Tây Nguyên mùa cao su thay lá
Mùa xuân, mùa của vạn vật sinh sôi, cỏ cây hoa lá đâm chồi nảy lộc, mùa của màu xanh trên khắp các triền rừng Tây Nguyên, ấy vậy mà lại là mùa cho một loài cây rụng lá. Không như những loại cây cối khác, mùa đông thì rụng lá, cây cao su lại bắt đầu rụng lá vào mùa xuân, sau khi đã dâng cho cuộc đời những dòng nhựa trắng.
Sắc vàng của khu rừng cao su thay lá như bức tranh thiên nhiên khổng lồ
Đi trên Quốc lộ 14 nối từ thành phố Gia Lai qua Buôn Mê Thuột. Sắc vàng của những khu rừng cao su thay lá tiếp nối hai bên con đường như đưa dẫn bước chân du khách vào phòng tranh khổng lồ thiên tạo.
Cao su mùa này không cho mủ. Cũng bởi vậy nên rừng cao su lặng lẽ. Thỉnh thoảng mới thấy một bóng gùi lom khom bước đi chậm chậm trên con đường vàng như đang đếm những mùa qua. Một vài đứa trẻ nô đùa chạy vụt qua giữa hai hàng cây thẳng tắp để rồi nhanh chóng lẫn vào với thiên nhiên, cả những tiếng ríu rít của chúng cũng bị thiên nhiên tĩnh lặng nuốt mất, trả lại cho bức tranh vàng ấy vẻ trữ tình tư lự, nhẹ nhàng mà người họa sỹ thiên nhiên thêu dệt.
Tôi đã có lần giật mình khựng lại để tránh cảm giác mộng mị khi khoảng không gian cứ hút dài trôi qua bên tay lái. Dừng chân rồi mới chợt nhận ra rằng chính mình đang là dấu chấm giữa con đường hun hút vẽ trên nền của “bức tranh thu” vàng óng ả. Cái sắc vàng mộng mị ấy lại chứa chan một nét tình của người họa sỹ thiên nhiên. Chỉ có điều khác lạ, ấy chính là cái thời điểm hòa mình vào bức tranh thiên nhiên ấy lại không phải mùa thu.
Tôi đã từng ở đó, dưới những tán cao su bạt ngàn, những cành cao su khẳng khiu đã giũ sắc vàng. Để rồi chính những sắc vàng ấy khi sang mùa mới lại cho mùa nhựa trắng tiếp sau. Mùa cao su thay lá, những lá vàng rụng xuống để chỉ sau vài cơn mưa rừng, những thảm vàng ấy tạo nên sự màu mỡ, tơi xốp cho đất. Những thế hệ cây cao su luôn nối tiếp nhau, mùa lá trước rụng xuống lại làm nguồn sống nuôi mầm sống tiếp sau.
Mùa xuân, đi trên những thảm lá cao su rụng vàng, dưới ánh nắng rực rỡ của vùng cao nguyên lộng gió. Đây ắt hẳn sẽ là một trải nghiệm thú vị cho bất cứ ai đến nơi này.
Theo ANTD
Khám phá rừng Chế Tạo
Là một xã vùng cao, với khoảng 1.700 nhân khẩu sống rải rác trên một địa bàn rộng hơn 30km2 bị chia cắt bởi núi cao, vực sâu. Cuộc sống của người dân xã vùng cao Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái gần như biệt lập với xã hội hiện đại, chủ yếu là tự cung tự cấp. Con đường duy nhất từ trung tâm huyện lên xã Chế Tạo hơn 35km quanh năm trơn trượt, dốc đứng. Cùng với địa danh Làng Nhì, Lìm Mông và Tà Si Láng, dân "xê dịch" vẫn gọi Chế Tạo là một trong tứ đại hiểm địa của đất rừng Tây Bắc.
Để đến được Chế Tạo, trước mặt là những con đường dốc dựng đứng thử thách tay lái của kẻ lữ khách đường xa. Ngày nay đoạn đường đầu tiên ấy đã được trải bê tông nên việc đi lại của đồng bào có bớt khó khăn nhưng những khúc cua gắt thì vẫn luôn còn đó. Những công nhân làm đường ở đây cho biết, để làm được đoạn đường ngắn này mất vài năm và cũng chỉ làm được vào mấy tháng mùa khô. Chặng đường còn lại như một chuyến đi "hành xác" trong con mắt của những người bình thường nhưng lại là niềm đam mê với giới off-road. Ấy là những con dốc nền đất cao vời vợi, trơn trượt và nhầy nhụa vào những ngày cơn mưa rừng đi qua. Xe máy về số 1 mà vẫn phải gằn lên những tiếng giận dữ, bô bốc khói nghi ngút. Rồi những đoạn đường đầy sỏi đá, chỉ còn cách hò nhau kẻ đẩy, người kéo, bánh xe quay tròn, chết gí trong những bùn đất vàng khè.
Trên cung đường khám phá rừng Chế Tạo sẽ mang lại những ấn tượng rất thú vị, mặc cho hiểm nguy luôn rình rập các tay lái. Tựa như những thước phim ấn tượng, quang cảnh biến đổi liên tục trên chặng đường 35km ấy, từ những thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn tới những thác nước tung bọt trắng xoá và đâu đó tiếng dòng suối mát lành đang róc rách tuôn chảy, gió của rừng đùa trên những tán cây cổ thụ vô tình tạo nên bản nhạc đầy mê hoặc. Bên những con đường mảnh như sợi chỉ quanh co, uốn khúc trên các sườn đồi, sườn núi bạt ngàn sắc hoa đỗ quyên, hoa mua tím... và cả khu rừng nguyên sinh Chế Tạo đầy quyến rũ khi xe lướt qua rừng phong lá đỏ, hay vạt hoa trẩu trắng.
Nằm trên dải sơn mạch Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, rừng Chế Tạo được đánh giá là khu rừng nguyên sinh đẹp bậc nhất bởi còn khá nguyên vẹn với nhiều loài cây lá rộng, lá kim và thảm thực vật, động vật phong phú. Con đường nhỏ xuyên qua cánh rừng già, với những thân cây cổ thụ lừng lững. Những cây sở già nở hoa rụng trắng cả lối đi đẹp đến ngỡ ngàng. Rồi ở một góc rừng cây phong già buông lá đỏ rực trong nắng thu giống như một bức tranh tuyệt mỹ của thiên nhiên mà không góc máy, thước phim nào có thể ghi lại được.
Quanh những vạt rừng nguyên sinh là nơi quần cư của đa phần đồng bào dân tộc Mông với một nền văn hoá phong phú. Những người Mông họ Giàng, họ Sùng, họ Hảng với trái tim tự do của tộc người, vài trăm năm trước ngược dốc, ngược rừng lên tìm đất định cư, đi tìm ấm no cho cuộc sống mới.
Qua bao bận lên đỉnh xuống thung rồi đâm xuyên rừng già, cũng vừa lúc xã Chế Tạo chào đón kẻ lữ khách bởi vạt nắng chiều vừa vụt tắt. Trung tâm xã là một dãy nhà 2 tầng, một trạm y tế bé xíu và cách đó không xa là khu trường nội trú. Tất cả nằm lọt thỏm giữa màu xanh xám của bên núi, bên rừng và những thảm sương nhè nhẹ của buổi chiều nơi rẻo cao.
Theo ANTD
Lìm Mông - tứ đại hiểm địa Bản Lìm Mông xã Cao Pạ, huyện Mù Cang Chải -Yên Bái từ bao đời nay vẫn ẩn mình trong mây. Xưa nay, dân xê dịch vẫn thường rỉ tai nhau tứ đại hiểm địa Tây Bắc bởi độ khó hiểm trở của đường đi và cả bởi đó cũng là nơi... tận cùng, và Lìm Mông là một trong số ấy, đầy...