Taxi Uber tại Việt Nam đang bị coi như “taxi dù”
Cũng như TP.HCM, taxi Uber đang hoạt động công khai trên địa bàn Hà Nội nhưng các sở ngành vẫn lúng túng không biết xử lý thế nào. Còn Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hoàng Linh cho biết, sở này đang chờ chỉ đạo cụ thể từ Bộ GTVT.
Xử như taxi “dù”
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội phân tích rõ khi gọi là taxi thì phải có phù hiệu, đồng hồ tính cước và phải đăng ký kinh doanh. Còn nếu cho taxi Uber phát triển như hiện nay thì không khác gì để người dân đi taxi “dù”. Mà đã là taxi “dù” thì cần phải xử lý nghiêm.
Đăng ký đi taxi Uber ở Hà Nội cũng dễ dàng như TP.HCM (Ảnh Lê Tú)
Từ đánh giá taxi Uber đang hoạt động giống như taxi “dù” nên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội quan ngại cho sự an toàn của hành khách. Ông Liên đưa ra ví dụ nếu như tai nạn xảy ra thì đơn vị nào sẽ trả bảo hiểm cho hành khách. Xe không phù hiệu, không đăng ký kinh doanh khi có vấn đề liên quan giữa người cầm lái với hành khách thì cơ quan chức năng sẽ truy tìm và xử lý thế nào…
Về mặt pháp lý, theo ông Liên, trong Luật Giao thông đường bộ không có quy định nào nói về hoạt động taxi kiểu Uber. Không những thế, chính đại diện Uber của khu vực Đông Nam Á còn tuyên bố, vì không có phương tiện, không có người lái xe nên họ không nhận mình đang hoạt động vận tải. Ở đây họ chỉ làm nhiệm vụ kết nối giữa hành khách với chủ xe. Chính vì vậy, họ không chịu trách nhiệm cho sự an toàn của hành khách.
“Nếu nó thực sự tiện ích cho người dân thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Thế nhưng tiện ích đó phải theo quy định của pháp luật. Còn trong luật không quy định và chính bản thân họ cũng từ chối kinh doanh vận tải. Như vậy có thể nói rằng Uber không phù hợp với luật pháp hiện hành của Việt Nam”, ông Liên phân tích thêm.
Làm gì cũng phải theo luật
Liên quan đến vấn đề quản lý taxi Uber, ông Nguyễn Doãn Toản – Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội từ chối bình luận mà cho rằng, việc này thuộc thẩm quyền của Sở Giao thông vận tải Hà Nội (GTVT). Theo bà Trương Thị Thu Hằng – Trưởng ban Giá (Sở Tài chính) khi rộ lên thông tin hoạt động taxi Uber lãnh đạo sở này cũng đặt vấn đề có quản lý nó hay không và có nên yêu cầu họ kê khai giá hay không?
Các sở ngành ở Hà Nội đang chờ quyết định từ Bộ GTVT về việc quản hay cấm taxi Uber
Video đang HOT
Những băn khoăn đó được bà Hằng giải thích, doanh nghiệp phải đủ điều kiện kinh doanh trên địa bàn thì Ban giá mới tiếp nhận hồ sơ kê khai. “Hiện chưa có động thái gì thì phải sang Sở GTVT mới rõ. Còn tất cả những đơn vị được cấp phép kinh doanh thì chúng tôi mới quản lý về giá”, bà Hằng cho hay.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố đã có taxi Uber hoạt động nhưng không nhiều. “Chúng tôi đã báo cáo Bộ GTVT về vấn đề này rồi. Làm gì cũng phải theo pháp luật, do vậy, tất cả những gì liên quan đến hoạt động của taxi Uber chúng tôi đang chờ chỉ đạo cụ thể từ Bộ GTVT”, ông Linh nói.
Chia sẻ quan điểm cụ thể về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh, không riêng gì taxi Uber mà tất cả taxi chính thống nếu trong quá trình hoạt động mà phát hiện ra những lỗi như không bảo đảm tiêu chuẩn, quy định theo pháp luật, không đảm bảo điều kiện kinh doanh đều phải xử lý.
“Doanh nghiệp được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm nhưng phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh. Do vậy, không riêng gì Uber mà tất cả taxi chính thống nếu vi pháp quy định đều bị xử lý”, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh khẳng định lại quan điểm của mình.
Quang Phong
Taxi Uber thoải mái đi vào đường cấm taxi Do là loại hình Taxi không có biển bảng, phù hiệu, hình thức bên ngoài giống như những chiếc xe ô tô thông thường nên việc hoạt động của dịch vụ Taxi Uber sẽ được “thoải mái” hơn các hãng Taxi khác. Cụ thể như tại địa bàn Hà Nội, nhiều tuyến đường hiện đang cấm Taxi đi vào thì những tài xế hoạt động trong mô hình của Uber tại Việt Nam vẫn có thể thoải mái di chuyển mà không sợ bị phạt. Nhiều người đặt ra vấn đề, nếu coi Uber là một loại hình Taxi ở Việt Nam thì cũng cần phải tuân thủ những quy chế giao thông chung để đảm bảo tính công bằng cũng như kiểm soát được dòng phương tiện các tuyến phố cấm, tránh gây tình trạng ùn tắc. Trả lời báo chí, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay rằng, Sau khi có dịch vụ Uber, chúng tôi đã nghiên cứu và khẳng định, đây là dịch vụ hỗ trợ vận tải. Dịch vụ này đã được quy định trong luật giao thông đường bộ. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải ở Việt Nam sau khi đăng ký kinh doanh thì có thể sử dụng dịch vụ vận tải. Các đơn vị kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh khả năng tiếp xúc giữa dịch vụ của mình với khách hàng, tạo thuận lợi trong việc đặt chỗ, giảm thời gian giao dịch, giảm chi phí, thì đó là ứng dụng tốt cho người dân.
“Tuy nhiên, chúng tôi có trách nhiệm kiến nghị với các bộ ngành, cần có những hướng dẫn cần thiết đầy đủ để đảm bảo dịch vụ, người cung cấp dịch vụ vận tải thông qua dịch vụ Uber đến cho người dân là đúng quy định pháp luật và an toàn về mặt giao thông, đảm bảo an ninh chung cho quyền lợi của người sử dụng dịch vụ và cho toàn xã hội. Như vậy là để bảo vệ công dân, tổ chức Việt Nam khi sử dụng dịch vụ của các đơn vị này”, ông Hùng cho biết.
Lê Tú
Theo Dantri
Uber trên Android 'lấy trộm' thông tin người dùng?
Ngày 2.12, PV đã có những trao đổi cùng một số chuyên gia công nghệ Việt Nam xung quanh thông tin ứng dụng Uber trên Android &'lấy trộm thông tin người dùng'.
Phiên bản Uber chạy trên Android - Ảnh chụp màn hình androidcentral
Trước đó, bài viết đăng tải trên trang Gizmag (ngày 26.11) về nghi vấn "ứng dụng Uber trên Android lấy trộm thông tin người dùng" đã gây xôn xao giới công nghệ.
Có khả năng lấy dữ liệu người dùng
Bản tin trên Gizmag dẫn các phân tích từ trang GironSec, trang cá nhân của một chuyên gia an ninh mạng, cho biết chuyên gia này đã phát hiện được những đoạn mã "đáng nghi" có trong Uber trên Android mà theo ông ta là "không cần thiết".
Gizmag cũng cho biết phía Uber đã nhanh chóng giải thích rằng việc ứng dụng Uber truy cập vào hệ thống Wi-Fi, camera và một số thông tin của người dùng Android là để giúp người dùng Uber trải nghiệm đầy đủ các tính năng mà Uber đem lại.
Bởi lẽ, theo Uber, khác với iOS và Windows Phone, các nhà phát triển Android được phép lấy nhiều dữ liệu từ người dùng sử dụng ứng dụng mà không hỏi trước.
Trong khi iOS và Windows Phone có nhiều điều khoản cho phép người dùng có quyền từ chối cung cấp các thông tin cá nhân khi sử dụng ứng dụng.
Theo đó, với các đoạn mã này, Uber sẽ tự động lấy được thông tin về vị trí người dùng, số điện thoại, tin nhắn, truy được vào camera trên máy, hình ảnh, Wi-Fi....
Gizmag cho rằng "Uber hoạt động giống như một phần mềm gián điệp (malware) khi trả ngược các dữ liệu thu thập được về công ty mà không cần phải... hỏi qua khổ chủ".
Tuy nhiên, Gizmag cũng nói rõ mặc dù ứng dụng này "có thể làm được những điều trên" nhưng chưa có bằng chứng cụ thể.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia an ninh mạng, công tác tại Ban công nghệ thuộc tập đoàn FPT, nhiều thông tin riêng tư của người dùng có thể bị Uber thu thập được như thông tin về cuộc gọi, SMS, MMS, các ứng dụng đã được cài trên điện thoại...
Nguy cơ lớn nhất ở đây là các thông tin cá nhân của người dùng có thể bị "một bên thứ ba" lợi dụng, theo chuyên gia Minh Đức. Chẳng hạn, nếu những thông tin đó bị tin tặc khai thác thì sẽ rất nguy hiểm.
Giống như trường hợp công ty Snapchat đã bị tin tặc tấn công cách đây vài tháng. Khi đó, các tin tặc đã lấy được một lượng lớn dữ liệu người dùng để phục vụ vào mục đích cá nhân. Hình thức của ứng dụng Snapchat là cũng ghi nhận lại các dữ liệu như: địa chỉ nhà, email, số điện thoại... ông Minh Đức cho biết.
Có thể bị lợi dụng
Theo ông Nguyễn Hồng Phúc, một chuyên gia bảo mật hoạt động độc lập, sau khi ông phân tích một phiên bản Uber trên Android, ông Phúc cũng đã phát hiện một số hàm "đáng nghi", giống như thông tin mà trang GironSec tiết lộ.
Một số đoạn mã đáng nghi trong Uber - Ảnh: Hồng Phúc
Theo ông Phúc, về cơ bản, Uber có thể sẽ không sử dụng các thông tin thu thập được. Tuy nhiên, do trong các hàm lập trình của Uber có sẵn các đoạn mã "đáng nghi", nên tin tặc có thể lợi dụng điểm này để tải files cài đặt gốc của Uber và chỉnh sửa lại các hàm, sau đó tự tạo các trang web giả mạo. Nếu người dùng Android bị dụ dỗ truy cập vào các trang giả mạo này để lấy file cài đặt đã được chỉnh sửa thì nguy cơ bị tin tặc tấn công là rất lớn.
Ông Hồng Phúc cũng cho biết, vào tối 1.12 (theo giờ Việt Nam), phiên bản Uber trên Android đã cập nhật mới, loại bỏ hết các hàm "đáng nghi" kể trên.
Ông Phúc nhận định để đảm bảo an toàn, người dùng Android tuyệt đối không nên cài đặt Uber từ những kho ứng dụng lạ, chỉ nên tải Uber từ kho ứng dụng trực tuyến Google Play của Google, do kho ứng dụng này đã được Google thiết lập các chế độ bảo mật phòng chống mã độc.
Uber là dịch vụ "đi nhờ xe" thông qua việc kết nối giữa tài xế và khách hàng qua ứng dụng chạy trên thiết bị di động. Hiện tại, dịch vụ này được định giá lên tới 17 tỉ USD và đang có mặt tại 130 thành phố trên toàn thế giới.
Những xe tham gia sử dụng Uber không có biển hiệu taxi, không có đồng hồ tính cước như dịch vụ taxi truyền thống. Các xe tham gia Uber với cước rẻ hơn taxi truyền thống khoảng 20%. Người dùng trả phí thông qua hệ thống thanh toán bằng thẻ quốc tế như Master Card, Visa... chủ xe hưởng 80%, còn Uber sẽ lấy 20% "hoa hồng".
Tại Việt Nam, Uber chỉ mới xuất hiện trong vài tháng gần đây nhưng đang gặp phải những vấn đề liên quan đến việc vi phạm "kinh doanh vận tải bằng ô tô (taxi Uber) không có đăng ký kinh doanh theo quy định".
Theo Thanh Niên
Bộ trưởng Đinh La Thăng: 'Cần tìm cách hợp pháp hóa taxi Uber' Sáng 2/12, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách hoạt động của taxi Uber, bỏ tư tưởng "không quản được thì cấm". Tại cuộc họp Bộ Giao thông Vận tải sáng 2/12, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, taxi Uber là loại hình kinh doanh có giá thấp hơn...