Tệ nạn “bao vây” làng đại học Thủ Đức
Ngoài việc phải lo nơi ăn, chốn ở, chuyện học hành… sinh viên làng Đại học Thủ Đức, TPHCM còn phải lo lắng trước những tệ nạn trộm cắp, cướp giật, tình trạng lộn xộn xảy ra hàng ngày ở đây, nhất là sinh viên ở tại KTX khu B.
Xe buýt, xe container “hoành hành”
Địa bàn làng đại học TPHCM (hay còn gọi là làng Đại học Thủ Đức) là nơi giáp ranh giữa TPHCM và Bình Dương. Tại đây có hơn 10 trường đại học và cao đẳng với khoảng 40.000 sinh viên đang học tập và sinh sống.
Nhiều hộ dân cư sống xen lẫn trong khu vực sinh viên, dẫn đến tình trạng sinh viên và người dân ra vào hàng ngày là không thể kiểm soát được. Vì vậy, việc quản lý của chính quyền địa phương cũng như các trường gặp không ít khó khăn.
Xe bút, xe máy, sinh viên đi bộ “kèn cựa” nhau trên con đường nhỏ do cac tiệm tạp hóa tràn lan
Không những thế, thời gian gần đây rất nhiều xe container, xe tải thường xuyên ra vào khu vực làng đại học làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và rất dễ gây tai nạn đối với các bạn sinh viên. Việc người dân sống xen lẫn với khu vực sinh viên nên rất khó để hạn chế cũng như cấm xe tải vào khu vực này được. Hàng ngày có tới hàng chục chiếc xe container, xe tải lớn nhỏ ra vào khiến khu vực làng đại học Thủ Đức gây lộn xộn và rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, tại các khu vực như trước cổng Trường ĐH Khoa học Tự Nhiên TPHCM, đường 02, trước cổng trường Đại học Quốc tế… từ 4 giờ chiều, các địa điểm bán đồ vỉa hè, bán đồ ăn mọc lên như nấm cộng với hàng nghìn sinh viên tan trường làm khu vực này nhộn nhịp, lộn xộn gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông trong khu vực này, đặc biệt là xe buýt. Đã có không ít vụ tai nạn xảy ra do cảnh lộn xộn vào mỗi buổi chiều.
Một nữ sinh viên bị “quái xế” tông thẳng vào người phải đi nhập viện (ảnh chụp chiều 9/11)
Đến tối hàng chục quán nhậu, quán internet, quán bida cũng bắt đầu sáng đèn để phục vụ khách hàng là các sinh viên cho tới sáng. Nhiều quán karaoke và massage trá hình cũng xuất hiện gần khu vực làng ĐH để phục vụ những vị khách ham chơi làm cho hình hình ở đây ngày càng phức tạp.
Bất ổn ở khu B
Video đang HOT
Thời gian gần đây, sinh viên các trường đại học thuôc làng đại học TPHCM luôn phải sống trong tình trạng lo sợ trước nạn trộm cướp, chém giết diễn ra ngày một phổ biến.Khi có người phát hiện và truy đuổi thì bọn chúng liều lĩnh chống trả tới cùng.
Lợi dụng lúc trời tối, nhiều con đường vắng người và thiếu ánh sáng như: đoạn đường từ KTX khu A đến Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH An Ninh, ĐH Bách Khoa… và từ ĐH Thể dục Thể thao ra quốc lộ 1A là những địa điểm mà bọn tội phạm thường chọn nơi hoạt động.
Bạn Nguyễn Văn Tới, sinh viên năm 3, Trường ĐH Khoa học Tự Nhiên cho biết chuyện mất xe máy, laptop… ở quanh các trường đại học là chuyện xảy ra hàng ngày, chỉ cần mất cảnh giác là mất như chơi.
Đường vào khu B của KTX ĐHQG TPHCM vắng vẻ, um tùm cây cối
“Mới cách đây gần 2 tuần, một bạn sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên đang đi bộ từ trường về bị một người thanh niên giật cái túi xách có đựng máy tính xách tay chạy lên xe đồng bọn chờ sẵn rồi chạy mất. Nhiều bạn sinh viên và người dân nhìn thấy những cũng chẳng đuổi theo kịp vì bọn chúng phóng đi rất nhanh” – một sinh viên tên Tới nói.
KTX khu B nằm cách KTX khu A và các trường ĐH hơn 3km với 2 bên đường là rừng cây um tùm và các hồ nước, bãi đất trống lớn nhỏ. Vào mỗi buổi chiều nơi đây trở thành “thiên đường tình yêu” để các bạn trẻ tâm sự, hay là nơi câu cá, nơi tắm của rất nhiều sinh viên. Nhưng đến tối nơi đây lại trở nên vắng lặng, là nỗi khiếp sợ của các bạn sinh viên.
Bạn Nguyễn Thị Hoài An, sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tâm sự: “Từ ngày em chuyển vào ký túc xá khu B ở trọ đến nay, niềm vui cũng có nhưng bọn em thấy lo lắng nhiều hơn trước tình trạng trộm cắp, cướp giật xảy ra hàng ngày. Vào buổi tối, bọn con gái chúng em ăn cơm xong là đứa nào về phòng đứa nấy đóng chặt cửa lại chứ không dám ra ngoài để đi chơi. Dịp lễ bọn em có muốn đi chơi đâu đó thì cũng phải đi thành đoàn có nhiều bạn nam hơn mới dám đi, không thì lại ở KTX đóng cửa học bài hoặc đi ngủ”.
Nhiều sinh viên không dám ở KTX khu B vì ngại đường vắng, xa khu dân cư, thiếu an toàn
Từ đầu năm 2012, tội phạm lộng hành ngày càng liều lĩnh hơn, khi bọn chúng còn đánh đập cả những người bảo vệ bên trong và bên ngoài KTX nếu những bảo vệ này ngăn cản không cho chúng vào.
Ông Lương, bảo vệ trước cổng KTX khu B, cho biết, mới đây tài xế xe tải đâm vào đuôi xe buýt ngay đoạn gần bờ hồ thì anh Hiền (bảo vệ khu vực này) ra can ngăn tài xế xe tải. Tưởng đã xong xuôi mọi việc nhưng đến tối người tài xế này dẫn một nhóm thanh niên cầm gậy, típ sắt tấn công anh Hiền khiến anh bị thương ở đùi và gãy tay. Sau đó vài ngày, anh Phương (bảo vệ KTX khu B) cũng bị nhóm thanh niên uống rượu say tấn công khi không cho nhóm này vào trong KTX.
“Khoảng 20 ngày trước có một đôi nam nữ vì ngại hẹn hò trong KTX nên đã ra phía hồ đá để tâm sự thì bị nhóm thanh niên đến cướp. Người bạn trai chống trả bị nhóm côn đồ đâm và chết trên đường đi cấp cứu, còn cô bạn gái cũng bị thương nhẹ” – ông Lương kể.
Đặc biệt, vào chiều thứ 7 hàng tuần có hàng chục thanh niên tụ tập đua xe trên đoạn đường vào KTX khu B, ông Lương cuối tuần nào cũng phải gọi điện nhờ công an tới can thiệp, giải tán nhóm thanh niên này.
Mặc dù nhiều đoạn đường ra vào các khu KTX và trường đại học đã có bảo vệ túc trực hàng ngày. Nhưng trước sự mạnh động của bọn tội phạm hiện nay cũng như dịp cuối năm, phía chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh, trấn áp tội phạm để sinh viên yên tâm lo việc học hành.
Theo Dantri
Hà Nội: Hàng trăm người bao vây, "cấm chợ" Bát Tràng
Vụ việc bắt đầu từ sáng nay, 5/11. Hàng trăm người dân kinh doanh trong chợ gốm làng cổ Bát Tràng (Hà Nội) đã đóng cửa quầy, ngừng kinh doanh buôn bán, tập trung tại cổng chợ, phản đối đơn vị quản lý chợ.
Ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm, rất đông người dân kinh doanh buôn bán ở chợ gốm Bát Tràng đã quây kín cổng chợ. Mọi người mang theo những tấm bìa các-tông ghi khẩu hiệu cầu cứu các cơ quan chức năng cũng như phản đối đơn vị quản lý chợ là Công ty Cổ phần Sứ Bát Tràng (Hapro Bát Tràng).
Các hộ kinh doanh ngừng buôn bán, quây kín cổng chợ.
Hai tờ giấy khổ lớn ghi thông báo cáo lỗi của các hộ kinh doanh trong chợ gửi tới du khách được dán ở 2 bên cổng chợ. Theo nội dung thông báo này, nguyên nhân các hộ kinh doanh đóng cửa chợ Bát Tràng là do bức xúc trong việc mua bán các ki-ốt trong chợ. Các du khách đến chợ ngày hôm nay đều được những người tập trung ở cổng chợ giải thích, xin lỗi về sự việc và mời ra về.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chợ gốm Bát Tràng ra đời từ năm 2004 với sự hợp tác giữa người dân làng gốm và Công ty CP Sứ Bát Tràng. Theo đó, 2 bên thống nhất đầu tư xây dựng dưới dạng hợp đồng thuê ki-ốt, phía Hapro Bát Tràng có mặt bằng được nhà nước giao sản xuất, phía người dân làng gốm góp tiền xây dựng với diện tích ban đầu là 13,5 m2.
Các quầy hàng được quây bạt, ngừng mọi hoạt động kinh doanh.
Các hộ kinh doanh tại đây cho hay, do làng nghề chật hẹp, không có nơi giới thiệu sản phẩm, người dân đã hợp tác với Hapro để xây dựng chợ gốm. Đặc biệt, chỉ có người dân làng gốm Bát Tràng mới được góp vốn xây dựng và sau đó kinh doanh tại đây.
Bác Phùng Thị Phin (SN 1941, ở xóm 1, Bát Tràng), chủ một ki-ốt trong chợ gốm, cho hay, lúc đầu xây dựng, các ki-ốt đều không có cửa, không vách ngăn. Quá trình kinh doanh, các hộ dân đã tự bỏ tiền ra để xây dựng thêm và hoàn thiện nội thất từng gian hàng. Cũng theo các hộ kinh doanh ở đây, chỉ có người dân làng gốm Bát Tràng mới được góp vốn xây dựng và kinh doanh tại chợ gốm.
Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hưng bức xúc khi gian hàng mình đang kinh doanh bị đem cho đơn vị khác thuê.
Sau khi kết thúc hợp đồng thuê ki-ốt 5 năm, đến nay, giữa người dân và Hapro Bát Tràng vẫn chưa thống nhất được phương án ký kết hợp đồng tiếp theo. Phản ánh của các hộ kinh doanh, trước đây, người dân ký hợp đồng thuê ki-ốt với Hapro Bát Tràng thông qua Hợp tác xã gốm sứ Bát Tràng do chính các hộ kinh doanh tại đây bầu ra. Tuy nhiên, khi thời hạn hợp đồng kết thúc, phía Hapro Bát Tràng đã ra thông báo yêu cầu các hộ kinh doanh ký hợp đồng mới trực tiếp với công ty. Giá thuê cũng được tính cao hơn so với trước kia. Không đồng tình với cách làm mới của Hapro Bát Tràng, các hộ kinh doanh trong chợ vẫn chưa ký hợp đồng mới.
Sự việc bắt đầu "nóng" từ ngày 26/10 vừa qua, 5 hộ kinh doanh trong chợ nhận được thông báo từ Công ty Cổ phần Đồng Tiến Thành (trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội) về việc Công ty Đồng Tiến Thành đã ký hợp đồng thuê 5 ki-ốt mà 5 hộ đang kinh doanh.
"Họ thông báo ngày 5/11 chúng tôi phải dọn hàng đi, nếu không dọn họ sẽ cho người đến dọn." - nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hưng (SN 1954), Phó Ban quản lý chợ, một trong 5 chủ ki-ốt trên, bức xúc cho biết.
Người dân muốn giữ gìn, phát triển thương hiệu chợ gốm làng cổ Bát Tràng.
Điều khiến các hộ kinh doanh trong chợ gốm bức xúc, lo lắng là ngày 2/11, hơn 50 đối tượng "đầu gấu" kéo đến chợ, đe dọa, khủng bố tinh thần người dân từ 11h trưa đến 17h chiều.
Sáng nay 5/11, toàn bộ các hộ kinh doanh trong chợ gốm Bát Tràng đã đồng loạt đóng cửa, tập trung tại cổng chợ, phản đối cách làm của Hapro Bát Tràng. Khi sự việc xảy ra, lực lượng công an sở tại đã có mặt, đảm bảo tình hình an ninh trật tự. Không có xô xát hay bất cứ va chạm đáng tiếc nào xảy ra trong suốt buổi sáng nay.
Chiều nay, một cuộc họp giữa đại diện các hộ kinh doanh trong chợ với Hapro Bát Tràng và chính quyền địa phương đã diễn ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đến bạn đọc những thông tin mới nhất về vụ việc trên.
Theo Dantri
KTX thừa chỗ, SV ở trọ giá cao Vì ngại mất an ninh, phải làm đêm về khuya, hàng ngàn sinh viên phải thuê nhà trọ giá cao, bị chủ trọ bắt chẹt. Cần có biện pháp bảo vệ trật tự cho khu vực làng ĐH. Những năm trước, ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia TPHCM thiếu chỗ, năm học mới nào sinh viên (SV) cũng đối mặt với chuyện...