Tây Ban Nha cấm phi cơ chở Ngoại trưởng Anh bay qua không phận
Tây Ban Nha hôm 11/5 ra lệnh cấm chiếc máy bay chở Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đi vào không phận nước này.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Hammond khi đó đang trên đường tới thăm Gibraltar. Đây là vùng lãnh thổ hải ngoại mà Anh xảy ra tranh chấp với Tây Ban Nha nhưng ông Hammond khẳng định London sẽ theo đuổi đến cùng cam kết không đối thoại về chủ quyền khu vực trên, Sunday Express hôm qua đưa tin.
Phía Tây Ban Nha ban hành lệnh cấm đối với chiếc phi cơ thuộc Không quân Hoàng gia Anh dù biết ông Hammond có mặt trên khoang. Vì thế, máy bay buộc phải thay đổi hành trình và đi qua Bồ Đào Nha.
Gibraltar rộng khoảng 7 km2, dân số 30.000 người, nằm ở cực nam bán đảo Iberia, do Anh kiểm soát từ năm 1713. Gibraltar hiện có quyền tự trị rộng rãi nhưng London vẫn chịu trách nhiệm về quốc phòng cũng như quan hệ đối ngoại của phần lãnh thổ này.
Video đang HOT
Tây Ban Nha và Anh nhiều lần nổ ra xung đột ngoại giao liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền Gibraltar. Các phi cơ quân sự Anh từ năm 1989 bị cấm bay qua không phận Tây Ban Nha nếu điểm đến cuối cùng của chúng là Gibraltar.
Căng thẳng từng leo thang vào năm 2013 khi Gibraltar bắt đầu xây dựng một rạn san hô nhân tạo để cải thiện nguồn cá được cho là bị ngư dân Tây Ban Nha khai thác đến cạn kiệt.
Vị trí Gibraltar. Đồ họa: Encyclopaedia
Vũ Hoàng
Theo VNE
Anh nghi ngờ việc Nga rút quân khỏi Syria
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho rằng Nga thiếu minh bạch trong động cơ và kế hoạch của mình nên London nghi ngờ về tuyên bố rút quân của Moscow ở Syria.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond. Ảnh: Yorkshire post
Nói với các nghị sĩ ở Hạ viện Anh hôm nay, ông Hammond cho hay trước đây, Nga từng cam kết rút quân khỏi Ukraine nhưng "sau đó hóa ra chỉ là luân phiên lực lượng".
"Vì Nga hoàn toàn không minh bạch về động cơ và kế hoạch của mình, chúng tôi chỉ có thể nghi ngờ", AP dẫn lời ông nói.
Tuy nhiên, ông Hammond cho rằng nếu động thái xoa dịu căng thẳng của Nga là thật thì "sẽ đáng hoan nghênh". Ông thúc giục Moscow gây ảnh hưởng đối với chính phủ Bashar Assad về việc đàm phán nghiêm túc với phe đối lập.
Hammond cho hay "Nga có ảnh hưởng độc đáo để giúp những cuộc đàm phán đó thành công và chúng tôi chân thành hy vọng rằng họ sẽ sử dụng nó".
Tổng thống Vladimir Putin hôm qua tuyên bố rút một phần máy bay và binh sĩ khỏi Syria. Động thái này nhận được sự ủng hộ từ các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và mở ra hy vọng về một cuộc đàm phán hòa bình nhằm tiến tới chấm dứt 5 năm xung đột.
Nga không hé lộ có bao nhiêu binh sĩ được triển khai ở Syria nhưng Mỹ ước tính số quân nhân Nga là khoảng 3.000 - 6.000. Chủ tịch ủy ban quốc phòng thượng viện Nga Viktor Ozerov hôm nay cho biết khoảng 1.000 quân nhân Nga sẽ duy trì tại hai căn cứ của Nga ở Syria sau lệnh rút quân.
Theo ông Ozero, Nga sẽ cần tối thiểu hai tiểu đoàn với tổng cộng 800 binh lính để bảo vệ hai căn cứ. Nga sẽ tiếp tục hoạt động trinh sát trên không nên cũng cần duy trì một số phi đội máy bay và các chuyên gia quân sự cố vấn cho quân đội Syria.
Tướng Viktor Bondarev, người đứng đầu không quân Nga, khẳng định rằng trong hơn 5 tháng không kích ở Syria, lực lượng này chưa bao giờ đánh bom nhầm mục tiêu, bất chấp những cáo buộc cho rằng Moscow tấn công dân thường và các phiến quân trung hòa chống chính phủ.
Anh Ngọc
Theo VNE
Kỳ cục chiến đấu cơ Anh phải xin đường...khi cất cánh Tại căn cứ Gibraltar, các chiến đấu cơ Anh phải xin đường để cất cánh do sân bay nằm trong khu dân cư đông đúc. Căn cứ không quân Gibraltar của Không quân Hoàng gia Anh đóng tại vùng lãnh thổ hải ngoại Gibraltar tại Địa Trung Hải là một trong những căn cứ quân sự độc nhất vô nhị trên thế giới...