Tây Nguyên: Thủy điện lớn, nhỏ đều đáng lo ngại
Từ nhiều năm nay, hàng trăm công trình thủy điện lớn, nhỏ ở khắp Tây Nguyên đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của hàng ngàn hộ dân. Các sự cố vỡ đập thủy điện gần đây càng làm cho người dân Tây Nguyên thêm lo lắng, bất an với hệ thống thủy điện dày đặc ở khu vực này.
Thủy điện Sêrêpốk 4A đang đào kênh bẻ dòng chảy, đe dọa kiệt nước trên 20km sông Sêrêpốk qua Vườn Quốc gia Yók Đôn (Đắc Lắc).
Thủy điện lớn, hệ lụy lớn
Theo quy hoạch được phê duyệt, Tây Nguyên có 287 dự án thủy điện (DATĐ) với tổng công suất trên 6.991MW. Đến nay, đã có 84 dự án đưa vào vận hành với tổng công suất trên 4.768MW, trong đó có 66 dự án thủy điện nhỏ, tổng công suất hơn 201MW đang trình xin phép đầu tư. Theo thống kê của Bộ Công Thương, có hơn 65.239ha đất các loại ở Tây Nguyên đã bị thủy điện chiếm dụng, gần 25.300 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 5.600 hộ buộc phải di dời, tái định cư. Còn theo tính toán của ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, bình quân mỗi MW điện làm ảnh hưởng 4,08 hộ dân, trong đó phải di dời 0,94 hộ và chiếm dụng khoảng 10,53ha đất các loại. Chưa kể, quá trình tái định cư, định canh cho người dân trong vùng dự án phải sử dụng hơn 10.371ha đất, chủ yếu khai hoang từ rừng tự nhiên vốn còn lại không nhiều.
Cũng theo quy định, chủ đầu tư DATĐ phải trình Bộ TNMT hoặc UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhưng tại nhiều DATĐ, việc bố trí đổ chất thải chưa hợp lý, thu dọn lòng hồ không triệt để, chưa khơi thông hệ thống thoát nước khiến bùn cát lắng đọng vào dung tích chết của hồ chứa nhiều hơn. Từ đó, dòng chảy về hạ lưu mất đi lượng phù sa đáng kể, từng bước làm “sa mạc hóa” vùng hạ du. Điển hình là sau khi thủy điện Buôn Tua Srah (Đắc Lắc – Đắc Nông) đi vào vận hành thì diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng các loại ở vùng hạ du suy giảm nhanh, thu nhập của người dân bị giảm đáng kể. Ngoài ra, theo quy định, các chủ đầu tư DATĐ phải trồng lại diện tích rừng bị mất, nhưng thực tế tại Đắc Lắc diện tích rừng phải trồng lại là 850ha, nhưng đến nay các chủ DATĐ mới trồng được… 63ha.
Thủy điện nhỏ không trả được nợ vay lớn?
Video đang HOT
Hiện 8/9 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ở Đắc Lắc đang kêu ca thua lỗ do doanh thu bán điện thấp hơn lãi suất, bù lỗ chi phí vận hành, nợ gốc không trả được. UBND tỉnh Đắc Lắc phải ký văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét có giải pháp cứu các DN thủy điện nhỏ khỏi nguy cơ phá sản. Chỉ có duy nhất NMTĐ Krông Hin của Cty xây dựng Mê Kông là chưa kêu lỗ nhờ tỉ lệ vốn vay trên tổng mức đầu tư thấp (48/102 tỉ đồng), các chi phí được tiết kiệm tối đa. Mặc dù vậy, sau 6 năm vận hành, thủy điện này vẫn chưa trả hết nợ. Điều lạ lùng là mặc dù kêu lỗ, nhưng nhiều DN vẫn lao vào làm, được “tiếp tay” bằng quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ dày đặc trên các sông suối. Về an toàn hồ đập, kết quả kiểm tra mới đây của đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công Thương Đắc Lắc chủ trì cho thấy, các NMTĐ vừa và nhỏ chưa thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến an toàn hồ đập. Trong 6 DN được kiểm tra, chỉ có 2 DN thực hiện tương đối đầy đủ, 3 DN có thực hiện nhưng chưa đầy đủ, 1 DN chưa thực hiện. Đoàn kiểm tra cho rằng toàn bộ hồ đập, các hạng mục phụ trợ của các công trình này chưa có biểu hiện mất an toàn. Nhưng với hàng loạt thiếu sót như trên, nguy cơ mất an toàn đối với sản xuất, dân sinh ở vùng hạ du vẫn còn tiềm ẩn.
Thực hiện yêu cầu của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương vừa phối hợp với UBND các tỉnh Tây Nguyên rà soát quy hoạch các DATĐ trên toàn vùng. Kết quả đã thống nhất loại khỏi quy hoạch 33 dự án, không xem xét quy hoạch 108 vị trí có tiềm năng thủy điện nhưng hiệu quả thấp. Ông Trần Việt Hùng – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây nguyên – cũng cho biết: ” Sẽ kiên quyết loại bỏ các dự án thủy điện kém hiệu quả, mất rừng nhiều, tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội… Chúng tôi cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có quy định về diện tích đất, rừng tối đa cho 1MW điện, về dòng chảy tối thiểu trong mùa kiệt để đảm bảo sản xuất, dân sinh ở hạ du”.
Theo laodong
Thủy điện Việt Nam đi "ngược chiều" thế giới - Kỳ 2: Hai không
Nhiều dự án thủy điện không có đủ các quy chuẩn cần thiết trong khi cơ quan quản lý không kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Thủy điện Sông Tranh 2 không có cửa xả đáy - Ảnh: Hoàng Sơn
Không cửa xả đáy
Theo kết quả thanh tra các hồ, đập thủy điện vừa và nhỏ mới đây của Thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), hầu hết không có công trình bảo đảm dòng chảy tối thiểu, một số công trình không thiết kế cống xả đáy, nên khi sự cố xảy ra đã không thể xả nước theo yêu cầu. Tại tỉnh Quảng Nam - điểm nóng thủy điện - hầu hết các đập đã và đang được xây dựng trên vùng đầu nguồn đều không có cửa xả đáy sâu. Với công trình Đăk Mi 4, chỉ khi chính quyền Đà Nẵng và các huyện phía hạ lưu tỉnh Quảng Nam phản đối kịch liệt, chủ đầu tư mới bổ sung thêm cửa xả đáy để trả lại dòng chảy tối thiểu về lại dòng Vu Gia.
Việc không thiết kế cửa xả đáy là sai, ảnh hưởng rất lớn đến an toàn đập
GS-TS Vũ Trọng Hồng
Trước đó, trả lời báo chí trong một cuộc họp tại Bộ Công thương, ông Cao Anh Dũng, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, cho rằng việc có hay không cửa xả đáy là do thiết kế của thủy điện. Ở Việt Nam hiện có mấy trăm thủy điện nhưng chỉ có các thủy điện lớn có cửa xả đáy là Hòa Bình và Sơn La. Cũng theo ông Dũng, việc thêm cửa xả đáy vào hồ thủy điện thì "thêm một chi tiết càng thêm nguy cơ mất an toàn. Đập thủy điện cố gắng giảm thiểu các thiết bị bên trong thân đập và càng giảm bao nhiêu thì càng an toàn bấy nhiêu".
Tuy nhiên, theo GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, vì lợi nhuận nên nhiều chủ đầu tư, tư vấn thiết kế đã không thiết kế cửa xả đáy, để "bắt" nước phải về qua đập thủy điện. "Trên nguyên tắc tất cả các đập thủy điện lớn, nhỏ đều phải thiết kế cửa xả đáy, để khi có nguy cấp thì xả đáy cứu đập. Hoặc thông thường vài năm cũng phải xả một lần để xả bớt cát trong lòng hồ. Việc không thiết kế cửa xả đáy là sai, ảnh hưởng rất lớn đến an toàn đập", ông Hồng nói. Dẫn ra ví dụ thủy điện Sông Tranh 2, ông Hồng cho rằng vì không có cửa xả đáy nên phía trên thượng lưu của thân đập luôn tồn tại một khối lượng nước rất lớn, tạo ra nguy hiểm cho thân đập.
Việc chủ đầu tư và tư vấn thiết kế cố tình "quên" cửa xả đáy không khó hiểu. Ngoài việc tiết giảm chi phí xây dựng, không có cửa xả đáy còn giúp dung tích hồ chứa tăng lên. Đơn cử như Sông Tranh 2, nếu có cửa xả đáy thì dung tích hồ chứa chỉ còn 250 triệu m3 nước, nhưng không có cửa xả đáy thì dung tích đến 450 triệu m3 nước. Theo TS Đào Trọng Tứ, việc không có cửa xả đáy là khiếm khuyết trong thiết kế. Trong trường hợp lũ lớn vượt quá cường suất thiết kế, sẽ phải mở xả trên (qua tuốc bin) và cả xả đáy, nếu không thì dưới hạ du sẽ phải gánh đủ.
Không đảm bảo công tác giám sát
Nhiều đập bị thấm
Theo báo cáo được Bộ Xây dựng trình lên Chính phủ vào tháng 11, trong số 35 công trình thủy điện (độ cao từ 50 m trở lên) có tới 7/13 đập khi bắt đầu tích nước đã phát hiện dòng thấm mạnh qua khe nhiệt, như thủy điện Bản Vẽ, Sê San 4, Đồng Nai 4, Sông Tranh 2... Một số đập cũng xuất hiện vết nứt như Bản Vẽ, Bản Chát, Hàm Thuận hay sạt trượt mái bờ hai vai đập và cửa nhận nước như Bản Vẽ, Bản Chát, Hủa Na... Theo Bộ Xây dựng, chủ đầu tư các công trình này đã tiến hành xử lý thấm và nứt.
Các quy định về an toàn đập hiện nay đều đang giao phó hoàn toàn cho chủ đầu tư. Theo thông tư quy định về việc quản lý an toàn đập thủy điện được Bộ Công thương ban hành tháng 10.2010, việc nghiệm thu để đưa công trình vào khai thác sử dụng đập do chủ đầu tư quyết định, trừ các đập lớn do Hội đồng nghiệm thu nhà nước thực hiện.
Theo TS Bùi Trung Dung, Cục phó Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), về nguyên tắc, chủ đầu tư chịu trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra. Nếu không đủ năng lực, chủ đầu tư phải thuê các đơn vị tư vấn thiết kế và các tổ chức thẩm định độc lập. Nhưng để bớt chi phí, nhiều nhà đầu tư đã kiêm luôn cả ba chức năng là chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và giám sát (thông qua việc lập nên các công ty khác nhau). Nhưng trong thực tế, theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhiều chủ đầu tư tư nhân thậm chí không hề có kinh nghiệm làm thủy điện.
Trong khi đó, cơ quan quản lý giám sát gần nhất với các thủy điện nhỏ hiện nay theo phân cấp là các Sở Công thương lại chưa đủ năng lực, hoặc do bộ máy không đủ nhân lực để đảm nhận nhiệm vụ giám sát quản lý với an toàn các đập trên địa bàn. Dẫn lại câu chuyện vỡ đập Đăk Mek 3, ông Bùi Trung Dung cho rằng sai sót lớn nhất về mặt quản lý nhà nước là Sở Công thương đã thiếu theo sát kiểm tra tiến độ dự án, dẫn tới "bỏ lọt" con đập dài hơn 100 m đã được thi công rất ẩu.
Trả lời câu hỏi trong một tháng xảy ra hai sự cố công trình thủy điện tư nhân có cho thấy việc cấp phép thủy điện đang có vấn đề hay không, tại cuộc họp báo chiều 3.12, ông Lê Tuấn Phong, Tổng cục phó Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), cho rằng việc lập quy hoạch thủy điện trên địa phương do UBND tỉnh gửi Bộ Công thương thỏa thuận, sau khi thống nhất thì địa phương phê duyệt với các công trình có công suất dưới 30 MW. Việc đánh giá tác động môi trường do các sở và UBND tỉnh thực hiện, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư có tuân thủ không là trách nhiệm của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phân cấp cho địa phương được cấp phép và quản lý với dự án thủy điện nhỏ, trong khi nhiều địa phương lại thiếu thông tin, thiếu kinh nghiệm, nhân lực quản lý khiến chất lượng các dự án thủy điện đang bị thả nổi. Khi sự cố xảy ra, quả bóng "trách nhiệm" lại bị đá lòng vòng. Ông Trần Viết Ngãi cho rằng, cần sớm hạn chế tối đa và tiến tới chấm dứt không cho làm thủy điện nhỏ và vừa.
Theo TNO
Thủy điện Việt Nam đi "ngược chiều" thế giới Vì tránh gia tăng thêm chi phí, các nhà đầu tư đã cố tình bỏ quên thiết kế âu tàu cho các dự án thủy điện. Khi thiết kế thủy điện Hòa Bình, các chuyên gia Liên Xô đã đặt vấn đề làm âu tàu, nhưng sau đó Việt Nam bỏ qua hạng mục này - Ảnh: Ngọc Thắng Cắt đứt giao thông...