‘Tây du ký’ và những nhân vật thay diễn viên nhiều lần
Những tháng ngày trong động Ba Nguyệt, đạo diễn Dương Khiết hào hứng nhớ lại vai nhân vật Ngưu Ma Vương, một thử thách cực kỳ khó khăn cho người thể hiện khiến 3 người mới hoàn thành được vai diễn trên.
Cảnh sắc trong động Ba Nguyệt được Dương Khiết đánh giá là một động đẹp tuyệt sắc, sau khi được các nhân viên mỹ thuật trong đoàn thiết kế và “phù phép”, lập tức đã biến thành một động Thủy Liêm thực sự. Cũng trong “Thủy Liêm động”, đoàn phim đã quay được khối lượng cảnh quay lớn cho các tập 1 và 2.
Không gian trong động cũng thật đẹp, nhân viên mỹ thuật sau khi bày biện, trang trí lại đã làm cho động trở nên nguy nga và lộng lẫy hơn bao giờ hết. Hồ nước nhỏ trong động cũng được trang trí bằng vài bông súng và những tảng đá nhỏ làm nơi nhảy nhót cho lũ khỉ con nô đùa.
Thế nhưng có điều không khí trong động khá loãng vì động tương đối sâu, nhân viên trong đoàn tụ tập trong động lại không phải ít, thêm vào đó lại còn dùng hiệu ứng mây khói và cả nước đá khô tạo sương càng khiến cho không khí trong động trở nên ngột ngạt.
Cảnh quay trong động Ba Nguyệt cho cảnh Thủy Liêm động.
Đoàn phim mỗi khi quay được một lúc là phải dừng lại để nghỉ, đặc biệt là nữ đạo diễn Dương Khiết, bởi bà có tiền sự là căn bệnh phổi và từng qua phẫu thuật cắt mất mấy dẻ xương sườn nên việc hô hấp càng trở nên khó khăn trong điều kiện dưỡng khí loãng như trong động Ba Nguyệt.
Thế nhưng vất vả nhất vẫn là các diễn viên, những người phải đeo mặt nạ mới thực sự là những người cực khổ nhất. Nhật vật Tôn Ngộ Không của Chương Kim Lai được hóa trang tỉ mỉ và nhiều chi tiết vì vậy ông càng không dám gỡ bỏ mặt nạ ra, chỉ còn biết chịu đựng cho đến khi nào quay xong cảnh trong động.
Lục Tiểu Linh Đồng phải chịu nhiều gian khổ với lớp hóa trang cho nhân vật Tôn Ngộ Không.
Trong đoàn còn có nghệ sĩ lồng âm cho nhân vật Bát Giới là nghệ sĩ Lý Ba từ xưởng phim Bát Nhất. Anh này dường như chưa hài lòng với vị trí lồng tiếng nên muốn tranh thủ vào một vai nào đó trong phim. Dương Khiết coi ngoại hình và thần thái liền giao cho diễn vai Ngưu Ma Vương. Bà cũng có dặn trước là vai diễn này phải đeo mặt nạ khá khó chịu. Lý Ba vẫn hào hứng và quyết tâm tham gia.
Đến động Ba Nguyệt, Lý Ba lập tức được hóa trang, nhưng vừa đeo mặt nạ lên, anh này đã cảm thấy khó thở, nhưng vẫn còn khá quyết tâm nên cho rằng một lúc sau sẽ quen.
Được một lúc Lý Ba lên tiếng: “Không được! Đạo diễn, tôi thở không nổi”. Nghệ sĩ hóa trang vội gỡ mặt nạ xuống và cho anh này uống một ngụm nước, dùng quạt phe phẩy cho có chút không khí. Xem bộ dạng Lý Ba, nữ đạo diễn đã có đắn đo suy nghĩ không biết liệu có người nào có thể thay thế được cho anh này.
Video đang HOT
Nhân vật Ngưu Ma Vương ban đầu do nghệ sĩ Diêm Hoài Lễ thể hiện.
Sau một lúc, Lý Ba lấy lại tinh thần và nói đã sẵn sàng hóa trang trở lại. Dương Khiết vẫn hỏi chắc chắn: “Anh ổn chứ? Nếu không thì không nên cố”. Lý Ba cũng sợ ảnh hưởng đến tiến độ làm việc của đoàn nên giục nghệ sĩ hóa trang dán mặt nạ lên mặt, lúc đó đạo diễn Dương cũng đứng bên cạnh quan sát. Nhưng mặt nạ chưa dán hoàn tất thì Lý Ba có biểu hiện ho và cho biết anh không chịu nổi.
Nghệ sĩ Vương Phu Đường (trái) trong tạo hình nhân vật Ngưu Ma Vương về sau.
Nghệ sĩ Vương Phu Đường chụp ảnh lưu niệm cùng đạo diễn Dương Khiết.
Sau này vai diễn đã được giao cho Diêm Hoài Lễ thay thế (ông cũng chính là người thể hiện vai nhân vật Sa Tăng trong phim), may là cảnh quay Ngưu Ma Vương trong Thủy Liêm động cũng chỉ có duy nhất một phân cảnh. Về sau vai diễn này được giao cho nghệ sĩ Vương Phu Đường đến từ Kịch viện Nghệ thuật Thanh niên Trung Quốc đảm nhiệm.
Như vậy, trong đoàn phim Tây du ký ít nhất cũng đã có 3 nhân vật từng trải qua nhiều biến cố và phải dùng đến 3 diễn viên mới có người cố định để thể hiện, trong đó có nhân vật Đường Tăng đã từng do các nghệ sĩ như Uông Việt, Từ Thiếu Hoa và về sau mới cố định do nghệ sĩ Trì Trọng Thụy (Thoại) đảm nhiệm đến những tập cuối của phim. Nhân vật thứ hai cũng gian nan không kém chính là Ngưu Ma Vương vừa được nhắc đến ở trên.
Một nhân vật phụ khác trong phim là Phổ Hiền Bồ Tát, dù không phải vai chính như vai Đường Tăng, cũng đóng vai trò một vai phụ như vai nhân vật Ngưu Ma Vương nhưng vai diễn này cũng phải thay đến 3 diễn viên.
Đó là nghệ sĩ Quách Uy trong tập 8, (ông cũng thể hiện luôn vai Linh Cát Bồ Tát trong tập 3). Trong tập 3 thì do nghệ sĩ Trì Triệu Bằng và Tập 25 do trợ lý đạo diễn đoàn phim là Cận Căn Tuất đảm nhiệm (ông còn thể hiện vai Xích Cước đại tiên ở tập 23 và một trong hai đạo sĩ ở tập 15).
Theo Khám phá
Đạo diễn Tây Du Ký chẳng đoái hoài đến Lục Tiểu Linh Đồng!
Đó là những điều được hé lộ qua hồi ký của đạo diễn Dương Khiết.
Nhân vật Tôn Ngộ Không là linh hồn của phim Tây Du Ký, vì vậy hành trình tìm diễn viên thể hiện vai này vô cùng gian nan. Nhưng thật bất ngờ, qua hồi ký của đạo diễn Dương Khiết, người ta mới biết bà không hề để ý đến Lục Tiểu Linh Đồng, thậm chí nghi ngờ về khả năng của anh.
Tôn Ngộ Không - biết tìm nơi đâu?
Tôn Ngộ Không là một hình tượng siêu nhiên, thần thông quảng đại, bay lên thiên cung hay đi xuống địa phủ đều thực hiện dễ như trở bàn tay, thế nhưng Tôn Ngộ Không cũng là một con khỉ. Vì vậy, đòi hỏi diễn viên phải làm toát lên tính khí, đặc trưng cũng như thần thái của loài khỉ đồng thời có tình cảm, tư tưởng sâu sắc như một con người, có khí chất của một huyền thoại.
Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trong "Tây Du Ký" của Dương Khiết
Điều quan trọng đầu tiên khi quay phim Tây Du Ký là phải tuyển chọn diễn viên cho nhân vật Tôn Ngộ Không, nhưng biết tìm diễn viên này ở đâu? Nên dùng diễn viên võ thuật, diễn viên kịch nói hay diễn viên tuồng? Dương Khiết vô cùng băn khoăn và do dự khi quyết định tìm người đóng vai Ngộ Không.
Ban đầu, nữ đạo diễn Dương cũng đã tìm tới những trường võ để xem các diễn viên võ ở đây biểu diễn ra sao. Cảm giác của bà khi xem họ mô phỏng đường võ của Mỹ Hầu Vương thì cũng toát lên khí khái một võ nhân nhưng ấn tượng vẫn còn chưa đủ mạnh. Khi xem qua các diễn viên tuồng, ưu điểm của họ là những người đã từng nhiều lần thể hiện nhân vật Tôn Ngộ Không, có biểu cảm tốt, nhanh nhẹn, hoạt bát và động tác võ cũng mang dáng dấp của khỉ. Nếu những diễn viên võ và diễn viên tuồng có thể kết hợp lại với nhau thì khi đó mới có một Tôn Ngộ Không hoàn hảo đúng ý của Dương Khiết.
Ngoài ra, yêu cầu của Dương Khiết đối với diễn viên đảm nhiệm vai Ngộ Không phải là: Thứ nhất - người trẻ, thích ứng nhanh với môi trường làm việc mới và thay đổi, phải học được cách diễn một cách đời nhất chứ không có chuyện khi đóng mà không có tiếng trống tiếng chuông là không diễn nổi như trong tuồng. Thứ hai là phải chịu được gian khổ, khó khăn và không được buông xuôi bỏ vai trong quá trình quay phim. Thứ ba, thời gian quay phim khá dài, diễn viên phải có đủ nội lực và vững tâm, kiên định theo đoàn, có thể phải hy sinh cả trong chuyện tình yêu riêng tư, dành toàn bộ thời gian cho bộ phim.
Hình tượng Tôn Ngộ Không qua tranh vẽ
Sau đó, Dương Khiết tìm đến trưởng đoàn kinh kịch Lý Vạn Xuân, người từng được mệnh danh "Bắc Hầu Vương" để mong ông có thể giúp đỡ giới thiệu diễn viên cho vai diễn Tôn Ngộ Không. Thế nhưng, Lý Vạn Xuân quả quyết, Tôn Ngộ Không nhất định phải biết múa hí khúc (múa cách điệu trong tuồng, chèo cổ), nếu không thì không thể gọi là nghệ thuật. Về điểm này thì Dương Khiết đã ngay từ đầu tỏ ra không đồng ý. Lý Vạn Xuân cũng giới thiệu con trai ông là Lý Tiểu Xuân cho đạo diễn Dương, thế nhưng anh này lại đang là trụ cột của đoàn kinh kịch Nội Mông, khó có thể cộng tác lâu dài, hơn nữa tuổi tác cũng đã lớn nên không đạt yêu cầu của bà.
Thời gian đó, Dương Khiết cũng đã nhắm học viên Đổng Chí Hoa từ đoàn kinh kịch thực nghiệm hí kịch Bắc Kinh, người từng đóng vở "Náo thiên cung". Nói về võ thuật của họ Đổng thì không ai sánh bằng, tuổi lại trẻ, từ vóc dáng cơ thể, ngoại hình đều rất phù hợp. Đổng Chí Hoa lại là một chàng trai sáng dạ và lanh lợi, thế nhưng một điều đáng tiếc là anh lại đảm trách vị trí trụ cột của đoàn kinh kịch thực nghiệm, năm đó còn được phái đi nước ngoài công tác, trong đoàn không ai có thể thay thế được anh.
Vò đầu bứt tai rồi Dương Khiết cũng nhớ lại một lần bà xem vở "Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh" thuộc thể loại Thiệu Kịch, nhân vật Tôn Ngộ Không thực sự để lại ấn tượng sâu sắc đối với nữ đạo diễn. Khi xem loại hình kịch đó, có nhiều chỗ tuy nghe không hiểu, nhưng lối diễn sinh động và lanh lợi của nhân vật Tôn Ngộ Không thực sự là có hồn và làm người xem thích thú. Nghĩ là làm, Dương Khiết liền gọi điện ngay cho người thủ vai Tôn Ngộ Không ngày nào, đó chính là "Nam Hầu Vương" Lục Linh Đồng.
"Nam hầu vương" Lục Linh Đồng (tên thật Chương Tông Nghĩa - 1924) trong vở kịch "Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh" dựng năm 1960
Hình tượng Tôn Ngộ Không của Lục Linh Đồng, được mệnh danh là "Nam hầu vương"
Không để ý đến Lục Tiểu Linh Đồng
Lục Linh Đồng tỏ ra rất nhiệt tình và vồn vã khi tiếp chuyện Dương Khiết. Khi được họ Dương đề nghị giới thiệu diễn viên cho nhân vật Tôn Ngộ Không trong phim sắp tới, Lục Linh Đồng cho biết: "Chuyện nhỏ, học trò trong lớp của tôi có nhiều tiểu hầu tử (khỉ con) lắm, cô có thể tới và xem". Dương Khiết đề cập đến khả năng diễn xuất của họ thì được họ Lục nhận xét là những học trò cứng, rất có triển vọng. Lời nói của Lục Linh Đồng như tăng thêm hy vọng cho Dương Khiết, bà đã thân chinh đến Thiệu Hưng theo lời giới thiệu của Lục Linh Đồng. Khi tới bến xe, Lục Linh Đồng lái xe đạp tới đón đạo diễn Dương, đi cùng còn có một thanh niên trẻ cũng đi xe đạp và được giới thiệu là con trai của Lục Linh Đồng.
Khi đó vẫn chưa có xe buýt như bây giờ, vì vậy Dương Khiết phải ngồi sau xe do một trong hai cha con họ Lục đèo, thế nhưng bà vừa không biết đi xe đạp lại vừa sợ ngồi sau xe, nên cả 3 quyết định cùng đi bộ. Tuy nhiên, hai cha con Lục Linh Đồng đi bộ lại nhanh đến nỗi Dương Khiết đi như chạy mới đuổi kịp họ, có lúc hai cha con phát hiện thấy Dương Khiết đi tụt lại nên đã đứng lại chờ. Cứ được một lúc Dương Khiết lại bị bỏ tụt phía sau, bà nói thầm: "Đúng là diễn khỉ có khác, đi gì nhanh thế"!
Đạo diễn Dương Khiết và Chương Kim Lai - Lục Tiểu Linh Đồng.
Đường về nhà họ Lục cũng không gần chút nào, lại đang tiết trời mùa đông, khi đến nhà thì Dương Khiết xa xẩm mặt mày và khát rã họng. Lục Linh Đồng ân cần và nhiệt tình mời nước. Dương Khiết cũng đề cập luôn về cách làm của bà, Lục Linh Đồng nghe và hoàn toàn đồng ý cách mà Dương Khiết mới đề xuất. Ông đồng tình với cách tạo hình nhân vật của Dương Khiết ở điểm, giữa Tôn Ngộ Không trong kịch và trên phim ảnh phải hoàn toàn khác nhau. Nói rồi, Lục Linh Đồng liền lập tức đứng dậy, tay ve vẩy biểu diễn hình tượng Tôn Ngộ Không vừa xuất thế đến là mềm, bước đi chệch choạc, đến những động tác uy phong lẫm liệt khi đại náo thiên cung, dáng vẻ bất chấp, còn khi đứng trước sư phụ lại tỏ ra là một người lễ phép, cẩn trọng, đồng thời khuôn mặt biểu cảm được đầy đủ những hỉ nộ ái ố vô cùng tài tình và xuất chúng.
Hai cha con Lục Linh Đồng (trái) và Lục Tiểu Linh Đồng trong chương trình talkshow "Cuộc đời nghệ thuật" của đài truyền hình CCTV năm 2009.
Dương Khiết ồ lên: "Tiếc là tôi không gặp thầy lúc thầy 30 tuổi. Tôn Ngộ Không đích thị là thầy rồi!". Lục Linh Đống liền chỉ tay sang hướng người thanh niên đứng bên cạnh và nói: "Con trai tôi đó!".
Dương Khiết vẫn còn ngây người chưa hiểu ý của họ Lục liền hỏi lại: "Đồ đệ của thầy diễn có tốt không? Cậu ấy đã bao giờ đến đoàn kịch xem học trò của thầy diễn lần nào chưa?". Lục Linh Đồng xuống giọng nói một tràng: "Có, có mà, đừng vội, đừng vội!". Khi đó, Dương Khiết để ý trên tường có bức hình thủ tướng Chu Ân Lai ôm một cậu nhóc trong tạo hình chú khỉ, bức hình được chụp khi cha con họ Lục tới Bắc Kinh biểu diễn. Cậu trai đó thực sự là đáng yêu, tuổi tác cũng thực sự là phù hợp. Dương Khiết lại quay sang hỏi tiếp: "Người đóng vai tiểu hầu tử năm nay bao nhiêu tuổi rồi?", Lục Linh Đồng cho biết: "Nó là con trai tôi, tên là Tiểu Lục Linh Đồng". Dương Khiết mừng rỡ hỏi tiếp xem cậu ấy đâu thì giọng Lục Linh Đồng trùng xuống và nói: "Nó mất rồi! Bị bệnh máu trắng!".
Chu Ân Lai bế Tiểu Lục Linh Đồng (anh trai Lục Tiểu Linh Đồng), bên cạnh là Lục Linh Đồng nhân chuyến biểu diễn của hai cha con tại Bắc Kinh ngày 14/12/1957.
Chu Ân Lai và anh trai của Lục Tiểu Linh Đồng là Tiểu Lục Linh Đồng, mùa đồng năm 1957.
Dương Khiết bàng hoàng và không biết nói gì hơn mà chỉ thầm tiếc. Liền sau đó, Lục Linh Đồng đã chỉ sang cậu thanh niên mà từ đầu tới giờ Dương Khiết không hề chú ý tới: "Nó cũng diễn khỉ đấy, để tưởng nhớ anh trai nên nó mới học kịch sau khi anh trai nó qua đời. Theo học từ năm 16 tuổi, giờ đã được 7 năm rồi!".
Giờ thì Dương Khiết mới vỡ ra là Lục Linh Đồng đã có ý giới thiệu chàng thanh niên đi bên cạnh bà mà không hề hay biết, thế nhưng Dương Khiết vẫn chưa biết chàng trai trẻ đó có đáp ứng được như vai diễn tiểu hầu tử trong đoàn Thiệu Kịch ngày nào hay không. Bà cũng muốn có sự so sánh xem sao, tiếc là trời cũng đã tối và đành phải đợi đến ngày hôm sau.
Sau đó Lục Linh Đồng còn đưa Dương Khiết tới nhà khách của đoàn kịch và đưa bà một số tài liệu cũng như báo chí để đọc. Buổi tối, Dương Khiết nằm xem lại những tư liệu mà họ Lục đưa hồi chiều, nội dung ngoài tư liệu về Lục Linh Đồng còn có những thông tin, báo cáo về các diễn viên trẻ từng đóng vai Tôn Ngộ Không. Trong số đó có một chàng trai với đường võ đẹp mắt, thể hiện được khí thế linh hoạt và lanh lợi của khỉ cùng những lời tán dương về nam sinh này. Ngay từ giây phút đó, Dương Khiết đã đặt quyết tâm ngày hôm sau phải cùng Lục Linh Đồng đi tìm gặp cậu trai trẻ này...
Chàng trai Chương Kim Lai (Lục Tiểu Linh Đồng) trước khi vào đoàn phim Tây Du Ký.
Theo Tiin
'Tây du ký' 3 bị so sánh như... sở thú Xem lại 3 bản dựng "Tây du ký", có thể nhận thấy Tôn Ngộ Không của Ngô Việt là "dị vật", Trư Bát Giới của Tàng Kim Sanh là "quái vật", còn Đường Tam Tạng của Nhiếp Viễn lại giống Lỗ Trí Thâm... Tây du ký 1986 do nữ đạo diễn Dương Khiết thực hiện trở thành bộ phim truyền hình kinh điển...