Tàu săn ngầm mệnh danh ‘kẻ hủy diệt’ của Nga khiến hạm đội Mỹ phải e ngại
Các tuần dương hạm Dự án 1155 và 1155.1 đóng vai trò trụ cột trong lực lượng chống ngầm của Hải quân Nga và là “kẻ hủy diệt” đáng sợ khiến hạm đội Mỹ phải e ngại.
Các chiến hạm săn ngầm hạng nặng thuộc dự án 1155 “Fregat” và 1155.1 “Đô đốc Chabanenko” (Udaloy và Udaloy II theo mã định danh của NATO) là những tàu chiến nguy hiểm nhất của quân đội Nga đối với hạm đội tàu ngầm Mỹ. Đây là nhận định của chuyên gia quân sự Harold Hutchinson trên tờ We Are The Mighty.
Ông Hutchinson cho rằng các tàu chiến loại này do Liên Xô sản xuất từ nhu cầu bảo vệ các tàu tuần dương chở máy bay hạng nặng “Kiev” và tàu tuần dương tên lửa hạt nhân hạng nặng “Kirov” khỏi các tàu ngầm đối phương.
Tuần dương hạm “Đô đốc Chabanenko” thuộc Dự án 1155.1 của Hải quân Nga.
“Siêu” dự án chống ngầm của Liên Xô
Năm 1966, một lớp tàu chiến mới “chưa từng có trước đây” đã được đưa vào biên chế Hải quân Liên Xô. Quyết định này được thực hiện do khả năng tác chiến tàu ngầm của đối thủ tăng lên đáng kể. Trong đó có các tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo tạo ra nhiều mối nguy hiểm dưới mặt nước.
Để chống lại sức mạnh của tàu ngầm, các tàu tuần tra thuộc Đề án 61 đã được Liên Xô chế tạo. Chiếc đầu tiên được hạ thủy vào năm 1962, và tổng số tàu được chế tạo lên tới 20 chiếc.
Những tàu chiến cỡ lớn chuyên dụng này trở thành lực lượng chống ngầm quan trọng của Hải quân Xô Viết. Sau đó, Liên Xô tiếp tục thực hiện các dự án tàu chống ngầm mới như 1134A, 1134B, 1155 và 1155.1.
Đầu những năm 1970, các thiết kế tàu ngầm mới, hiện đại hơn dần xuất hiện tại Mỹ và các nước đồng minh. Để bắt kịp “kẻ thù” dưới mặt nước, Hải quân Liên Xô đã gửi yêu cầu về việc phát triển, chế tạo các siêu tàu chống ngầm cỡ lớn thuộc dự án mới mang tên 1155 và 1155.1. Mệnh lệnh này sau đó đã được chuyển đến Cục thiết kế Phương Bắc.
Ý tưởng ban đầu về dự án 1155 là tận dụng tối đa kinh nghiệm có được khi tạo dự án 1134A. Kích thước tương đối lớn của chiến hạm săn ngầm mới giúp các nhà thiết kế có thể tăng thành phần trang bị vũ khí trên boong tàu. Do đó, tàu chiến thuộc Dự án 1155 có sức mạnh lớn hơn nhiều so với những thông số kỹ thuật ban đầu.
Việc xây dựng chiến hạm, dành cho Hạm đội Phương Bắc, bắt đầu vào mùa hè năm 1977, trên một công trường đặc biệt ở Kaliningrad. Tất cả các công đoạn cần thiết được thực hiện bởi nhà máy đóng tàu Yantar. Ba năm sau, chiếc tàu săn ngầm Udaloy thuộc dự án Dự án 1155 đầu tiên được hạ thủy. Sau đó có tổng cộng 12 chiếc thuộc dòng này được chế tạo. Chiếc cuối cùng là “Đô đốc Panteleev”, được đưa vào hoạt động trước khi Liên Xô sụp đổ vào tháng12/1991.
Theo giới quân sự, các tàu chống ngầm cỡ lớn thuộc Đề án 1155 có tính chuyên dụng cao. Để đối phó thành công cả mục tiêu tàu ngầm và mục tiêu trên mặt nước, chiến hạm này phải tương tác mạnh mẽ với các tàu khu trục thuộc Đề án 956, trang bị tên lửa hành trình chống hạm.
Các hành động phối hợp của các loại tàu khác nhau đòi hỏi những nỗ lực cải tiến đáng kể. Vì vậy, vào những năm 1980, Liên Xô quyết định phát triển một loại tàu chống ngầm đa năng hơn để tấn công tàu ngầm, tàu nổi, các mục tiêu trên bộ và trên không. Đó là lớp chiến hạm săn ngầm thuộc Dự án 1155.1.
Hai tàu chống ngầm cỡ lớn đầu tiên thuộc Dự án 1155.1 là “Đô đốc Chabanenko” và “Đô đốc Basisty” lần lượt được chế tạo. Ngoài ra, ít nhất 10 chiếc trong dự án này cũng nằm trong kế hoạch của Liên Xô. Tuy nhiên, Đô đốc Chabanenko là con tàu duy nhất của Dự án 1155.1 được hoàn thành sau khi Liên Xô tan rã. Và chiến hạm này chính thức được biên chế vào Hạm đội Nga vào năm 2000.
Sức mạnh của “kẻ hủy diệt” tàu ngầm
Theo chuyên gia Mỹ, hiện Hải quân Nga có 8 chiến hạm săn ngầm Dự án 1155 “Fregat” và 1155.1 đang hoạt động, và chúng trở thành lực lượng chống tàu ngầm số 1 của Hải quân Nga.
Trong đó, tàu chiến thuộc Dự án 1155.1 được gọi là những kẻ hủy diệt, do có sự thay đổi tiên tiến trong tổ hợp vũ khí tấn công. Đại diện duy nhất của dự án này là “Đô đốc Chabanenko”, có khả năng tác chiến linh hoạt hơn nhiều so với các tàu tiền nhiệm.
Chiến hạm săn ngầm hạng nặng Đô đốc Panteleev thuộc Dự án 1155 từng cập cảng Đà Nẵng.
Trên tàu của dự án 1155 và 1155.1 được bố trí các vũ khí chống tàu ngầm, pháo hạm và pháo phòng không. Hệ thống vũ khí này giúp các chiến hạm có thể tiêu diệt hầu hết mọi loại mục tiêu, cũng như bảo vệ con tàu khỏi tên lửa hành trình và ngư lôi.
Phần chính của vũ khí chống ngầm là tổ hợp “Rastrub-B” (mã định danh của NATO là SS-N-14 Silex) có khả năng bắn tên lửa-ngư lôi, gồm 2 bệ phóng nằm dưới cầu dẫn đường.. Đây là loại tên lửa vượt xa tầm bắn của ngư lôi lắp trên các tàu ngầm của NATO.
Ngoài ra, còn có 8 bệ phóng tên lửa “Blade” (SA-N-9 “Gauntlet”) có thể phóng 64 tên lửa, cùng với 2 bệ pháo 100 mm và nhiều loại vũ khí hiện đại khác.
Các chiến hạm hạng nặng thuộc Dự án 1155 Udaloy có lượng choán nước 6.840 tấn, chiều dài 163,5m, rộng 119,3m. Tàu có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 54 km/giờ và có khả năng chở được 2 trực thăng chống ngầm Ka-27.
“Đô đốc Chabanenko” thuộc Dự án 1155.1 được trang bị vũ khí chống tàu ngầm và phòng không, đồng thời có thể sử dụng tên lửa hành trình Moskit-M, được thiết kế để tiêu diệt tàu nổi và các mục tiêu mặt đất. Tầm hoạt động của loại vũ khí này có thể lên tới 120 km, di chuyển với tốc độ siêu thanh (2,5M).
Ngoài ra, Đô đốc Chabanenko được trang bị hệ thống phòng không “Kortik”, là kết hợp của bệ phóng tên lửa phòng không 9M311-1 và hai khẩu pháo tự động 6 nòng cỡ 30 mm. Nó có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 8 km trong phạm vi độ cao từ 5 – 3500m.
Chiến hạm uy lực này có thể mang 128 tên lửa và cơ số đạn lên tới 24.000 viên. Thủy thủ đoàn biên chế trên các tàu chiến này có thể lên tới 300 người.
Video: Tuần dương hạm săn ngầm hạng nặng dự án 1155 của Hải quân Nga
Theo đánh giá của các chuyên gia, các tuần dương hạm thuộc Dự án 1155 và 1155.1 là một trong những công cụ hữu hiệu nhất mà Hải quân Liên Xô sử dụng trong Chiến tranh Lạnh, và là vũ khí có thể vô hiệu hóa sức mạnh dưới mặt nước các vũ khí tấn công chiến lược của Mỹ.
Sau khi Liên Xô tan rã, trong một thời gian khá dài, các hạm đội Nga vẫn tiếp tục duy trì sức mạnh chống ngầm đáng gờm bằng cách cử một vài tàu chống ngầm hạng nặng thực hiện các chuyến thăm dài ngày tới các khu vực chiến lược.
Các tàu tuần dương thuộc Dự án 1155 và 1155.1 hiện đóng vai trò trụ cột của lực lượng chống ngầm của Hải quân Nga. Những con tàu này có khả năng hoạt động ở các khu vực biển và đại dương xa xôi, trở thành một phần của các nhóm tác chiến hỗn hợp hoặc thực hiện các chuyến đi tác chiến độc lập.
Chiến hạm Nga va chạm tàu hàng vì sương mù
Hải quân Nga cho biết chiến hạm săn ngầm Kazanets va vào tàu hàng Ice Rose do tầm nhìn kém trong điều kiện sương mù ở eo biển Baltic.
"Tàu chở hàng đông lạnh Ice Rose mang cờ Quần đảo Marshall va chạm với tàu săn ngầm cỡ nhỏ Kazanets của Hạm đội Baltic vào sáng 23/9 khi di chuyển qua khu vực eo biển Baltic trong điều kiện tầm nhìn kém", bộ phận phụ trách báo chí thuộc Hạm đội Baltic của Nga cho biết trong thông cáo hôm qua.
Phát ngôn viên cơ quan quản lý hàng hải Thụy Điển cho biết vào thời điểm xảy ra sự cố, sương mù dày đặc xuất hiện ở eo biển Baltic, trong khi chiến hạm Nga không bật hệ thống nhận diện tự động (AIS). AIS là hệ thống quan trọng giúp tránh các vụ va chạm trên biển.
Hộ vệ hạm cỡ nhỏ Kazanets trong lễ tổng duyệt binh Ngày Hải quân Nga tại Kronstadt, ngày 14/6. Ảnh: RIA Novosti.
"Tôi không rõ tàu Ice Rose có sử dụng hệ thống AIS hay không", phát ngôn viên này nói. Vụ va chạm xảy ra ở vùng biển Đan Mạch, gần cầu Oresund bắc qua eo biển nối Đan Mạch với Thụy Điển.
Tàu Ice Rose đang đi từ thành phố St. Petersburg, Nga đến Gothenburg, Thụy Điển. Đại diện quân đội Đan Mạch cho biết chiến hạm Nga được phép tiến vào vùng biển của Đan Mạch và đã thông báo cho giới chức nước này về sự hiện diện của mình.
Các tàu tuần tra, cứu hộ và trực thăng của Thụy Điển, Đan Mạch đã có mặt ở khu vực xảy ra va chạm để giải quyết sự cố. Hạm đội Baltic cho biết tàu Kazanets bị thủng một lỗ phía trên đường mớn nước sau vụ va chạm, không thủy thủ nào bị thương.
Chiến hạm Kazanets sau đó tự trở về cảng Baltyisk tại vùng Kaliningrad của Nga. Tàu Ice Rose sẽ neo đậu tại vùng biển Đan Mạch cho tới khi "được xác nhận có thể tiếp tục hải trình".
Vị trí cầu Oresund (đánh dấu đỏ), nơi chiến hạm Nga va chạm với tàu hàng. Đồ họa: Google.
Maestro Shipmanagement, công ty quản lý tàu Ice Rose có trụ sở tại Cyprus, xác nhận sự cố đã xảy ra nhưng từ chối bình luận thêm và cho biết họ đang chờ thêm thông tin từ giới chức Đan Mạch. Maestro Shipping, chủ sở hữu con tàu, có trụ sở tại Thụy Sĩ, cũng từ chối bình luận.
Hộ vệ hạm săn ngầm Kazanets thuộc lớp Đề án 1331M Parchim với lượng giãn nước 950 tấn và dài 72 m. Chiến hạm được trang bị pháo AK-725 57 mm, pháo AK-230, hai bệ đặt tên lửa phòng không 9K32 Strela-2, hai ống phóng rocket chống ngầm RBU-6000 và 4 ống phóng ngư lôi 400 mm.
Nga sẵn sàng ra mắt loại vaccine đầu tiên ngừa COVID-19 Nga chuẩn bị ra mắt vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên sau khi tất cả các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng đều có khả năng miễn dịch tốt. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Ruslan Tsalikov cho biết, vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 đầu tiên của Nga, được tạo ra bởi các chuyên gia quân sự và các nhà khoa học...