Tàu Trung Quốc ngang ngược đánh cá tại Trường Sa
Bắt đầu từ đêm 16-7, đội tàu cá 30 chiếc xuất phát từ tỉnh đảo Hải Nam – Trung Quốc ngang nhiên bắt đầu đánh bắt cá ở vùng biển gần bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bất chấp phản đối của Việt Nam.
Theo tin của Tân Hoa Xã, đội tàu lớn chưa từng thấy của Hải Nam đến khu vực trên vào khoảng 17 giờ ngày 15-7 và tìm cách đánh bắt cá từ tối cùng ngày, song kế hoạch không thành vì mưa lớn.
Đội tàu trên, trong đó có một tàu hậu cần 3.000 tấn, dự kiến đánh bắt từ 5-10 ngày gần bãi đá Chữ thập dưới sự bảo vệ của tàu Ngư chính 310 của Trung Quốc.
Tàu cá Trung Quốc chuẩn bị đánh bắt… Ảnh: Tân Hoa Xã
…dưới sự bảo vệ của tàu Ngư chính 310. Ảnh: Tân Hoa Xã
Tân Hoa Xã còn ngược ngạo đưa tin Trung Quốc phải tăng cường tuần tra trên biển Đông để bảo vệ các quyền hàng hải và lợi ích quốc gia vì tàu cá Trung Quốc thường xuyên bị quấy nhiễu và bắt giữ bởi các tàu vũ trang của các nước láng giềng.
Video đang HOT
Sau phản đối của đại diện Ủy ban Biên giới Quốc gia – Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhấn mạnh hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, ngày 16-7, Văn phòng Chủ tịch nước Việt Nam đã chính thức công bố Luật Biển Việt Nam.
Philippines cảnh cáo tàu cá Trung Quốc
Cùng ngày 16-7, Philippines cảnh cáo đội tàu cá 30 chiếc của Trung Quốc không được xâm nhập vùng biển nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển sẽ tuần tra khu vực các tàu cá Trung Quốc xuất hiện trên biển Đông để đảm bảo đội tàu này không đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines.
Philippines cảnh báo đội tàu cá Trung Quốc không được xâm nhập vùng biển nước này. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ông Hernandez nói trước báo giới: “Nếu đội tàu này có ý định đi vào khu EEZ của Philippines, chúng tôi sẽ ra tuyên bố phản đối vì đây là khu vực chỉ có người Philippines mới được thăm dò, khai thác và quản lý các nguồn tài nguyên. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các quyền chủ quyền của Philippines”.
Indonesia tìm kiếm lập trường chung về biển Đông
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa ngày 16-7 cho biết sẽ có chuyến thăm một số nước ASEAN, cụ thể là Philippines, Việt Nam, Campuchia, Singapore và Malaysia, để tìm kiếm lập trường chung của khối đối với vấn đề tranh chấp ở biển Đông.
Thông báo về chuyến thăm của Ngoại trưởng Indonesia được đưa ra sau khi Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 ở Campuchia hồi tuần trước không thể đưa ra một tuyên bố chung, sự kiện chưa từng có kể từ khi khối được thành lập năm 1967.
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono ngày 16-7 nhận định kết quả trên có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh của ASEAN và khiến cộng đồng quốc tế nhìn nhận đang xuất hiện rạn nứt trong nội bộ khối.
Pháo hạm Trung Quốc mắc cạn trên biển Đông
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 13-7 thông báo một tàu hộ vệ tên lửa của nước này đã mắc cạn "khi tuần tra trên biển Đông".
Trang SINA dẫn lại thông báo ngắn đăng trên website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận một tàu hộ vệ của nước này bị mắc kẹt gần bãi Trăng Khuyết (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Sự cố xảy ra khoảng 19 giờ ngày 12-7 khi nó tuần tra trái phép trên biển Đông. Không có báo cáo về thương vong và chiến dịch cứu hộ đang được tiến hành.
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Giang Hồ của Trung Quốc. Ảnh: IISS
Tờ Philippine Star dẫn lời Bộ Quốc phòng Philippines (DND) cũng xác nhận việc tàu Trung Quốc mắc cạn. Một nguồn tin khác khẳng định con tàu gặp nạn đã nhiều ngày nhưng chưa được cứu hộ. Còn theo tờ Sydney Morning Herald (Úc), con tàu tự tông vào một rặng đá ngầm.
Theo DND, đây là tàu hộ vệ tên lửa lớp Giang Hồ mang số hiệu 560. Bộ Các nguồn tin từ Bộ tư lệnh Miền Tây (Wescom) của Philippines cho biết con tàu mắc cạn là một trong số các tàu chiến của Trung Quốc thường tuần tra ở biển Đông và đã "nhiều lần quấy nhiễu thô bạo ngư dân Philippines" ở vùng biển tranh chấp.
Theo NLD