Tàu vận tải Nga cập cảng Syria, chuẩn bị cho cuộc rút quân
Tàu vận tải liên quan quân đội Nga đã đến quân cảng Tartus ở Syria để chuẩn bị cho kế hoạch rút đi sau nhiều năm hiện diện của Moscow.
Trang The Kyiv Independent dẫn dữ liệu ngày 22.1 từ trang theo dõi tàu thuyền MarineTraffic cho biết tàu vận tải Sparta 2 của Nga đã cập cảng Tartus ở Syria sau nhiều tuần lênh đênh tại Địa Trung Hải.
Tàu Sparta 2 rời cảng Baltiysk ở tỉnh Kaliningrad của Nga vào ngày 11.12.2024 và đã xuất hiện gần Tartus từ ngày 5.1. Truyền thông Anh đưa tin tàu Sparta 1 và Sparta 2 đã cập cảng Tartus vào hôm 21.1. Cả hai tàu này đều đang bị Mỹ cấm vận.
Syria hủy thỏa thuận cho Nga hiện diện tại quân cảng Tartus?
Sự hiện diện của hai tàu vận tải này được cho là nhằm di dời trang thiết bị của quân đội Nga rời khỏi Syria. Sau khi chính quyền cựu Tổng thống Bashar al-Assad đồng minh của Nga sụp đổ vào cuối năm ngoái, tương lai của các căn cứ quân sự của Moscow tại Syria, gồm quân cảng Tartus và sân bay Hmeimim, đã bị đặt dấu hỏi.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 17.12.2024 tại cảng Tartus ở Syria. ẢNH: AFP
Một lượng lớn trang thiết bị quân sự đã được chuyển từ các vùng khác ở Syria đến Tartus trong những tuần gần đây, được cho là để chuẩn bị được đưa đi. Tuy nhiên, do các tàu vận tải chưa được cho phép cập cảng nên số trang thiết bị đó vẫn bị kẹt lại. Hôm 21.1, trang Insider loan tin chính quyền Syria đã cho phép tàu cập cảng.
Ảnh vệ tinh cho thấy trang thiết bị quân sự Nga được tập trung tại cảng Tartus. ẢNH: AFP
Truyền thông Syria mới đây loan tin rằng chính quyền mới tại Damascus đã ra quyết định chấm dứt thỏa thuận cho Nga thuê cảng Tartus. Nga ký thỏa thuận với Syria vào năm 2019 để thuê cảng trong 49 năm. Moscow cam kết đầu tư ít nhất nửa tỉ USD để hiện đại hóa cảng này.
Nga và Syria đều từ chối bình luận về thông tin thỏa thuận bị hủy.
Syria hủy thỏa thuận cho Nga hiện diện tại quân cảng Tartus?
Truyền thông Syria đưa tin chính quyền mới ở Damascus đã hủy thỏa thuận cho phép Nga duy trì hiện diện quân sự dài hạn ở Địa Trung Hải, vốn được ký kết khi ông Bashar al-Assad còn là Tổng thống Syria.
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy cảng Tartus ở miền tây Syria nhìn từ trên cao hôm 17.12.2024. ẢNH: AFP
Thỏa thuận được ký năm 2017 cho phép kéo dài sự hiện diện của Hải quân Nga ở cảng Tartus thêm 49 năm. Tuy nhiên, tương lai của căn cứ hải quân Nga tại Syria lâm vào tình thế bất định sau khi Damascus diễn ra sự thay đổi quyền lực.
Giới hữu trách quản lý cảng Tartus được cho đã có hành động vô hiệu hóa thỏa thuận và yêu cầu lực lượng Nga phải rút quân ngay lập tức, theo trang tin Shaam dẫn thông báo của Bộ Thông tin Syria hôm 20.1.
Theo đó, Syria giành lại quyền kiểm soát toàn bộ doanh thu của cảng Tartus, đảo ngược thỏa thuận trước đó cho phép Nga nhận được 65% lợi nhuận tại đây.
Và từ ngày 19.1, chính quyền mới của Syria cũng được cho là đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa đến từ Nga, Iran, Israel.
Tình báo Ukraine: Nga đang dời thiết bị quân sự từ Syria chuyển đến Libya
Tờ The Moscow Times hôm 22.1 cho hay phía Nga vẫn chưa bình luận về thông tin liên quan đến việc hủy thuê cảng Tartus.
Cùng ngày, Hãng thông tấn TASS đưa tin Syria đã hủy thỏa thuận quản lý cảng Tartus với công ty Stroytransgas của Nga.
"Thỏa thuận đầu tư vào cảng Tartus, được ký kết với công ty Nga, đã bị bãi bỏ", theo ông Riad Judi, Giám đốc Sở Hải quan tỉnh Tartus.
Thỏa thuận giữa chính quyền Syria và công ty Stroytransgas được ký kết năm 2019 và kéo dài 49 năm. Trong thời gian này, phía Nga sẽ quản lý và rót hơn nửa tỉ USD vào nỗ lực hiện đại hóa cảng Tartus.
Tartus là cảng biển lớn thứ hai của Syria. Liên Xô năm 1971 đã thiết lập cảng hải quân ở Tartus dựa trên thỏa thuận song phương. Tháng 12.2024, TASS dẫn nguồn tin tiết lộ Moscow lúc đó đang thảo luận với chính quyền mới của Syria về khả năng duy trì 2 căn cứ quân sự Nga ở nước này.
Theo nguồn tin, Moscow khi ấy đạt được sự đảm bảo an ninh tạm thời nên các căn cứ vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Syria chặn tàu chở hàng Sparta II của Nga tại cảng chiến lược Tartus Việc tàu cứu hộ Sparta II bị chặn tại cảng Tartus không chỉ gây khó khăn cho kế hoạch sơ tán tài sản quân sự của Nga mà còn phản ánh những thay đổi sâu sắc trong mối quan hệ giữa Moskva và chính quyền mới ở Syria. Tàu chở hàng Sparta II của Nga vẫn bị mắc kẹt ngoài khơi bờ biển...