Tẩy chay vắc-xin – Cái giá phải trả rất đắt: Kỳ 1: Báo động tỷ lệ tiêm chủng đang giảm
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tiêm chủng trên toàn cầu giảm mạnh trong những năm gần đây, dù có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy vắc-xin rất an toàn và hiệu quả. Tại Việt Nam, nhiều người vẫn còn do dự, ngần ngại, thậm chí kiên quyết không tiêm vắc-xin cho bản thân và con cái của mình. Chính việc làm này đang khiến nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.
Tiêm vắc xin là giải pháp tốt nhất phòng, chống nhiều loại bệnh. Ảnh minh họa: Vương Đức
Từ những lời đồn đại vô căn cứ, nhiều người đã từ chối tiêm vắc-xin cho con mình. Việc các phụ huynh không đưa con đi tiêm chủng ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng lây nhiễm bệnh, bởi đây chính là nguồn phát tán bệnh trong cộng đồng.
Hiểm hoạ từ “ nói không với vắc-xin”
Nhìn nhận về trào lưu anti vắc-xin (không tiêm vắc-xin), bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch mai chia sẻ, cứ nơi nào có phong trào bài trừ vắc-xin thì nơi đó xuất hiện dịch bệnh.
Dẫn chứng rõ hơn về điều này, bác sĩ Hùng chia sẻ thông tin: “Tại Mỹ, năm 2014 – 2015 lác đác có bệnh nhân sởi và rơi vào 90% người không tiêm vắc-xin. Đến 5/2017, dịch bùng phát ở tiểu bang Minnesota, nơi cộng đồng người dân có phong trào anti vắc-xin mạnh nhất. Dịch phức tạp nhất trong 30 năm trở lại đây. Ở các nước châu Âu như Đức, Ý, Pháp trong đó đặc biệt là Ý, dịch sởi làm ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế và du lịch từ đầu năm 2017. Tình hình dịch bệnh diễn ra nghiêm trọng làm các nước này phải vội vàng thông qua luật tiêm chủng bắt buộc.
Tại Việt Nam, năm 2014 dịch sởi đã cướp đi tính mạng của khoảng 150 cháu bé theo đúng nghĩa chọn lọc tự nhiên. Sau đó, nhiều nơi đã “cháy” vắc-xin. Đến năm 2017, viêm não Nhật Bản diễn biến phức tạp và tình trạng nặng toàn rơi vào các cháu không được tiêm vắc-xin”.
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, vắc-xin đã chứng minh ý nghĩa của nó khi bảo vệ trẻ em khỏi nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhờ sử dụng vắc-xin dự phòng, nhiều dịch bệnh đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số người mắc và tử vong. Hiệu quả phòng bệnh dịch của vắc-xin không chỉ được Việt Nam mà cả thể giới công nhận.
Tuy nhiên, giống như thuốc, không một loại vắc-xin có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi tiêm vắc-xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào cơ thể. Thông thường, mỗi cá thể phản ứng với vắc-xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24 giờ. Một số rất ít trẻ có phản ứng mạnh với vắc-xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong.
Chính những tin đồn thất thiệt, không có cơ sở khoa học trên mạng xã hội đã gây hoang mang dư luận, gây thiệt hại nặng nề cho cá nhân, tổ chức hoặc an ninh cộng đồng. Trào lưu anti vắc-xin cũng cần được cảnh báo, bởi rất có thể đe dọa tính mạng của trẻ nhỏ, các thành viên trong gia đình và của cả cộng đồng.
Khi nhiều phụ huynh coi nhẹ việc tiêm vắc-xin thì trẻ em dễ gặp nhiều biến chứng khó lường do dịch sởi như viêm não, viêm phổi, nguy cơ tử vong cao vì bội nhiễm.
Dịch bệnh có nguy cơ gia tăng
Theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 25/2 – 3/3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 76 trường hợp mắc sởi, tăng 7 trường hợp so với tuần trước. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 336 trường hợp mắc sởi tại 27/30 quận, huyện, thị xã và 126/584 xã, phường, thị trấn, tăng hơn 15 lần so với cùng kỳ năm 2018. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sởi là: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Gia Lâm…
Phân tích dịch tễ bệnh nhân sởi năm 2019 cho thấy, nhóm bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi (chưa đến độ tuổi tiêm phòng) chiếm 24,1%; nhóm bệnh nhân từ 9 – 11 tháng tuổi chiếm 8%; nhóm 1 – 5 tuổi chiếm 17,6%; nhóm 6 – 15 tuổi chiếm 23,4%. Điều đáng nói, khoảng 90% trường hợp mắc sởi do chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin để phòng bệnh.
Video đang HOT
Không chỉ tại Hà Nội, dịch sởi tiếp tục có xu hướng gia tăng trên cả nước. Từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 8.000 trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi, trong đó có gần 900 trường hợp dương tính với sởi, không có trường hợp tử vong.
Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tại bệnh viện, trong năm 2018 chỉ ghi nhận 86 trường hơp mắc sởi thì chỉ trong những ngày đầu năm 2019 đã có hơn 200 đến khám và điều trị. Bệnh nhân mắc sởi chủ yếu ở các địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình…
Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 3 – 5 trường hợp bệnh nhân nhi nhập viện, trong đó nhiều ca mắc biến chứng viêm phổi. Phần lớn các bệnh nhân mắc sởi đều do chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm phòng đủ mũi. Điều này cho thấy dịch sởi đang bùng phát rất nhanh, nhiều khả năng đây sẽ là chu kỳ của đại dịch sởi bùng phát 4 năm/lần.
Các biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ dưới 9 tháng tuổi thường gặp nhất là viêm phổi, viêm thanh quản khiến đường thở phù nề, khó thở, nguy cơ cao gây tắc nghẽn thở… Quan niệm “kiêng nước, kiêng gió” trong chăm sóc trẻ nhiễm sởi của không ít gia đình cũng có thể gây nên những biến chứng nặng như: Viêm hàm lợi, thối xương hàm, viêm giác mạc, kết mạc, có thể dẫn đến mù hay tiêu chảy, nếu không kịp thời xử trí sẽ dẫn đến trụy mạch, huyết áp. Biến chứng nguy hiểm của sởi là viêm não, trẻ lơ mơ, hôn mê, co giật, nếu được phát hiện sớm, cơ hội chữa khỏi cao.
Tuy nhiên, giáo sư Nguyễn Văn Kính rất lo ngại về tình trạng tẩy chay vắc-xin của một số người dân hiện nay. Nếu tình trạng này kéo dài, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sẽ tiếp tục tấn công, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người dân.
Nói về dịch bệnh sởi, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, nhiều người lớn mắc sởi do chưa từng tiêm sởi, chưa đáp ứng miễn dịch hoặc nhiều người chưa được tiêm phòng đầy đủ. Do đó, những đối tượng người lớn này khi nằm trong vùng có dịch sẽ dễ dàng mắc sởi.
Để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi, rubella cho khoảng 4,2 triệu trẻ từ 1 – 5 tuổi vùng nguy cơ cao tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố.
“Để có thể phòng chống sởi, các đối tượng cả trẻ em, người lớn cần được tiêm chủng đầy đủ, ít nhất hai mũi trở lên. Chúng tôi khuyến cáo người lớn, đặc biệt là phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ, trước khi mang thai nên tiêm vắc-xin sởi, rubella để trong thời gian mang thai có sinh miễn dịch, kháng thể miễn dịch được truyền cho con. Như vậy, trẻ trong vòng 9 tháng đầu sẽ tránh được sởi”, ông Đặng Quang Tấn khuyến cáo.
(Còn nữa)
PHƯƠNG THU
Theo tuoitrethudo
Xóa tan 5 hiểu lầm hay gặp về chủng ngừa ở trẻ em
Tỷ lệ trẻ ở độ tuổi rất nhỏ không nhận được đủ những vắc-xin quan trọng để bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm như bệnh sởi và quai bị đang ngày càng tăng tại Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
Trong thực tế, tỷ lệ trẻ chưa được tiêm chủng có vẻ đã tăng gấp bốn lần trong 17 năm qua. Khi CDC xem xét kết quả một khảo sát toàn quốc qua năm 2017 gồm những gia đình có trẻ chập chững biết đi, họ phát hiện ra rằng 1,3% số trẻ sinh năm 2015 không được chủng ngừa như khuyến nghị. Năm 2001, con số này chỉ là 0,3% phần trăm.
Báo cáo không cho biết rõ tại sao nhiều trẻ nhỏ lại không được chủng ngừa.
"Một số trẻ em có thể không được chủng ngừa vì sự lựa chọn của cha mẹ, trong khi với một số khác, thiếu tiếp cận với chăm sóc sức khỏe hoặc bảo hiểm y tế có thể là yếu tố", các nhà nghiên cứu viết.
Trên thực tế, một số bậc cha mẹ tin rằng vắc-xin gây ra những vấn đề, mặc dù không có bằng chứng khoa học nào ủng hộ điều đó. Tiêm chủng đã giúp cứu sống hàng trăm nghìn người ở Mỹ và ngăn ngừa hàng triệu lượt nhập viện trong những năm qua.
Nhưng hầu hết trẻ em ở Hoa Kỳ đều được chủng ngừa thường quy theo khuyến nghị.
Chắc chắn có rất nhiều thông tin nhầm lẫn trên mạng về vắc-xin cho trẻ em trong thời gian gần đây. Điều đó có thể khiến nhiều bậc phụ huynh khó biết điều gì đúng và điều gì không - cũng như cách giữ cho trẻ khỏe mạnh. Ví dụ, có nên giãn các mũi tiêm càng xa nhau càng tốt để hệ miễn dịch của trẻ không bị quá tải?
Dưới đây là một số hiểu lầm phổ biến về vắc xin cho trẻ em và những gì bạn cần biết.
Hiểu lầm 1: Vắc-xin sởi-quai bị-rubella (MMR) gây tự kỷ
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet năm 1998 đã ngụ ý liên hệ bệnh tự kỷ với vắc xin MMR - mà trẻ em thường được tiêm lúc 12 tháng và 4 tuổi đã thu hút sự chú ý và khiến dư luận lo sợ.
Nhưng nghiên cứu đó đã hoàn toàn bị vạch trần (và bị gỡ bỏ), và tuyệt đại đa số các chuyên gia đều đồng ý rằng văcxin cho trẻ em không phải là yếu tố trong bệnh tự kỷ. (Trong thực tế, Andrew Wakefield, tác giả chính của nghiên cứu này, cuối cùng đã bị cấm thực hành y khoa tại Vương quốc Anh, một phần vì ông đã ngụy tạo các phát hiện của nghiên cứu.)
Kể từ khi nghiên cứu sai sót này được xuất bản, nhiều nghiên cứu đã không tìm thấy mối liên quan giữa tự kỷ và vắc-xin, Wendy Sue Swanson, bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Seattle và phát ngôn viên của Hội Nhi khoa Mỹ cho biết.
Swanson nói rằng bà hiểu lý do tại sao mọi người có thể nghĩ hai điều này có liên quan với nhau. Vắc-xin MMR được tiêm cùng giai đoạn trong cuộc sống của trẻ khi chúng có thể bắt đầu biểu hiện các dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ, chẳng hạn như không đáp lại khi được gọi tên, có vẻ quá nhạy cảm với tiếng ồn và nhiều dấu hiệu khác.
Hiểu lầm 2: Giãn khoảng cách giữa các mũi tiêm sẽ an toàn hơn
Mỗi năm cơ quan y tế sẽ khuyến nghị một lịch tiêm chủng cho trẻ em 9vaf một cho người lớn). Điều này giúp nhân viên y tế và phụ huynh biết khi nào nên cho trẻ chủng ngừa các loại bệnh truyền nhiễm khác nhau, chẳng hạn như viêm gan B, rotavirus, HPV và uốn ván.
Nhưng một số người lo lắng rằng việc tiêm quá nhiều vắc-xin trong một thời gian ngắn trẻ có thể nhận được 29 mũi tiêm phòng cho đến 6 tuổi, không kể tiêm phòng cúm hàng năm có thể khiến hệ miễn dịch của trẻ bị quá tải.
Vì vậy, một số phụ huynh yêu cầu bác sĩ hoãn vắc-xin hoặc giãn khoảng cách giữa chúng. Trong một cuộc khảo sát năm 2012 trên các bác sĩ nhi khoa của các nhà nghiên cứu ở Colorado, gần 93% nói rằng thường thì trong một tháng điển hình sẽ có ít nhất một phụ huynh của một đứa trẻ yêu cầu giãn lịch tiêm chủng.
Đây là cách làm thiếu khôn ngoan, Wilbert van Panhuis, Tiến sĩ, bác sĩ, giảng viên dịch tễ học và tin học y sinh tại Đại học Pittsburgh nói. Lịch tiêm chủng được dựa trên nguy cơ bệnh tật và hiệu quả vắc-xin ở những độ tuổi cụ thể, và cách vắc-xin có thể tương tác với nhau.
"Việ xáo trộn lịch này là rất phức tạp và có thể nguy hiểm," ông nói, một phần vì chậm chủng ngừa có thể khiến trẻ dễ bị bệnh truyền nhiễm.
Ví dụ, vắc-xin MMR được định thời gian để trẻ nhận ngay khi vừa hết miễn dịch nhận được từ mẹ.
Bệnh sởi, một trong những bệnh mà vắc-xin MMR bảo vệ, rất dễ lây. Nếu một đứa trẻ không được chủng ngừa và tiếp xúc với một người bị bệnh sởi - hoặc thậm chí đi vào căn phòng mà người đó vừa mới rời đi - trẻ sẽ có 90% khả năng nhiễm bệnh.
Nếu trẻ đã được tiêm cả hai liều MMR theo khuyến nghị, khả năng phát triển bệnh sởi của trẻ chỉ là 3%.
Mặc dù có vẻ như trẻ phải tiêm quá nhiều mũi, những mỗi mũi tiêm chỉ chứa một lượng nhỏ vi rút hoặc vi khuẩn đã chết hoặc bất hoạt. Chúng giúp tạo ra các kháng thể, thúc đẩy hệ miễn dịch chống lại vi-rút và vi khuẩn gây bệnh.
Vì vậy, hãy tuân theo lịch tiêm chủng của cơ quan y tế nếu có thể. Nhưng nếu trẻ bị bỏ lỡ một liều, đừng lo lắng; Cũng có những hướng dẫn về cách bắt kịp. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
Hiểu lầm 3: Vắc-xin có thể khiến trẻ bị ốm
Đã bao giờ con bạn đi tiêm phòng và sau đó bị nhiễm trùng đường hô hấp? Khiếu nại này là phổ biến nhất với tiêm phòng cúm. Các bác sĩ thường nghe, "Tôi đi tiêm phòng cúm và bị ốm", BS. Pedro Piedra, giảng viên vi-rút học phân tử và vi sinh và là bác sĩ nhi khoa tại Trường Y Baylor, Houston nói.
Đây có lẽ là chỉ là sự trùng hợp, ông nói. Hầu hết vắc-xin cúm được tiêm vào mùa thu và đầu mùa đông. "Đó là khi chúng ta có tỷ lệ vi-rút hô hấp cao nhất lưu hành và gây ra sự hiểu lầm", Piedra lưu ý.
Vắc-xin cúm không thể gây ra bệnh cúm (hoặc nhiễm trùng khác) nhưng có thể gây ra một số triệu chứng giống cúm nhẹ và tạm thời. Đây thực sự là một dấu hiệu tốt, theo Swanson; nó có nghĩa là vắc-xin có hiệu quả hình thành miễn dịch.
Không có bất kỳ vắc-xin nào khác được FDA phê duyệt có thể gây ra các bệnh mà chúng bảo vệ. Nhưng giống như vắc-xin cúm, chúng có thể gây ra những tác dụng phụ tạm thời, chẳng hạn như sốt nhẹ hoặc sưng tại chỗ tiêm.
Nếu con bạn gặp phải tác dụng phụ hoặc phản ứng bất lợi với vắc-xin, không cần phải tránh mũi tiêm tiếp theo của vắc-xin đó theo lịch. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy rằng cơ hội một tác dụng phụ nhỏ tái diễn là chưa đến 50%, và cơ hội của một phản ứng nghiêm trọng xảy ra lần nữa là chưa đến 1%.
Hiểu lầm 4: Vắc-xin chứa hóa chất độc hại
Một số vắc-xin cho trẻ em chứa những chất nghe có vẻ đáng lo ngại, đáng chú ý là formaldehyde hoặc vết thủy ngân. Ví dụ, một số công thức vắc-xin viêm gan, cúm, viêm màng não và bại liệt, bao gồm formaldehyd.
Nhưng theo FDA, lượng formaldehyd trong vắc-xin còn nhỏ hơn lượng được sản sinh tự nhiên bởi cơ thể.
Khi nói đến thủy ngân, ethylmercury - loại được sử dụng trong một số vắc-xin cúm hoàn toàn khác với methylmercury, có độc tính cao và được tìm thấy trong một số loại hải sản.
Ethylmercury rời khỏi cơ thể của bạn trong vòng vài ngày và không gây nguy hiểm cho trẻ em, ông nói. (Nhưng để đáp ứng mối lo ngại của người tiêu dùng, các nhà sản xuất đang loại bỏ việc sử dụng thủy ngân trong hầu hết các loại vắc-xin).
Trừ khi bạn bị dị ứng với một hoặc nhiều thành phần trong vắc-xin hoặc không thể nhận chúng vì những lý do sức khỏe khác, còn thì các chất được sử dụng để chế tạo vắc-xin không thể gây hại.
Hiểu lầm 5: Mọi người khác đã tiêm phòng cho con họ, vì vậy tôi không cần tiêm cho con tôi
Về mặt lý thuyết, nếu tất cả mọi người trong cộng đồng của bạn đều đã cập nhật các mũi tiêm chủng, thì điều đó sẽ giúp bảo vệ gia đình bạn. Đó là lý do tại sao: Đối với mỗi bệnh truyền nhiễm, một tỷ lệ phần trăm nhất định của những người trong khu vực phải được chủng ngừa để kiềm chế dịch. (Tỷ lệ phần trăm đó khác nhau tùy từng bệnh). Điều này được gọi là miễn dịch quần thể.
Nhưng nếu một vụ dịch xảy ra, những người không được chủng ngừa sẽ dễ bị bệnh hơn. Điều đó có nghĩa là bạn không thể dựa vào khả năng miễn dịch của người khác để bảo vệ con bạn nếu bạn không chủng ngừa cho chúng.
Cẩm Tú
Theo Dân trí
Giá phải trả do chống vắc-xin Tổ chức Y tế thế giới xếp tình trạng lưỡng lự hoặc từ chối tiêm vắc-xin vào danh sách 10 mối đe dọa đến sức khỏe toàn cầu năm nay Dịch sởi đang bùng phát trở lại tại nhiều nơi trên thế giới, một phần xuất phát từ làn sóng chống đối vắc-xin đang lan rộng, đe dọa nỗ lực loại bỏ căn...