Tàu sân bay Trung Quốc sắp diễn tập trên Biển Đông
Nhóm tàu sân bay Sơn Đông đi qua eo biển Đài Loan để tới Biển Đông diễn tập, một ngày sau khi chiến hạm Mỹ băng qua khu vực.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan hôm 20/12 cho biết tàu sân bay Sơn Đông của hải quân Trung Quốc (PLAN) xuất phát từ cảng Đại Liên ở phía bắc nước này vào ngày 17/12 và di chuyển xuống phía nam dưới sự hộ tống của 4 chiến hạm.
Sau khi đi qua eo biển Đài Loan hôm qua, nhóm tàu sân bay Trung Quốc tiếp tục hành trình xuống phía nam. Lực lượng phòng vệ Đài Loan triển khai 8 máy bay và 6 tàu chiến để theo dõi nhóm tàu sân bay Sơn Đông di chuyển qua eo biển, cho biết luôn bám sát mọi động thái của các tàu chiến đại lục.
Tàu Sơn Đông chạy thử trên biển hồi tháng 6. Ảnh: CCTV .
“Lực lượng vũ trang có đủ khả năng để bảo đảm an ninh, bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực”, cơ quan này cho biết trong thông cáo.
Phát ngôn viên hải quân Trung Quốc sau đó cho biết nhóm tàu sân bay Sơn Đông vượt qua eo biển Đài Loan để chuẩn bị diễn tập trên Biển Đông. Cuộc diễn tập này là “hoạt động bình thường được thực hiện theo kế hoạch thường niên”, người phát ngôn này nói. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tương tự dựa trên nhu cầu huấn luyện”.
Động thái diễn ra chỉ một ngày sau khi tàu khu trục Mỹ USS Mustin vượt qua eo biển Đài Loan, khiến không quân và hải quân Trung Quốc điều lực lượng bám đuôi. Hải quân Mỹ cho biết nhiệm vụ này thể hiện cam kết của Washington với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Vị trí eo biển Đài Loan nằm giữa đảo Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Đồ họa: Google Map .
Sơn Đông là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, được biên chế một năm trước. Trong một năm qua, tàu sân bay này đã nhiều lần ra biển thử nghiệm nhưng vẫn chưa đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu sơ bộ (IOC).
Thông tin về việc tàu Sơn Đông đến Biển Đông diễn tập được đưa ra vài ngày sau khi chiến hạm này kết thúc đợt thử nghiệm trên biển thứ ba. Các nguồn tin trong quân đội Trung Quốc trước đó cho hay đại dịch Covid-19 đã cản trở chương trình huấn luyện, khi thủy thủ đoàn phải dành nhiều thời gian thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ, sẵn sàng dùng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết và khẳng định việc đi qua eo biển là vi phạm chủ quyền, trong khi Mỹ và nhiều quốc gia xem tuyến đường này là vùng biển quốc tế.
Bắc Kinh gần đây gia tăng áp lực với Đài Bắc khi nhiều lần tổ chức diễn tập quy mô lớn quanh đảo Đài Loan với các khí tài hiện đại nhất trong biên chế. Quân đội Mỹ cũng đẩy mạnh hoạt động tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong những tháng qua, trong đó triển khai hàng chục chuyến bay của các loại trinh sát cơ gần đảo Đài Loan và bờ biển Trung Quốc đại lục.
Tàu sân bay Trung Quốc chưa thể chiến đấu
Tàu sân bay Sơn Đông kết thúc chuyến thử nghiệm thứ ba sau đúng một năm biên chế, nhưng vẫn chưa đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu sơ bộ.
Tàu sân bay Sơn Đông hoàn thành chuyến thử nghiệm thứ ba trên biển Bột Hải và trở về cảng Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh hôm 13/12. Video của kênh CCTV cho thấy trong 23 ngày thử nghiệm trên biển, thủy thủ đoàn tàu Sơn Đông luyện tập khoa mục cất hạ cánh tiêm kích J-15 trên tàu sân bay.
Đợt thử nghiệm trên biển thứ ba của tàu Sơn Đông kết thúc vài ngày trước lễ kỷ niệm một năm biên chế chiến hạm, dự kiến diễn ra ngày 17/12. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc không đề cập gì đến thời điểm tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu sơ bộ (IOC).
Trước đó, tàu Sơn Đông đã hoàn thành một nhiệm vụ thử nghiệm và huấn luyện hồi tháng 10, với khoa mục cất hạ cánh tiêm kích và trực thăng, dọn dẹp sàn đáp và thử nghiệm các hệ thống phòng thủ.
Tàu sân bay Sơn Đông thử nghiệm trên biển Bột Hải trong tháng 12. Video: CCTV .
Một số thông tin cho rằng tàu Sơn Đông có thể đạt IOC sớm nhất vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, một nguồn tin trong quân đội Trung Quốc (PLA) cho biết đại dịch Covid-19 đã cản trở chương trình huấn luyện, khi thủy thủ đoàn phải dành nhiều thời gian thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
"Tất cả thủy thủ phải được cách ly hai tuần trước khi lên tàu và thêm ba tuần sau khi họ về cảng", nguồn tin cho biết. "Việc tàu Sơn Đông có thể hoàn thành các cuộc thử nghiệm và đáp ứng IOC vào đầu năm sau hay không sẽ phụ thuộc vào tình hình đại dịch".
Tờ Wei Wei Po, đặt trụ sở tại Hong Kong, công bố ảnh vệ tinh cho thấy một tàu ngầm lần đầu xuất hiện gần tàu sân bay Sơn Đông trong quá trình thử nghiệm. Giới chuyên gia cho rằng đây có thể là đợt huấn luyện nâng cao khả năng bảo vệ các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của tàu sân bay Trung Quốc.
"Tàu sân bay thường huấn luyện chung với tàu ngầm trong các đợt thử nghiệm trên biển, vì tàu sân bay phải bảo vệ cho tàu ngầm", chuyên gia quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh nói. "Nhưng vẫn còn quá sớm để nhận định khi nào tàu Sơn Đông sẽ đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu".
Sơn Đông là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, được thiết kế dựa trên Liêu Ninh, tàu sân bay Trung Quốc cải hoán từ một tuần dương hạm hạng nặng Varyag chưa hoàn thiện của Liên Xô. Liêu Ninh hiện là tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc đạt IOC.
Giới chuyên gia nhận định hoạt động xây dựng nội thất, hệ thống vũ khí và các khoa mục huấn luyện trên Sơn Đông tương đồng với các siêu tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ, vốn hoạt động trong nhóm tác chiến gồm khu trục hạm, hộ vệ hạm, tàu ngầm tấn công và tàu tiếp liệu.
Một nguồn tin thân cận với hải quân Trung Quốc cho biết "cả Liêu Ninh và Sơn Đông chỉ có thể làm nhiệm vụ phòng thủ" do sử dụng thiết kế tàu sân bay lớp Kuznetsov, với vũ khí chủ lực là tên lửa tên lửa hành trình tầm xa P-700 Granit thay vì tiêm kích. Tuy nhiên, cả hai tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đều không sở hữu tên lửa tương tự.
Chiến hạm Trung Quốc gắn máy phát điện công suất cao Các chiến hạm Trung Quốc được trang bị máy phát điện tiên tiến để cung cấp năng lượng cho các khí tài như pháo điện từ và vũ khí laser. Máy phát điện tuabin khí công suất 20 megawatt được hoàn thiện từ năm 2018 và được biên chế cho quân đội Trung Quốc gần đây, Viện nghiên cứu 704 thuộc Tập đoàn...