Tẩy rửa “ô nhiễm” tiếng Việt bằng luật
Tình trạng dùng chữ lung tung, tiếp nhận tiếng nước ngoài ồ ạt, chuyển hoá thành tiếng Việt lộn xộn… làm “ô nhiễm ngôn ngữ… GS.TS. Nguyễn Văn Khang (Viện Ngôn ngữ học) có cuộc trao đổi với PV về vấn đề “ô nhiễm” ngôn ngữ.
Thưa Giáo sư, từ đâu ông có nhận xét tình trạng dùng chữ lung tung, tiếp nhận tiếng nước ngoài ồ ạt, chuyển hoá thành tiếng Việt lộn xộn… làm “ô nhiễm ngôn ngữ”?
Ngôn ngữ phản ánh xã hội nên ngôn ngữ biến động theo sự phát triển của xã hội. Trong sự biến động ấy, việc sử dụng ngôn ngữ có những vấn đề chưa được chuẩn mực. Đó là điều tất yếu của mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia, tiếng Việt cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Cùng với đó, ở nước ta, một số văn bản quy định về ngôn ngữ chỉ giới hạn trong phạm vi nội bộ của từng bộ, ngành mà chưa “phủ” được chung cho cả nước. Ví dụ như, những năm 60, việc sử dụng các thuật ngữ, tên riêng dựa vào quy định tạm thời của Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Sau giải phóng, những năm 80, Bộ Giáo dục quy định về chính tả tiếng Việt. Nhưng quy định của ngành giáo dục không có tác dụng với ngành khác.
Từ hai yếu tố trên dẫn đến tình trạng mỗi nơi dùng ngôn ngữ một “phách”, không ai “chịu” giống ai. Ngay trong một cuốn sách, bài báo tác giả cũng tuỳ tiện dùng ngôn ngữ. Ví dụ như cùng viết một từ ngữ nhưng dòng trên viết y (dài), dòng dưới viết i (ngắn). Tình trạng dùng chữ “lung tung”, tiếp nhận tiếng nước ngoài ồ ạt, chuyển hoá thành tiếng Việt lộn xộn…, thế giới gọi đó là sự “ô nhiễm ngôn ngữ”.
GS.TS Nguyễn Văn Khang (bìa phải) trong một buổi bảo vệ luận án của học trò
Sự “ô nhiễm” này có ảnh hưởng gì đến xã hội không, thưa ông?
Có chứ! Trước hết có thể thấy, việc tiếp thu văn bản sẽ khó khăn, dễ nhầm lẫn. Có khi cùng một tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí, có báo phiên âm, có báo để nguyên dạng, gây khó khăn cho việc tra cứu thông tin trên internet. Ngôn ngữ không thống nhất, cũng gây tâm lý tuỳ tiện, cẩu thả trong cách dùng từ. Ví dụ, cùng một chữ “Lý” nhưng lúc viết “lí”, lúc viết “lý”.
Không những vậy, ngôn ngữ còn ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Ví dụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các tài liệu văn bản, hồ sơ, hộ khẩu, chứng minh thư… được mã hoá, số hoá trên máy tính. Nếu các ký tự không thống nhất, rất khó khăn để làm được việc này. Chưa kể, khi đi nước ngoài, hộ chiếu, visa, giấy tờ thuỳ thân viết không cùng chính tả sẽ gây ra những rắc rối. Ví dụ như họ Lý, mặc dù ở ta vẫn hiểu i và y trong một số trường hợp như nhau, nhưng “Tây” họ không hiểu đâu.
Cũng có ý kiến cho rằng, sử dụng ngôn ngữ tuỳ tiện, thiếu nhất quán là biểu hiện tư duy, quản lý chưa cao?
Ngôn ngữ không phải là vàng, là bạc nhưng là chất keo, mật để kết dính xã hội. Khi chất kết dính không “ổn”, làm sao cộng đồng có thể liênkết tốt được? Ngôn ngữ cũng là biểu hiện của tư duy. Tại sao trong một bài hát nói về nội tâm lại lồng ghép từ ngữ, câu nước ngoài vào? Tiếng Việt chúng ta không diễn tả được sao? Tất nhiên, những từ mới, từ chuyên môn… phải mượn của nước ngoài và có thể chấp nhận.
Video đang HOT
Tôi cũng thấy lạ rằng, trong biển quảng cáo, biển hiệu ở Thủ đô mà tiếng Việt viết nhỏ hơn tiếng nước ngoài. Làm như vậy, người ta cảm thấy, dân tộc mình có phần tự ti. Năm 1996, chúng ta có Pháp lệnh về quảng cáo, nhưng không được thực thi. Ngôn ngữ dùng trong quảng cáo, biển hiệu bây giờ sai triền miên. Như người ta vẫn nói vui, việc này không gây cháy nhà, chết người… nên người ta không thấy được chiều sâu văn hoá.
Kinh nghiệm của tôi khi nghiên cứu các luật ngôn ngữ các quốc gia trên thế giới, đã đến lúc Việt Nam có bộ luật về ngôn ngữ. Luật sẽ tạo ra khung thống nhất, từ đó, xây dựng các quy định cụ thể, tạo sự thống nhất chung. Ví dụ, vấn đề chính tả như cách sử dụng “i” và “y” sẽ được giải quyết nếu có luật quy định.
Các nước trên thế giới có cần sử dụng đến luật về ngôn ngữ không?
Hiện nay, tôi được biết đã có gần 100 quốc gia trên thế giới có luật về ngôn ngữ, trong đó các nước phát triển như Pháp, Canada… Các nước ở Đông Nam Á như Malaysia, Singapore… cũng có luật về ngôn ngữ. Về tầm quan trọng của luật ngôn ngữ, ví dụ điển hình là Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã ký ngay Luật Ngôn ngữ khi ông lên nắm quyền vào năm 1991. Luật quy định rất rõ chức năng tiếng Nga, quyền lợi, nghĩa vụ người Nga dân sử dụng tiếng Nga…
Những hệ luỵ của “ô nhiễm” ngôn ngữ như ông nói dù sao cũng chưa phải đến mức cháy nhà, chết người . Vậy đặt vấn đề phải có luật ngôn ngữ lúc này đã đúng thời điểm chưa?
Tôi nghĩ rằng, chúng ta đủ điều kiện cần thiết xây dựng luật ngôn ngữ. Bởi chúng ta đang có sự ổn định về chính trị, xã hội và đang xây dựng một nhà nước pháp quyền. Trong đó, ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng.
Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới mở trung tâm Việt Nam học, nhiều người nước ngoài muốn nghiên cứu, tìm hiểu Việt Nam. Do vậy, cần thiết có tiếng Việt chuẩn mực, thống nhất để truyền bá tiếng Việt ra nước ngoài. Đó cũng là cách truyền bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài. Ngoài ra, tình hình chung về sử dụng ngôn ngữ thiếu nhất quán ở Việt Nam hiện nay đặt ra yêu cầu phải được luật hóa.
Nhân đây, cũng xin nói thêm, một số bộ, ngành có văn bản quy định về ngôn ngữ chỉ giới hạn trong phạm vi nội bộ của từng bộ, từng ngành mà chưa “phủ” được chung cho cả nước.
Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta có Pháp lệnh Quảng cáo quy định khá chặt chẽ về ngôn ngữ quảng cáo. Nhưng thực tế không được thực thi vào cuộc sống. Vậy nếu có luật ngôn ngữ, ông có e ngại “vết xe đổ” lặp lại?
Đúng là ngôn ngữ quảng cáo hiện nay đã cho thấy pháp lệnh chưa thực sự đi vào thực tế. Về luật ngôn ngữ, cũng phải lo đến vấn đề thực thi. Tuy nhiên, qua nghiên cứu luật các nước, tôi ngẫm ra, luật ngôn ngữ có điều khác biệt là mang tính nhân văn.
Các bộ luật ngôn ngữ đều có điều khoản về việc việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm luật ngôn ngữ. Loại vi phạm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, đến sự đoàn kết dân tộc, đến hợp đồng kinh tế…, mức độ xử phạt giống như các bộ luật khác. Nhưng loại vi phạm mang tính cá nhân trong sử dụng ngôn ngữ thì nghiêng về “khuyên bảo”, “nhắc nhở”. Mức cao nhất là phải cải chính, phê bình, cảnh cáo. Đây là điểm khác với các bộ luật khác. Như vậy, luật ngôn ngữ định hướng cho xã hội trong sử dụng ngôn ngữ.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Theo 24h
Méo miệng đọc tên cơ quan nhà nước
"Tôi không hiểu số phận thế nào, những cơ quan tôi công tác đều có cái tên rất dài. Nhiều khi tên dài quá cũng khó giao dịch" - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
Cái tên giải quyết khâu "oai"?
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ: "Tôi không hiểu số phận thế nào, những cơ quan tôi công tác đều có cái tên rất dài. Trước đây tôi công tác ở trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Đây là tên quá dài, nhiều khi cái tên dài quá cũng khó giao dịch".
Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Minh Thuyết lý giải, trước đây trường ĐH Tổng hợp Hà Nội có đợt tách ra thành một số trường nhỏ. Những tên trường tách ra từ ĐH Tổng hợp sau này, GS Thuyết cho là quá cẩn thận, dài dòng. ĐH KHXH và Nhân văn được đặt tên theo xu hướng mới lúc đó, phân biệt khoa học xã hội với khoa học nhân văn.
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết dùng chữ "trường" để chỉ ĐH Quốc gia Hà Nội là sai chữ ấy chỉ được dùng để chỉ các trường thành viên của ĐHQG hoặc các cơ sở giáo dục ĐH "một cấp" như Trường ĐH KH Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Bách khoa.
Ông Cổn còn chỉ ra tên một số cơ sở giáo dục ĐH không dùng chữ "trường" như ĐH Huế, ĐH Vinh, ĐH QG Hà Nội, ĐH QG Thành phố HCM... Theo ông Cổn, do các ĐH lớn này có các trường ĐH thành viên bên trong nên không gọi "trường".
Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nếu chỉ gọi ĐH, không có chữ "trường" là sai ngữ pháp. Trong tiếng Việt, "đại học" là danh từ, nhưng chỉ làm định ngữ, không đứng độc lập. Ví dụ như giáo trình đại học...
Hơn nữa, việc gọi tên "ĐH" trong giao dịch cũng rất khó. Ví dụ, khi làm việc với các viện nghiên cứu hay các cơ sở giáo dục ĐH, người ta gọi là "quý viện", "quý trường"... không ai gọi "quý ĐH". Bây giờ, do có sự phân biết "ĐH" với "trường ĐH", nhiều cơ sở ĐH ghi biển tên cũng lược chữ "trường" tạo nên sự mập mờ cho giống với cơ sở giáo dục ĐH "hai cấp" như các ĐH quốc gia, ĐH vùng... Có thể việc lược đi như vậy chỉ giải quyết khâu oai, nhưng cách gọi ấy tạo sự mập mờ.
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn cũng đồng tình quan điểm dùng chữ ĐH một cách chung chung. Bởi chữ ĐH là từ định tính, để phân biệt với trung học, tiểu học.
Ngoài ra, hiện nay đang có hiện trạng dịch tên trường ĐH sang tiếng Anh khá lộn xộn. Ở nước ngoài, các trường thành viên của ĐH "hai cấp" dùng chữ College, còn bản thân ĐH "hai cấp" là university.
Nhưng ở nước ta, các trường thành viên không muốn dùng chữ college vì sợ gọi thế mình sẽ thấp hơn các trường ĐH khác (các trường ĐH khác nhỏ hơn, thành tích, bề dày kém hơn, trường ĐH tư thục mới mở... đều là university cả). Bởi vậy, để cho oai, nhiều trường thành viên cũng dùng tên tiếng Anh là university. Như vậy, có university trong university, "Tây" chịu không hiểu được.
Chỉ có mình nhớ nổi tên cơ quan mình
GS. Nguyễn Minh Thuyết dẫn chứng thêm cơ quan thứ hai ông làm việc là Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Theo ông Thuyết: "Nó dài đến mức nhiều người, nhiều cơ quan gọi sai hoặc hiểu không đầy đủ. Theo tên gọi, nhiều người nghĩ cơ quan này phụ trách mảng văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Nhưng thực ra, Ủy ban còn giúp Quốc hội giám sát, theo dõi các mảng văn hoá thông tin, thể thao".
"Chỉ có mình làm việc ở đây nên mới nhớ tên cơ quan mình, chứ người khác rất khó nhớ. Trong quá trình làm việc trước đây, các bộ khi làm việc cũng gọi tên ủy ban này sai lung tung cả lên. Khi thì gọi thiếu, khi gọi lộn ngược".
Ông Thuyết nhớ lại, ủy ban này được tách ra từ Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, sau đó nhập thêm mảng thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nên thành ra có cái tên ghép dài như vậy. Theo GS Thuyết, có thể do những người trong các ủy ban sáp nhập quan niệm, thiếu đi một vế nào đó trong tên gọi ủy ban mới sẽ không phản ánh hết cơ cấu. Cũng như việc nhiều bộ ngành, địa phương của nước ta khi sáp nhập cũng giữ "khư khư" tên cũ.
Ông Thuyết lấy ví dụ: Bộ Công nghiệp và Thương mại sáp nhập với nhau thành "Bộ Công Thương". Nhiều tờ báo quy định viết hoa cả chữ Công và Thương (Bộ Công Thương) vì cho rằng đây là hai mảng khác nhau nhập lại. Tuy nhiên, theo GS. Thuyết, đó là viết sai chính tả, nếu đúng phải viết "Công thương". Cái tên này đã có ít nhất từ năm 1945, chứ không phải bây giờ nhập 2 bộ vào mới có.
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn cũng cho rằng, tên các cơ quan như Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội "có phần dài dòng". "Có lẽ để đạt được độ chính xác về mặt định danh, nên một số cơ quan đã "hy sinh" chuẩn ngôn ngữ".
Ông Cổn lấy một ví dụ khác là tên UB Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Theo ông Cổn, cái tên này cũng dài dòng và thừa chữ. Nếu bỏ chữ "về" ý nghĩa của tên cơ quan cũng không thay đổi. GS. Nguyễn Minh Thuyết cũng đồng tình, tên riêng của cơ quan nhà nước mà có hư từ "về" rất hiếm gặp.
Tên cơ quan nhà nước cần ngắn gọn, dễ hiểu
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, đặt tên cho một cơ quan nhà nước cần hai yếu tố, trước hết định danh được chính xác chức năng, nhiệm vụ cơ quan đó. Thứ hai, tên phải ngắn gọn, không được quá dài dòng và phải mang tính đại chúng. Bên cạnh đó, ngôn ngữ sử dụng không mơ hồ, khó hiểu để tạo thuận lợi cho người dân giao dịch và cũng thuận lợi cho cơ quan nhà nước khi làm việc.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, tên gọi dù sao cũng chỉ có ý nghĩa tượng trưng, bao quát, không thể phản ánh tất cả nội dung bên trong. Thứ hai, tên bảo đảm được yếu tố truyền thống. Ví dụ, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ hiện nay không chỉ là thư viện, mà còn là nơi cung cấp thông tin cho các đại biểu, làm công việc lưu trữ quốc gia và phụ trách lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ... nhưng đến nay nó vẫn giữ tên cũ là Thư viện Quốc hội Hoa kỳ.
GS. Thuyết cũng chỉ ra tên một số bộ, ngành không nhất thiết phải "quá cẩn thận" đến mức thừa chữ. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể gọi là Bộ Giáo dục vì trong giáo dục có đào tạo. Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ cần gọi là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục là đủ. Bởi trong giáo dục có thanh niên, thiếu niên và nhi đồng...
Theo 24h
Cần có pháp lệnh về chính tả tiếng Việt Một vấn đề đặt ra là có cần thiết bổ sung các chữ "f, j, w, z" vào bảng chữ cái tiếng Việt không, khi mà những chữ này lâu nay vẫn xuất hiện thường xuyên ở SGK và các phương tiện truyền thông đại chúng. Đó là kiến nghị của đông đảo các đại biểu tham dự Hội thảo Khoa học quốc...