Taxi truyền thống mong được Nhà nước “giải cứu”
Sự lên ngôi của taxi công nghệ với số lượng xe khổng lồ và giá rẻ khiến thị trường taxi có sự thay đổi lớn. Theo Hiệp hội Taxi TPHCM, sự bất công và thiếu công bằng về chính sách (bên trói, bên mở) đã đẩy nhiều hãng taxi truyền thống đang lụi tàn có nguy cơ phá sản cao.
Hiệp hội Taxi TPHCM vừa gửi đơn kêu cứu lên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, mong được xem xét, nghiên cứu tường tận vấn đề để giải cứu các doanh nghiệp taxi trước khi lụi tàn, phá sản.
Theo Hiệp hội Taxi TPHCM, sau 2 năm thí điểm loại hình xe hợp đồng điện tử cho xe từ 9 chỗ trở xuống đã bộc lộ nhiều bất cập, bất công về chính sách giữa hai loại hình taxi và hợp đồng điện tử (taxi công nghệ – PV).
Hiệp hội taxi TPHCM kêu cứu vì cho rằng chính sách không công bằng khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản
“Quy về bản chất hai loại hình hoạt động như nhau, nhưng Bộ GTVT đã và đang cố gắng tạo một chợ riêng, sân chơi riêng, giống như một cơ chế thương mại độc quyền cho loại hình đang thí điểm, trong đó chủ yếu là Grab, Uber” – đơn của hiệp hội nêu.
Hiệp hội cho rằng, hạn chế của quá trình thí điểm là buông lỏng quản lý taxi công nghệ, dẫn đến số lượng xe tăng chóng mặt, chỉ sau 2 năm cả nước đã có trên 50.000 xe chạy cho Grab, Uber. Hai đơn vị này chỉ đạo, điều hành kinh doanh, kể cả quy định giá cước, phân chia lợi nhuận, trực tiếp thỏa thuận giá cả với khách hàng.
Cũng theo Hiệp hội này, điều khác biệt là hầu hết xe chạy cho Grab, Uber đều không có đèn mui, không có đặc điểm nhận dạng thương hiệu, không dán logo, riêng phù hiệu có xe dán xe không… Từ đó dễ dàng “tàng hình” để giành khách và qua mặt các cơ quan chức năng khi muốn kiểm tra.
Nhiều địa phương công khai tuyên bố “bó tay” hoặc “chúng tôi mất kiểm soát” đối với loại xe này. Trên thực tế, các địa phương chỉ có thể quy hoạch đối với taxi, không thể kiểm soát và quy hoạch đối với xe hợp đồng điện tử.
Hiệp hội taxi TPHCM nhận định: Sự bất công và thiếu công bằng về mặt chính sách (bên trói, bên mở) đã đẩy hàng trăm hãng taxi truyền thống đang lụi tàn có nguy cơ phá sản cao.
“Trước sau như một, chúng tôi khẳng định: Tình hình cứ như hiện nay, chúng tôi không chết vì Grab, Uber mà chết vì chính sách thiếu công bằng của Nhà nước” – Hiệp hội Taxi TPHCM nêu quan điểm.
Video đang HOT
Hiệp hội Taxi TPHCM cho biết, trước đó đơn vị này cùng với Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng đã cùng ký văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để trình bày, phân tích, dẫn chứng và kiến nghị nhiều nội dung mang tính chất “sống còn” đối với lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng taxi.
Hồi tháng 10/2017, xe taxi Vinasun treo băng rôn phản đối Grab, Uber
Trong thời gian chờ Nghị định 86/NĐ-CP sửa đổi, 3 hiệp hội kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện thí điểm taxi công nghệ.
Theo đó, dừng ngày việc cấp mới phù hiệu xe hợp đồng cho các phương tiện tham gia chương trình thí điểm để kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì số lượng xe bùng nổ tại các địa phương không thể kiểm soát được.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cần ban hành ngay quy định nhận diện phương tiện tham gia thí điểm. Các doanh nghiệp vận tải phải đăng ký với Sở Giao thông vận tải để nhận phù hiệu dán lên xe. Lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử phạt khi các xe có phù hiệu, logo nhưng cố tình không dán lên xe theo quy định.
3 Hiệp hội Taxi kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nên xem xét hoạt động của hàng chục ngàn xe Grab, Uber là taxi để quản lý như taxi để có thể loại trừ nhiều hệ lụy về sau. Theo hiệp hội, mới đây, Tòa án công lý Châu Âu cũng phán quyết loại hình Grab, Uber là hoạt động vận tải cần quản lý như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
“Loại bỏ khai niệm xe hợp đồng điện tử đối với xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 mà Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ” – văn bản kiến nghị của 3 hiệp hội taxi nêu rõ.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã đưa ra vấn đề kinh doanh vận tải giữa Uber, Grab và loại hình taxi truyền thống hiện nay.
Liên quan đến việc Toà án châu Âu phán quyết Uber là dịch vụ taxi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị phải tham mưu cho Bộ ra chính sách quản lý Uber, Grab quản lý đối tượng này đúng quy định, đảm bảo cạnh tranh sòng phẳng giữa các doanh nghiệp, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình vận tải, chống thất thu thuế, đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng loại hình này.
“Một năm Uber, Grab báo lỗ cả nghìn tỷ đồng, tại sao lỗ? Do trốn thuế, hay để cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống, giảm giá tối đa để “giết” các ông taxi truyền thống? Cạnh tranh thế có bình đẳng không?” – Bộ trưởng Thể nói.
Quốc Anh
Theo Dantri
Dự án BOT đã thu tiền mà chưa quyết toán thì không cho thu phí nữa!
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp quyết toán dự án BOT. "Đây là việc không thể chậm trễ. Các dự án đã thu tiền mà chưa quyết toán, 1 năm nữa mà không quyết toán thì không cho thu phí nữa".
Giảm "nóng" BOT bằng thu phí tự động
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 của Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, chiều 2/1, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhấn mạnh đến các dự án BOT.
"BOT trong thời gian qua nóng, chúng ta đã làm hết trách nhiệm chưa? Bộ đã giao cho Tổng cục chủ trì? Tại sao lại bàn lùi? Để BOT giảm nóng phải quyết toán thu phí tự động. Năm 2018 không xong là các anh phải chịu trách nhiệm với người dân, không thể để nóng như vậy kéo dài mãi được" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể "hối thúc" cần phải đẩy nhanh việc thu phí tự động không dừng, phương thức này đảm bảo tính công bằng.
"Thu phí tự động, cơ quan quản lý nhìn thấy, người dân cũng có thể tham gia giám sát bằng cách xem trên hệ thống, tại sao chúng ta không làm? Thu phí thủ công tốn nhiều công sức, có nghi ngờ gian lận, nhưng vẫn cứ triển khai là không được" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Bộ trưởng GTVT "hối thúc" triển khai nhanh chóng phương thức thu phí tự động không dừng
Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng: Phối hợp với các đơn vị liên quan quyết toán các dự án BOT, đối với các dự án cũ cần quy định mốc thời gian cụ thể để hoàn thành quyết toán, nếu dự án nào chậm phải dừng thu phí. Quyết toán dự án là căn cứ điều chỉnh thời gian hợp đồng, xác định thời điểm hoàn vốn của dự án, thời điểm giải quyết chế độ chính sách cho nhà đầu tư.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp quyết toán dự án BOT. "Đây là việc không thể chậm trễ. Các dự án đã thu tiền mà chưa quyết toán, 1 năm nữa mà không quyết toán thì không cho thu phí nữa" - ông Thể kiên quyết.
Ngoài ra, tư lệnh ngành GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải tạo điều kiện cho các đơn vị khác vào đầu tư hệ thống thu phí không dừng nhằm đảm bảo công bằng, cạnh tranh, để tránh độc quyền.
Đặc biệt, Bộ trưởng GTVT thông tin, tới đây Bộ sẽ ban hành Thông tư quy định việc xe đi qua trạm (xe dán thẻ thu phí tự động Etag) mà không có tiền sẽ bị phạt cao, có thể gấp 10 lần.
Xe quá tải gia tăng, phức tạp nạn xe dù - bến cóc
Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Xuân Cường cho biết, tình hình xe quá tải đang có xu hướng tăng trở lại tại một số địa phương. Nguyên nhân do một số địa phương sắp xếp lại lực lượng tại trạm tuần tra kiểm soát tải trọng xe lưu động, lực lượng cảnh sát giao thông không phối hợp tại các trạm, do đó hoạt động của các trạm kém hiệu quả.
Cũng theo ông Cường, chính quyền các địa phương đã vào cuộc nhưng thiếu quyết liệt, chưa thực sự gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo kiểm soát xe quá tải; công tác kiểm soát xe quá tải lưu thông trên đường chưa tốt, việc kiểm soát xe quá tải tại đầu mối nguồn hàng chưa chặt chẽ.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải, người đừng đầu ngành GTVT cho rằng công tác vận tải xe dù, bến cóc, tranh giành khách... hiện vẫn vô cùng phức tạp.
Bộ trưởng Thể dẫn chứng, nếu lắp camera tại khu vực cầu đường, chẳng may gặp bão lũ, chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề từ xa và tìm ra hướng giải quyét sớm, kể cả việc giám sát "bến cóc, xe dù".
"Tại sao chúng ta có thể bỏ ra hàng trăm ngàn tỷ để làm đường mà không thể bỏ ra vài tỷ để lắp camera giám sát quanh khu vực bến xe, hay cầu đường phức tạp?" - ông Thể đặt vấn đề và cho rằng trong nhiều năm dù tập trung công sức nhưng chưa đạt yầu cầu so với các nước trong khu vực.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Bộ Giao thông đồng ý cho thu phí dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới Để giải quyết tình hình của Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, rà soát các thủ tục theo quy định và khẩn trương hoàn thiện để cho phép thu phí trên tuyến đường này. Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới...