Tẩy giun cho trẻ và những điều cần lưu ý
Nhiễm giun không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập của trẻ mà còn khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng.
Hình minh họa.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), trẻ em rất dễ bị nhiễm giun. Do trẻ em thường rất hiếu động, thích khám phá mọi thứ xung quanh mình, thường hay chơi đùa, đi chân đất, bò lê trên sàn nhà, hay mút tay, nhặt thức ăn rơi vãi dưới đất… tạo cơ hội vô cùng thuận lợi cho các loại giun xâm nhập vào cơ thể của trẻ.
Khi bị nhiễm giun, ngoài việc giun cư trú và chiếm các chất dinh dưỡng của cơ thể, giun còn gây nhiều triệu chứng phiền toái cho trẻ như ngứa ngáy khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập. Khi nhiễm giun, trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa, làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, mặt khác giun sẽ tranh giành chất dinh dưỡng với cơ thể, lâu dần làm cho trẻ xanh xao, chậm tăng trưởng thể chất, suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng dẫn đến dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác.
Ngoài ra, trong một số trường hợp nguy hiểm hơn, giun có thể gây ra những biến chứng như giun chui ống mật, tắc ruột hay ở các bé gái khi giun kim cái ra hậu môn đẻ trứng có thể bò sang bộ phận sinh dục gây viêm nhiễm. Vì vậy, việc tẩy giun định kỳ cho trẻ là việc làm hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Những lưu ý khi tẩy giun cho trẻ
- Chỉ tẩy giun định kỳ khi trẻ đủ 2 tuổi trở lên. Trẻ dưới 2 tuổi nếu phát hiện hoặc nghi ngờ nhiễm giun thì nên đưa đi khám để làm xét nghiệm tầm soát, và khi đã xác định có nhiễm giun, trẻ sẽ được điều trị dưới sự theo dõi của bác sĩ.
- Có một số bệnh chống chỉ định với thuốc tẩy giun vì vậy cha mẹ cần kiểm tra sức khỏe trẻ trước khi quyết định tẩy giun cho con. Nếu trẻ mắc một số bệnh mãn tính, tim bẩm sinh, suy tim, suy gan, suy thận, đang ốm, sốt… không nên tẩy giun hoặc nếu tẩy, phải có chỉ định và sự theo dõi của bác sĩ.
- Thuốc tẩy giun cũng có một số tác dụng phụ ít gặp sau khi dùng thuốc như trẻ có thể đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy thoáng qua, những triệu chứng này thường nhẹ và sẽ tự khỏi. Một số rất ít trường hợp trẻ có thể có phản ứng dị ứng với thuốc như phát ban, ngứa, nổi mề đay. Khi đó, nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ tư vấn cách xử lý phù hợp.
- Trước khi cho trẻ uống thuốc tẩy giun, bố mẹ nên cho trẻ ăn no. Thuốc tẩy giun hoạt động với cơ chế ngăn không cho giun hấp thụ glucose từ thức ăn. Sau khi uống thuốc, nếu trẻ cảm thấy mệt, bố mẹ có thể cho trẻ uống thêm nước, nước đường, sữa… Trường hợp trẻ ngày càng mệt hơn, kèm theo nôn ói thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
- Một điều quan trọng là cha mẹ phải tránh tình trạng tái nhiễm giun cho trẻ bằng cách giữ gìn vệ sinh nhà cửa, hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Giữ gìn vệ sinh ăn uống, bảo đảm ăn chín, uống sôi, ăn các loại trái cây sau khi đã gọt vỏ. Khi tẩy giun nên làm đồng loạt với tất cả các thành viên trong gia đình để tránh tình trạng lây nhiễm chéo giữa cha mẹ với con cái, anh em trong nhà, khi đó hiệu quả của tẩy giun sẽ bị mất và trẻ dễ dàng tái nhiễm trở lại.
Để đảm bảo an toàn cho bé bố mẹ nên biết
Khi con bị ngã từ trên giường xuống đất, 90% bố mẹ có hành động sai lầm gây nguy hiểm cho con.
Theo phản xạ tự nhiên khi nhìn thấy con bị ngã, rất nhiều ông bố bà mẹ ngay lập tức bế con dậy. Tuy nhiên, đây lại là hành động có thể gây nguy hiểm cho con đấy bố mẹ ạ.
Trẻ nhỏ rất hiếu động, nghịch ngợm, thích khám phá xung quanh, đôi khi bản thân chúng cũng chưa nhận thức được việc sự nguy hiểm nên chỉ cần một chút bất cẩn, lơ là của người lớn là lũ trẻ có thể bị ngã. Trường hợp thường xuyên gặp nhất là trẻ ngã từ trên giường xuống đất...
Theo phản xạ tự nhiên, khi thấy con ngã là các ông bố bà mẹ thường hốt hoảng, không giữ được bình tĩnh và lập tức bế con dậy để đung đưa, vỗ về, dỗ cho bé nín khóc sau đó mới xem bé có bị thương ở đâu hay không. Tuy nhiên, hành động này của bố mẹ lại có thể khiến con gặp nguy hiểm. Bởi khi bố mẹ chưa biết tình trạng của con sau khi bị ngã ra sao mà đã vội bế bé lên có thể sẽ làm vết thương của bé nặng hơn.
Video hướng dẫn cách xử trí khi trẻ không may bị ngã trên giường xuống đất.
Thay vì vội vã bế con dậy, bố mẹ hãy làm những điều sau đây để đảm bảo an toàn cho bé:
Bình tĩnh và quan sát con 15 giây
Khi con không may bị ngã, bố mẹ hãy kiểm tra kỹ xem trên cơ thể con có vế thương nào không rồi mới nhẹ nhàng bế con lên.
Nếu trẻ bị thương ở phần cổ hoặc lưng, bố mẹ tuyệt đối không được bế trẻ lên. Hãy đảm bảo trẻ nằm ở tư thế thẳng và không di chuyển. Sau đó, bố mẹ lập tức bấm số gọi cứu thương.
Nếu chân tay của trẻ không thể hoạt động, bố mẹ chạm nhẹ vào là con khóc thét, lúc đó có thể bé bị gãy xương hoặc trật khớp. Bố mẹ hãy bế trẻ ở tư thế cố định để đưa bé đến bệnh viện, trong lúc di chuyển, động tác của bố mẹ cần nhẹ nhàng, tránh gây thêm thương tổn cho trẻ.
Nếu may mắn trẻ không bị thương nặng sau cú ngã mà chỉ bị sưng tấy hoặc vết thương ngoài da, bố mẹ có thể dùng đá lạnh để chườm vết sưng tấy của trẻ, dùng bông, vải sạch để cầm máu với vết thương ngoài da. Nếu bé tỉnh táo và không có triệu chứng nào bất thường, mẹ có thể yên tâm.
Ngoài ra, bố mẹ cũng không nên bôi dầu gió cho con vì sẽ khiến tình trạng vết thương nặng hơn. Một số mạch máu nhỏ khi bị day sẽ làm máu chảy liên tục.
Theo dõi con chặt chẽ sau khi bị ngã
Nên giữ bé tỉnh táo trong ít nhất 1h sau khi bị ngã, và có thể cho con ngủ một giấc ngắn sau đó, nhưng không quá 20 phút. Bố mẹ cần quan sát liệu trẻ có xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm như: ngủ mê man, nôn ói, nôn ra máu, sắc mặt trắng bệch, hôn mê... thì bố mẹ cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện khám.
Sau khi bị ngã đập đầu xuống đất, dù không phải chấn thương sọ não nhưng nhiều bé vẫn bị nôn ói từ 1- 2 lần. Vì vậy, trong 1-2 giờ đầu sau khi bé ngã, mẹ chỉ nên cho bé uống nước hoặc bú mẹ, không nên cho bé ăn thức ăn dạng rắn, đặc.
Lưu ý để phòng tránh việc trẻ bị ngã
- Người lớn phải luôn quan sát trẻ nhỏ, nên lắp thêm thanh chắn quanh giường để đảm bảo an toàn cho trẻ.
- Không sử dụng chăn, gối... để kê làm hàng rào chắn vì trẻ nhỏ rất hiếu động, chúng sẵn sàng bò qua gối, đệm chắn để tìm đường ra ngoài và càng làm chúng dễ bị ngã hơn.
- Không để đồ chơi ở xa tầm với của trẻ khiến bé phải di chuyển, với tay để lấy đồ chơi dễ làm trẻ bị hẫng và ngã.
- Ở khu vực xung quanh giường không nên bày biện đồ vật dễ vỡ hoặc nguy hiểm. Bố mẹ cần trải xốp hoặc thảm dày, đệm để trong trường hợp trẻ bất cẩn bị ngã thì vết thương cũng sẽ giảm nhẹ.
- Khi bé lớn hơn, hãy dạy con cách leo lên và leo xuống giường an toàn.
Thông tim can thiệp điều trị bệnh lý tim bẩm sinh ở trẻ nhỏ Cuối tháng 12-2020, Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ triển khai kỹ thuật thông tim can thiệp để điều trị bệnh lý tim bẩm sinh cho bệnh nhi. Đây là tin vui cho các gia đình có trẻ bị tim bẩm sinh cần can thiệp ở khu vực ĐBSCL, bởi không cần đưa trẻ lên TP Hồ Chí Minh điều trị...