Teen và thói quen xài “chùa”
Những teen này thường xuyên cầm đồ của bạn bè, dùng tự nhiên như của mình rồi đem trả lại trong tình trạng “vá trên nứt dưới” hoặc có khi còn chả thèm trả.
M bước vào lớp, cô bạn muộn tói 15 phút. Vứt chiếc cặp sách lên bàn, M uể oải quay sang cô bạn bên cạnh: “Có bút không vứt tao mượn cái, đi học muộn chả đem hộp bút gì cả”. Cô bạn quay sang: “Có hôm nào mày mang đi đâu mà quên, mày dùng hết chục cái bút của tao rồi còn gì”. Trường hợp của M là một ví dụ điển hình về thói quen “dùng chùa” hiện nay của một số teen.
Người nào không biết, nghe qua câu chuyện vừa rồi sẽ nghĩ cô bạn của M khó khăn, bạn bè nhỡ ra mượn nhau có cái bút thì làm sao mà không cho mượn. Tuy nhiên, tìm hiểu rõ mới biết, không chỉ có cô bạn ngồi cạnh M mà rất nhiều người trong lớp cũng khó chịu vì cái tính “dùng chùa” của M. M thường xuyên mượn bút, tẩy, rồi cả đồ trang điểm của các bạn trong lớp, rồi sau đó dùng tẹt ga, đến khi nào gần hết thì trả. G – một bạn cùng lớp của M, kể: “Nó thường xuyên mượn đồ trang điểm của bọn tớ rồi ngâm cho đến khi nào gần hết thì trả. Có lần có party đấy, nó mượn tớ lọ nước hoa, sau đấy tớ quên không đòi, đến lúc để nó tự trả thì vơi quá nửa”.
Trong sinh hoạt hàng ngày với bạn bè, nhiều lúc teen phải mượn một số vật dụng nào đó vì nhỡ nhàng. Tất nhiên, đã mượn đến đồ của người khác dùng là làm mất đi phần nào giá trị của món đồ. Thường thì những chuyện này chả đáng quan tâm, vì mọi chuyện quanh đi quẩn lại chỉ có cái bút cục tẩy, chả ai đi so đo xem bạn bè mình làm mất đi của mình mấy giọt mực cả. Tuy nhiên, với những teen sẵn có bản tính dùng chùa, họ lại không hề có ý thức khi sử dụng đồ đi mượn của bạn bè, xử dụng rất vô lối.
V, một teen boy lớp 11, cũng là một teen có tính “dùng chùa”. V cũng có di động, nhưng chả thấy bao giờ cậu còn tiền trong máy. Mỗi khi có việc gì, V lại thản nhiên thò tay vào hộp bút mấy bạn bên cạnh: “Tao có việc gấp quá, cho tao xin cuộc nhé”. Chỗ bạn bè với nhau, lại có việc nhỡ ra thì ai tiếc gì cú điện thoại. Nhưng lâu dần bạn bè mới để ý cái tính của V. Thực tế cậu có nhỡ nhàng gì đâu, lúc nào V chả đi dùng chùa như thế. Cu cậu cứ thản nhiên cầm điện thoại của bạn bè dùng. Có lần trong giờ học chán quá V còn đem di động của bạn mình ra “gửi tin nhắn trêu mấy đứa khác cho đỡ buồn”. Ban đầu tưởng V có chuyện gì quan trọng, ai dè đến lúc nhận lại máy, người bạn mới té ngửa ra cái thẻ 50k của mình đã đi tong.
Không có, thì mượn tạm vậy!! (Ảnh minh họa)
D, học sinh lớp 12 tại HN, kể: “Tớ cũng có một thằng bạn như thế. Nó suốt ngày mượn xe máy của tớ, đi cho tẹt ga rồi trả, không bao giờ thèm bơm xăng. Tính ra mỗi tuần mất thêm mấy chục tiền xăng vì cái nạn cho mượn.”
Cậu bạn của D thường xuyên mượn xe của D “tao tạt ra đằng này một tí” nhưng lần nào cũng sạch bình xăng của cậu. D thấy là chỗ bạn bè nên cũng ngại nói, đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Trong hầu hết trường hợp, teen đều có xu hướng “dĩ hòa vi quý” nghĩa là thôi thì cho qua, chứ nói ra cũng không tiện. Lý do chủ yếu là chỗ bạn bè, nói thẳng ra cũng không dễ, có khi người nào không hiểu lại còn nghĩ mình thế này thế kia, khó khăn với bạn bè. Tuy nhiên, đôi khi chính sự nhân nhượng, không chịu thẳng thắn này lại khiến cho những teen “chùa” càng có cơ hội “lộng hành”. Sẵn có tính xấu, lại không thấy người khác nói gì, teen “chùa” đã “tự nhiên” lại càng tự nhiên như ruồi.
Nhưng không phải ai cũng chịu được mãi cảnh phải đi “Cung phụng” cho những kẻ vô ý thức. Như ở câu truyện đầu tiên, không chịu nổi tính khí của M, cô bạn ngồi cạnh đã nói thẳng, yêu cầu M muốn viết bài thì tự nhớ mà đem bút viết, không thể ngày nào cũng cầm bút của bạn bè viết như thế được. M tự ái, nhưng bạn bè cũng đành chịu, bởi chỉ có cách đó mới có thể khiến M thay đổi.
Sau khi đã biết cái tính của V, chả ai trong lớp đồng ý cho cậu mượn di động nữa. Cái bài cũng soạn lại “máy tao hết sạch tiền rồi” của V cũng không còn tác dụng. Nhiều người trong lớp còn nói thằng với V: “Không còn tiền thì đừng có dùng. Thói ở đâu cứ đi dùng máy của người khác đến sạch cả tiền, sống phải có ý chứ, cứ thế ai chịu nổi” .
Từ hôm bị bạn bè nói, V cũng tỏ ra thu mình. Do bị nói thẳng nên V tự ái, chả thèm nói chuyện với ai nữa. Điều đó tạm thời âu cũng là dễ hiểu. Những sau vố vừa rồi, chắc chẳn V sẽ có ý thức hơn trong cư xử hàng ngày, không còn cái thói dùng chùa xấu xí nữa.