Tàu Trung Quốc đâm nát, biến dạng tàu Việt Nam
Chỉ trong một phút rưỡi, tàu kiểm ngư Việt Nam 951 bị liên tiếp hai cú đâm cực mạnh, ở tốc độ cao của tàu Trung Quốc, khiến mạn trái và phải của tàu biến dạng hoàn toàn…
Theo báo cáo của Cục Kiểm ngư, ngày 23/6, các tàu chấp pháp Việt Nam làm nhiệm vụ quanh giàn khoan 981 tiếp tục vấp phải sự ngăn cản quyết liệt từ tàu Trung Quốc. Tàu hải cảnh, hải giám, tàu kéo của Trung Quốc có hành động ép hướng, tăng tốc độ bám sát các tàu Việt Nam, có lúc chỉ ở khoảng cách 10-70 m.
Lúc 9h30, tàu KN 951 của Việt Nam bị cùng lúc 5 tàu vây ép gồm tàu hải tuần 11, tàu kéo 284, 285, Hữu Liên 09, tàu kéo Tân Hải 285. Tàu hải tuần 11 vây ép, tì ngăn cản. Sau đó, tàu Hữu Liên 09 và Tân Hải 285 đâm vào mạn tàu 951.
Phần lan can mạn trái tàu kiểm ngư 951 bị đâm sập. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Theo phóng viên, lúc 13h50 ngày 23/6, họ nhìn thấy một vật thể tròn to, màu đỏ trôi dập dềnh ở phía xa, về hướng các tàu Trung Quốc. Các sĩ quan cho biết đó là phao bè cứu sinh tự thổi của tàu kiểm ngư 951. Đây là hậu quả cú đâm chí mạng của tàu Trung Quốc vào tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam, làm chiếc phao này dù được chằng buộc rất chắc chắn đã bị hất tung xuống biển.
14h18. Khi nhìn thấy tàu kiểm ngư 951 bị bẹp dúm toàn bộ phần mạn tàu, đuôi tàu bị biến dạng hoàn toàn, tôi thấy tim mình như bị bóp nghẹt, đau nhói. Nỗi xót xa dâng ngập trong lồng ngực. 12 phút sau, phóng viên đã được tạo điều kiện tiếp cận trực tiếp tàu kiểm ngư 951.
Các kiểm ngư viên kể lại lúc 9h30, khi tàu kiểm ngư 951 đang cách giàn khoan 11,5 hải lý về phía tây bắc thì bị bảy tàu Trung Quốc các loại dàn hàng ngang lao ra vây ép tàu CSB 4033 và tàu kiểm ngư 951.
Với sự áp đảo hẳn về số lượng và kích cỡ, các tàu Trung Quốc đã bao vây và điên cuồng nhắm thẳng đến tàu kiểm ngư 951.
Video đang HOT
Lợi dụng sự hỗn loạn, tàu Hữu Liên 09 đã lao đến đâm vào mạn phải, khu vực cầu thang tàu kiểm ngư 951. Con tàu kéo hung hãn như trâu điên này đã ghìm chặt không cho tàu kiểm ngư 951 xoay trở để cho tàu khác lao vào đâm.
Âm mưu tấn công tới tấp nhằm triệt tiêu sức sống của tàu kiểm ngư 951 và uy hiếp đến cùng tinh thần của các kiểm ngư viên Việt Nam.
Tàu kiểm ngư 951 đã vòng tránh thoát khỏi sự tấn công của tàu hải tuần 11 nhưng ngay sau đó tàu kéo Tân Hải 285 to lớn đã chạy tốc độ cao đâm thẳng vào chính giữa mạn trái.
Chỉ trong một phút rưỡi, tàu kiểm ngư Việt Nam 951 bị liên tiếp hai cú đâm cực mạnh của tàu Trung Quốc.
Trong khi đó, phóng viên VTV tại hiện trường cho biết, có đến 7 tàu Trung Quốc bao vây tàu 951 để phun vòi rồng áp lực lớn và ngăn cản làm nhiệm vụ. Tàu hải tuần 11 tiếp cận phía sau dùng vòi rồng phun nước, còn tàu kéo 285 tăng tốc đâm vào chính giữa mạn trái tàu 951.
Nhận lệnh cấp cứu, tàu cảnh sát biển 8003 ở phía nam tây nam giàn khoan di chuyển gần đến nơi thì bị 5 tàu Trung Quốc gồm 4 tàu hải cảnh, một tàu kéo chạy tốc độ cao khoảng 20 hải lý/h áp sát, hú còi, phun nước ngăn cản việc ứng cứu. Đến 16h30, tàu 8003 mới tiếp cận được tàu kiểm ngư 951.
Sau cú đâm, báo cáo của Cục Kiểm ngư cho hay, mạn phải và mạn trái con tàu bị móp méo, biến dạng hoàn toàn, một số thiết bị lan can hư hỏng. Mô tả hình ảnh mạn tàu biến dạng, VTV dẫn lời kiểm ngư viên cho biết thêm, phòng kho khí CO2 bị hư hỏng, một phao bè cứu sinh rơi khỏi tàu. Rất may không ai bị thương nặng.
Tại ngư trường truyền thống của Việt Nam, khoảng 38 tàu cá dưới sự hỗ trợ của hai tàu hải cảnh số hiệu 46102, 46106 của Trung Quốc dàn hàng ngang ngăn cản, chặn hướng và ép các tàu cá của Việt Nam ra xa.
Quanh giàn khoan ngày 23/6 có gần 121 tàu Trung Quốc các loại trong đó có 44 tàu hải cảnh; 15 tàu vận tải; 19 tàu kéo; 38 tàu cá và 5 tàu quân sự.
Theo Kiến thức
Thành viên Tòa trọng tài thường trực nói về công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Giáo sư Luật Erik Franckx, thành viên của Tòa trọng tài thường trực, cho rằng công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ đề cập đến việc mở rộng lãnh hải của Trung Quốc chứ không hề nhắc đến Hoàng Sa hay Trường Sa.
Giáo sư Erik Franckx, Đại học Tự do, Bỉ, thành viên Tòa trọng tài thường trực (trái) và Giáo sư Jerome Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ - Châu Á, ĐH Luật New York, trao đổi vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa theo những khía cạnh pháp lý bên lề Hội thảo "Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử" ở Đà Nẵng.
Trung Quốc cho rằng nước này có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và một trong những lý do thường được Trung Quốc viện dẫn để biện hộ cho yêu sách chủ quyền của mình là ngày 14/9/1958, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó Phạm Văn Đồng đã gửi công hàm cho Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai xác nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) và Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam).
Tại triển lãm quốc tế "Hoàng Sa-Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam" tại Bảo tàng Đà Nẵng ngày 21/6 vừa qua, Giáo sư Luật Erik Franckx, Đại học Tự do Brussel, Bỉ và là thành viên của Tòa trọng tài thường trực (PCA) cho biết: "Cần phải đọc công hàm này rất kỹ, nhất là tuyên bố của ngài Phạm Văn Đồng, bởi vì nó chỉ nhắc đến việc mở rộng lãnh hải."
Ông cho biết vào thời điểm công hàm được đưa ra (năm 1958), nhiều nước ra tuyên bố mở rộng lãnh hải 12 hải lý và ông cho rằng công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng "ủng hộ cho việc mở rộng đó của Trung Quốc". Tuy nhiên ông nhận định: "Điều quan trọng là Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập cụ thể đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", nên không thể suy diễn Việt Nam xác nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa hay Trường Sa.
Nói về giá trị pháp lý của các bản đồ, Giáo sư Franckx cho biết, rất khó có thể chứng minh chủ quyền lãnh thổ chỉ bằng bản đồ vì vậy bản đồ cần phải đi kèm với những tài liệu, thỏa thuận có giá trị pháp lý.
"Bản thân bản đồ chỉ là bằng chứng đủ, hỗ trợ thêm cho các thỏa thuận, tài liệu được đưa ra. Vì lý do đó tôi cho rằng việc kết hợp các thỏa thuận, tài liệu với bản đồ là rất quan trọng", Giáo sư Franckx cho biết.
"Chạy đua kiện" tốt hơn "chạy đua vũ khí"
Nói về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc, Giáo sư Franckx cho biết Việt Nam có thể chọn các cơ chế khác nhau theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), như phân định về vùng biển. Ông cũng cho rằng Việt Nam có thể chọn vấn đề như Philippines, tức yêu cầu Trung Quốc định nghĩa "đường 9 đoạn" là gì.
Trong khi đó, Giáo sư Jerome Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ - Châu Á, ĐH Luật New York, cũng cho rằng nếu kiện, Việt Nam nên kiện Trung Quốc theo các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS. Theo ông khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa Công lý quốc tế là rất khó bởi Trung Quốc có quyền từ chối tham gia, theo quy định của tòa.
"Câu hỏi ai sở hữu quần đảo Hoàng Sa không phải là vấn đề được đề cập trong Công ước Luật biển. Mà đây là vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Chính phủ Việt Nam có thể đưa vụ kiện đối với vấn đề Hoàng Sa lên Tòa án công lý quốc tế (ICJ). Nhưng cơ hội để ICJ đưa ra phán quyết đối với vụ kiện là rất nhỏ bởi Trung Quốc theo quy định không buộc phải giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ trước ICJ."
"Nhưng tôi cho rằng Trung Quốc phải có trách nhiệm giải quyết vụ kiện đối với mình theo Hệ thống tòa án của Công ước Luật biển. Và chắc chắn là Trung Quốc phải có trách nhiệm tuân thủ bất kỳ quyết định nào từ tòa án trọng tài, như trong vụ kiện của Philippines", Giáo sư Cohen cho hay.
Giáo sư Cohen cũng gợi ý châu Á có thể thành lập một tòa riêng để giải quyết những tranh chấp trong khu vực.
Giáo sư Cohen cho rằng Việt Nam nên kiện ngay Trung Quốc, dù kết quả vụ kiện ra sao, vì đây là một quá trình để nêu quan điểm, thuyết phục ý kiến của công luận và đây là một cách văn minh để giải quyết tranh chấp, trong khi vẫn có thể thúc đẩy được hợp tác. Ông cho rằng dù châu Á có "chạy đua các vụ kiện vẫn còn tốt hơn là chạy đua vũ khí".
Thùy Trang
Theo Dantri
Việt Nam ký hiệp định với Tòa trọng tài thường trực Ngày 23/6/2014, tại Nhà khách Chính phủ thay mặt chính phủ Việt Nam,Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn ký Hiệp định nước chủ nhà và Thư trao đổi về hợp tác giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Tòa trọng tài thường trực (PCA) với Ngài Hugo Hans Siblesz, Tổng thư ký Tòa trọng tài thường trực. (Quang cảnh Lễ ký...