Tàu sân bay nội địa của Trung Quốc có gì ?
Hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc được cho là bản sao của chiếc thứ nhất nhưng sẽ tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ tác chiến.
Chiến đấu cơ J-15 huấn luyện trên tàu sân bay Liêu Ninh – Ảnh: 81.cn
Sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi tuần trước xác nhận Bắc Kinh đang đóng hàng không mẫu hạm thứ hai, một số chuyên gia quân sự đã có những bình luận khác nhau về tàu mới.
Điều này có thể xuất phát từ việc phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân không cung cấp nhiều chi tiết về chiếc tàu sân bay tự đóng đầu tiên của nước này. Tại cuộc họp báo ngày 31.12, ông Dương chỉ cho biết thiết kế tàu mới được thực hiện dựa trên kinh nghiệm từ chiếc đầu tiên mang tên Liêu Ninh. Tàu này đang được đóng tại cảng Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh, có độ choán nước 50.000 tấn, nhỏ hơn tàu Liêu Ninh (58.500 tấn). Tàu sẽ hoạt động bằng năng lượng thông thường, được thiết kế dành cho chiến đấu cơ J-15 và có hệ thống cất cánh kiểu nhảy cầu như chiếc đầu tiên.
“Bản sao” của tàu thời Liên Xô
Tàu sân bay đang được đóng sẽ là hàng không mẫu hạm nội địa đầu tiên của Trung Quốc vì tàu Liêu Ninh đã được đóng từ thời Liên Xô, do Ukraine bán lại cho Trung Quốc vào năm 1998. Sau hơn một thập niên cải tạo và trang bị, Trung Quốc mới đưa tàu này vào hoạt động từ năm 2012. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hàng không mẫu hạm tự đóng đầu tiên của Trung Quốc vẫn là bản sao của tàu Liêu Ninh với một số phần được cải tiến nhằm đẩy mạnh khả năng tác chiến trong bối cảnh căng thẳng trên các vùng biển khu vực đang leo thang, theo tờ SouthChina Morning Post.
Một số nhà phân tích chỉ ra tàu mới sẽ nhẹ hơn tàu Liêu Ninh nhưng có thể chứa nhiều chiến đấu cơ hơn và những chiếc J-15 đang huấn luyện trên tàu Liêu Ninh có thể chuyển sang hoạt động trên tàu mới này. Trong đó, thiếu tướng về hưu của Trung Quốc Từ Quang Dụ cho rằng Bắc Kinh có thể đã sẵn sàng phát triển hệ thống phóng máy bay, nhưng lại chọn hệ thống cất cánh kiểu nhảy cầu lạc hậu hơn vì nó giúp J-15 nhanh chóng chuyển tiếp hoạt động huấn luyện và chiến đấu sang tàu mới.
Ngay cả Hoàn Cầu thời báo cũng khẳng định tàu sân bay thứ hai “chia sẻ vài đặc tính tương đồng với tàu Liêu Ninh”. Trong một bài xã luận, tờ báo thường có giọng điệu hiếu chiến thừa nhận: “Xét đến những đặc tính quan trọng của tàu sân bay thứ hai, chúng ta vẫn tụt hậu so với những tàu tiên tiến nhất của Mỹ… Theo tình hình hiện nay, Trung Quốc phải mất thêm nhiều thập niên nữa mới có thể đóng tàu sân bay đẳng cấp thế giới”.
Video đang HOT
Trong khi đó, chuyên gia Tào Vệ Đông tại Viện Nghiên cứu quân sự hải quân Trung Quốc bình luận với Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc rằng tàu sân bay mới có nhiều điểm khác biệt với tàu Liêu Ninh. Ông lập luận chiếc thứ hai sẽ có hệ thống chân vịt mới hoàn toàn, thân tàu được thiết kế độc lập, dùng loại thép đặc biệt do Trung Quốc sản xuất. Ông này còn khẳng định hàng không mẫu hạm mới sẽ được trang bị nhiều hệ thống vũ khí như tên lửa phòng không tầm ngắn và pháo khai hỏa nhanh cùng radar tiên tiến nhất của Trung Quốc.
Át chủ bài mới
Cũng theo ông Tào, tàu sân bay thứ hai là bước đi mới nhất của Trung Quốc trong việc thiết lập hải quân “viễn dương”, tức có năng lực hoạt động ở các vùng biển xa. Ông nói rõ: “Chiến lược hải quân Trung Quốc đã có sự thay đổi đáng kể từ việc phòng thủ gần bờ sang các sứ mệnh hộ tống ở vùng biển xa. Việc phát triển tàu sân bay mới sẽ giúp hải quân có thêm khả năng tiến hành các sứ mệnh hộ tống và bảo vệ tuyến đường biển dọc con đường tơ lụa biển thế kỷ 21″.
Chuyên gia này khoe rằng tàu sân bay thứ hai sẽ mang lại cho Trung Quốc thêm nhiều quyền lực trong vấn đề tranh chấp trên biển. Còn theo đồng nghiệp của ông Tào là học giả Trương Quân Xã, tàu sân bay mới sẽ nhận nhiệm vụ khác với tàu Liêu Ninh. “Chúng ta dùng tàu Liêu Ninh để kiểm tra độ tin cậy và tính tương thích của các hệ thống trên tàu sân bay và huấn luyện. Chiếc tàu sân bay thứ hai sẽ chủ yếu làm nhiệm vụ của một tàu sân bay thật sự là tuần tra tác chiến và cung cấp hỗ trợ nhân đạo”, ông Trương nhận định với tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của Quân giải phóng nhân dân (PLA) Trung Quốc.
Ông Trương cho rằng Trung Quốc cần đóng khẩn cấp tàu sân bay thứ hai vì nước này đang muốn cải thiện hệ thống phòng thủ và tăng cường bảo vệ cái gọi là lợi ích quốc gia. “PLA cần ít nhất 3 tàu sân bay: một chiếc có thể tác chiến, một chiếc huấn luyện trong khi chiếc còn lại được bảo trì”, ông Trương khẳng định.
Trung Quốc đầu tư mạnh cho Hạm đội Nam Hải
Theo tạp chí Kanwa Defence Review, tính đến cuối năm 2015, hải quân Trung Quốc đã có ít nhất 12 khu trục hạm tiên tiến thuộc lớp Type 052D và 22 tàu hộ vệ đa năng Type 054A. Trong đó, Hạm đội Nam Hải, với địa bàn hoạt động ở Biển Đông, được ưu tiên trang bị tàu chiến hiện đại so với 2 hạm đội còn lại của Trung Quốc. Bằng chứng là cho đến nay chỉ có Hạm đội Nam Hải sở hữu tàu Type 052D (tổng cộng 3 chiếc và có thể nhận chiếc thứ 4 vào tháng 3.2016).
Một đại tá Trung Quốc về hưu vừa tiết lộ rằng nhiều tàu hiện đại như Type 052D đang được triển khai đến Biển Đông, theo tờ South China Morning Post.
Hồi tháng rồi, hạm đội này còn nhận 1 tàu do thám, 1 tàu tiếp tế và 1 tàu khảo sát. Khi đó, mạng Guancha.com (Trung Quốc) ngang nhiên loan tin tàu tiếp tế có thể chở binh sĩ luân phiên đến quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Chuyên gia Trung Quốc đánh giá tàu sân bay thứ hai vẫn lạc hậu
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng dựa trên các đặc điểm chính của tàu sân bay thứ hai, nước này vẫn tụt hậu rất xa so với những tàu hiện đại nhất Mỹ chế tạo.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Bài xã luận trên Global Times hôm 31/12 cho rằng hai công nghệ nổi bật là năng lượng hạt nhân và máy phóng chiến đấu cơ vẫn chưa được áp dụng cho tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc. Đồng thời, lượng giãn nước của nó chỉ là 50.000 tấn, tức một nửa so với tàu Mỹ.
Xinhua hôm 2/1 dẫn lời Zhang Junshe, thuộc Học viện Nghiên cứu Quân sự Hải quân Trung Quốc, cho rằng quy mô việc chế tạo tàu sân bay Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với Mỹ và thậm chí cả Ấn Độ.
Là nước đi sau, Trung Quốc cần đóng tàu sân bay dùng năng lượng thông thường trước để lấy kinh nghiệm, sau đó là các tàu hạt nhân, tùy tình hình, ông Zhang nói, nhấn mạnh quy trình thiết kế và chế tạo hoàn toàn ở trong nước, không có sự trợ giúp của nước ngoài.
Ông Zhang nói thêm các tàu sân bay tương lai của Trung Quốc sẽ được gắn máy phóng cho chiến đấu cơ cất cánh trên khoang, nhưng quá trình sẽ diễn ra từ từ vì máy phóng đòi hỏi công nghệ phức tạp hơn.
Theo ông Zhang, tàu sân bay thứ hai sẽ tập trung vào các chiến dịch quân sự nhiều hơn là huấn luyện và thử nghiệm công nghệ. "Tàu sân bay này sẽ có nhiệm vụ khác so với tàu Liêu Ninh", ông nói, đề cập đến tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, được mua lại từ Ukraine và tân trang, thêm vũ khí.
"Chúng tôi dùng Liêu Ninh để thử độ tin cậy và tương thích của các hệ thống trên tàu sân bay, và để huấn luyện. Tàu thứ hai sẽ chủ yếu làm nhiệm vụ các tàu sân bay đích thực vẫn làm: đó là tuần tra tác chiến và viện trợ nhân đạo", ông nói. Nhà nghiên cứu cũng cho biết Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cần ít nhất ba tàu sân bay, một làm nhiệm vụ, một dùng để huấn luyện và chiếc thứ ba được bảo dưỡng.
Tàu sân bay thứ ba đang được chế tạo theo từng bộ phận và sẽ được lắp ráp sau đó tại thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Nó sẽ sử dụng đường băng cất cánh kiểu nhảy cầu (ski-jump) dành cho máy bay cánh cố định, tương tự tàu Liêu Ninh và chở các chiến đấu cơ sản xuất nội địa J-15.
Chen Xuesong, cũng là một nhà nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Quân sự Hải quân Trung Quốc, nói ông tin tàu sân bay mới sẽ là thách thức với các kỹ sư nước này.
"Dù chúng tôi đã thu nạp chuyên môn và kỹ năng từ dự án cải tạo tàu Liêu Ninh, tàu mới sẽ thực sự là lần đầu tiên chúng tôi thiết kế và đóng một tàu sân bay", China Daily dẫn lời ông Chen nói. "Các kỹ sư của chúng tôi phải đảm bảo thiết kế về cấu trúc tốt và đảm bảo chất lượng các bộ phận thép".
Trung Quốc đang dần bổ sung các tàu khu trục nhỏ, tàu khu trục và tàu ngầm hạt nhân hiện đại vào đội tàu. Việc hiện đại hóa hải quân nhanh chóng của nước này được coi là nhằm củng cố yêu sách chủ quyền và mở rộng sức mạnh xa khơi. Những tham vọng của Bắc Kinh làm gia tăng căng thẳng với Nhật, Mỹ và các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý với hầu hết Biển Đông, nơi có những tuyến đường biển then chốt, với nguồn hải sản dồi dào và tài nguyên khoáng sản tiềm năng.
Trong báo cáo đầu năm nay, Lầu Năm Góc cho rằng Bắc Kinh có thể đóng nhiều tàu sân bay trong vòng 15 năm tới.
Trọng Giáp
Theo VNE
Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sẽ là bản sao của tàu Xô Viết Các nhà phân tích nhận định tàu sân bay chế tạo nội địa đầu tiên của Trung Quốc sẽ là bản sao của một tàu thời Liên Xô cũ với một số cải tiến. Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: AP SCMP dẫn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết tàu sân bay mới sẽ dùng năng lượng thông thường,...