loạt siêu thị Lotte và đình chỉ các tour du lịch đến Hàn Quốc. Quan hệ ngoại giao Trung-Hàn rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong những thập niên gần đây. Tình hình an ninh ở khu vực Đông Bắc Á cũng trở năng căng thẳng hơn.
Theo Danviet
Vì sao THAAD là bài toán khó với Hàn Quốc? Tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa từ tay Mỹ, Hàn Quốc đang cùng lúc chọc tức cả Triều Tiên và Trung Quốc. Với việc Hàn Quốc bắt đầu triển khai hệ thống diệt tên lửa hiện đại của Mỹ, những phản ứng từ phía Triều Tiên không phải là vấn đề lo ngại duy nhất với quốc gia này. Hệ thống...