Tên lửa chống vệ tinh của Trung Quốc khiến Mỹ lạnh gáy
Trung Quốc đang phát triển hai loạt tên lửa chống vệ tinh thách thức sự thống trị trong lĩnh vực không gian vũ trụ của Mỹ.
Trả lời phỏng vấn trên tờ Washington Free Beacon, Đô đốc Cecil D Haney, Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ cho biết, Mỹ đang rất quan tâm tới sức mạnh vũ khí hạt nhân của Nga và Trung Quốc. Trong đó, ông Haney cũng không bỏ qua khả năng vũ khí của Trung Quốc có thể bắn hạ các vệ tinh trên quỹ đạo nếu một cuộc xung đột xảy ra trong tương lai.
“Nguy cơ này trong không gian, tôi tin rằng là một nguy cơ thực sự. Điều đó đã được chứng minh”, Đô đốc Haney nói, khi đề cập tới sự kiện năm 2007 Trung Quốc thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh để bắn tan một vệ tinh đang trên quỹ đạo gây ra hàng chục nghìn mảnh vỡ.
Video đang HOT
Đồ họa mô tả quá trình phóng diệt vệ tinh của tên lửa DN-1.
Đô đốc Haney cho biết thêm, Trung Quốc đã lặp lại thử nghiệm này vào mùa hè năm ngoái. Mặc dù đợt thử nghiệm không bắn vào một vệ tinh nào nhưng rõ ràng đấy là những hoạt động chứng tỏ Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch đánh chặn trên không gian. “Chúng tôi phải sẵn sàng đối phó bất cứ chiến dịch nào như vậy xâm lấn vào không gian”, Đô đốc Haney nói.
Cụ thể, ngày 23/7/2014, Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh và được các quan chức quốc phòng Mỹ xác định là loại tên lửa đánh chặn vệ tinh DN-1. Trước đó vào năm 2013, nước này cũng thử nghiệm loại tên lửa chống vệ tinh DN-2 và được thiết kế để tấn công các vệ tinh ở quỹ đạo cao của trái đất. Đó thường là những vệ tinh đóng vai trò tình báo, định vị.
Trong khi thử nghiệm DN-1 vào tháng 7/2014 được cho giống như tên lửa được thử nghiệm vào năm 2007. Nhưng nó chỉ khác ở thời điểm này DN-1 không bắn vào một vệ tinh nào. Nhưng rất có thể nó được phóng lên để thu thập các dữ liệu nhằm phát triển hơn nữa để tấn công các vệ tinh ở quỹ đạo thấp.
Hình ảnh được cho là Trung Quốc thử DN-2 vào năm 2013.
Rick Fisher, một chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đang có những động thái mở rộng khả năng tác chiến không gian bao gồm cả việc phát triển các vũ khí laser trên mặt đất và trên không gian, các tên lửa chống vệ tinh được phóng từ mặt đất và các vũ khí chiến đấu từ trên quỹ đạo.
“Cần nhớ rằng suốt một thập kỷ qua, Trung Quốc vẫn tiếp tục thử nghiệm các tên lửa diệt vệ tinh được phóng từ mặt đất và bắt đầu thử nghiệm các tên lửa chống vệ tinh được phóng từ trên không. Tuy nhiên, các nguồn tin Trung Quốc đã chỉ ra các nền tảng không gian trang bị vũ khí laser có thể vẫn chưa sẵn sàng chiến đấu cho tới cuối những năm 2020. Tới thời điểm này, Trung Quốc cũng sẽ trạm không gian sử dụng với mục đích kép và có thể dùng để thử nghiệm các máy bay không gian”, Fisher cho biết trên tờ Washington Free Beacon.
Đứng trước tình hình trên, theo Đô đốc Haney, phía Mỹ đã có những ứng phó để ngăn chặn các vũ khí vệ tinh. Trong năm tài khóa 2016, Tổng thống Mỹ đã đồng ý hỗ trợ đầu tư để tăng cường bảo vệ lĩnh vực không gian của đất nước, gồm cả các biện pháp cảnh báo tình huống và tình báo các nguy cơ, cũng như phát triển các chiến thuật, kỹ thuật phòng vệ không gian.
Đồng thời Mỹ cũng không ngừng phát triển các vũ khí diệt vệ tinh. Vào năm 2008, Lầu Năm Góc đã sử dụng một phiên bản mô phỏng tên lửa đánh chặn SM-3 để bắn rụng một vệ tinh. Thử nghiệm này được xem như một chỉ báo rằng bản sao SM-3 này sẽ được sử dụng trong tương lai như là một phần trong hệ thống vũ khí diệt vệ tinh.
Theo Kiến Thức