Tay vợt trẻ Lý Hoàng Nam bất ngờ ‘thoát’ án kỷ luật
Cuộc họp với sự có mặt của các bên liên quan đã đi đến thống nhất Lý Hoàng Nam là tài năng cần đầu tư, còn nhỏ tuổi và chỉ nên giáo dục, chứ không kỷ luật như dự kiến trước đó.
Lùm xùm quanh chuyện Hoàng Nam bỏ tập trung ĐTQG coi như chấm dứt sau khi các đôi chịu ngồi lại với nhau và chọn giải pháp “dĩ hòa vi quý”
Sau nhiều lần trì hoãn, phải đến chiều nay 11-3, các bên liên quan mới chịu ngồi lại để bàn về việc tay vợt Lý Hoàng Nam từ chối lệnh triệu tập ĐTQG dự Davis Cup hồi tháng 2.
Tham dự có đại diện Tổng cục TDTT, Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF), Liên đoàn quần vợt Bình Dương, Công ty Cổ phần kinh doanh và thể thao Bình Dương (đơn vị quản lý Lý Hoàng Nam), Sở VH-TT&DL Bình Dương, đại diện gia đình Lý Hoàng Nam.
Theo tìm hiểu, trong cuộc họp kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ (không cho báo chí tham dự), các bên đã có những tranh luận, phản biện xung quanh quyết định không cho Lý Hoàng Nam tập trung ĐTQG vì lý do chuyên môn và sức khỏe do phía đơn vị chủ quản đưa ra.
Các bên đều đưa ra những lý lẽ bảo vệ cho quan điểm, quyết định của mình và bên nào cũng cho rằng mình đúng. Phía VTF cho việc dự Davis Cup sẽ giúp Nam nâng cao trình độ, nhưng đơn vị chủ quản lại cho rằng Nam nên đi theo lộ trình của riêng họ.
Video đang HOT
Trả lời phóng viên ANTĐ sau cuộc họp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn, cho biết: “Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ đôi bên không thống nhất vấn đề chuyên môn. Tuy nhiên sau khi lắng nghe, tất cả đều thống nhất Lý Hoàng Nam là tài năng cần đầu tư. Thay mặt Tổng cục TDTT, tôi đã đề nghị VTF và Becamex ngay ngày mai (12-3) phải cùng ngồi lại với nhau để thống nhất kế hoạch chuyên môn, phát triển tài năng của Lý Hoàng Nam”.
Điều được dư luận quan tâm là liệu có án kỷ luật (VTF từng dự kiến đề xuất cấm thi đấu 3 năm) nào dành cho Lý Hoàng Nam sau quyết định từ chối tập trung đội tuyển, hay không.
Về điều này, Phó tổng cục trưởng Phạm Văn Tuấn chia sẻ: “Kỷ luật thì dễ thôi, cứ áp theo các chế tài đối với các VĐV không thực thi lệnh triệu tập ĐTQG để răn đe. Thế nhưng ở trường hợp của Hoàng Nam, cháu còn nhỏ, nên hướng xử lý là giáo dục. Theo tôi, các bên liên quan cũng cần chung tay để phát triển tài năng trẻ này”.
Như vậy, nhiều khả năng Lý Hoàng Nam sẽ không bị cấm thi đấu và rất có thể sẽ được tập trung cùng ĐTQG chuẩn bị cho trận play-off Davis Cup – Nhóm II châu Á Thái Bình Dương gặp ĐT Sri Lanka từ ngày 4 đến 6-4 tại Đà Lạt (đội thắng trụ hạng, thua xuống hạng).
Phía VTF dù đã ký quyết định tập trung ĐTQG gồm 5 tay vợt mà không có tên Lý Hoàng Nam, song cho biết vẫn tạo cơ hội và chờ Hoàng Nam tới phút chót.
Hiện Hoàng Nam đang dự giải trẻ ITF Junior Tennis Championship nhóm I tổ chức tại Malaysia từ ngày 11 đến 16-3 và vẫn kịp về Việt Nam dự play-off với ĐT Việt Nam đầu tháng 3 tới.
Theo VNE
Lý Hoàng Nam: Cậu bé nhặt bóng thành thần đồng quần vợt
Không như những tài năng quần vợt khác, xuất phát điểm của Hoàng Nam hoàn toàn là con số không.
Lý Hoàng Nam đam mê tennis từ nhỏ. Ảnh: Mai Hương.
Hoàng Nam không được đào tạo bài bản từ nhỏ, gia đình cũng không ai theo nghiệp thể thao, kinh tế cũng chỉ ở mức đủ ăn. Vậy mà chỉ sau vài năm, cậu bé có chiếc răng khểnh suốt ngày đi nhặt bóng ở sân tennis ngày nào lại trở thành thần đồng mới của quần vợt Việt Nam.
Sinh ra tại huyện Gò Dầu, Tây Ninh, Hoàng Nam theo bố đến các sân tennis từ bé xem các anh, các chú đánh quần vợt. Vốn hiếu động, Hoàng Nam tự nguyện đi nhặt bóng, rồi em thích quần vợt từ lúc nào không hay biết. Dù còn ít tuổi, Nam nằng nặc đòi bố xin được quần vợt đánh thử. Không ngờ khi cầm vợt trong tay, Hoàng Nam trông rất có dáng và học nhanh những động tác cơ bản.
Không có tiền đầu tư cho con, bố mẹ Nam gửi con tới tập luyện tại Bình Dương. Tại đây, Hoàng Nam được sự dẫn dắt của HLV Trần Đức Quỳnh - cựu tay vợt nổi tiếng của Việt Nam. Không có nhiều điều kiện để tập luyện, thi đấu tại nước ngoài từ nhỏ như đàn anh Hoàng Thiên, nhưng Hoàng Nam rất siêng năng, đam mê quần vợt đến cháy bỏng. "Cứ về đến nhà Nam lại lôi vợt ra đánh, bắt chị gái tập cùng. Thậm chí trong giấc ngủ hay đi ăn uống, Nam cũng không quên được quần vợt", bà Đỗ Thanh Yến - mẹ Nam kể.
Ý chí và nỗ lực hơn người, nhưng cũng phải đến năm 9 tuổi, Hoàng Nam mới bắt đầu được giới chuyên môn để ý ở các giải trẻ. Tuy nhiên ở thời điểm đó, Hoàng Thiên nổi như cồn, khiến mọi tay vợt trẻ khác của Việt Nam chỉ là cái bóng.
Điểm mạnh của Hoàng Nam là tâm lý thi đấu vững vàng và luôn khát khao chiến thắng. Ở những trận đấu càng căng thẳng, đối thủ càng mạnh, Hoàng Nam chơi càng hay. Chuyên gia quần vợt nổi tiếng người Thái Lan Wanawit Srirasa khi xem Hoàng Nam thi đấu tỏ ra bất ngờ với màn trình diễn của anh.
Sau khi đoạt một loạt các danh hiệu U18 ITF nhóm 5, Hoàng Nam đã đi vào lịch sử quần vợt Việt Nam khi trở thành tay vợt đoạt chức vô địch quốc gia trẻ nhất, lúc em 15 tuổi. Trước Hoàng Nam, tay vợt Minh Quân cũng phải đến năm 18 tuổi mới bước được lên ngôi cao nhất Việt Nam. Dù nhỏ tuổi nhất, Hoàng Nam đã thi đấu tự tin, hạ đo ván hàng loạt cao thủ của làng banh nỉ nước nhà, giành ngôi vô địch trong sự thán phục của giới chuyên môn và người hâm mộ. Thành công của Hoàng Nam tại giải quần vợt vô địch quốc gia không hề đến từ yếu tố may mắn. Chứng kiến màn thể hiện của Hoàng Nam, người xem ai nấy đều xuýt xoa bởi dù mới 15 tuổi nhưng anh cho thấy những tố chất của tay vợt chuyên nghiệp, từ thể lực, khả năng quan sát, phản xạ đến quả vợt trái tay, lên lưới...
Tâm lý thi đấu là thế mạnh của Lý Hoàng Nam. Ảnh: Mai Hương.
Tại Đại hội thể thao trẻ châu Á vừa kết thúc tại Nam Kinh - Trung Quốc, Hoàng Nam tạo nên cơn địa chấn, khi giành chức vô địch đơn nam. Đây là kỳ tích của quần vợt Việt Nam tại sân chơi châu lục. Hoàng Nam liên tiếp có những chiến thắng ấn tượng từ vòng một, trước khi vào tới trận chung kết với đối thủ người Philippines Mendoza Zosimo.
Bước vào trận chung kết, bị đánh giá thấp hơn tay vợt đang xếp hạng 89 trẻ thế giới Mendoza Zosimo nhưng Hoàng Nam (hạng 140 trẻ thế giới) vẫn chủ động chơi đôi công và đã có màn lội ngược dòng đầy ấn tượng để giành HC vàng.
Sau những gì làm được, Hoàng Nam cho thấy bước tiến vững chắc về chuyên môn và nếu tiếp tục được đầu tư đúng đắn, bài bản, đây sẽ là niềm hy vọng lớn cho quần vợt Việt Nam.
Theo VNE