Tàu tên lửa “hạt tiêu” của Nga khiến Mỹ sốc nặng
“Xuồng cao tốc tên lửa” của Nga tuy nhỏ bé, nhưng có thể sẽ trở thành nhân tố làm thay đổi cuộc chơi trong tác chiến hải quân hiện đại.
Đô đốc Sergei Gorshkov được xem là một trong những nhà chiến lược hải quân vĩ đại nhất trong thế kỉ 20. Trong cuốn sách có tựa đề “Sức mạnh biển Quốc gia”, vị chỉ huy từng có công biến hải quân Nga thành lực lượng có sức mạnh toàn cầu đã viết “Tác chiến hải quân nhằm trực tiếp vào các mục tiêu mặt đất sẽ có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết khi xảy ra các cuộc xung đột lớn trong tương lai”.
Tên lửa hành trình Kalibr-NK được phóng đi từ các tàu nhỏ ở biển Caspi hôm 7/10. (Ảnh: TASS)
Tối 7/10, 4 tàu tên lửa loại nhỏ – hay còn gọi là “xuồng tên lửa” ( missile boat) của Nga lượng choán nước chỉ dưới 1.000 tấn đóng ở biển Caspi đã thực hiện các loạt phóng tên lửa hành trình Kalibr-NK (phiên bản xuất khẩu có tên Club-S) nhằm vào các mục tiêu quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria. Đòn tấn công chính xác với quãng đường bay hơn 1.500 km qua không phận Iran, Iraq đã khiến Mỹ và các đồng minh “sốc nặng” xen lẫn “ghen tị”. Nhiều nhà quan sát không biết mò tìm từ đâu để trả lời cho câu hỏi: Sao những tàu chiến “hạt tiêu” kia lại có sức mạnh tác chiến lớn đến vậy?
Một số chuyên gia tỏ vẻ ngưỡng mộ. Bryan Clark, chuyên gia phân tích hải quân người Mỹ, cho rằng “xuồng tên lửa” của Nga trang bị tên lửa hành trình Kalibr thậm chí còn có sức mạnh đáng nể hơn so với loại tàu mới nhất mà hải quân Mỹ đang chú tâm phát triển. Ông đề cập đến tàu chiến cận bờ (Littoral Combat Ship) lượng choán nước 3.000 tấn của hải quân Mỹ, được trang bị tên lửa tầm ngắn, với lời bình luận: “Chúng ta có một lớp tàu mới nhưng lại không được trang bị loại tên lửa như người Nga. Hải quân nên cảm thấy xấu hổ khi để điều này diễn ra”.
Thế nhưng loạt phóng tên lửa hành trình này không phải là điều gì mới mẻ với thuyền tên lửa do Nga chế tạo. Chính những tàu tên lửa nhỏ gọn của Nga đã khiến hải quân tất cả các nước kinh ngạc hồi năm 1967: giúp hải quân Ai Cập tiêu diệt được cả tàu khu trục Eilath của Israel lớn gấp nhiều lần trong cuộc đụng độ năm 1967.
Với lượng choán nước dưới 1.000 tấn, các tàu tên lửa thuộc hạm đội Caspi có kích thước khá nhỏ, vỏ mỏng; thế nhưng chúng lại được trang bị động cơ cực mạnh, có thể nhanh chóng đạt tới tốc độ 63km/giờ (34 knot). Không những vậy, rất khó để radar của đối phương phát hiện, định vị tàu, vì tiết diện phản xạ radar được cắt giảm tới mức tối thiểu. Và đây được xem là một trong những ưu thế nổi trội của “xuồng tên lửa” cao tốc Nga trước tàu chiến cỡ lớn cùng chức năng của hải quân Mỹ.
Tàu tên lửa cỡ nhỏ, lực lượng mà hải quân một số nước còn chưa nhận thức đúng mức, có thể sẽ là nhân tố làm “thay đổi cuộc chơi” trong tác chiến hiện đại. Loạt phóng tên lửa Kalibr của hải quân Nga gần đây sẽ làm cho thứ vũ khí “nhỏ bé” trở thành hàng hot” trên thị trường thế giới, nhất là khi nó được lắp đặt các bệ phóng phù hợp. Không khó để hình dung rằng, những đòn tấn công chớp nhoáng, bất ngờ từ xuồng tên lửa cao tốc của Iran, Trung Quốc sẽ là cơn ác mộng đối với các tàu chiến của Mỹ đặt tại vùng Vịnh hay ở Thái Bình Dương. Nó cũng gây ra mối đe dọa lớn đối với các “thành phố nổi” của Mỹ – những tàu sân bay hạt nhân cỡ lớn mang theo 100 máy bay và 6.000 thủy thủ.
Video đang HOT
Có rất ít các biện pháp phòng thủ trước các đòn tấn công bởi tên lửa hành trình Nga. Khi tiến sát mục tiêu ở khoảng cách vài km, tên lửa Kalibr sẽ tăng tốc và bay ở chế siêu thanh, với vận tốc vượt 2.000km/giờ, khiến mọi nỗ lực đánh chặn của đối phương trở nên vô nghĩa. Cùng với Kalibr, hải quân Nga còn sở hữu loại vũ khí cực mạnh khác là tên lửa hành trình diệt hạm Oniks (phiên bản xuất khẩu có tên Yakont). Với đầu nổ khoảng 200-250 kg, Oniks có khả năng phá hủy hoàn toàn các loại tàu mặt nước cỡ lớn, với lượng choán nước lên đến cả chục nghìn tấn của đối phương.
Đặc biệt, Oniks thường sử dụng chiến thuật tấn công “bầy sói”. Khi phóng, các tên lửa sẽ chờ đến loạt cuối cùng rời khỏi bệ phóng để tìm mục tiêu. Trong nhóm phóng, tên lửa dẫn đầu bay cao cung cấp tham số mục tiêu cho 2 tên lửa còn lại bay ở quỹ đạo thấp. Sau khi đã tiêu diệt mục tiêu chủ yếu, các tên lửa còn lại sẽ hướng đến các tàu chiến khác và loại trừ khả năng 2 tên lửa tấn công cùng 1 mục tiêu.
Tàu sân bay Mỹ luôn đi theo đội hình biên đội và được bảo vệ rất kĩ. “Vẻ đẹp” của Kalibr hay Oniks nằm ở chỗ, dù không tiêu diệt được “thành phố nổi”, nhưng một cú đánh vào sườn cũng đủ để tàu Mỹ mất khả năng tác chiến, “nằm bờ” sửa chữa trong nhiều tháng. Thành công của tên lửa hành trình Nga ở Syria vừa qua sẽ tạo ra những thay đổi trong học thuyết quân sự toàn cầu, cách thức phát triển, biên chế, vũ trang cho hạm đội tàu chiến. “Bé” nhưng là “bé hạt tiêu” có thể sẽ là một khái niệm trở nên rất phổ biến trong tác chiến hải quân.
Theo Hoài Thanh
baotintuc.vn
Nhân tố làm thay đổi cuộc chơi của Mỹ ở Syria
Chỉ trong vòng 3 tuần không kích chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Syria, Nga đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố này ở Trung Đông.
Binh sĩ quân đội Syria tuần tra gần sân bay quân sự Kweyris, tỉnh Aleppo ngày 18/10. Ảnh: AFP/TTXVN
Hàng trăm cứ điểm quan trọng, nhiều nhà máy sản xuất vũ khí của IS đã bị phá hủy, hàng trăm tay súng IS bị tiêu diệt, nhiều chiến binh của tổ chức này phải rời bỏ hàng ngũ vì khiếp sợ.
Chỉ với thời gian ngắn và gần 500 đợt không kích liên tục cả ngày lẫn đêm, Nga đã làm được điều mà Mỹ và liên quân hùng hậu gồm hàng chục quốc gia đã không thể làm được trong một năm qua.
Sự đảo ngược tình thế nhanh chóng này tại Trung Đông đã khiến cho Mỹ và phương Tây hoàn toàn bất ngờ và rơi vào thế bị động. Chiến dịch không kích chống IS của Mỹ và các đồng minh phương Tây bị lu mờ.
Dù Lầu Năm Góc khẳng định chiến dịch ném bom của Nga để hậu thuẫn Tổng thống Bashar al-Assad sẽ không thay thế được sứ mệnh quân sự riêng của liên minh do Mỹ đứng đầu, nhưng một thực tế không thể phủ nhận là sự hiện diện của Moskva đã buộc quân đội Mỹ phải thích nghi với không gian chiến trường mới, bất ngờ và phức tạp hơn.
Việc Nga triển khai quân sự tại Syria mà không có sự đồng bộ với liên minh của Mỹ đã làm nảy sinh những nguy cơ không nhỏ đối với hoạt động phối hợp tác chiến giữa không quân và các đơn vị khác.
Nhờ chiến dịch không kích chống IS của không quân Nga, chính quyền Syria đã có thể "rảnh tay" hơn trong cuộc chiến chống các nhóm đối lập. Những tuần qua, quân đội Syria liên tiếp chiến thắng trên chiến trường và giành lại ít nhất 4 tỉnh, gồm Homs và Hama ở miền Trung, tỉnh Aleppo ở miền Bắc và tỉnh duyên hải miền Tây Latakia.
Lo sợ cho sự thất thế của lực lượng đối lập, Mỹ đã vội vàng công khai lập cầu hàng không để tiếp tế vũ khí cho lực lượng này thay vì chỉ âm thầm tuồn vũ khí và huấn luyện các tay súng đối lập.
Điều mà Mỹ lo ngại là khả năng Nga sẽ mở rộng chiến dịch không kích sang lãnh thổ Iraq, nếu được chính quyền Baghdad "bật đèn xanh".
Kịch bản hoàn toàn có khả năng xảy ra do chính phủ Iraq nhiều lần tỏ ra nghi ngờ những nỗ lực của Mỹ và các quốc gia đồng minh trong cuộc chiến chống IS - lực lượng hiện đang nắm quyền kiểm soát 1/3 vùng lãnh thổ Iraq. Baghdad cho rằng các cuộc không kích do Mỹ đứng đầu đã không hiệu quả, thậm chí phản tác dụng.
Trước những diễn biến mới trên chiến trường Syria, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain đã kêu gọi Mỹ mở rộng quy mô cuộc can thiệp, thiết lập vùng an toàn cho người Syria và các phần tử đối lập "ôn hòa", thậm chí xem xét việc điều động quân đội.
Ông đã viết trong một bài bình luận rằng: "Chúng ta không nên loại trừ khả năng các lực lượng Mỹ có thể đóng vai trò có giới hạn trong tác chiến trên bộ". Ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton cũng nhắc lại lời kêu gọi của ông McCain về một vùng cấm bay trong cuộc tranh luận đầu tiên của đảng Dân chủ tuần này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại cuộc gặp ở Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN
Bất chấp vị thế ngày càng tăng của Nga trong cuộc chiến chống IS ở Trung Đông, Mỹ vẫn nhất định không hợp tác với Nga, thậm chí còn tuyên bố sẽ giới hạn các cuộc thảo luận với Nga xuống mức cơ bản và kỹ thuật nhằm đảm bảo hai bên không đụng độ trên bầu trời Syria.
Theo các chuyên gia, chiến dịch không kích của Nga ở Syria có thể khiến mối quan hệ Nga - Mỹ, vốn "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea và phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, ngày càng trở nên căng thẳng.
Chuyên gia về Trung Đông James Phillips thuộc Viện nghiên cứu chính sách Heritage Foundation cho rằng sự lạnh nhạt trong quan hệ Mỹ-Nga có thể dẫn đến việc Washington tiếp tục gia tăng áp lực lên Tổng thống V.Putin.
Tuy rất thận trọng và luôn cố tránh triển khai quân sự, song Tổng thống Barack Obama có thể sẽ phản ứng bằng cách tăng cường hỗ trợ quân sự cho phe nổi dậy, đồng thời siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Trong khi Mỹ và phương Tây liên tục chỉ trích các cuộc không kích của Nga thì ngày càng nhiều quốc gia ở khu vực Trung Đông thừa nhận rằng cuộc chiến chống IS của Nga đang phát huy hiệu quả và những nỗ lực chống IS của Washington chỉ nhằm mục đích mượn tay khủng bố để lật đổ hoặc làm suy yếu chính quyền của Tổng thống Assad. Rõ ràng, sự can thiệp quân sự của Nga đang trở thành nhân tố quan trọng làm thay đổi cuộc chơi của Mỹ ở Syria.
Theo Trần Thanh Bình
Báo tin tức/TTXVN
Khám phá sức mạnh Hạm đội Caspi của Nga Hạm đội Caspi là một bộ phận của lực lượng Hải quân Nga, đồn trú tại thành phố Cảng Astrakhan và hoạt động tại vùng biển Caspi. Được thành lập từ năm 1722, Hạm đội Caspi là đội tàu hình thành lâu đời nhất của Hải quân Nga. Hải quân Nga mới đây cho biết các tàu chiến thuộc Hạm đội Caspi đã...