Tên lửa Bastion của Nga và NSM của NATO: Mèo nào cắn mỉu nào?
Tên lửa Onyx có tốc độ siêu âm với tầm bắn 300 km. Để tiêu diệt tàu khu trục Arleigh Burke của Mỹ sẽ cần 2 – 3 tên lửa và mất không quá 15 phút.
Chuyên gia quân sự Alexander Mozgovoi thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược của Nga có bài viết đánh giá khả năng của hai hệ thống phòng thủ tên lửa bờ biển K-300P Bastion của Nga và NSM (Naval Strike Missile) của NATO do Na Uy sản xuất.
Ông Alexander Mozgovoi cho rằng, những hệ thống phòng thủ tên lửa này về hình dạng thì rất khác nhau. Tuy nhiên, chúng được thiết kế để giải quyết nhiệm vụ giống nhau, đó là bảo vệ cho các vùng ven biển.
Tên lửa NSM (Naval Strike Missile) của NATO
Hiện nay, cả hai hệ thống này đều được triển khai ở châu Âu: Nga đã triển khai hệ thống K-300P Bastion tại Crimea, NSM (Naval Strike Missile) của NATO được triển khai tại Ba Lan.
Theo Alexander Mozgovoi, NATO triển khai NSM tại Ba Lan nhằm chống lại các căn cứ hải quân của Hạm đội Baltic của Nga.
Theo đánh giá của chuyên gia Alexander Mozgovoi, hệ thống tên lửa K-300P Bastion được trang bị tên lửa Onyx.
Đây là loại tên lửa có tốc độ siêu âm, và đạt tốc độ 2,6 Mach (gần 3000 km/h). Dòng tên lửa này có tính cơ động rất cao, với đường bay rất phức tạp, với tầm bắn 300 km.
Tên lửa đạt độ cao lên đến 15.000 m, và sau đó bổ nhào xuống và bay ở độ cao 10 – 15 mét trên mực nước biển. Nhờ đó, các phương tiện radar trên biển của đối phương rất khó để phát hiện ra nó.
Khi tên lửa đầu tiên của hệ thống nắm bắt được mục tiêu, ngay lập tức nó truyền tải thông tin đến tên lửa khác. Do đó, tên lửa Onyx biết cách để phân phối tiêu diệt các mục tiêu, ông Alexander Mozgovoi giải thích.
Video đang HOT
Theo ông Alexander Mozgovoi tên lửa NSM của NATO mới chỉ đạt tốc độ cận âm. NSM dài 3,96 m, mang theo đầu đạn nặng 125 kg, tầm bắn tối đa khoảng 185 km.
Tên lửa được trang bị công nghệ dẫn hướng rất hiện đại kết hợp giữa dẫn hướng quán tính, hệ thống định vị toàn cầu GPS.
Ở giai đoạn cuối, tên lửa khóa mục tiêu bằng cảm biến hình ảnh hồng ngoại thụ động 2 băng tần cho phép phân biệt các mục tiêu trong môi trường lộn xộn.
Ngoài ra, một trong những tính năng quan trọng khác của NSM là khả năng dẫn hướng và tấn công chính xác để tiêu diệt các mục tiêu.
Theo đó, tên lửa NSM được cho là một trong những tên lửa chống hạm đầu tiên trên thế giới được trang bị đầu dò hồng ngoại và camera chuyên dụng có khả năng phân biệt và nhận dạng được từng hình dáng của những tàu chiến riêng lẻ.
Tính năng này cho phép nó tự động bỏ qua các mục tiêu dân sự như tàu cá, tàu hàng… để lựa chọn ra một tàu chiến đối phương và tấn công phá hủy chúng.
Một tính năng mà chúng ta chỉ nghĩ ở trong các phim khoa học viễn tưởng nay đã trở thành hiện thực.
Tuy vậy, theo Alexander Mozgovoi, tên lửa Bastion có hiệu quả hơn NSM không chỉ vì tốc độ, Bastion có thể đánh trúng tàu địch ở khoảng cách 300 km, trong khi NSM chỉ có khả năng đánh trúng tàu đối phương trong phạm vi 200 km.
Ngoài ra, tên lửa Bastion, với sự giúp đỡ của trạm radar Monolith-B, có thể phát hiện được mục tiêu ở khoảng cách rất xa, điều này NSM không có. Sức mạnh chiến đấu của Bastion cũng vượt trội NSM của NATO.
Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P
“Tên lửa NSM có thể mang theo đầu đạn nặng 125 kg, trong khi các tên lửa Onyx có thể mang theo đầu đạn nặng 215 – 220 kg.
Để tiêu diệt tàu khu trục của Mỹ Arleigh Burke sẽ cần 2 – 3 tên lửa và mất không quá 15 phút”, Alexander Mozgovoi nhấn mạnh.
Chuyên gia cũng cho biết thêm Bastion không chỉ phục vụ cho Hải quân Nga, mà còn được cung cấp cho Việt Nam và Syria. Hiện hệ thống tên lửa Bastion là người bảo vệ đáng tin cậy cho bán đảo Crimea.
“Hiện nay, các nước NATO không ngừng tăng cường sự hiện diện tại Biển Đen. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của Tổ hợp Bastion tại Crimea, tất cả những nỗ lực của NATO sẽ trở nên vô ích.
Với sự giúp đỡ của Bastion, trong một thời gian rất ngắn khoảng 10 – 15 phút của tất cả các kẻ thù có thể bị tiêu diệt”, chuyên gia Alexander Mozgovoi cảnh báo.
Theo Tri Thức
Na Uy phát triển siêu tên lửa NSM phóng từ tàu ngầm
Na Uy vừa giới thiệu khái niệm thiết kế biến thể siêu tên lửa hành trình đa năng NSM mới, được phóng từ tàu ngầm.
Tại Hội trợ Quân sự Baltic lần thứ 13 mang tên Fair BALT-MILITARY-EXPO, diễn ra ở thành phố Gdansk (Ba Lan), hãng Kongsberg của Na Uy lần đầu tiên giới thiệu một khái niệm về biến thể tên lửa tấn công hải quân NSM phóng từ tàu ngầm.
Theo Navy Recognition, khái niệm biến thể tên lửa mới được Kongsberg phát triển dựa trên JSM (một biến thể đặc biệt của tên lửa NSM, được thiết kế để tích hợp vào khoang vũ khí trong thân của máy bay tàng hình F-35). Kongsberg cùng với đối tác của họ là công ty Nammo sẽ thiết kế một động cơ khởi động đặc biệt để có thể phóng tên lửa lên khỏi mặt nước.
Khái niệm biến thể tên lửa NSM phóng từ tàu ngầm vừa được Kongsberg của Na Uy giới thiệu gần đây.
Mô hình biến thể tên lửa NSM phóng từ tàu ngầm xuất hiện ở Hội trợ Quân sự Baltic cho thấy nó có kích thước dài hơn so với biến thể JSM, và do vậy tầm bắn có thể sẽ xa hơn. Theo giới thiệu của Kongsberg thì tàu ngầm sẽ phóng được tên lửa NSM để tấn công cả hai loại mục tiêu (trên mặt nước và trên mặt đất), tuy nhiên nhấn mạnh hơn về khả năng tấn công mặt đất.
Nguyên bản tên lửa NSM có tầm bắn xa khoảng 200 km. Tuy nhiên, Kongsberg đang cố gắng để tăng tầm bắn biến thể phóng từ tàu ngầm của họ lên tới hơn 300 km, mặc dù kế hoạch này vẫn đang ở trên giấy do vấn đề bị giới hạn bởi hiệp ước cấp xuất khẩu tên lửa hành trình có tầm bắn lớn hơn 300 km của quốc tế.
Đạn của biến thể tên lửa NSM phóng từ tàu ngầm được đặt trong một lớp vỏ có hình dáng và kích thước tương tự như ngư lôi để nó có thể được phóng ra từ các ống phóng ngư lôi cỡ 533mm mà các tàu ngầm của Na Uy, Ba Lan, Đức, Hà Lan và nhiều quốc gia khác đang sử dụng.
Trong chương trình này, Kongberg đóng vai trò chủ thầu, trong khi hai công ty còn lại là Nammo và FFI (Phòng Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy) là các nhà thầu phụ.
NSM - Naval Strike Missile là loại tên lửa hành trình chống hạm tự dẫn tầm xa tiên tiến nhất thế giới và được xếp vào thế hệ thứ năm. Tên lửa có thiết kế đặc biệt, mang những đặc tính động học độc đáo, khả năng bay bám sát địa hình, tấn công các mục tiêu trên đất, trên biển với độ chính xác cao, có khả năng xâm nhập qua hệ thống phòng thủ của đối phương.
NSM được chế tạo sử dụng vật liệu phức hợp, tạo cho tên lửa có khả năng tàng hình tinh vi.
Dữ liệu về mục tiêu tấn công sẽ được nạp vào trong tên lửa, nhằm giúp tên lửa nhận diện mục tiêu tốt hơn, tránh tấn công nhầm mục tiêu, đặc biệt là các mục tiêu dân sự
NSM có thể được dẫn đường bởi hệ thống định vị vệ tinh GPS, hệ thống tham chiếu quán tính và địa hình.
NSM được phát triển với rất nhiều biến thể, trên máy bay chiến đấu, tàu chiến và các bệ phóng tên lửa bờ biển. Tên lửa có thể được lập trình để tấn công một con tàu đặc biệt, nhận dạng đúng mục tiêu từ hàng loạt những mục tiêu khác trên biển hay trên đất liền. Loại vũ khí này cũng có thể được điều khiển để bỏ qua những mục tiêu đặc biệt, hoặc bay đến một khu vực và tìm kiếm một mục tiêu trong một vùng biển đã định. Nếu không tìm thấy mục tiêu phù hợp, tên lửa sẽ tự hủy trên biển theo cách an toàn nhất.
NSM có chiều dài 9,7m; trọng lượng khoảng 408 kg và mang được một đầu đạn nặng 108 kg. Đạn tên lửa được đặt trong những hộp phóng riêng lẻ để có thể cất giữ trong thời gian 10 năm mà không cần bảo dưỡng.
Theo Đất Việt