Tàu thiếu… mét, hết ra khơi, giải quyết cách nào?
Trước thông tin tàu không đủ chiều dài 15m sẽ không được tham gia đánh bắt xa bờ mà phải khai thác vùng lộng, nhiều ngư dân vô cùng hoang mang, lo lắng. Xung quanh thông tin này, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Trung – Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản – Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT).
Ông Trung cho biết, quy định mới này nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế và Bộ NNPTNT đã có chủ trương cho phép các tàu cải hoán để đủ chiều dài tham gia hoạt động xa bờ.
Ông Nguyễn Văn Trung – Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản – Bộ NNPTNT).
Đã nhiều tháng nay, các ngư dân tham gia khai thác xa bờ ở nhiều tỉnh miền Trung tỏ ra hoang mang, lo lắng trước thông tin tàu không đủ chiều dài 15m sẽ không được đánh bắt xa bờ, mà chỉ hoạt động ở vùng lộng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
-Từ trước đến nay, chúng ta thường quản lý tàu cá theo công suất (CV), phương thức quản lý này đã tồn tại từ thời Pháp thuộc. Nhưng hiện nay, các nước trên thế giới thường quản lý theo độ lớn của con tàu mà đặc trưng rõ nhất là chiều dài của tàu.
Chính vì vậy, Luật Thủy sản 2017 cũng hướng đến việc đổi mới công tác quản lý tàu theo đúng thông lệ quốc tế, tức là thay vì quản lý theo công suất (mã lực) thì nay quản lý theo chiều dài của tàu. Việc quy định chiều dài tàu trong hoạt động khai thác xa bờ cũng là nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu khi đánh bắt ngoài khơi.
Trước đây, các tàu từ 90CV trở lên là đủ điều kiện khai thác xa bờ nhưng theo cách quản lý mới thì tàu phải đủ 15m trở lên mới được hoạt động khai thác xa bờ. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng chắc chắn trong quá trình đổi mới cách quản lý sẽ có một nhóm đối tượng chịu tác động.
Thực tế, việc quy định chiều dài tàu trong khai thác thủy sản có liên quan đến việc giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản mà Bộ NNPTNT đang thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản 2017.
Video đang HOT
Căn cứ theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, số lượng tàu cá và cơ cấu nghề khai thác thủy sản đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trên toàn quốc là 31.541 tàu, ngày 2/5/2019, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định số 1481/QĐ-BNN-TCTS giao hạn ngạch khai thác thủy sản vùng khơi cho các địa phương với tổng số 31.541 giấy phép, tương ứng với số tàu có đủ chiều dài 15m trở lên trên toàn quốc.
Hiện nay, số lượng tàu cá không đủ chiều dài tham gia đánh bắt xa bờ tương đối lớn, trong khi năng lực, ngư cụ của họ đảm bảo đáp ứng được khai thác xa bờ. Chủ trương của Bộ NNPTNT trong việc khắc phục những tồn tại này như thế nào, thưa ông?
-Theo hệ thống pháp luật về thủy sản năm 2017, có khoảng 35.054 tàu cá được hoạt động ở vùng khơi. Tuy nhiên, khi Luật Thủy sản 2017 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP có hiệu lực, chỉ có 31.541 tàu có chiều dài 15m trở lên được hoạt động tại vùng khơi. Có khoảng 3.513 tàu có chiều dài nhỏ hơn 15m, công suất từ 90CV trở lên không được cấp hạn ngạch khai thác tại vùng khơi.
Nhiều tàu cá của Phú Yên phải nằm bờ vì quy định mới. Ảnh: Hùng Phiên.
Vẫn biết quy định mới chắc chắn sẽ gây khó khăn cho một nhóm đối tượng ngư dân nhưng nếu không đổi mới phương thức quản lý, chúng ta khó có thể hướng đến một nghề cá hiện đại, bền vững, có trách nhiệm như khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu (EC) trong việc thực thi các giải pháp chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo, không truy xuất được nguồn gốc (IUU).
Tuy nhiên, để tìm hướng ra cho những con tàu gần đạt được chiều dài để đánh bắt xa bờ, đảm bảo sinh kế cho người dân, sau khi lắng nghe ý kiến của các địa phương, Bộ NNPTNT đã ban hành Công văn số 5411/BNN-TCTS ngày 30/7/2019 đề nghị UBND xã tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức rà soát, hỗ trợ ngư dân cải hoán tàu để đủ điều kiện cấp hạn ngạch khai thác xa bờ.
Theo đó, đối với nhóm tàu cá có công suất từ 90CV trở lên nhưng chiều dài lớn nhất dưới 15m, yêu cầu các địa phương rà soát, thông báo cho chủ tàu, ngư dân đăng ký nhu cầu cải hoán tàu cá để có đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi; tiến hành cấp văn bản chấp thuận cải hoán cho chủ tàu có nhu cầu để tiến hành cải hoán tàu cá theo quy định; cấp giấy phép khai thác thủy sản cho chủ tàu khi tàu cá đã đủ điều kiện theo quy định trong số hạn ngạch giấy phép đã được giao theo Quyết định số 1481.
Bộ NNPTNT cũng yêu cầu các địa phương báo cáo việc xem xét, cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản trước 31/12/2019.
Sau khi các chủ tàu đăng ký và cải hoán xong, thực hiện việc đăng kiểm với những thông số mới thì con tàu đó sẽ đủ điều kiện để được cấp giấy phép khai thác ở vùng khơi.
Xin khẳng định, quy định mới này hoàn toàn theo quy định của luật, nhằm hướng đến khai thác thủy sản bền vững, bảo vệ được nguồn lợi thủy sản.
Có một thực tế là khi EC rút “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam do khai thác IUU, chúng ta mới nhìn thấy sự phát triển quá nóng của số lượng tàu đánh cá ở Việt Nam. Quy định mới này có phải là một giải pháp để cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản, tập trung nâng cao chất lượng đồng thời bảo vệ nguồn lợi thủy sản thay vì khai thác bừa bãi như hiện nay, thưa ông?
-Trong các khuyến nghị của EC không có việc phải giảm số lượng tàu cá, nhưng thực tế hiện nay, có hai việc đang khó thực hiện theo các khuyến nghị này là kiểm soát tàu cá đánh bắt trái phép ở nước ngoài và giám sát hành trình tàu cá.
Nhưng hai việc này lại ít nhiều liên quan đến sự phát triển quá nóng của đội tàu đánh bắt xa bờ, trên thế giới không nước nào có đội tàu nhiều như ở Việt Nam. Ví dụ như Thái Lan, nghề khai thác thủy sản của họ rất phát triển nhưng đội tàu chỉ khoảng 10.000 chiếc, Hàn Quốc cũng chỉ có vài nghìn tàu khai thác xa bờ.
Trong khi Việt Nam, từ khoảng năm 2014 trở lại đây, số lượng tàu khai thác xa bờ tăng đột biến. Nếu không có những giải pháp hạn chế sự phát triển quá nóng của số lượng tàu thì nguồn lợi thủy sản sẽ bị đe dọa.
Vì vậy, việc EC rút “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam cũng là cơ hội để tái cơ cấu lại ngành theo hướng giảm khai thác chạy theo số lượng, nâng cao chất lượng, thực hiện nghiêm luật pháp quốc tế và bảo vệ được nguồn lợi thủy sản.
Trước mắt, Bộ NNPTNT đã cho phép cải hoán các tàu dưới 15m để đảm bảo hoạt động khai thác xa bờ, nhưng về lâu dài, theo tôi, các ngư dân cần liên kết lại trong các tổ, đội, nghiệp đoàn hoặc liên kết với doanh nghiệp để hiện đại hóa tàu thuyền, liên kết khai thác hiệu quả, bền vững, có quản lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng thay vì làm nhỏ lẻ như hiện nay.
Nếu không thực hiện tốt các khuyến nghị của EC, tấm “thẻ đỏ” có thể đóng mọi cánh cửa của thủy sản Việt Nam vào thị trường này.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Bộ NNPTNT điều động, bổ nhiệm một loạt cán bộ chủ chốt cấp trưởng
Chiều nay 31/7, Bộ NNPTNT đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm với 4 vị trí chủ chốt là: Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phụ trách Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.
Theo Quyết định 2969, ngày 30/7, ông Trần Đình Luân- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản được bổ nhiệm giữ chức vụ: Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản từ ngày 1/8/2019 với thời hạn bổ nhiệm là 5 năm.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (thứ 4, từ trái qua), cùng lãnh đạo Bộ NNPTNT chúc mừng các lãnh đạo cấp trưởng mới được bổ nhiệm.
Tại Quyết định 2916, ngày 26/7, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn được bổ nhiệm giữ chức vụ: Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NNPTNT từ ngày 1/8/2019 với thời hạn bổ nhiệm là 5 năm.
Tại Quyết định 2926 ngày 26/7, ông Lê Quốc Thanh- Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam được bổ nhiệm giữ chức vụ: Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia từ ngày 1/8/2019 với thời hạn bổ nhiệm là 5 năm.
Tại Quyết định số 2917, ông Trần Công Thắng- Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn được giao phụ trách Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.
Theo Danviet
Nhức nhối nạn tận diệt cá tôm ở hồ thủy điện lớn nhất nước Đã nhiều năm nay, tình trạng đánh bắt cá bằng các hình thức hủy diệt vẫn thường diễn ra trên hồ Thác Bà (thuộc địa phận các huyện Yên Bình, Lục Yên, tỉnh Yên Bái). Trong các hình thức đánh bắt hủy diệt các loài cá thì việc dùng xung điện để đánh bắt đã diễn ra phổ biến hơn cả. Mặc dù...