“Tay không” hái sấu đừng đùa giỡn với tính mạng
Những ngày này, trên nhiều tuyến phố của Thủ đô Hà Nội xuất hiện không ít hình ảnh người lao động leo trèo trên các cây sấu cổ thụ trồng hai bên đường để thu hoạch sấu nhưng không có dụng cụ bảo hộ.
Chứng kiến hình ảnh này, nhiều người đã bày tỏ lo lắng về mức độ an toàn của công việc này.
Nhiều người leo trèo hái sấu nhưng không trang bị đồ bảo hộ (Ảnh Mai Bảo)
Những cây sấu cổ thụ trồng trên các tuyến phố như Hoàng Diệu, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng… đang sai trĩu quả. Nhiều người lao động tự do tranh thủ những ngày này để leo trèo hái sấu, bán cho khách, kiếm thêm thu nhập. Điều đáng nói, không ít người leo trèo trên các cây sấu cổ thụ cao hàng chục mét nhưng không sử dụng các dụng cụ bảo hộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn và tai nạn đối với người lao động.
Chứng kiến nhiều người leo trèo trên các cây sấu cổ thụ trên tuyến phố Trần Hưng Đạo để hái sấu nhưng không có dụng cụ bảo hộ, anh Hoàng Minh Thái ( quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ sự lo lắng: “Độ cao trung bình từ mặt đất lên tới những cành có sấu cùng phải gần chục mét. Trong khi đó, nhiều người cứ “tay không” trèo lên hái sấu rất nguy hiểm. Chưa kể, trong quá trình leo trèo ra các cành xa, không may gặp sự cố như chuột rút, căng cơ hay cành cây bị mục, gẫy thì không biết hậu quả sẽ như thế nào.”
“Công việc hái sấu này giúp không ít người tăng thêm thu nhập nhưng nếu cứ liều mạng, “tay không” leo trèo thì quá nguy hiểm. Nếu có sự cố xảy ra thì liệu số tiền thu được có bù đắp được những tổn hại về sức khỏe hay không? Mong rằng, những người đang mưu sinh bằng nghề hái sấu hãy tự ý thức đảm bảo an toàn cho bản thân bằng cách sử dụng đồ bảo hộ lao động khi leo trèo hái sấu” – anh Thái bày tỏ.
Nhiều người đang làm công việc hái sấu cũng chia sẻ, mặc dù biết mức độ nguy hiểm của công việc tương đối cao nhưng đổi lại thu nhập từ việc hái sấu lên đến cả triệu đồng trong một ngày. Anh Nguyễn Văn Nam (quê Thái Nguyên) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa này là tôi lại tạm gác công việc đánh giày thường ngày để đi hái sấu. Công việc nào cũng vất vả cả, đặc biệt là nghề hái sấu này lại hết sức nguy hiểm khi phải leo trèo lên thân cây vừa lớn vừa cao. Nhưng đổi lại tôi kiếm được tiền triệu mỗi ngày, đó là khoản tiền lớn đối với những người lao động tự do như chúng tôi.”
Video đang HOT
“Nhiều khách hàng và cả những người chứng kiến chúng tôi leo trèo đều nhắc nhở phải cẩn thận và khuyên dùng đồ bảo hộ. Nhưng sắm đồ bảo hộ vừa tốn kém lại làm mất thời gian khi leo trèo nên chúng tôi ngại sử dụng. Khi leo trèo, chúng tôi cũng bảo nhau phải cẩn thận, tránh những cành nhỏ, cành bị mục, có nguy cơ gẫy cao để giảm rủi ro cho bản thân” – anh Nam chia sẻ.
Thiết nghĩ, hiệu quả công việc và nguồn thu nhập cần được đặt lên hàng đầu nhưng với những công việc có mức độ nguy hiểm cao thì điều quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn cho bản thân, cần trang bị bảo hộ lao động trong quá trình làm việc để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Mạnh Quân
Theo laodongthudo
Số người tử vong do tai nạn lao động chưa thống nhất
Nếu theo thống kê từ ngành y tế và cơ quan thống kê sinh - tử tại địa phương thì số người tử vong vì TNLĐ là hơn 2.000 người chứ không phải 1.000 người như các địa phương báo cáo mà Sở LĐTBXH các tỉnh gửi lên.
Tai nạn lao động vẫn nghiêm trọng
Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) nhận định, tai nạn lao động (TNLĐ) ở một số ngành nghề vẫn còn cao. Các vụ TNLĐ xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí luyện kim.
Dẫn đầu là ngành xây dựng, chiếm 15,79% tổng số vụ tai nạn và hơn 15% số người chết. Tiếp theo đó là lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm hơn 10% tổng số vụ và hơn 10% số người chết. Xếp thứ 3 là lĩnh vực khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm hơn 9% tổng số vụ...
Nhiều lao động tự do, làm việc thời vụ không được tập huấn về an toàn lao động. (Ảnh: Nguyệt Tạ)
Vào ngày 4.5 lễ phát động Tháng hành động về an toàn lao động năm 2019 tại Quảng Nam. Tại đây sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Lễ đối thoại về an toàn lao động, vệ sinh lao động giữa các đơn vị doanh nghiệp, tập đoàn, người lao động; trong khuôn khổ của lễ phát động còn tổ chức thăm các gia đình có người bị tai nạn lao động; thực hiện thanh kiểm tra 27 doanh nghiệp và 30 hộ gia đình trong khu vực không có hợp đồng lao động trên địa bàn 3 tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh.
Tính trên cả nước, năm 2018, số người chết vì TNLĐ: 1.039 người (trong đó, khu vực có quan hệ lao động là 622 người (giảm 6,6% so với năm 2017); khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động có 417 người (tăng 59,16% so với năm 2017).
Ông Thắng nhận định: "Ngoài những nguyên nhân như chủ sử dụng không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn (chiếm hơn 24%); máy móc không đảm bảo an toàn... thì có một nguyên nhân chính tạo nên TNLĐ là do người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động, nhất là với những lao động thời vụ".
Theo ông Thắng, các nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy, tới hơn 60 - 80% công nhân ngành xây dựng chủ yếu là lao động thời vụ và lao động tự do, không được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm lao động.
Cũng vì vậy, rất nhiều người lao động chưa được tập huấn theo quy định, không nắm bắt nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, một số qua đào tạo nhưng chưa hiểu rõ về công tác an toàn vệ sinh lao động nên việc phòng ngừa TNLĐ chưa được quan tâm.
Số người tử vong do TNLĐ chưa thống nhất
Ông Hà Tất Thắng cho biết kể từ khi có văn bản yêu cầu thực hiện thống kê, khai báo TNLĐ, tình hình thống kê TNLĐ đã tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế, hiện nay việc thống kê mới dừng lại TNLĐ gây chết người, còn nhiều vụ TNLĐ có người bị thương nhưng chưa được thống kê đầy đủ.
Trách nhiệm thống kê thuộc cấp xã nhưng không phải xã nào cũng làm tốt công việc này. Theo báo cáo, năm 2017 chỉ có 41 tỉnh thống kê TNLĐ, năm 2018 đã có 52 tỉnh thống kê về các vụ TNLĐ trong đó có cả thống kê số vụ TNLĐ trong khu vực sản xuất phi chính thức.
Theo ông Thắng, số TNLĐ ở lĩnh vực không có quan hệ lao động (khu vực phi chính thức) năm nay cũng "nhảy vọt" phần nào là do công tác thống kê ở lĩnh vực này tốt hơn.
"Việc tăng số vụ TNLĐ ở khu vực không có quan hệ lao động không nằm ngoài dự báo của chúng tôi. Đây là cơ sở tốt để đơn vị quản lý Nhà nước hoạch định chính sách, nhằm can thiệp, giảm thiểu TNLĐ trong khu vực này" - ông Thắng nói.
Ngoài những con số thống kê từ chính quyền cấp xã, qua Sở LĐTBXH, Cục An toàn lao động còn thống kê các con số TNLĐ qua bệnh viện, báo cáo tử tuất... Thực tế con số thống kê từ ngành y tế lại cho thấy có sự chênh lệch lớn. Nếu theo thống kê từ ngành y tế và cơ quan thống kê sinh - tử tại địa phương thì số người tử vong vì TNLĐ là hơn 2.000 người chứ không phải 1.000 người như các địa phương báo cáo mà Sở LĐTBXH các tỉnh gửi lên.
Đại diện Cục An toàn lao động cũng cho biết, hiện nay khó khăn là người lao động ở khu vực ngoài quan hệ lao động không được hỗ trợ đóng BHXH. Kể cả có đóng BHXH tự nguyện thì cũng không được hỗ trợ chế độ bảo hiểm tai nạn lao động. Vì vậy, khi tai nạn lao động xảy ra họ đã bị bỏ mặc.
Theo Danviet
Những người đi làm lại vui hơn nghỉ Trong khi tất cả lao động làm công ăn lương, có hợp đồng được nghỉ dịp lễ tết thì đâu đó vẫn còn rất nhiều lao động tự do chưa từng biết đến thế nào là ngày nghỉ. Mặc dù vậy, với họ ngày lễ vẫn ngập tràn niềm vui khi được đi làm và có thêm thu nhập... Đi làm còn vui...