Taxi ngoại tỉnh ồ ạt đổ về Thủ đô
Hà Nội lâu nay đau đầu vì tình trạng taxi bát nháo, gây mất trật tự ATGT thì nay lại càng thêm khó khăn vì lượng taxi từ các tỉnh lân cận đổ về. Taxi hoạt động trên địa bàn Thủ đô vi phạm nhưng lực lượng chức năng lại không thể xử lý tận gốc vấn đề.
Taxi ngoại tỉnh hoạt động tràn lan gây khó khăn cho công tác quản lý. (Ảnh minh họa)
Xe cấp phép tận Bắc Giang
Thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đang có 107 doanh nghiệp hoạt động vận tải khách bằng taxi, trong đó gồm 105 công ty và 2 HTX. Tổng số taxi là 17.000 xe với khoảng 20.000 lái xe, trung bình hàng năm vận chuyển được gần 100 triệu lượt hành khách. Cũng bởi tình trạng quá nhiều doanh nghiệp taxi, trong đó một con số không nhỏ ít quan tâm đầu tư phát triển thương hiệu, làm ăn chộp giật, không quản lý đội ngũ lái xe dẫn đến tình trạng bát nháo, vi phạm giao thông, gây bức xúc dư luận. Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, Hà Nội nên xem xét lại cách quản lý taxi hiện nay. “TP. HCM cũng có 14.000 xe taxi nhưng chỉ có 27 doanh nghiệp, bởi vậy mà họ đều quan tâm đầu tư, xây dựng thương hiệu, hạn chế tối đa tình trạng “tranh thủ” kinh doanh”.
Dù từ năm 2012, Hà Nội không cấp phép tăng thêm số lượng taxi nhưng lợi dụng chủ trương thông thoáng, không ít doanh nghiệp, chủ xe taxi đã đăng ký hoạt động tại các tỉnh lân cận rồi đưa về Hà Nội hoạt động. Theo Chánh thanh tra Bộ GTVT, thực trạng này diễn ra đã lâu, gây khó khăn cho công tác quản lý. Hiện, hầu hết các tỉnh đều khá dễ dãi trong việc cấp phép, tăng số lượng xe taxi trong khi nhu cầu trên địa bàn không lớn. Ví dụ như, tỉnh Bắc Ninh cấp phép tới 900 xe taxi, tỉnh Hà Nam cũng cấp phép tới 600 taxi… “Những địa phương này nhu cầu đi lại bằng xe taxi của người dân là không lớn, cấp nhiều như vậy để làm gì?”, ông Nguyễn Văn Huyện đặt câu hỏi.
Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo ghi nhận từ lực lượng thanh tra, 4 tỉnh có số lượng taxi hoạt động trên địa bàn Hà Nội nhiều nhất là Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình và Hưng Yên. Trong đó nổi bật là một số hãng như taxi Xuân Thành, taxi SH, taxi Vietnamnet. Hầu hết xe của các hãng này đều mang BKS Hà Nội nhưng phù hiệu xe taxi thì do các tỉnh cấp.
Theo phân tích, doanh nghiệp taxi quản lý lái xe theo Thông tư 18 của Bộ GTVT như tập huấn, cấp chứng chỉ hành nghề, chế độ lái xe (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…), song những doanh nghiệp có xe taxi hoạt động như vậy đều không quản lý lái xe, không tìm hiểu, nắm bắt được tình hình của lái xe bởi vậy đã dẫn đến tình trạng lái xe vi phạm như bắt chẹt, đánh đập, trộm cướp tài sản của hành khách….
Các tỉnh dễ dãi, Hà Nội đau đầu
Ngày 8-2-2014, lái xe taxi BKS: 29A-717.81 của HTX Sông Hồng (Bắc Ninh) do Đỗ Văn Dưỡng điều khiển, chở một khách quốc tịch Hàn Quốc từ bến xe Nước Ngầm về quận Hoàn Kiếm. Ngay sau khi khách lên xe, Dưỡng đã điện thoại cho một lái xe taxi khác là Nguyễn Anh Trại bàn bạc kế hoạch cướp tài sản. Cả hai chở vị khách nước ngoài đến khu vực xã Yên Mỹ, Thanh Trì rồi xông vào đánh đập, cướp chiếc điện thoại Samsung và ví tiền của nạn nhân. Đêm 11-2, Công an huyện Thanh Trì đã bắt giữ được Dưỡng và Trại. Thông tin ban đầu cho thấy, chiếc taxi BKS 29A-717.81 thuộc HTX vận tải Sông Hồng (Bắc Ninh) là tài sản hợp pháp của xã viên Đỗ Huy Chương (chủ xe) góp vốn vào HTX. Sau khi hoàn tất thủ tục, giấy tờ, Đỗ Huy Chương đã giao xe cho Đỗ Văn Dưỡng khai thác.
Ông Hoàng Văn Mạnh phản ánh, theo Thông tư 18 của Bộ GTVT, xe taxi từ các tỉnh được phép hoạt động lâu dài trên địa bàn Hà Nội mà không chịu sự ràng buộc, giám sát của lực lượng chức năng sở tại. “Chúng tôi muốn kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp taxi ngoại tỉnh cũng không được phép vì pháp luật đã quy định. Bản thân Sở GTVT các địa phương cũng không quản lý được, thậm chí cấp phù hiệu taxi nhưng không hậu kiểm”.
Trước thực trạng trên, Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam in phù hiệu “xe taxi” cấp cho các đơn vị trên địa bàn Hà Nội có màu sắc riêng. Bên cạnh đó, rút ngắn thời hạn có hiệu lực của phù hiệu, đồng thời quy định các đơn vị vận tải phải trả lại phù hiệu cũ khi gia hạn, cấp đổi phù hiệu “xe taxi” tránh tình trạng sửa chữa, lợi dụng hoạt động dù. Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, taxi có màu sắc riêng để nhận dạng là một ưu thế, nhưng quy định này có thể chỉ có riêng ở các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM.
Ngoài ra, ông Hoàng Văn Mạnh cũng cho rằng, Bộ GTVT nên quy định, taxi đăng ký ở tỉnh nào thì phải hoạt động trên địa bàn của tỉnh ấy, khi cần hoạt động trên địa bàn tỉnh khác phải xin phép, phải được Sở GTVT sở tại cấp phép. Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng bày tỏ, dự thảo sửa đổi Nghị định 91, 93 về điều kiện kinh doanh vận tải đã bổ sung quy định taxi phải được gắn thiết bị giám sát hành trình. Điều này có nghĩa là taxi hoạt động ở đâu, trên địa bàn nào thì Tổng cục Đường bộ nắm được hết và Sở GTVT hoàn toàn có thể truy cập thông tin này.
Theo ANTD