Tây Ban Nha đã tiêm chủng thành công cho nhóm trẻ 5 -11 tuổi như thế nào?
Trong bối cảnh biến chủng Omicron lan rộng trên toàn cầu, nhiều quốc gia đã triển khai chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi để ngăn ngừa virus lây lan.
Tại châu Âu, Tây Ban Nha được biết đến là hình mẫu tiêm chủng cho nhóm tuổi này.
Trẻ em xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19 tại bệnh viện Đại học Infanta Sofia, ngoại ô Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters
Theo trang The Local, ngày 7/12/2021, Ủy ban Y tế Công cộng Tây Ban Nha đã phê duyệt vaccine Pfizer để tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi, chỉ vài ngày sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu “bật đèn xanh” sử dụng vaccine này cho trẻ nhỏ.
Động thái chấp thuận tiêm chủng cho nhóm tuổi này – mỗi liều 10 microgram thay vì 30 microgram, chỉ bằng 1/3 liều lượng dành cho người lớn – diễn ra trong bối cảnh trẻ em dưới 12 tuổi là nhóm tuổi có tỉ lệ nhiễm virus cao nhất ở Tây Ban Nha.
So với các nước láng giềng châu Âu, Tây Ban Nha là một trong những nước đi đầu tiêm chủng cho trẻ em. Theo một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Appinio, 74% phụ huynh có con từ 5 đến 11 tuổi ở Tây Ban Nha cho biết họ sẽ cho con mình tiêm vaccine COVID-19, 13,7% nói rằng họ chưa quyết định và 12% trả lời rằng họ sẽ không tiêm chủng cho con mình.
Tây Ban Nha có 3,26 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5-11, chiếm 7% tổng dân số của cả đất nước. Tính đến nay, quốc gia này đã tiêm mũi vaccine đầu tiên cho 56,3% nhóm tuổi này và đang triển khai tiêm mũi thứ 2.
Laura Martinez, 8 tuổi, phản ứng sau khi tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Reuters
Trong những ngày đầu tiên triển khai chiến dịch, hàng trăm bậc phụ huynh đã đưa con mình đến xếp hàng tại hành lang của Bệnh viện Infanta Sofia ở Madrid để chờ tiêm chủng. Nhiều người cho biết họ đã phải dậy sớm để đặt lịch tiêm cho con từ trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Bệnh viện dự kiến sẽ tiêm hơn 1.000 mũi cho trẻ em/ngày trong tháng đầu tiên triển khai chiến dịch.
“Đã đến lúc cần tiêm chủng cho trẻ nhỏ”, cô Ana Cardenete, điều dưỡng 38 tuổi, cho biết khi đưa 2 con, 1 cháu gái và 1 cháu trai của cô đến xếp hàng trong dòng người đông đúc.
Con trai cô, Leo, 10 tuổi, hân hoan đi vào buồng tiêm chủng và tự tin xắn tay áo lên. Cậu bé chia sẻ: “Điều tốt nhất là bây giờ là cháu đã được bảo vệ khỏi virus SARS-CoV-2, ít nhất là trong một thời gian”.
Video đang HOT
Đối với Anna, cô chia sẻ mình không quan tâm đến tác dụng phụ của vaccine đối với trẻ em vì cho rằng cơ quan chức năng đã xem xét kỹ điều đó trước khi phê duyệt. Người phụ nữ này cũng nói thêm rằng quyết định tiêm chủng cho trẻ nhỏ, nhóm tuổi hiện có tỉ lệ nhiễm cao nhất ở Tây Ban Nha, là rất hợp lý.
“Thực lòng chúng tôi đã bình tĩnh hơn rất nhiều, cả về khía cạnh sức khỏe và vấn đề học tập, vì việc tiêm vaccine sẽ giúp ích cho việc học tập của bọn trẻ”, Anna nói. Theo các chuyên gia, vaccine COVID-19 đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả với trẻ em trong nhóm tuổi này. Các thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy hiệu quả là 91% trong việc tránh các bệnh nhiễm trùng có triệu chứng ở trẻ em từ 5-11 tuổi, nói chung ít phát triển các phản ứng có hại hơn.
Pablo Peiro, 9 tuổi, sau khi tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Reuters
Tây Ban Nha đã phát động chiến dịch tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi với mục tiêu “phá vỡ chuỗi lây nhiễm trong môi trường gia đình, trường học và cộng đồng”. Với hy vọng thúc đẩy chiến dịch này, Chính phủ Tây Ban Nha đã tăng cường tuyên truyền về lợi ích của vaccine trên tất cả các phương tiện truyền thông. Trên truyền hình, giới chức đã phát hành một đoạn phim quảng cáo kêu gọi phụ huynh cho con mình đi tiêm chủng để ngăn chặn virus và bảo vệ người già.
Theo khuyến nghị từ Hội đồng liên lãnh thổ của Dịch vụ Y tế Quốc gia (CISNS), tiêm chủng cho trẻ nhỏ “có thể làm giảm chuỗi lây nhiễm trong môi trường gia đình, giáo dục và trong cộng đồng, góp phần để bảo vệ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất”. Hơn nữa, tiêm chủng cho trẻ em chính là biện pháp tốt nhất giúp kiểm soát đại dịch.
Pablo Peiro, 9 tuổi, phản ứng khi tiêm vaccine COVID-19 ở ngoại ô Madrid. Ảnh: Reuters
Theo CISNS, lý do trước hết cần tiêm chủng cho trẻ nhỏ đó là vaccine có thể bảo vệ trẻ khỏi nhiễm bệnh. Trong khi đại đa số trẻ em được chẩn đoán mắc COVID-19 đều có các triệu chứng nhẹ, thậm chí một số không có triệu chứng, song kể từ khi đại dịch bùng phát, đã có ít nhất 399.000 trẻ em dưới 9 tuổi nhiễm bệnh, 3.398 trường hợp nhập viện, 177 trường hợp cần chăm sóc đặc biệt và 20 ca tử vong.
Lý do thứ hai đó là tiêm chủng cho trẻ em có thể ngăn virus lây nhiễm cho mọi lứa tuổi. Hiện tại ở Tây Ban Nha, nhóm trẻ dưới 11 tuổi đang có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất. Trung bình Tây Ban Nha ghi nhận khoảng 412 ca/100.000 dân trong 14 ngày. Nhưng đối với trẻ dưới 12 tuổi, con số này là 640ca, và ở các vùng Basque Country và Navarre, con số này vượt 2.000 ca.
Tại Tây Ban Nha, trẻ em từ 5 đến 11 tuổi sẽ được tiêm hai mũi vaccine, mỗi mũi cách nhau 8 tuần. Trẻ đã nhiễm virus sẽ được tiêm một mũi duy nhất ít nhất 4 tuần sau khi phát hiện mắc bệnh hoặc khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Những trẻ nhiễm virus sau khi tiêm mũi đầu sẽ được tiêm mũi thứ hai sau khi khỏi bệnh 4 tuần. Trong một số trường hợp, khoảng cách này sẽ được duy trì tới 8 tuần.
Leo Garcia, 10 tuổi và em họ Marcos Gomez, 9 tuổi, chờ tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Reuters
Những trẻ dự định tiêm phòng các bệnh khác trong khoảng thời gian tiêm vaccine COVID-19 vẫn có thể tiêm cùng lúc mà không có bất kỳ chống chỉ định nào, nhưng sẽ được tiêm ở các vị trí khác trên cơ thể. Giống như nhóm thanh thiếu niên, trẻ nhỏ sẽ phải đợi 15 phút sau khi tiêm phòng để theo dõi phản ứng sau tiêm. Nếu trẻ có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng, trẻ sẽ phải ở lại trong 30 phút.
Phần lớn các khu vực trên khắp sẽ tiêm chủng cho trẻ tại các trung tâm y tế và các điểm tiêm chủng đã được thành lập trong chiến dịch. Vùng Valencia, Extremadura, Castilla-La Mancha và La Rioja sẽ tiêm chủng cho trẻ tại các trường học, trong khi Madrid sẽ sử dụng bệnh viện làm nơi tiêm chủng.
Trẻ em sẽ được tiêm phòng COVID-19 khi được cha mẹ cho phép bằng lời nói hoặc văn bản. Tuy nhiên, vùng Extremadura và Valencia đã yêu cầu sự cho phép của cả cha lẫn mẹ. Trong trường hợp người mẹ hoặc người cha phản đối tiêm chủng, phụ huynh phải thông báo điều này với hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Trong trường hợp phụ huynh vẫn không đưa ra được quyết định chung, như với nhóm thanh thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi, vụ việc sẽ được chuyển lên tòa án. Ở Tây Ban Nha, những trẻ từ 16 tuổi trở lên đều thể tự quyết định lựa chọn việc tiêm chủng.
Tiến độ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em ở châu Âu chậm chạp
Nhiều quốc gia châu Âu đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em 5-11 tuổi từ tháng 12/2021, tuy nhiên tiến độ vẫn còn chậm chạp.
Một cậu bé được tiêm vaccine COVID-19 ở Bordeaux, Pháp. Ảnh: EPA
Theo trang The Guardian (Anh), là một trong những nước đầu tiên phê duyệt vaccine COVID-19 cho người trưởng thành, song Anh đã thụt lùi trong chương trình tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Nhìn chung, tốc độ tiêm chủng cho nhóm tuổi này ở Anh chậm hơn so với một số quốc gia khác trong khu vực. Cho đến nay, Anh chỉ mới tiêm cho trẻ nhỏ dễ bị tổn thương.
Giới chức cho rằng sự do dự của phụ huynh và một số bác sĩ, cũng như thông điệp hỗn loạn từ các chuyên gia đã khiến việc triển khai chương trình tiêm chủng trở nên chậm chạp. Trước tình hình này, bà Maggie Throup, Bộ trưởng Vấn đề Vaccine của Anh, đã trấn an rằng: "Các bậc cha mẹ và người giám hộ có thể yên tâm rằng sẽ không có loại vaccine nào được phê duyệt cho trẻ em trừ khi chúng đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng và hiệu quả".
Trái ngược với Anh, Tây Ban Nha là một trong những quốc gia có chiến dịch tiêm chủng thành công nhất trong khu vực. Gần 91% trẻ em trên 12 tuổi ở nước này đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, cao hơn mức trung bình của toàn châu Âu là 71,7% và 71,4% ở Anh. Tây Ban Nha cũng đã tiêm mũi vaccine đầu tiên cho 56,3% trẻ em từ 5 đến 11 tuổi và đang triển khai tiêm mũi thứ 2.
Song các chuyên gia lưu ý rằng tốc độ tiêm chủng này vẫn chậm hơn so với chương trình tiêm chủng dành cho người lớn. Trong tuần qua, trung bình khoàng 3.000 trẻ đã được tiêm chủng mỗi ngày.
Ông Amós García, quan chức tại Hiệp hội Tiêm chủng Tây Ban Nha, cho biết: "Không thể phủ nhận rằng mọi người đã trở nên mệt mỏi với đại dịch. Nhiều bậc cha mẹ vẫn hoài nghi vaccine do những thông điệp trái ngược nhau từ một số chuyên gia và nhận thức rằng trẻ em và thanh niên có rủi ro thấp hơn đối với COVID-19".
Cậu bé 14 tuổi được tiêm vaccine Moderna ở Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters
Đan Mạch đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho khoảng 47% trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Các quốc gia khác đang có tiến độ chậm hơn. Italy mới có 22% trẻ từ 5 đến 11 tuổi được tiêm vaccine, trong khi nhóm 12 đến 19 tuổi có tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 80%.
Ông Roberto Burioni, Giáo sư vi sinh vật học và virus học tại Đại học Vita-Salute San Raffaele ở Milan, cho biết điều quan trọng là các cơ quan y tế phải tiếp tục thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng cao hơn ở trẻ em để ngăn virus lây lan.
Cơ quan quản lý tiêm chủng của Đức đã khuyến cáo tiêm vaccine COVID-19 cho tất cả trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, và trên 60% trong số đó đã được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, đối với nhóm 5 đến 11 tuổi, giới chức khuyến nghị chỉ nên tiêm vaccine cho những trẻ có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Trẻ nhỏ không có bệnh lý có thể được tiêm chủng nếu phụ huynh có nhu cầu, nhưng không có khuyến cáo rõ ràng. Trong số 5,3 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi ở Đức, chỉ 13,6% được tiêm ít nhất một mũi vaccine cho đến nay.
Pháp cũng nằm trong số các quốc gia hàng đầu của Liên minh châu Âu về tiêm chủng cho người lớn và thanh thiếu niên, với trên 77% tổng dân số đã tiêm 2 mũi. Tuy nhiên, tiến độ tiêm chủng cho nhóm trẻ nhỏ hơn còn chậm chạp, khi chưa đến 5% đã tiêm mũi đầu tiên.
Trước tình trạng này, trong một cuộc họp video với các bác sĩ gia đình và bác sĩ nhi khoa, Bộ trưởng Y tế Olivier Véran khẳng định: "Ích lợi tiêm chủng cho trẻ em là rất lớn". Giới chuyên gia chỉ ra lý do khiến nhiều bậc cha mẹ vẫn lưỡng lự tiêm chủng cho con mình. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy có tới 60% phụ huynh có con từ 5 đến 11 tuổi không muốn tiêm chủng cho trẻ. Nguyên nhân là do ở những làn sóng dịch trước đó, họ nhận thấy trẻ em không có nguy cơ nghiêm trọng khi mắc bệnh và khả năng lây lan virus thấp.
Giáo viên đeo tấm che mặt trong ngày đầu tiên trường học mở cửa tại trường tiểu học Holne Chase, ở Milton Keynes, Anh. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, trong suốt làn sóng dịch bệnh kép gần đây - do biến thể Delta và Omicron gây ra - trẻ em là nhóm tuổi mắc bệnh nhiều nhất và trường học là nguồn lây nhiễm lớn nhất ở Pháp. Trên 7% trong số trẻ từ 6 đến 10 tuổi tại nước này đã mắc COVID-19 hàng tuần trong tháng 1 và đầu tháng 2. Trong đó, trên 100 trẻ em từ dưới 9 tuổi phải chăm sóc tích cực.
Bác sĩ nhi khoa Sydney Sebban cho rằng: "Chúng ta cần khẩn trương xem xét lại thông điệp tiêm chủng cho trẻ em. Hãy thuyết phục các bậc cha mẹ rằng Omicron hoàn toàn không phải là biến thể có thể xem nhẹ. Trẻ em không được tiêm chủng có thể phát triển bệnh rất nặng, và ngay cả khi chúng đã mắc COVID-19, tiêm phòng sẽ bảo vệ chúng lâu dài hơn trước một biến thể mới trong tương lai."
Tuy nhiên, một số nước châu Âu vẫn quyết định không tiêm chủng cho nhóm trẻ này. Cơ quan y tế của Thụy Điển vào cuối tháng trước đã thông báo rằng họ sẽ không khuyến nghị tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, trẻ em có nguy cơ cao vẫn nên tiêm chủng.
Số trẻ em nhiễm COVID-19 ngày một tăng khi biến thể Omicron lây lan mạnh trên toàn cầu. Thực tế này cho thấy vaccine chưa bao phủ rộng đối với trẻ em. Đây là động lực để chính quyền nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đẩy mạnh nỗ lực tiêm chủng đối với trẻ nhỏ, nhất là trẻ từ 5-11 tuổi, sau khi chiến dịch tiêm chủng đã được mở rộng đối với trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi.
Áo ban hành luật bắt buộc tiêm vaccine COVID-19 Ngày 4/2, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen đã ký ban hành luật bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đối với người trưởng thành, qua đó đưa nước này trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) áp dụng quy định nghiêm khắc này. Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Vienna, Áo....