Tàu Trung Quốc rời khu vực căng thẳng với Malaysia
Tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc rời khu vực xảy ra căng thẳng với Malaysia nhiều tháng qua ở Biển Đông.
Địa chất Hải dương 8 hồi tháng 4 tới khu vực phía nam Biển Đông khảo sát, gần vị trí hoạt động của tàu khoan West Capella do công ty dầu khí Petronas của Malaysia thuê. Tàu khoan West Capella rời khu vực hôm 12/5 sau khi hoàn thành công việc theo kế hoạch, hãng sở hữu con tàu cho biết.
Tàu Địa chất Hải dương 8 hôm nay cũng di chuyển khỏi khu vực khảo sát, hướng về Trung Quốc và được ít nhất hai tàu của nước này hộ tống, theo trang web chuyên theo dõi tàu Marine Traffic. Dữ liệu trong một tháng qua cho thấy con tàu đã di chuyển theo dạng đan chéo, kiểu di chuyển khi thực hiện hoạt động khảo sát, giống lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông năm ngoái.
Bộ Ngoại giao Malaysia chưa bình luận về thông tin. Trước đó, Malaysia kêu gọi giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình.
Video đang HOT
Tàu khảo sát Địa Chất Hải Dương 8. Ảnh: CGS.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) của Mỹ cho biết căng thẳng giữa Trung Quốc và Malaysia đã diễn ra trong nhiều tháng và West Capella gần đây thường xuyên bị các tàu Trung Quốc quấy nhiễu. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc, nói rằng tàu Địa chất Hải dương 8 đang tiến hành “các hoạt động thông thường”.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc lợi dụng các nước đang mất tập trung vì Covid-19 “để mở rộng yêu sách bất hợp pháp ở Biển Đông”. Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng “hành vi bắt nạt”. Chiến hạm Mỹ và Australia ngày 7/5 tổ chức tập trận chung ở Biển Đông, gần vị trí tàu khoan West Capella.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 14/4 cho biết Việt Nam theo dõi sát tình hình ở Biển Đông. “Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ quy định liên quan của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông”, bà Hằng nói.
Trung Quốc gần đây thực hiện một loạt hoạt động gây hấn ở Biển Đông trong bối cảnh các nước tập trung đối phó với Covid-19. Bắc Kinh điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó bám sát tàu khoan của Malaysia. Tàu Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính ở Biển Đông, đặt tên cho các thực thể và cấm đánh bắt cá. Việt Nam và các nước kiên quyết phản đối các hành động phi pháp này của Trung Quốc.
Mỹ điều 2 tàu chiến tới Biển Đông
Theo Reuters, 2 tàu Hải quân Mỹ đã được điều tới Biển Đông giữa bối cảnh Trung Quốc và Malaysia đang căng thẳng tại vùng biển này.
Tuần trước, tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc đã xuất hiện gần một tàu thăm dò của công ty dầu mỏ quốc doanh Petronas của Malaysia. Cách đó vài tháng, nhóm tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc cũng đã có hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Giữa bối cảnh đó, Mỹ đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt "hành vi bắt nạt" trên Biển Đông.
Tàu tấn công đổ bộ USS America của Hải quân Mỹ. Ảnh: Reuters
Tàu tấn công đổ bộ USS America và tuần dương hạm được trang bị tên lửa USS Bunker Hill hiện đã được triển khai và hoạt động tại Biển Đông.
"Thông qua sự hiện diện liên tục ở Biển Đông, chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không, cũng như các nguyên tắc quốc tế, vốn là cơ sở củng cố an ninh và sự thịnh vượng tại Ấn Độ - Thái Bình Dương", người phát ngôn Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ - Nicole Schwegman nhận định với Reuters.
Trước đó, cuối tuần vừa qua, Mỹ đã đưa ra tuyên bố phản đối các hành động của Trung Quốc trong khu vực.
"Mỹ quan ngại trước các thông tin về những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm tới các cơ sở dầu khí ngoài khơi của các nước có tuyên bố chủ quyền khác", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố, đồng thời khẳng định, Trung Quốc "nên chấm dứt hành vi bắt nạt và kiềm chế tham gia các hành động khiêu khích và gây bất ổn như vậy"./.
Kiều Anh
Máy bay không người lái Indonesia theo dõi Trung Quốc ở biển Đông? Indonesia thông báo tung ra nguyên mẫu máy bay không người lái cùng ngày gửi đơn phản đối ngoại giao Trung Quốc về sự hiện diện của lực lượng bảo vệ bờ biển nước này trong vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi quần đảo Natuna. Hôm 5-1, quân đội Indonesia cho biết các tàu Trung Quốc vẫn ở trong khu vực bất...