Tàu tuần tra Mỹ ở Biển Đông có thể tạo nhiều thay đổi ngoại giao
Cuộc tuần tra của Mỹ gần bãi đá Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông có thể tạo nên nhiều thay đổi về ngoại giao ở châu Á, với Bắc Kinh và Washington dự kiến nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ ở một loạt cuộc họp cấp cao tháng tới.
Tàu USS Lassen Mỹ điều vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa. Ảnh: Navsource.org
Sau cuộc tuần tra, Mỹ lập tức thúc giúc đồng minh và đối tác triển khai các chiến dịch tương tự nhằm bảo vệ “tự do hàng hải” (FON) trên Biển Đông.
“Chúng tôi khuyến khích các nước thực hiện quyền hạn theo luật pháp quốc tế của họ, giống như cách mà chúng tôi đang làm”, Wall Street Journal dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ nói, liên hệ tới cuộc tuần tra hôm 27/10 của tàu khu trục Lassen quanh bãi đá Subi, nơi Bắc Kinh đang bồi đắp trái phép.
Trong khi đó, Trung Quốc lại kêu gọi các nước phản đối những nỗ lực của Mỹ, đồng thời cảnh báo Washington về những hệ quả khó lường nếu tiếp tục các hoạt động tuần tra trên Biển Đông.
“Chúng tôi mong Mỹ không tiến xa hơn nữa trên con đường sai trái”, ông Dương Vũ Quân, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, hôm qua nói trong cuộc họp báo thường kỳ. “Nhưng nếu Mỹ vẫn cương quyết, chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết”.
Những tuyên bố đáp trả cùng các chiến dịch vận động ngoại giao mà đôi bên theo đuổi cho thấy một cuộc cạnh tranh khác, có quy mô lớn hơn, đang diễn ra ở khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách thách thức sự hiện diện của Mỹ với vai trò một cường quốc kinh tế và quân sự tại châu Á.
Theo giới phân tích, Washington muốn dùng cuộc tuần tra hôm 27/10 để trấn an đồng minh và đối tác, những nước đang tỏ ra lo lắng vì cho rằng Washington chưa phản ứng đủ mạnh trước những động thái quân sự của Bắc Kinh. Nhưng khi yêu cầu các quốc gia này hành động tích cực hơn để hỗ trợ, Mỹ đang đưa ra một lựa chọn khó khăn bởi hầu hết các nước nói trên đều chịu sự phụ thuộc về kinh tế đối với Trung Quốc.
Nhật Bản, Australia và Philippines đã công khai ủng hộ cuộc tuần tra của Mỹ song các quốc gia khác chỉ đưa ra những tuyên bố mang tính trung lập.
“Những hoạt động FON định kỳ tại quần đảo Trường Sa làm gia tăng triển vọng về việc Mỹ sẽ đề nghị các nước khác tham gia cùng họ”, Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhận định. “Mỹ cũng có thể mời một số nước Đông Nam Á. Hãy chờ xem họ phản ứng ra sao nhưng có khả năng là họ sẽ thoái thác vì sợ làm mất lòng Trung Quốc”.
Video đang HOT
Quan chức Mỹ và Australia hai ngày trước thảo luận về khả năng Canberra hợp tác với Washington tuần tra quanh đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Các nhà hoạch định quốc phòng Australia cũng lên hàng loạt phương án nhằm triển khai hoạt động này. Thế nhưng chính phủ Australia hôm qua lại cho biết họ không có kế hoạch tham gia tuần tra với Mỹ và vẫn sẽ tiếp tục cuộc tập trận với Trung Quốc trên Biển Đông.
Về phía Nhật Bản, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng nước này nói “không nhận được đề nghị nào như vậy từ Mỹ”. Tokyo “cũng chưa có kế hoạch cụ thể”.
Chạy đua tìm sự ủng hộ
Chuyên gia dự đoán Bắc Kinh trong vài ngày hoặc vài tuần tới sẽ cố gắng để thuyết phục các quốc gia châu Á tin rằng Mỹ đang gây bất ổn trong khu vực và Trung Quốc thực sự muốn giải quyết các tranh chấp chủ quyền một cách hòa bình. Nhưng mặt khác, nước này được cho là vẫn sẽ đẩy mạnh bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông, những thực thể mà Bắc Kinh khẳng định chỉ dùng cho mục đích dân sự nhưng lại xây dựng trên đó cả các công trình quân sự.
Giới quan sát cũng tin tưởng Bắc Kinh sẽ không từ bỏ việc thuyết phục các nước láng giềng rằng vận mệnh của họ phụ thuộc vào mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc.
Theo WSJ, cuộc vận động ngoại giao của Bắc Kinh sẽ bắt đầu vào ngày mai khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Seoul để tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau ba năm với Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai nước này đều là đồng minh thân cận của Mỹ nhưng vẫn tồn tại một số khác biệt mà Trung Quốc mong muốn khai thác.
Hàn Quốc những năm gần đây đang xích lại gần hơn với Trung Quốc. Trước cuộc tuần tra của Mỹ, nước này giữ một thái độ trung lập khi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và tìm kiếm giải pháp hòa bình, không trực tiếp ủng hộ Mỹ hay chỉ trích Trung Quốc.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc tuần tới sẽ gặp nhau ở Malaysia, tại một phiên họp gồm bộ trưởng quốc phòng Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng tới còn có chuyến công du đến Việt Nam và sau đó là Singapore, một đồng minh của Mỹ ở châu Á.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tháng sau cũng công du tới khu vực để tham dự hội nghị thượng đỉnh với các lãnh đạo châu Á – Thái Bình Dương ở Philippines và với lãnh đạo Đông Nam Á ở Malaysia. Trung Quốc chưa tiết lộ liệu ông Tập có dự các sự kiện này không.
Hiện tại, Mỹ dường như vẫn sẽ tiếp tục tự mình tuần tra quanh các bãi đá Trung Quốc cải tạo ở Biển Đông mặc dù lịch trình của hoạt động kế tiếp chưa được công bố, chuyên gia nhận định. Nhưng một số quan chức cấp cao Washington nói Mỹ sẽ không tiến hành tuần tra nhiều hơn hai lần trong một quý.
Tuần tra đa quốc gia là một mô hình lý tưởng đối với Mỹ nhưng nó đòi hỏi Washington phải xây dựng được liên minh, Mira Rapp-Hopper, chuyên gia về an ninh hàng hải châu Á tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, đánh giá.
Tuy nhiên, các đồng minh trong khu vực có lẽ sẽ không thể theo đuổi kế hoạch này đến cùng, Peter Jennings, giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Australia, bình luận. “Chúng ta không thể nắm chắc điều gì cho đến khi nó thực sự xảy ra bởi không ai muốn phải nhận lấy thái độ thù địch từ Trung Quốc”.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Nhật Bản dè dặt trong việc tuần tra Biển Đông cùng Mỹ
Trong khi các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á như Úc, Philippines bày tỏ sự ủng hộ việc Mỹ điều tàu chiến tuần tra tại Biển Đông mới đây, thì Nhật Bản lại tỏ ra dè dặt về vấn đề này.
Nhật Bản sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình Biển Đông trước khi có biện pháp phù hợp - Ảnh: Reuters
Mỹ đã điều tàu khu trục USS Lassen đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép tại đá Xu Bi và đá Vành Khăn ở Biển Đông. Phía Mỹ nói rằng sẽ còn thực hiện nhiều cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) như vậy nữa tại khu vực.
Các nước đồng minh của Mỹ cũng đã lên tiếng về động thái này. Úc cho biết sẽ cân nhắc thực hiện các chiến dịch của riêng mình, theo Wall Street Journal. Philippines thì cho rằng việc tuần tra của Mỹ không có vấn đề gì. Trong khi đó, Nhật Bản lại tỏ ra dè dặt về vấn đề này, mặc dù hồi tháng 6, đô đốc Katsutoshi Kawano, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tuyên bố sẽ cân nhắc thực hiện việc tuần tra Biển Đông tùy thuộc vào tình hình, theo tạp chí The Diplomat ngày 29.10.
Các quan chức Nhật, gồm cả Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga và Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani đều từ chối bày tỏ ủng hộ hay chỉ trích hành động của Mỹ, mặc dù Thủ tướng Shinzo Abe tỏ ý ủng hộ.
The Diplomat nhận định, Nhật Bản tỏ ra dè dặt vì bị mắc kẹt giữa 2 vấn đề trái ngược nhau: một là mong muốn giữ chặt mối quan hệ đối tác với Mỹ, và thứ hai là việc Biển Đông không phải vấn đề sống còn đối với người Nhật.
Về vấn đề thứ nhất, các quan chức quốc phòng Nhật Bản và các nhà phân tích an ninh đều cho rằng việc giữ chặt mối quan hệ liên minh với Mỹ sẽ giúp Nhật Bản đảm bảo được nền tảng an ninh quốc gia. Giáo sư Satoru Mori, chuyên ngành chính trị toàn cầu tại khoa Luật đại học Hosei (Nhật Bản) nhận định sự trỗi dậy về mặt quân sự của Trung Quốc khiến Nhật Bản phải tăng cường khả năng răn đe, thông qua việc tăng cường hợp tác với đồng minh. Mục tiêu của việc răn đe nhằm lái Trung Quốc phải cùng tuân theo trật tự dựa trên luật lệ quốc tế.
Biển Đông là một trong những khu vực then chốt mà Trung Quốc đang làm trái luật ở đó, vì vậy cần phải có những trật tự dựa trên quy tắc như trên để áp đặt. Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ cũng tỏ ra hoan nghênh việc Nhật Bản cùng tham gia tuần tra tai Biển Đông. Vì 2 lý do đó mà việc tham gia cùng Mỹ sẽ giúp Tokyo giữ được vai trò chủ động hơn trong vùng biển này.
Nhật Bản tỏ ra dè dặt trong việc tuần tra Biển Đông cùng Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ
Tuy nhiên, Giám đốc chính sách quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ông Koji Kano cho rằng xét về mặt quân sự thì những việc mà Nhật Bản có thể làm tại Biển Đông là rất hạn chế và sẽ chỉ tiếp tục quan sát, vì Nhật Bản không phải là nước có tranh chấp tại Biển Đông. "Chúng tôi không liên quan, chúng tôi chỉ quan tâm sự việc tiến triển tại Biển Đông và các công ty quốc tế sẽ phản ứng như thế nào với những điều có thể xảy ra tại khu vực này", ông Kano nói.
Giáo sư chính trị quốc tế tại đại học Keio (Nhật Bản), ông Yuichi Hosoya cũng cho rằng chính phủ Nhật sẽ không tiến hành các hoạt động tuần tra, trinh sát tại Biển Đông, vì Nhật đang phải tiến hành nhiều công việc tại biển Hoa Đông. Thay vào đó, Nhật Bản sẽ cố giúp lực lượng bảo vệ bờ biển của các nước Đông Nam Á tăng cường khả năng hoạt động tuần tra ở Biển Đông.
Giáo sư Hosoya nhận định, Nhật Bản không thể làm được gì nhiều hơn là các tuyên bố ngoại giao ủng hộ giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế đối với vấn đề Biển Đông. Một số nước trong khu vực đã hiểu nhầm cải cách an ninh của Nhật gần đây và tin rằng Nhật sẽ đóng vai trò lớn hơn tại Biển Đông.
Ông Shigeru Ishiba, cựu bộ trưởng Quốc phòng Nhật, cũng đồng tình rằng những hiểu nhầm như trên là điều Nhật Bản cần tránh và quan trọng là Mỹ cần phải hiểu sự hạn chế về vị thế an ninh của Tokyo. "Chúng ta cần làm rõ trong bối cảnh nào chúng ta có thể thực hiện các quyền phòng vệ tập thể. Luật an ninh mới được thông qua không đồng nghĩa với việc Nhật sẽ tuần tra tại Biển Đông", ông Ishiba cho biết.
Ngoài ra, các nhà phân tích người Nhật đánh giá rằng chính phủ Nhật Bản không có được sự ủng hộ của người dân để thực hiện việc tuần tra với Mỹ tại Biển Đông, dù điều đó nhằm bảo vệ an ninh đất nước. Cùng quan điểm với nhận định trên, giáo sư Hosoya cho rằng người dân Nhật sẽ chỉ ủng hộ cho việc chính phủ thực hiện hành động an ninh ở nước ngoài nếu điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của Nhật Bản. Người dân Nhật không coi tình hình Biển Đông là vấn đề như thế.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Tiểu xảo ngôn từ của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông Đưa ra những tuyên bố không rõ ràng khi lên án hành động tuần tra của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo, Trung Quốc tìm cách né những cơ sở tố cáo Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế. Tàu USS Lassen Mỹ điều vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây...