Tàu Trung Quốc tông hỏng 3 tàu cá Việt Nam
Ngoài việc tăng lực lượng tàu quanh khu vực giàn khoan 981, các tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc liên tục chủ động đâm, va, phun nước vào tàu kiểm ngư, tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Theo báo cáo ngày 16/5 của Cục Kiểm ngư, Việt Nam vẫn duy trì lực lượng như ngày 15/5. Các tàu chấp pháp của Việt Nam vẫn thường xuyên bám sát, hỗ trợ các tàu cá và ngư dân bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động tại ngư trường truyền thống quanh khu vực giàn khoan trái phép 981.
Trong khi đó, theo quan sát của lực lượng kiểm ngư, bên cạnh việc duy trì tàu quân sự và 2 máy bay tuần thám, số tàu của Trung Quốc đã tăng lên 126 chiếc. Tàu Trung Quốc cũng đã áp sát, vây ép và phun nước vào tàu chấp pháp của Việt Nam trong quá trình tiếp cận giàn khoan trái phép 981 để thực hiện nhiệm vụ.
Cụ thể, khi các tàu kiểm ngư Việt Nam tiếp cận giàn khoan trái phép 981 ở khoảng cách 7 hải lý thì bị các tàu hải cảnh; 2 tàu kéo và 3 tàu không số của Trung Quốc áp sát, cản trở, chủ động đâm va, phun nước…
Đáng chú ý, tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc đã chủ động đâm va vào các tàu cá của ngư dân ta khi đang di chuyển vào gần giàn khoan trái phép 981 để khai thác thủy sản làm 3 tàu hư hỏng.
Video đang HOT
Tàu Trung Quốc ngăn cản quyết liệt tàu chấp pháp Việt Nam làm nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa.
Cụ thể, lúc 13h58, các tàu cá khi đang khai thác trên khu vực cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 10 hải lý thì bị tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc có số hiệu 71075 đâm vào phía sau làm 1 tàu cá bị sập mái che sau cabin, nứt boong sau.
Đến 14h15, 1 tàu cá khác của Việt Nam lại bị tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc có số hiệu 71075 đâm sập cầu thang, nứt cabin, hỏng dàn đèn làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của ngư dân.
Sau đó, một tàu cá khác đã bị đâm thủng làm tràn nước vào khoang phải sử dụng bơm chống thủng. Dù liên tục bị cản trở, tấn công nhưng ngư dân Việt Nam vẫn kiên quyết khắc phục và ở lại sản xuất.
Trước đó, ngày 13/5, khi tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang tiến sâu vào khu vực giàn khoan trái phép 981 để tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thì bị 2 tàu Trung Quốc vây hãm, áp sát rồi tông thẳng, gây hư hỏng ở phần mũi. Đến chiều 16/5, chiếc tàu này đã về đến cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) để sửa chữa rồi sẽ tiếp tục trở lại Hoàng Sa làm nhiệm vụ.
Theo Người lao động
Chủ tịch Quốc hội: "Phải tỉnh táo, rất nóng mà rất lạnh trong tình hình này"
Trong kỳ họp Quốc hội thứ 7 bắt đầu vào tuần tới, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại trên vùng biển của Việt Nam.
Thảo luận về nội dung chuẩn bị cho kỳ họp tại UB Thường vụ Quốc hội chiều 16/5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, báo cáo về tình hình biển Đông của Chính phủ được bố trí trình bày ngay trong buổi chiều ngày khai mạc kỳ họp (thứ 3, ngày 20/5). Sau khi nghe báo cáo tại hội trường, các đại biểu sẽ có thời gian thảo luận về nội dung này tại phiên họp tại đoàn đại biểu Quốc hội.
Tán thành với nội dung đề xuất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, sau khi nghe báo cáo và thảo luận thì ý kiến của Quốc hội như thế nào sẽ được tiếp tục bàn tiếp.
"Tình hình này đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo, rất nóng nhưng cũng phải rất lạnh. Làm sao vừa đấu tranh kiên quyết để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, vừa kiên quyết đấu tranh để giữ gìn được hòa bình" - ông Hùng nói.
Kỳ họp thứ 7 dự kiến kéo dài hơn 1 tháng với 28 ngày làm việc chính thức. Kỳ họp được đánh giá có rất nhiều nội dung với 10 dự án luật dự kiến được thông qua, 17 dự án luật khác cần cho ý kiến lần đầu, trong đó có nhiều luật về tổ chức các cơ quan nhà nước để phù hợp với Hiến pháp mới.
Nội dung xem xét, thông qua Nghị quyết về việc xây dựng, triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 sẽ được rút khỏi kỳ họp thứ 7 để các cơ quan soạn thảo và thẩm tra có thêm thời gian tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện đề án trình Quốc hội tại một kỳ họp sau.
P.Thảo
Theo Dantri
Thời báo Hoàn Cầu kêu gào chiến tranh ở Biển Đông Hoàn Cầu kêu gọi biện pháp "phi hòa bình" đối với Việt Nam và Philippines. Ngày 16/5, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đăng một bài xã luận kêu gào phải có những biện pháp "phi hòa bình" đối với Việt Nam và Philippines khi tờ báo nổi tiếng diều hâu này bàn về khả năng nổ ra chiến tranh trên...