Tên lửa Libya “vượt biên” thẳng ra… chợ đen Ai Cập
Hôm nay, quan chức Ai Cập tiết lộ, một lượng lớn vũ khí từ Libya đang vượt qua biên giới Libya – Ai Cập để tràn vào chợ đen tại bán đảo Sinai Ai Cập, tăng nhân tố bất ổn tại khu vực này.
Từ khi chính quyền Gaddafi sụp đổ vào tháng 8, quan chức an ninh Ai Cập đã thu được rất nhiều tên lửa đất đối không trên đường đến bán đảo Sinai cũng như đường buôn lậu nối liền Ai Cập và dải Gaza. Các tay buôn vũ khí cũng cho biết, chợ đen ở bán đảo Sinai đã có bán đạn tên lửa và pháo cao xạ.
Tình hình này khiến mọi người lo lắng về an ninh tại bán đảo Sinai, vùng giao giới giữa Israel và dải Gaza, vị trí địa lí nhạy cảm, tình hình hiện nay đã bất ổn. Số vũ khí qua khu vực này vào trong tay Palestine rõ ràng sẽ tăng tình hình căng thẳng giữa Palestine và Israel.
Một trạm gác tại bán đảo Sinai Palestine
Video đang HOT
Một quan chức quân đội tình báo Ai Cập đã về hưu nói: “Chúng tôi không hi vọng nhìn thấy Ai Cập trở thành con đường buôn lậu vũ khí.” Theo ông, đã có tên lửa đất đối không ở Libya bị thu giữ khi vào cảng Alexandria Ai Cập và từ cảng này vào Gaza. Ông cho rằng một số tổ chức Palestine đang tiến hành giao dịch vũ khí với Libya.
Quan chức Mỹ và Israel đã kêu gọi Ai Cập áp dụng các biện pháp để bảo vệ ổn định và an ninh tại bán đảo Sinai. Từ khi Ai Cập nổ ra cách mạng hồi đầu năm, ống dẫn khí tự nhiên từ khu vực này đến Israel nhiều lần bị các phần tử vũ trang phá hoại. Vụ tấn công tại khu vực này xảy ra vào tháng 8 đã khiến 8 dân thường Israel thiệt mạng, thúc đẩy Israel triển khai hành động báo thù, khiến 6 binh sĩ Ai Cập thiệt mạng.
Theo VTC
Bê bối tình báo chấn động Colombia
Điều tra vừa được đăng tải trên tờ Semana của Colombia cho thấy hàng loạt bí mật tình báo của nước này đang bị đem bán "chợ đen".
Đây là vụ việc mới nhất bổ sung vào một loạt bê bối trong vòng mấy năm nay liên quan đến Cơ quan Hành chính an ninh (DAS) chuyên về tình báo, theo bài điều tra vừa đăng trên tờ Semana của Colombia. Trong số này, đình đám nhất là vụ các quan chức cao cấp của DAS bị phát hiện cung cấp thông tin, giúp một số tổ chức bán quân sự thực hiện nhiều vụ ám sát. Mọi việc bắt đầu vào cuối năm 2006, khi giới chức tịch thu máy tính của Rodrigo Tovar, lãnh đạo mạng lưới bán quân sự cực hữu AUC và tìm được nhiều thông tin chấn động. Theo đó, AUC có quan hệ mật thiết với nhiều nhân vật cao cấp như nghị sĩ, thị trưởng, sĩ quan quân đội, cảnh sát và cựu Giám đốc DAS Jorge Noguera Cotes.
Không lâu sau, người phụ trách bộ phận tin học tại DAS là Rafael García khai với các nhà điều tra rằng cơ quan này có quan hệ với các nhóm bán quân sự để thực hiện gian lận trong kỳ tổng tuyển cử và bầu cử tổng thống năm 2002, hay cung cấp thông tin để ám sát thành viên các nghiệp đoàn. Tất cả những tiết lộ này đều được chính quyền Bogota xác nhận. Đến giữa tháng 9.2011, ông Jorge Noguera Cotes bị tuyên án 25 năm tù giam vì dính líu với các tổ chức bán quân sự và liên quan đến vụ ám sát giáo sư xã hội học Alfredo Correa de Andreis cách đây 7 năm.
Cựu Giám đốc DAS Jorge Noguera Cotes bị kết án 25 năm tù giam - Ảnh: Dipity
Tháng 2.2009, một bài báo khác của tờ Semana về một số vụ nghe lén các thẩm phán và nhà báo đã bồi thêm đòn chí tử với DAS. Chính phủ tuyên bố sẽ lên kế hoạch giải tán cơ quan này để thành lập cơ quan tình báo mới. Theo Semana, đây có thể là nguyên nhân khiến nhiều thành viên DAS hoang mang và quyết định đem bán các bí mật tình báo quốc gia.
"Bán sỉ" bí mật
Điều tối kỵ đối với một cơ quan tình báo là để lộ danh tính, nhiệm vụ của các điệp viên, đặc biệt là để lọt vào tay "kẻ thù". Nhưng đây chính xác là những gì đang diễn ra tại Colombia. Tất tần tật thông tin liên quan đến các mật vụ của DAS, từ tên tuổi thật, vỏ bọc nghề nghiệp, nhiệm vụ được giao cho đến tên tuổi của nguồn tin, đều có thể nằm trong tay của các cá nhân, tổ chức phi pháp. Theo điều tra của Semana, thậm chí băng đảng buôn bán ma túy Daniel Barrera và một chính phủ nước ngoài vốn có hục hặc với Colombia cũng đã lấy được một phần những thông tin này.
Ở những nước khác, chỉ cần tên một điệp viên hay kế hoạch của một điệp vụ bị rò rỉ cũng đủ làm "dậy sóng" chính trường. Còn tại Colombia, hầu như toàn bộ cơ sở dữ liệu của ngành tình báo đang bị đem bán "chợ đen". Tờ Semana đã thu thập được một số tài liệu lưu trữ mật của DAS thông qua một số nhân viên hoặc cựu nhân viên của cơ quan này.
Trong đó có tường tận thông tin cá nhân của 6.022 nhân viên đang làm việc tại DAS: địa chỉ, trình độ học vấn, hộ tịch và công việc từng làm trước khi gia nhập DAS. Ngay cả tên tuổi, số đăng ký xe của những người cung cấp thông tin cho cơ quan tình báo cũng có thể được tìm thấy dễ dàng. Tập hồ sơ còn "khuyến mãi" thêm những lời nhận xét hằng tháng của cấp trên về hiệu quả làm việc của các điệp viên như tên những người đã bị bắt giữ nhờ thông tin tình báo, vị trí cất giấu các vũ khí bị tịch thu...
Đơn cử, một tập hồ sơ trong số này nêu rõ chi tiết về điệp viên mật danh Z3 đang hoạt động trong lòng Tổ chức Vũ trang chống đối FARC. Trong hồ sơ có đầy đủ tên thật, số căn cước, năm gia nhập DAS và đơn vị hoạt động của Z3.
Tập hồ sơ thứ hai mà Semana được xem nói về những điệp viên nước ngoài đang hoạt động tại Colombia. Cụ thể là vụ một cựu điệp viên của DAS bị phát hiện năm 2010 là người đứng đầu một đường dây chuyên đánh cắp thông tin về các thẩm phán ở Tòa án Tối cao. Đây không phải trường hợp duy nhất được đề cập. Các điệp viên bí danh Y-64, Y-69 (Semana không nêu rõ những người này thuộc tổ chức hay quốc gia nào - NV) cũng từng làm việc tại Tòa án Tối cao Colombia để theo dõi các công tố viên Edgardo Maya và Alejandro Ordónez.
Theo Thanh Niên
Lời cuối cho một tình yêu Đã gần một tuần trôi qua, anh gọi điện chỉ đôi khi hời hợt những dòng tin nhắn vô cản. Bằng sự nhạy cảm của người con gái, em nhận thấy trong anh có sự thay đổi, mà sự thay đổi làm tình yêu không phải tốt hơn mà càng tồi tệ. Hôm qua, nhận được tin nhắn anh muốn gặp nhau để...