Tên lửa phòng không KN-06 Triều Tiên gây sửng sốt
Tên lửa phòng không tầm trung KN-06 do Triều Tiên phóng hôm 2/4 khiến giới quân sự ngỡ ngàng bởi việc chế tạo tên lửa loại này đòi hỏi kỹ thuật rất cao.
Triều Tiên bắn thử thành công tên lửa phòng không KN-06 hôm 2/4. Ảnh: KCNA
Ngày 2/4, Triều Tiên công bố những hình ảnh về vụ thử tên lửa phòng không tầm trung KN-06, loại tên lửa có vẻ ngoài khá giống S-300PT của Nga.
Việc Bình Nhưỡng công khai hình ảnh phóng tên lửa chứng tỏ KN-06 đã tiến gần đến giai đoạn biên chế trong quân đội nước này, hoặc có thể đã trong biên chế, theo tờ Guancha của Trung Quốc.
Điều khiến các quan sát viên quốc tế ngạc nhiên là Bình Nhưỡng có thể phát triển thành công hệ thống tên lửa phóng thẳng đứng hiện đại này trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Tên lửa phòng không là loại vũ khí có yêu cầu kỹ thuật cực cao, liên quan tới cơ khí, điện tử, hóa học và nhiều lĩnh vực khác. Việc nghiên cứu, đầu tư cho loại vũ khí này tiêu tốn số tiền rất lớn. Trên thị trường vũ khí quốc tế, tên lửa phòng không gần như là “sân chơi” riêng của Mỹ và Nga.
Đồng minh thân cận của Triều Tiên là Trung Quốc hiện mới chỉ sản xuất được tên lửa phòng không HQ-9, loại tên lửa bị coi là sự pha trộn giữa S-300P của Nga và Patriot của Mỹ.
Đồng minh của Mỹ là Pháp cũng đã nghiên cứu thành công tên lửa phòng không tầm xa Aster-30, nhưng phải bắt tay cùng Italy để phát triển.
So với các quốc gia nêu trên, Triều Tiên có tiềm lực kinh tế kém hơn rất nhiều. Với những khó khăn kể trên, việc Triều Tiên thử thành công tên lửa KN-06 khiến giới chuyên gia quân sự đặt giả thiết nước này đã có được bản thiết kế tên lửa S-300 từ Nga.
Video đang HOT
Dù có bản thiết kế S-300, việc phát triển được KN-06 vẫn là bước tiến vượt bậc của quân đội Triều Tiên, bởi Ấn Độ với tiềm lực kinh tế mạnh hơn nhiều vẫn đang chật vật thử nghiệm SA-6, phiên bản đơn giản hơn S-300.
Cường quốc tên lửa
Triều Tiên cũng là “nước lớn” nếu xét riêng lĩnh vực tên lửa và tên lửa mang vệ tinh, theo Guancha. Đây là quốc gia hiếm hoi thuộc thế giới thứ ba nghiên cứu, chế tạo, phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa. Pakistan, Iran cũng dùng nhiều ứng dụng tên lửa của Triều Tiên
Bắt đầu nghiên cứu động cơ tên lửa dùng nhiên liệu rắn từ thập niên 80 thế kỷ trước, Triều Tiên đã có bước đột phá trong lĩnh vực này.
Triều Tiên sở hữu công nghệ tên lửa đạn đạo và tên lửa mang vệ tinh. Ảnh: KCNA
Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng với kinh nghiệm nghiên cứu tên lửa lâu năm, việc Bình Nhưỡng sở hữu giàn tên lửa phòng không có tính năng gần giống S-300 nổi tiếng của Nga không phải là điều quá khó khăn.
Quân đội Triều Tiên đã được biên chế tên lửa nhiên liệu rắn, trong khi các nhà khoa học nước này đang nghiên cứu động cơ sử dụng nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo tầm trung, tầm xa. Đây là những nền tảng quan trọng để có thể chế tạo thành công KN-06.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng KN-06 vẫn khó có thể sở hữu những tính năng ưu việt của S-300, bởi điểm yếu lớn nhất của nó nằm ở hệ thống tác chiến điện tử.
Theo đó, các tên lửa phòng không thế hệ thứ ba tương tự S-300, ngoài các vấn đề cơ khí, còn cần tới hệ thống chỉ huy và radar tự động quét mục tiêu. Với khả năng hiện tại của Triều Tiên, những thiết bị này phần nhiều đến từ viện trợ nước ngoài. Iran, với mối quan hệ quốc phòng mật thiết với Triều Tiên, rất có thể là quốc gia cung cấp những thiết bị mà Bình Nhưỡng còn thiếu.
Dù cũng bị phương Tây cấm vận như Triều Tiên, Iran đã chế tạo thành công hệ thống radar bán chủ động và radar dò quét mục tiêu, những yếu tố mang tính đột phá trong công nghệ tên lửa phòng không.
Radar của tên lửa SAYYED-2, mô phỏng hệ thống SM-1 của Mỹ, có khả năng dò quét tốc độ cao, kháng nhiễu tốt, phạm vi hoạt động lên tới 250 km, theo dõi cùng lúc 100 mục tiêu, đạt tiêu chuẩn tên lửa phòng không thế hệ thứ ba.
Iran chế tạo thành công hệ thống radar dành cho tên lửa phòng không thế hệ thứ ba, mô phỏng hệ thống Hawk của Mỹ. Ảnh: sina.com
Theo các quan sát viên quân sự của DefenseNews, tên lửa KN-06 do Triều Tiên phóng hôm 2/4 rất giống tên lửa Iran. Do đó, có thể nói KN-06 là sự kết hợp giữa công nghệ tên lửa Triều Tiên, radar và hệ thống chỉ huy tự động hóa của Iran.
Thách thức lớn nhất với Triều Tiên hiện tại là làm thế nào sản xuất quy mô lớn KN-06 và trang bị cho quân đội. Công nghệ tên lửa phòng không là cuộc vạn lý trường chinh mà Triều Tiên mới hoàn thành được bước đi đầu tiên, trang mạng quốc phòng này nhấn mạnh.
Văn Việt
Theo VNE
Vì sao Nga tăng tốc, mở rộng sản xuất S-400?
Trang Gazeta vừa đưa ra một vài lí giải cho việc Nga tăng cường năng lực sản xuất các hệ thống tên lửa phòng không S-400.
"Chúng tôi đang làm việc 7 ngày một tuần để hoàn thành các hệ thống tên lửa phỏng không S-400", một thành viên của Cục thiết kế Globus ở Ryazan tiết lộ vào năm 2015. Globus là một trong những cục thiết kế có tham gia vào việc nghiên cứu và phát triển các hệ thống tên lửa phòng không S-400.
Ngoài ra, một nhà máy khác ở khu vực Nizhny Novgorod cũng vừa được lệnh mở dây chuyền sản xuất các hệ thống tên lửa phòng không S-300 và S-400 vào hồi tháng 2-2016.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga
Theo lí giải của giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ, ông Ruslan Pukhov, kể từ chiến dịch Bão cát sa mạc năm 1991, tất cả đã nhận ra mối đe doạ đối với chủ quyền đất nước đến từ trên không.
"Sự thật này được chứng minh qua chiến dịch ném bom của NATO ở Nam Tư, chiến tranh Iraq, Lybia và tình hình tương tự hiện nay tại Syria, khi Nga phải triển khai cả hệ thống tên lửa phòng không đi kèm các máy bay chiến đấu", ông Pukhov nói thêm.
Theo ông Pukhov, sự thiếu thốn cơ sở sản xuất các hệ thống tên lửa phòng không S-300 và S-400 đến từ nhu cầu của những khách hàng thân quen với vũ khí Nga và các nước vốn hiểu rõ rằng chiến tranh tương lai sẽ như thế nào.
"Trung Quốc đứng đầu tiên trong danh sách, sau đó đến Ấn Độ, Venezuela, Algeria và Iran. Những khách hàng mới cũng đang dần xuất hiện. Một vài năm trước, Uganda đã mua một tỉ USD tiền máy bay chiến đấu Su-30 và thiết bị liên quan. Họ cũng nói chuẩn bị mua thêm tên lửa phòng không S-300", ông Puhkov nhấn mạnh.
Một nguyên nhân khác nhiều nước và thậm chí là chính quân đội Nga cần S-400 đó là, không giống phiên bản S-300, nó có thể đánh chặn được cả các tên lửa đạn đạo hiện đại nhất trên thế giới hiện nay đến từ Mỹ.
Theo_An ninh thủ đô
Kim Jong-un giám sát thử hệ thống phòng thủ tên lửa mới Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đích thân giám sát cuộc thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa mới của quân đội. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một cuộc tập trận bắn đạn thật của quân đội Triều Tiên. Ảnh: KCNA Ông Kim Jong-un đã ca ngợi các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật và quân đội thử...