Tay chân miệng đã lan rộng cả nước
Chiều 14/10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đến thời điểm này dịch tay chân miệng (TCM) đã lan ra 63/63 tỉnh thành phố với 71.472 ca mắc, trong đó đã có 130 trường hợp tử vong.
So với thống kê vào thời điểm cuối tuần trước, thời điểm này số ca mắc đã tăng thêm hơn 5.200 trường hợp và 11 trẻ tử vong. Lý giải cho sự gia tăng bất thường này lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết, thống kê này có bổ sung số trường hợp mắc và tử vong của 7 tỉnh, thành phố chưa kịp báo cáo trong 2 tuần trước đó
Thống kê trong mấy tuần nay cũng cho thấy, số trẻ mắc TCM trong tuần đã có xu hướng giảm dần tuy giảm chưa nhiều. Trên thực tế, các tỉnh trước đây có số mắc nhiều đều đã có dấu hiệu giảm. Cụ thể: TP. HCM từ 500 ca/tuần xuống còn 250-300 ca/tuần; Bình Dương hiện chỉ còn khoảng 60 ca/tuần so với 100-110 ca/tuần trước đó…
Liên quan đến việc có công bố dịch tay chân miệng hay không, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng khẳng định, việc công bố hay không công bố dịch cần phải tuân thủ theo đúng quy định. Bởi tay chân miệng thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B nên thẩm quyền công bố dịch thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế. Bộ Y tế chỉ tiến hành công bố dịch khi có từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã công bố dịch.
Quyết định 64 của Thủ tướng cũng quy định rõ, việc công bố dịch truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi hội đủ hai điều kiện. Một là số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số bệnh nhân dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Hai là có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong cao mà chưa xác định rõ tác nhân gây bệnh, chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; dịch bệnh xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.
Vì thế, việc công bố dịch hoàn toàn là sự chủ động của các địa phương dựa trên thực tế tình hình dịch bệnh tại địa phương nào. Trong trường hợp các địa phương đang xảy ra dịch tay chân miệng tại tuyến xã, huyện không kiểm soát và khống chế được bệnh tay chân miệng (TCM) thì có thể đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tiến hành công bố dịch tại xã.
Còn theo phó giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thì việc công bố dịch hay không không phải là vấn đề quan trọng, mà quan trọng là tập trung mọi nguồn lực, lực lượng để chống dịch.
Bởi bệnh TCM có đặc điểm rất phức tạp: Bệnh lây truyền theo đường tiêu hoá do nhiều vi rút trong nhóm vi rút đường ruột gây ra, tỷ lệ người lành mang trùng cao, chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu, dự phòng chủ yếu là thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân. Do đó, trong thời gian tới dịch có thể vẫn diễn biến phức tạp, bệnh có thể vẫn xảy ra tản phát ở nhiều nơi. Việc kiểm soát sự lây lan dịch phụ thuộc vào sự quan tâm và tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là việc thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân trong chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi của các bà mẹ và người chăm sóc trẻ.
Video đang HOT
Hồng Hải
Theo dân trí
Sẽ không dừng ở 114 trẻ chết vì tay chân miệng!
Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, đến ngày 29/9/2011, cả nước đã ghi nhận 114 trường hợp tử vong tại 24 tỉnh, thành phố trong tổng số 61.805 ca mắc tay chân trong cả nước. Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch tay chân miệng.
Những người có con nhỏ tại Hà Nội vô cùng lo ngại khi ca tử vong đầu tiên vì tay chân miệng ở Hà Nội được công bố. Trong ảnh, trường
mầm non số 5, phường Ngọc Hà vắng hoe sau khi trường có ca tử vong. Ảnh: N.T
Tay chân miệng đã lan rộng cả nước
Theo báo cáo giám sát của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur trong tuần 39/2011 cả nước ghi nhận 2.091 trường hợp mắc tay chân miệng tại 51 địa phương, trong đó có 02 trường hợp tử vong tại Kiên Giang và Cà Mau. Các tỉnh như Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh các ca mắc mới vẫn duy trì ở mức cao với trên 200 ca mỗi tuần.
Tích luỹ từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước ghi nhận gần 62 nghìn ca mắc tay chân miệng, trong đó có tới 114 trẻ đã bị tử vong bởi căn bệnh này. Trong khi đó, mấy tuần trở lại đây, dịch tay chân miệng vẫn tăng và duy trì ở mức cao với trên hai nghìn ca mắc/tuần.
Tại các tỉnh phí Nam, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang... là những tỉnh có số ca mắc tay chân miệng cao nhất. Còn các tỉnh, thành phố có số mắc tay chân miệng cao nhất tại khu vực miền Trung là: Quảng Ngãi, Khánh Hoà và Đà Nẵng. Tại khu vực Tây Nguyên, cả 4 tỉnh của khu vực này đều ghi nhận bệnh nhân mắc tay chân miệng tập trung chủ yếu tại tỉnh Đắk Lắk với 1.367 trường hợp mắc, 01 tử vong.
Tại miền Bắc, dịch tay chân miệng đang có xu hướng nóng dần lên với 26/28 tỉnh/thành phố đã ghi nhận bệnh nhân tay chân miệng. Trong đó, số bệnh nhân đông nhất tập trung tại tỉnh Thanh Hoá với 2.161 trường hợp mắc. Không có ổ dịch lớn tại cộng đồng, trường học, nhà trẻ.
Tính đến ngày 29/9/2011, tại các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đã ghi nhận 1.332 mẫu xét nghiệm dương tính với vi-rút gây bệnh tay chân miệng, chiếm 75,3%, trong đó có 757 mẫu dương tính với EV71 (42,8%) và 575 mẫu dương tính với các EV khác (32,5%)
Sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp
Trong báo cáo ngày 30/9 gửi Bộ trưởng Bộ Y tế về tình hình bệnh tay chân miệng trong cả nước, Cục Y tế dự phòng nhận định, dịch bệnh tay chân miệng ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng tới, vì thế, sẽ tiếp tục gia tăng số mắc, tử vong.
Cục Y tế đưa ra nhận định trên bởi theo quy luật hàng năm, trong thời điểm từ tháng 9-11, dịch bệnh này sẽ tăng cao. Hơn nữa, bệnh lây truyền do vi rút đường ruột đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Hơn nữa, bệnh dễ lây truyền qua đường tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt tỷ lệ người lành mang trùng cao nên dịch bệnh lây lan rất phức tạp.
Dù trước dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã tăng cường phòng chống dịch, sát sao kiểm tra công tác chống dịch tại các địa phương, nhưng thực tế, dịch tay chân miệng vẫn diễn biến rất phức tạp. Trong 12 tuần gần đây, số ca mắc bệnh tay chân miệng ghi nhận trên cả nước không tăng hơn tuần thứ 27, nhưng mức độ giảm rất chậm.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân của tình trạng này do sự thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ chuyển biến chậm. Hơn nữa, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại các địa phương chưa được tích cực, còn giao phó chủ yếu cho ngành y tế.
Bên cạnh việc tăng cường giám sát, truyền thông về dịch bệnh, Bộ Y tế cũng đã cấp phát 22.415 kg Chloramin B, 16 bình phun MR8, 32 máy phun MD-150 DX, 20 máy phun ULV cho các Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Pasteur Nha Trang.
Dù Bộ Y tế chỉ đạo, giám sát dịch sát sao nhưng dư luận vẫn băn khoăn, vì sao dịch càng giám sát càng lan rộng? Bệnh tay chân miệng đã lan rộng trong cả nước. Ngay với miền Bắc, vốn ít ghi nhận ca bệnh này thì nay 26/28 tỉnh/thành phố đã ghi nhận bệnh nhân tay chân miệng. Mới đây nhất, Hà Nội đã có 1 ca tử vong trong tổng số hơn 400 ca ghi nhận trong cả năm.
Bộ Y tế cho rằng, để tiếp tục giám sát dịch tay chân miệng, ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai gắp gao việc đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh tay chân miệng trong cả nước, đặc biệt tại 13 tỉnh, thành phố trọng điểm.
Bộ Y tế cũng cho rằng cần phải tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, xử lý ổ dịch tay chân miệng. Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống tay chân miệng...nhằm nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ, người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch tay chân miệng. Đồng thời tăng cường lấy mẫu các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đặc biệt các trường hợp nặng, có biến chứng xác định sự lưu hành của týp vi rút gây bệnh và theo dõi sự biến đổi của vi rút...
Các biện pháp trên vẫn được Bộ Y tế tăng cường thực hiện trong suốt thời gian qua, nhưng thực tế, dịch tay chân miệng vẫn đang tiếp diễn và gia tăng phải chăng chỉ do nguyên nhân sự thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ chuyển biến chậm? Do sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại các địa phương chưa được tích cực, còn giao phó chủ yếu cho ngành y tế?
Tú Anh
Theo dân trí
Vi rút EV 71 có biến đổi về độc lực? Trước một số ca bệnh tay chân miệng dù nhập viện sớm vẫn tử vong, điển hình là ca tử vong của bệnh nhi 3 tuổi tại miền Bắc, nhiều người hoang mang lo lắng, cho rằng vi rút EV 71 đã biến đổi về độc lực, gây bệnh cảnh nặng, diễn tiến nhanh... Trước lo ngại này, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện...