Tây Ban Nha ghi nhận 44.357 ca mắc COVID-19 trong ngày
Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 21/1 ghi nhận thêm 44.357 ca mắc mới bệnh COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 2.456.675 ca.
Trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha có thêm 404 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 55.041 ca.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 15/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tỷ lệ lây nhiễm trung bình tại Tây Ban Nha trong 14 ngày qua đã tăng lên 795 ca/100.000 người, gấp hơn 3 lần tỷ lệ lây nhiễm (250 ca/100.000 người) mà Bộ Y tế nước này cho là “mức cực kỳ nguy hiểm”. Tại một số khu vực tự trị, tỷ lệ mắc bệnh thậm chí còn cao hơn nhiều. Khu tự trị Extremadura ở miền Tây Nam Tây Ban Nha có tỷ lệ lây nhiễm trung bình là 1.467,5 ca/100.000 người, các khu tự trị Murcia và Valencia ở miền Đông Nam lần lượt có tỷ lệ là 1.286,9 ca/100.000 người và 1.166,1 ca/100.000 người.
Tại Pháp, nước này đã ghi nhận gần 23.000 ca nhiễm mới trong một ngày. Theo số liệu chính thức đăng tải trên trang web của chính phủ ngày 21/1, Pháp có thêm 22.848 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 2.987.965 ca. Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm 346 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 71.998 ca.
Video đang HOT
Phát biểu trên kênh truyền hình TF1 vào tối cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran nhấn mạnh chính phủ đang chạy đua với thời gian nhằm ngăn chặn dịch bệnh sau khi sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh buộc nhiều quốc gia châu Âu phải áp đặt lệnh phong tỏa. Biến thể mới nói trên được cho là dễ lây nhiễm hơn, do đó Chính phủ Pháp đang làm mọi việc có thể để hạn chế sự lây lan của biến thể này. Theo ông Veran, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn sẽ được thực thi nếu biến thể này tiếp tục lây lan.
Tại Anh, nước này ngày 21/1 thông báo ghi nhận 37.892 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 3.543.646 ca, trong đó 94.580 ca tử vong. Nhằm kiểm soát dịch bệnh, Anh đang nỗ lực tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Đến nay, gần 5 triệu người ở Anh đã được tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, Thủ tướng Boris Johnson cho rằng còn quá sớm để thông báo khi nào các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.
Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/1 cảnh báo số ca bệnh trên toàn cầu có thể tăng lên mức 100 triệu người vào cuối tháng này, nhưng cho rằng vaccine ngừa COVID-19 có thể giúp kiểm soát dịch bệnh.
Phát biểu tại cuộc họp bất thường của Nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược về miễn dịch (SAGE) của WHO, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hiện hơn 2 triệu người trên toàn thế giới đã tử vong do COVID-19, và dự báo đến cuối tháng này, tổng số người mắc bệnh trên toàn cầu sẽ tăng lên 100 triệu người. Tuy nhiên, ông cho rằng các loại vaccine ngừa COVID-19 có thể giúp thế giới kiểm soát được dịch bệnh.
Hiện chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai ở hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Ông Tedros nhấn mạnh các nước trên thế giới cần phối hợp cùng nhau nhằm bảo đảm việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 một cách nhanh chóng và công bằng.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến trưa 22/1 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 98,1 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 2,1 triệu ca tử vong do COVID-19.
Nghi vấn vaccine không phép làm bùng phát virus tả lợn châu Phi tại Trung Quốc
Chủng virus tả lợn châu Phi mới tại các trang trại ở Trung Quốc nhiều khả năng bắt nguồn từ việc sử dụng vaccine không phép.
Dịch tả lợn châu Phi cách đây 2 năm đã gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin hai chủng mới virus tả lợn châu Phi đã lây lan tại một số trang trại thuộc công ty New Hope Liuhe (Trung Quốc).
Đại diện của New Hope Liuhe, ông Yan Zhichun cho biết chủng mới này không có hai gien then chốt MGF360 và CD2v nên chưa làm lợn chết hàng loạt như giai đoạn 2018-2019. Tuy nhiên, chủng mới này lại tác động đến lợn con khỏe mạnh. New Hope Liuhe và nhiều doanh nghiệp khác đều lựa chọn biện pháp tiêu hủy lợn nhiễm virus.
Đã có tới một nửa trong số 400 triệu con lợn tại Trung Quốc chết trong giai đoạn dịch tả lợn châu Phi hoành hành cách đây 2 năm. Hiện nay giá thịt lợn ở Trung Quốc vẫn khá cao do nước này chịu áp lực đảm bảo an ninh lương thực trong thời kỳ dịch COVID-19.
Theo Reuters, ở thời điểm này, chưa có vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi nào được thông qua nhưng nhiều nông dân Trung Quốc vì muốn bảo vệ gia súc đã tìm đến các sản phẩm chưa được cấp phép. Do vậy, các chuyên gia cho rằng loại vaccine không đảm bảo chất lượng đã vô tình làm chủng virus tả lợn châu Phi mới bùng phát. Còn có nguy cơ chủng virus tả lợn châu Phi mới lây lan sang quốc gia khác.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trung Quốc chưa phản hồi về diễn biến này. Tuy nhiên, trước đây bộ này đã ban hành cảnh báo rằng những vaccine tả lợn châu Phi không được cấp phép có thể gây ra phản ứng phụ nghiêm trọng. Theo đó, nhà sản xuất và người sử dụng vaccine không phép này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tháng 8/20202, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trung Quốc tuyên bố sẽ điều tra toàn quốc về sử dụng vaccine trái phép, trong đó bao gồm việc xét nghiệm lợn để tìm ra chủng virus mới.
Sau nhiều thập niên nghiên cứu về virus dịch tả lợn châu Phi, các nhà khoa học trên toàn thế giới đã tập trung vào loại vaccine sống giảm độc lực. Nhưng loại vaccine này có rủi ro cao bởi ngay cả sau khi bị làm yếu đi thì virus đôi khi lại phục hồi được độc lực. Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, một loại vaccine tương tự được sử dụng tại Tây Ban Nha nhưng lại gây ra bệnh mãn tính về đường hô hấp, sưng khớp và tổn thương da ở lợn được tiêm. Kể từ đó đến nay, chưa có quốc gia nào thông qua vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi.
Viện Nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) đang thử nghiệm loại vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi với virus sống giảm độc lực thiếu hai gien MGF360 và CD2v.
Bác sĩ thú y Wayne Johnson tại Bắc Kinh chia sẻ với Reuters rằng đến nay chính phủ Trung Quốc vẫn không công bố thực trạng quy mô sử dụng vaccine chưa cấp phép cũng như đơn vị điều chế, sản xuất sản phẩm này. Bắc Kinh vốn kiểm soát chặt chẽ những đơn vị được nghiên cứu virus. Theo đó, chỉ có những phòng thí nghiệm với thiết kế đảm bảo an ninh sinh học cao được cấp phép.
Hàng chục người di cư thiệt mạng do đắm tàu ngoài khơi Libya Tổ chức Di cư quốc tế và Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR) cho biết ngày 19/1, ít nhất 43 người di cư tới từ Trung Phi đã thiệt mạng trong vụ đắm tàu ở ngoài khơi Libya. Người di cư và tị nạn được lực lượng cứu hộ Tây Ban Nha giải cứu ngoài khơi Libya ngày...