Taxi Driver và sự chuyển mình của đề tài thay trời hành đạo trong phim Hàn trên FPT Play
Khai thác nỗi đau và sự phẫn uất của các nạn nhân cùng gia đình họ, bộ phim Taxi Driver trên FPT Play mang lại hành trình đòi công bằng có một không hai, khi kẻ thủ ác phải trải nghiệm những gì mà chúng đã gây ra cho người vô tội.
Nhiều năm trở lại đây, sự thống trị của phim tình cảm trên màn ảnh Hàn đã dần được thay thế bằng nhiều chủ đề đa dạng. Trong đó, luật pháp và các khía cạnh xung quanh tòa án bắt đầu được nhà làm phim Hàn để mắt. Từ đây, hàng loạt tựa phim ra đời đã làm thỏa mãn công chúng khi đề cập không kiêng dè sự bất lực của luật pháp trước sự biến hóa khôn lường của cái ác.
Dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Park Joon Woo, cuộc chiến bất cân xứng này đã được nâng lên một tầm cao mới ở bộ phim Taxi Driver (Ẩn Danh) khi tư hình – sự trừng phạt ngoài vòng pháp luật – trở thành thế lực đối đầu trực diện với cơ quan điều tra và tòa án.
Hành trình đòi công bằng thuyết phục, đong đầy cảm xúc
Dựa trên nguyên tác truyện tranh đình đám Red Cage, tác phẩm xoay quanh hãng taxi Cầu Vồng, một công ty chẳng hề giống với bất cứ đơn vị kinh doanh vận tải nào trước giờ. Ẩn sau “lớp vỏ” taxi cao cấp, dịch vụ thật sự mà họ cung cấp chính là “phục hận”, hướng đến bất kỳ khách hàng nào chưa thể tìm thấy công đạo nơi pháp đình.
Trong hầu hết các vụ án, những kẻ phản diện của Taxi Driver đặc biệt tàn bạo. Tội ác của chúng khủng khiếp đến mức khiến bộ phim này được dán nhãn 19 . Điều tồi tệ hơn nữa là ngay cả phe cảnh sát cũng tham nhũng. Bối cảnh đen tối đó giúp phương pháp tư hình “dĩ bạo lực trị bạo lực” của nhóm nhân viên hãng taxi Cầu Vồng bất ngờ nhận được không ít lời tán dương và đồng cảm từ người xem. Chính động cơ “đem chính nghĩa về tay người yếu thế” đầy tốt đẹp mà nhóm theo đuổi đã vô tình khiến hành động lạm dụng tư hình của họ rơi vùng xám đạo đức.
Hành trình đòi công bằng chính tà bất phân của Taxi Driver nhắc nhớ đến đến Bộ Ba Báo Thù của “quái kiệt” Park Chan Wook trong thập niên 2000: Sympathy for Mr. Vengeance, Oldboy và Sympathy For Lady Vengeance. Tuy nhiên, khác với cảm giác ám ảnh, xót thương mà tuyến nhân vật chính của những bộ phim này mang lại, hành trình đòi công bằng trong Taxi Driver nổi lên sự quyết liệt và hồi hộp đến nghẹt thở. Bên cạnh mô-típ mới mẻ, yếu tố đội nhóm mang hơi hướng băng đảng kết hợp nhiều pha đánh đấm, rượt đuổi khốc liệt cũng giúp bộ phim chinh phục fan nhanh chóng.
Hệ thống pháp luật bỏ quên nạn nhân
Lấy cảm hứng từ các sự kiện có kết cục gây bức xúc ngoài thực tế như kỳ án ấu dâm Nayoung, trang trại muối trên Đảo Tím, đường dây chào bán phim sex trực tuyến WeDisk hay tên sát nhân hàng loạt Jeong Nam Gyu… tác phẩm vạch trần vô số kẽ hở nơi hệ thống pháp luật xứ kim chi.
Từ đó, Taxi Driver khéo léo khắc hoạ nỗi đau, sự giận dữ luôn ngấm ngầm sôi sục ở mỗi nạn nhân lẫn gia đình họ. Tội ác khiến cuộc sống của các nạn nhân đảo lộn hoàn toàn nhưng trong nhiều trường hợp, bản án được tuyên lại quá quá hời hợt do các “tình tiết giảm nhẹ” như tâm thần bất ổn, phạm tội lần đầu hay cải tạo tốt… Nhờ đó, sự trừng phạt mà đạo diễn Park Joon Woo đưa ra trên màn ảnh nhỏ càng giúp đứa con tinh thần của ông có sức nặng về thông điệp, đồng thời mở ra cánh cửa đưa khán giả tạm thoát khỏi hiện thực tăm tối.
Đặc biệt, sự châm biếm pháp luật trong phim còn thể hiện rõ nét qua tuyến truyện của nữ chính Kang Ha Na (Esom). Từng là nữ công tố viên thượng tôn pháp luật, nhưng khi nhận ra pháp luật hiện tại đầy rẫy bất cập, cô nàng đã chuyển sang ủng hộ, âm thầm hỗ trợ cho hãng taxi.
Màu sắc hoài niệm độc đáo, mang hàm ý mỉa mai
Sử dụng âm nhạc điện tử bắt tai đậm chất synth-pop, alternative dance cùng các bộ trang phục và mẫu xe hơi mang hơi hướng hoài niệm, gợi nhắc thập niên 70, tác phẩm tạo được màu sắc riêng so với mặt bằng chung K-Drama lấy đề tài báo thù. Đảm bảo, bài nhạc réo rắt Model Taxi mở đầu mỗi tập sẽ khiến người xem chẳng nỡ bấm “skip” (bỏ qua).
Ngoài nhiệm vụ xây dựng không khí đặc trưng cho câu chuyện, phong cách retro hiện diện xuyên suốt Taxi Driver còn ẩn chứa hàm ý mỉa mai. Nếu yêu thích điện ảnh giai đoạn 1970-1980, bạn sẽ biết đây là thời kỳ hoàng kim của dòng phim khai thác đề tài tư hình tại kinh đô Hollywood.
Thông qua đó, đạo diễn Park Joon Woo lồng ghép vào đứa con tinh thần nội dung châm biếm: dẫu xã hội hiện nay phát triển vượt bậc về mặt công nghệ lẫn chất lượng cuộc sống, thế nhưng hệ thống pháp luật thì vẫn cứ mãi dậm chân tại chỗ. Vì vậy, những nạn nhân hứng chịu bất công chỉ biết hoặc tiếp tục cúi đầu chấp nhận, hoặc cậy nhờ các thế lực ngoài vòng pháp luật giống như hãng taxi Cầu Vồng.
Sở hữu kịch bản cuốn hút, yếu tố hành động chặt chẽ cộng thêm dàn diễn viên thực lực gồm Lee Je Hoon, Esom, Kim Eui Sung, Pyo Ye Jin… Taxi Driver là sê-ri truyền hình cực kì chất lượng mà bất kỳ ai cũng chớ nên bỏ lỡ. Với lượng rating 2 chữ số thuộc top lịch sử đài SBS, tác phẩm hiện đã được “bật đèn xanh” cho mùa kế tiếp.
Tải ứng dụng FPT Play và đăng ký ngay gói MAX/VIP để thưởng thức trọn vẹn 32 tập phim Taxi Driver (tựa Việt hóa: Ẩn Danh) được trình chiếu trên FPT Play với phụ đề đầy đủ.
Trailer Taxi Driver
Phim Hàn khơi dậy sự phẫn nộ
Chính kịch trở thành dòng phim xu hướng tại Hàn Quốc. Dù chưa chạm tới cốt lõi nhiều vấn đề, phim Hàn phản ánh rõ rệt vấn nạn xã hội hiện tại.
Bắt đầu từ các tác phẩm ăn khách thuộc thể loại tâm lý, tình cảm, sau nhiều năm phát triển, phim truyền hình Hàn Quốc dần đạt được danh tiếng và gây dựng vị thế của mình trên thị trường giải trí toàn cầu.
Trong những năm gần đây, tuy phim tình cảm vẫn duy trì độ nổi tiếng, dòng phim chính kịch, giật gân, giả tưởng, phản địa đàng (thể loại phim miêu tả thế giới phát triển theo chiều hướng tiêu cực, dồn ép con người, khiến họ biến chất) đã vươn lên trở thành trào lưu mới tại ngành công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc.
Những tác phẩm mang màu sắc u ám, có phần bạo lực này tập trung phản ánh vấn nạn gây nhức nhối xã hội, khai thác nhiều khía cạnh cuộc sống và thể hiện sự đa chiều trong tâm lý con người.
Chính kịch, phản địa đàng vươn lên thành xu hướng tại ngành công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc. Ảnh: tvN.
Lý do phim chính kịch thu hút
Thông điệp sâu cay về mặt tối của chủ nghĩa tư bản Hàn Quốc trong Squid Game, sự thất vọng của thế hệ trẻ khi bị xã hội bỏ rơi ở All Of Us Are Dead, hay mối tử thù của nhân vật chính Vincenzo đã khiến khán giả trên khắp thế giới hồi hộp theo dõi, thậm chí thể hiện sự phẫn nộ, bất bình trước cái ác được đề cập trong phim.
Hình ảnh người yếu thế đứng dậy chống lại kẻ nắm giữ quyền lực tại phim Hàn tượng trưng cho nỗi thất vọng và cuộc đấu tranh của mỗi cá nhân trước xã hội đầy rẫy sự bất bình đẳng.
Phim ảnh Hàn Quốc được đánh giá cao ở tính thời sự khi biết cách tận dụng, khai thác bê bối, vấn nạn đang là tâm điểm chú ý của công chúng.
Mang trong mình tính cách hung hãn, tham lam, nhân vật phản diện của phim truyền hình Hàn Quốc thường được chống đỡ bởi chủ nghĩa thân hữu (hành vi thiên vị xảy ra trong kinh doanh hoặc chính trị, ám chỉ hành động giao công việc, vị trí lợi thế cho người quen mà không xét đến năng lực thực sự) và quyền lực, đặc biệt là quyền lực đến từ chênh lệch giàu nghèo. Nắm giữ sức mạnh, họ hiên ngang hành động bất chấp luật pháp, quy tắc đạo lý thông thường.
Chính sự bất bình đẳng đầy quen thuộc này đã thu hút công chúng. Người xem dễ dàng tỏ ra bất bình trước tội ác thô bạo gây ra bởi nhân vật phản diện, đồng thời đồng cảm với nỗi đau khổ của nhân vật trong phim vì trên thực tế, điều bất công họ gánh chịu phản ánh thực trạng xã hội hiện tại.
Phim chính kịch Hàn Quốc phản ánh mặt tối xã hội. Ảnh: Naver.
Vùng xám đạo đức trong phim ảnh
Nội dung u ám, bạo lực ở phim ảnh Hàn Quốc không phải điều gì mới mẻ. Đã gần 20 năm kể từ khi điện ảnh Hàn Quốc bước sang kỷ nguyên mới đầy táo bạo nhờ thành công của Oldboy.
Sau khi tác phẩm mang tính biểu tượng của Park Chan Wook được công chiếu, câu chuyện về quả báo, sự trừng phạt và báo thù trong điện ảnh Hàn Quốc trở nên nhiều không đếm xuể.
Tuy nhiên, bất kể mục đích, lối trả thù tàn bạo của nhân vật chính trong loạt tác phẩm ăn khách ngày xưa như Lady Vengeance, The Man From Nowhere hay The Villainess luôn khiến họ phải trả giá đắt - thường là đánh đổi bằng mạng sống hoặc nhân tính.
Hiện tại, báo thù vẫn là mô-típ được ưa chuộng. Một tác phẩm điển hình trong thời gian gần đây có thể kể đến Vincenzo. Vincenzo xoay quanh Vincenzo Cassano (Song Joong Ki thủ vai), mafia người Italy gốc Hàn buộc chạy trốn về Hàn Quốc sau khi bị truy sát.
Cuối phim, Vincenzo bắt kẻ thủ ác đền tội thông qua phương thức khá bạo lực - tra tấn đến chết, trong đó bao gồm cắt bộ phận cơ thể và thiêu sống. Tuy nhiên, Vincenzo không phải trả giá cho hành động của mình. Anh đồng thời nhận được sự ủng hộ của khán giả.
"Tôi đã tìm thấy thú vui mới: Tiêu diệt bọn rác rưởi. Nếu tôi không làm vậy, người ta sẽ chết vì bị rác đè đầu cưỡi cổ", Vincenzo nói. Khán giả xem hành động của Vincenzo như "thay mặt nhóm người yếu thế trả thù cái ác". Do vậy, sự tàn bạo trong cách anh giết kẻ thủ ác vẫn được nhìn nhận là chính đáng, ít nhiều xuất phát từ lương tâm trong sạch.
Mô-típ nhân vật nằm trong vùng xám đạo đức ngày càng trở nên phổ biến tại phim truyền hình Hàn Quốc. Trước đây, các nhân vật chính thường phải từ bỏ nhân tính, trả giá rất đắt để hoàn thành kế hoạch trả thù của mình. Tuy nhiên, hiện tại, ở các tác phẩm như Vincenzo, Taxi Driver và The Devil Judge, họ được số đông ủng hộ.
Hành vi bạo lực ngày càng tàn bạo của họ, điển hình các vụ hành quyết nơi công cộng, mang đến sự giải trí cho khán giả. Có thể nói, họ là "những người báo thù" nhận được sự tán dương của công chúng.
Nhân vật nằm trong vùng xám đạo đức ngày càng trở nên phổ biến ở phim ảnh. Ảnh: tvN.
Có lẽ, độ nổi tiếng của những nhân vật hư cấu "tự mình thực thi công lý" như Vincenzo phản ánh cảm xúc thật của người xem về xã hội nơi họ sống. Các bộ phim chính kịch này mang đến "lối thoát", giải pháp mà người xem không dễ dàng tìm thấy ở thế giới thực.
Mặt hạn chế
Theo SCMP, so với hầu hết nội dung giải trí của Hollywood, phim truyền hình Hàn Quốc hiện đại tựa như sản phẩm của thời đại truyền thông xã hội. Họ đánh trúng vào nỗi lo lắng, bất bình của khán giả thông qua đề cập loạt vấn nạn, tuy nhiên, nhiều tác phẩm không thể khai thác vấn đề một cách triệt để, toàn bộ.
Các bộ phim như Juvenile Justice, D.P., Squid Game và Hellbound mong muốn phản ánh mặt tối xã hội, với chủ đề chính rất dễ để nhận thấy như tội phạm vị thành niên, bất bình đẳng trong kinh tế, chênh lệch giàu nghèo, cuồng tín, bắt nạt tại quân ngũ.
Tuy nhiên, một số tác phẩm không thể thể hiện rõ ràng ý đồ như vậy. Nhận thấy mặt tối xã hội đang là đề tài phổ biến, không ít nhà sản xuất cố gắng cài cắm hình ảnh ẩn dụ, ám chỉ rất nhiều hiện tượng xã hội khác nhau để thu hút lượt xem.
Kết quả, do nhồi nhét quá nhiều tình tiết, bộ phim không thể chạm tới cốt lõi vấn đề, càng không đưa ra được cách ứng phó trước các vấn đề xã hội cố hữu này.
Trong All Of Us Are Dead, hai nạn nhân của bắt nạt học đường đột ngột biến thành nhân vật phản diện tại nửa sau phim. Vấn đề của họ chỉ được đề cập tới một cách hời hợt, không có hậu quả cụ thể dành cho kẻ thủ ác hay đi sâu vào nguyên nhân dẫn tới bạo lực tại trường học.
Khán giả cho rằng All Of Us Are Dead chưa mang lại cái kết thỏa đáng cho nạn nhân của bạo lực học đường. Ảnh: Naver.
Người xem đồng thời tỏ ra khó hiểu trước cách All Of Us Are Dead xây dựng hình tượng nhân vật Park Eun Hee, thành viên Quốc hội, nói riêng và những người cầm quyền nói chung. "Tôi không hiểu bộ phim đang muốn thể hiện tầng lớp cầm quyền theo hướng tốt hay hướng xấu", một khán giả nhận xét.
Dù vậy, SCMP nhận xét thế giới được miêu tả trong phim truyền hình Hàn Quốc "gần với thực tế hơn bao giờ hết". Các vấn nạn xã hội họ truyền tải không chỉ khiến khán giả Hàn Quốc, mà cả người xem trên toàn thế giới, cảm thấy đồng cảm.
Trước thềm lễ trao giải SBS Drama Awards tối nay: Kim So Yeon và Lee Je Hoon ai sẽ đoạt Daesang? Liệu Song Hye Kyo có phần? Đến hiện tại, Kim So Yeon và Lee Je Hoon đang là 2 ứng cử viên nặng ký 'giành giật' nhau chiếc Daesang diễn xuất danh giá cuối năm. Năm 2021 vừa qua, đài truyền hình SBS đã có nhiều tác phẩm thành công rực rỡ với rating cao, độ thảo luận tốt và nhận được nhiều sự yêu thích từ công chúng....