Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên có thể sử dụng nhiên liệu rắn
Tên lửa đạn đạo Hwasong-15 có thể sử dụng động cơ mới, cùng khả năng sử dụng nhiên liệu rắn để rút ngắn thời gian triển khai.
Tên lửa Hwasong-15 rời bệ phóng. Ảnh: KCNA.
Triều Tiên sáng 29/11 bất ngờ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ( ICBM) Hwasong-15. Giới chuyên gia nhận định tên lửa Hwasong-15 mang nhiều đặc điểm được cải tiến vượt trội so với các mẫu tiền nhiệm, thể hiện sự phát triển nhanh chóng trong chương trình tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng, theo National Interest.
“Hwasong-15 dường như được trang bị động cơ mới, nhưng cũng có thể là loại động cơ từng sử dụng trước đây. Nó không sử dụng động cơ phụ để điều chỉnh hướng bay như mẫu Hwasong-12 và Hwasong-14, mà dường như được trang bị hai ống xả động cơ tương tự phiên bản Hwasong-13 (KN-08). Tuy nhiên, cấu hình động cơ lần này vẫn rất khác”, chuyên gia phân tích Scott Lafoy cho biết
Xe T/E dựng quả đạn trên bệ phóng. Ảnh: KCNA.
Tên lửa Hwasong-15 được chuyển tới bãi phóng bằng loại xe tải từng vận chuyển các tên lửa lớn hơn trước đây. Đây được cho là biến thể cải tiến của xe chở gỗ WS51200 do Trung Quốc sản xuất, được lắp thêm một trục dẫn động thứ 9 và mang định danh “xe phóng tự hành 9 trục”.
Chuyên gia Lafoy nhấn mạnh rằng đây không phải là xe chở và phóng đạn (TEL), mà chỉ là xe chở kiêm dựng đạn (T/E), có chức năng vận tải và đưa tên lửa vào vị trí phóng. “T/E phải cơ động tới bệ phóng, dựng tên lửa lên và rời đi, khiến thời gian triển khai và phóng đạn kéo dài hơn TEL. Điều này tạo ra sự khác biệt lớn trong chiến tranh, khi liên quân Mỹ – Hàn có thể tấn công khu vực bệ phóng trong thời gian ngắn”, ông Lafoy nhận định.
Video đang HOT
“Triều Tiên khẳng định các động cơ của Hwasong-15 có lực đẩy lớn hơn, nhưng không nói rõ là ở tầng đẩy thứ nhất, thứ hai hoặc cả hai tầng đẩy. Nếu tuyên bố này là chính xác, đây có thể coi là phiên bản Hwasong-14 được tăng kích thước và lực đẩy, đủ khác biệt để mang định danh mới”, phó giáo sư Vipin Narang tại Viện Công nghệ Massachusetts nêu quan điểm.
Một số chuyên gia nhận định rằng tên lửa Hwasong-15 sử dụng nhiên liệu rắn, giúp rút ngắn đáng kể thời gian triển khai và mở rộng khu vực có thể phóng tên lửa. Điều này có thể bù trừ cho khoảng thời gian kéo dài do dùng xe T/E thay cho TEL.
Nhận định này được củng cố bằng việc vệ tinh của Mỹ và Nhật không phát hiện những hoạt động bất thường tại các bãi phóng của Triều Tiên trước vụ thử Hwasong-15. Nếu sử dụng nhiên liệu lỏng, tên lửa sẽ mất nhiều thời gian để nạp nhiên liệu trước khi phóng, khiến nguy cơ bị vệ tinh phương Tây phát hiện ra cao hơn rất nhiều.
Tầm bắn ước tính tới 13.000 km của Hwasong-15 cho thấy nó đủ sức đe dọa toàn bộ lục địa Mỹ. Dù con số này có thể bị rút ngắn khoảng 20-30% khi mang đầu đạn hạt nhân hạng nặng, Hwasong-15 vẫn chứng tỏ khả năng đe dọa mục tiêu lớn như thành phố New York và thủ đô Washington DC của Mỹ. Điều đó giúp Triều Tiên có thêm lợi thế trong những cuộc đàm phán tương lai với Mỹ, chuyên gia Narang nhấn mạnh.
Duy Sơn
Theo VNE
Khoảnh khắc tên lửa Hwasong-15 Triều Tiên rời bệ phóng
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 được phóng dưới sự giám sát trực tiếp của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, hôm nay công bố hình ảnh vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15, được cho là tên lửa có tầm bắn xa nhất của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký lệnh tiến hành vụ thử, đồng thời trực tiếp giám sát quá trình chuẩn bị và phóng tên lửa.
Hwasong-15 được đánh giá là phiên bản nâng cấp của mẫu Hwasong-14, từng được thử hai lần trong tháng 7 với tầm bắn lý thuyết là 7.000 và 10.400 km.
Quả đạn được xe chở đưa tới bệ phóng và dựng thẳng đứng để chờ thời điểm khai hỏa.
Quả đạn Hwasong-15 rời bệ phóng lúc 3h17 sáng ngày 29/11 từ khu vực đông bắc thủ đô Bình Nhưỡng.
Tên lửa đạt độ cao tối đa 4.475 km, tầm xa 960 km, thời gian bay 54 phút. Nếu bắn theo quỹ đạo tối ưu, quả đạn có thể đạt tầm bắn tới 13.000 km, đủ sức bao trùm toàn bộ lãnh thổ Mỹ.
Ông Kim Jong-un tuyên bố nước này đã hoàn thành phát triển "lực lượng hạt nhân quốc gia" và gọi Triều Tiên là quốc gia hạt nhân.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã lên án vụ thử tên lửa Hwasong-15. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ xử lý vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc tỏ ra "lo ngại sâu sắc", Đức quyết định triệu đại sứ Triều Tiên để phản đối, còn Nga gọi đây là hành vi khiêu khích.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chụp ảnh cùng lực lượng tham gia buổi phóng tên lửa Hwasong-15.
Người dân Triều Tiên ăn mừng khi nghe thông tin về vụ phóng thành công. Tuy nhiên, quan chức Hàn Quốc cho rằng vụ phóng vẫn gặp một số sự cố, như quả đạn mất liên lạc với trung tâm điều khiển trong quá trình bay.
Ảnh: Rodong Sinmun
Theo VNE
Phóng tên lửa Hwasong-15, Triều Tiên dội gáo nước lạnh vào Trung Quốc Vụ phóng tên lửa đạn đạo được Triều Tiên thực hiện chỉ một thời gian ngắn sau khi đặc phái viên của Trung Quốc về nước. Tên lửa Hwasong-15 trước khi khai hỏa. Ảnh: Reuters. Triều Tiên ngày 29/11 bất ngờ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 sau 75 ngày im hơi lặng tiếng. Theo giới quan sát, vụ phóng...