Tên lửa Hellfire của Mỹ bị chuyển nhầm tới Cuba
Loạt tên lửa Hellfire của Mỹ dự định gửi tới châu Âu cho mục đích huấn luyện đã bị gửi nhầm sang Cuba, theo tin từ báo Wall Street Journal. Đây là vụ việc nghiêm trọng nhất từng xảy ra gây nguy cơ thất lạc công nghệ tối mật.
Vụ việc xảy ra năm 2014 và mới được báo chí Mỹ phanh phui gần đây. Quan chức Mỹ đã rất nhiều lần yêu cầu chính quyền Havana trả lại số tên lửa trên. Các điều tra viên Mỹ cũng đang xác định đây là lỗi vận chuyển hay có dấu hiệu tội phạm. Nguồn tin tình báo cho biết đầu mối có thể lần ra từ châu Âu, nơi đáng lí ra phải tiếp nhận số hàng trên. Tuy nhiên vụ việc có thể mất vài năm vì liên đới nhiều quốc gia.
” Liệu có ai đó nhận hối lộ để cố tình gửi nhầm số tên lửa này không? Đây là một âm mưu hay sai lầm hệ thống? Đây là điều chúng tôi đang tìm hiểu”, một quan chức Mỹ trả lời trên Wall Street Journal.
AGM-114 Hellfire là một tên lửa không-đối-đất đa nhiệm vụ, đa mục tiêu, dẫn hướng bằng laser được quân đội Mỹ sử dụng.
Tên lửa Hellfire thường được sử dụng trên máy bay trực thăng. Mục đích ban đầu của loại tên lửa ra đời cách đây hàng thập kỷ là chống tăng nhưng gần đây đã được hiện đại hóa. Hellfire là tên lửa chiến lược trong kho vũ khí chống khủng bố của chính quyền Mỹ, được ném từ máy bay không người lái.
Tên lửa Hellfire do tập đoàn công nghiệp Lockheed Martin sản xuất không mang đầu đạn nhưng quan chức Mỹ lo sợ Cuba sẽ chia sẻ cảm biến gắn trên tên lửa với Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.
Tên lửa Hellfire có thể gắn trên 20 loại phương tiện khác nhau.
Video đang HOT
Wall Street Journal khẳng định tên lửa phải được gửi tới Tây Ban Nha để thực hiện nhiệm vụ diễn tập quân sự. Tuy nhiên, dàn tên lửa bị gửi nhầm lên xe tải vận chuyển đến sân bay Charles de Gaulle (Pháp) rồi lên máy bay tới Havana (Cuba). Khi tới quốc gia Nam Mỹ, loạt tên lửa Hellfire ngay lập tức bị thu giữ.
“Đây là một mối lo thật sự – sẽ có người hiểu được tên lửa này hoạt động như thế nào hoặc bán chúng cho những quốc gia đáng lẽ không nên sở hữu”, Peter Singer, chuyên gia cao cấp ở Quỹ New America trả lời trên báo Wall Street Journal.
Nếu tên lửa Hellfire cố tình gửi tới Cuba thì điều này vi phạm Hiệp ước Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí và các quy định trừng phạt Cuba. Thiết bị quân sự Mỹ bị cấm xuất khẩu cho 25 quốc gia và Cuba bị liệt vào danh sách này năm 1984.
“Đây là một trường hợp khá rắc rối, lỗi lầm dễ xảy ra trong những thương vụ mua bán phức tạp”, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, “lỗi lầm là một phần của con người và ai cũng có lúc mắc sai lầm”.
Theo_Dân việt
Lý do Triều Tiên chưa đủ sức chế tạo bom nhiệt hạch
Triều Tiên hôm qua tuyên bố thử thành công một quả bom nhiệt hạch, nhưng nhiều chuyên gia lập luận cho rằng loại bom mà Bình Nhưỡng thử chưa đáng ngại như vậy.
Ông Joseph Cirincione, Chủ tịch hãng tư vấn an ninh toàn cầu Ploughshares Fund, cho biết, trước khi từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân dưới thời Nelson Mandela, Nam Phi cũng từng chế tạo vũ khí phân hạch gia tăng. Nhưng Nam Phi có khả năng tiếp cận chất phóng xạ triti, trong khi Triều Tiên vẫn đang cố gắng.
Vụ thử bom vừa qua có thể là một cách thúc đẩy đoàn kết trong nước của Triều Tiên. Ảnh: CNN
Triều Tiên được cho là đang sở hữu một vài đầu đạn hạt nhân và nước này từng thực hiện 3 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006. Nhưng điều đó không có nghĩa là Triều Tiên đang tiến một cách dễ dàng. Các chuyên gia và giới chức phương Tây nhận định Bình Nhưỡng vẫn thiếu công nghệ tên lửa để phóng vũ khí đi khoảng cách rất xa.
Ông Francois Heisbourg, cố vấn đặc biệt của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược tại Paris cho rằng Triều Tiên vẫn còn vài năm, thậm chí vài thập kỷ nữa mới đạt đến trình độ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp vào đầu tên lửa và "bắn ai đó".
Giới phân tích cho biết chỉ những cường quốc hạt nhân nguyên thủy gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc, đủ khả năng phát triển bom nhiệt hạch thực sự. Những quốc gia hạt nhân khác như Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa có năng lực đó.
"Triều Tiên vẫn chưa phát triển rộng, như Ấn Độ. Có vẻ họ chưa đủ khả năng chế tạo bom nhiệt hạch thực thụ vì họ cần năng lực công nghiệp và năng lực kỹ thuật lớn hơn nhiều so với trình độ của Triều Tiên hiện nay", ông Heisbourg nói.
Ngay cả khi Triều Tiên thực sự vừa thử một quả bom nhiệt hạch, nước này vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt đến năng lực sử dụng loại bom đó để tấn công. Ông Hesibourg nhấn mạnh rằng Mỹ thực hiện "vài chục" thử nghiệm trước khi họ đạt được khả năng lắp loại vũ khí đó vào tên lửa để có thể hoạt động tốt. Ông Hesibourg cho rằng Triều Tiên có thể có năng lực đó sau vài năm nữa.
Những dấu hiệu khác cho thấy nghi ngờ của các nhà khoa học là có cơ sở.
Các đây 1 tháng, ông Kim Jong-un đã tuyên bố Triều Tiên đạt đến công nghệ chế tạo bom nhiệt hạch. Ảnh: Digg
Cục Khảo sát địa chất Mỹ hôm qua cho biết họ phát hiện một cơn địa chấn cường độ 5,1 độ richter ở vùng đông bắc Triều Tiên, nơi được cho là vừa diễn ra vụ thử hạt nhân - tương tự như vụ năm 2013, khi Triều Tiên thử bom nguyên tử.
Nhà phân tích Bruce Bennett làm việc tại tổ chức tư vấn chính sách phi chính phủ Rand Corporation (Mỹ) nhận định: "Tiếng nổ mà họ tạo ra đáng lẽ phải lớn hơn 10 lần mức họ tuyên bố. Vì thế, ông Kim Jong-un có thể đang nói dối, rằng họ tiến hành thử bom nhiệt hạch nhưng không phải, mà họ chỉ dùng một vũ khí phân hạch mạnh hơn một chút, hoặc có thể phần nhiệt hạch hay phân hạch trong vụ thử không hoạt động tốt lắm".
Nghị sĩ Hàn Quốc Lee Cheol-woo nói rằng cơ quan tình báo Hàn Quốc ước tính sức nổ của vụ thử này ở mức 6 kiloton và tạo ra trận địa chấn mạnh 4,8 độ richter - nhỏ hơn sức nổ 7,9 kiloton và địa chấn 4,9 độ richter được ghi nhận trong vụ thử năm 2013. Theo ông Lee, một vụ thử bom hạt nhân thành công thường tạo ra sức nổ khoảng vài trăm kiloton, trong khi một vụ thử thất bại chỉ tạo ra sức nổ vài chục kiloton.
Giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi ngay từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thông báo hồi tháng 12 vừa qua rằng nước này cuối cùng đã đạt đến công nghệ chế tạo vũ khí nhiệt hạch. Một số ý kiến cho rằng Triều Tiên chỉ có thể sắp thử vũ khí phân hạch gia tăng mạnh hơn bom nguyên tử truyền thống, chứ không phải bom nhiệt hạch.
Triều Tiên có thể tăng mức độ phá hoại của bom nguyên tử truyền thống bằng cách đặt vào lõi bom một lượng tritium - một dạng phóng xạ của hydro. Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin Chính phủ Hàn Quốc đang nghiêng về khả năng này.
Giới chuyên gia cho biết họ vẫn cần thêm thời gian phân tích vụ thử lần này.
Theo_Dân việt
TQ: Nữ hành khách mở cửa máy bay đòi tự tử Một cô gái trẻ người Trung Quốc đã bị cảnh sát bắt giữ sau khi tìm cách mở cửa thoát hiểm trên máy bay tới thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Theo tờ Bưu điện buổi sáng Nam Hoa, khoảng 1 giờ đồng hồ sau khi chiếc máy bay số hiệu JD5180 cất cánh từ tỉnh Hồ Nam, nhân viên...