Tàu sân bay Mỹ nguy cơ bị thất sủng
Tàu sân bay Mỹ hiện nay được dự đoán sẽ dần mất đi chỗ đứng bởi chúng khó có thể đối phó với những mối đe dọa mới.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln thuộc lớp Nimiz của hải quân Mỹ. Ảnh: CNN
Tàu sân bay từ lâu được coi là “xương sống” giúp giữ vững năng lực duy trì hiện diện toàn cầu của Washington. Tuy nhiên, hôm 3/11, trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, các quan chức quân sự hàng đầu nước này đã nêu lên những mối hiểm họa của việc không thể đảm bảo một hạm đội tàu sân bay đủ lớn, theo CNN.
Nhưng bản báo cáo mới nhất của chuyên gia hải quân Jerry Hendrix từ Trung tâm An ninh Mỹ Mới cho rằng vấn đề mà hải quân gặp phải không chỉ dừng lại ở việc thiếu tàu chiến hay phi cơ trên các sân bay di động này.
Lầu Năm Góc hiện tập trung phát triển các mẫu chiến đấu cơ đa nhiệm nhưng không chuyên sâu để phối hợp tác chiến hay trang bị cho tàu sân bay. Trong khi đó, các nước đối thủ lại đang đẩy mạnh nghiên cứu những công nghệ vũ khí nhằm đánh chìm tàu sân bay Mỹ. Thực tế này buộc chúng ta phải nghĩ tới một viễn cảnh mà ở đấy hạm đội tàu sân bay Mỹ bị “xếp xó” vì không còn đất dùng, ông Hendrix nhận định.
Sự trỗi dậy về quân sự của những cường quốc mới còn buộc hải quân Mỹ phải xuất hiện ở những vùng nước xa xôi hơn, nằm ngoài tầm hoạt động của các chiến đấu cơ đóng trên tàu sân bay, ông cho biết thêm.
“Điều này sẽ hạn chế khả năng tác chiến của các đơn vị quân đội, từ đó làm suy giảm uy tín của Mỹ”, Hendrix nói.
Áp lực thay đổi
Đội tàu sân bay cùng dàn chiến đấu cơ hay chiến hạm chúng mang theo luôn được miêu tả như nền tảng cho sức mạnh hải quân Mỹ từ khi Thế chiến II kết thúc tới nay. Hơn 70 năm qua, Lầu Năm Góc đã bỏ ra những khoản tiền đáng kinh ngạc nhằm mở rộng và nâng cấp hạm đội tàu sân bay, phục vụ cho mục tiêu củng cố ảnh hưởng toàn cầu.
Song, theo bản báo cáo, quyết định sai lầm của Washington trong gần 20 năm khi ưu tiên các chiến đấu cơ tầm ngắn, hạng nhẹ, thay vì phát triển máy bay tầm xa với khả năng tấn công thọc sâu, đang đe dọa tới sự an toàn của chiến hạm Mỹ. Việc các quốc gia đối thủ có xu hướng chú trọng vào những công nghệ tên lửa diệt hạm càng khiến vấn đề trở nên đáng báo động.
Hendrix đánh giá việc để mất tới 7 tàu sân bay trong Chiến tranh Thế giới II khiến hải quân Mỹ ban đầu ưu tiên chế tạo chiến đấu cơ có khả năng bay xa, tiêu diệt các mục tiêu mặt đất, đồng thời giúp tàu sân bay giữ khoảng cách tối ưu với lãnh thổ của đối phương.
Nhưng đặt trong bối cảnh hải quân Mỹ có thể tiếp cận tất cả các vùng biển trên thế giới mà không gặp bất kỳ cản trở nào sau khi Liên Xô tan rã, mục tiêu này đã được thay đổi, chuyển hướng sang tập trung vào những chiến đấu cơ hạng nhẹ tầm ngắn đa nhiệm. Các máy bay này có chi phí bảo trì ít tốn kém hơn cũng như có thể xuất kích từ tàu sân bay nhanh hơn những chiến đấu cơ tầm xa trước đây.
Dù hải quân Mỹ cùng dàn chiến đấu cơ của mình vẫn được đánh giá là một lực lượng có sức mạnh áp đảo toàn cầu nhưng Hendrix cho hay bước thay đổi trong phương hướng phát triển cùng sự nổi lên của những sức mạnh mới, điển hình là Trung Quốc với kế hoạch theo đuổi công nghệ tên lửa diệt tàu sân bay tầm xa, có thể sẽ khiến các hạm đội Mỹ khốn đốn. Nga, Triều Tiên và Iran cũng đang đầu tư vào những công nghệ tên lửa tương tự.
Washington hiện vẫn rất tự tin vào năng lực của các hạm đội tàu sân bay. Ông William Marks, phát ngôn viên hải quân Mỹ, khẳng định “tàu sân bay là lực lượng trên biển duy nhất đủ sức thực hiện mọi hoạt động quân sự cần thiết để bảo vệ cho lợi ích quốc gia. Tàu sân bay cùng chiến đấu cơ chúng đem theo mang tới khả năng phản ứng linh hoạt tuyệt vời cho các chỉ huy”.
Để chống lại những mối nguy hiểm đang gia tăng, hải quân đã trang bị cho các tàu khu trục và tàu tuần dương mới nhất trong cụm tàu sân bay chiến đấu của mình các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, đồng thời bổ sung những hệ thống cảm biến và ngắm bắn hiện đại cho tàu chiến và chiến đấu cơ, giúp các chỉ huy, phi công và thủy thủ đoàn chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực.
Video đang HOT
Chúng cho phép họ “phát hiện, theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu tiếp cận từ khoảng cách hàng trăm km”, Marks nhấn mạnh.
Dù vậy, Hendrixz nghi ngờ việc nâng cấp phòng thủ là chưa đủ. Theo ông, hải quân nên cân nhắc lại các loại chiến đấu cơ trong kế hoạch mua sắm, xem xét đầu tư vào những mẫu có tầm hoạt động xa hơn.
“Phạm vi tác chiến của máy bay cần được mở rộng để có thể thực hiện cả các nhiệm vụ tấn công thọc sâu”, ông Hendrix nhận xét.
Một báo cáo khác từ Trung tâm Sức mạnh Hải quân Mỹ thuộc Viện Hudson cũng cho rằng Washington nên tăng cường phạm vi hoạt động của các chiến đấu cơ nhằm bảo vệ tốt hơn cho tàu sân bay.
Dakota Wood, chuyên gia quốc phòng tại Quỹ Heritage, trụ sở ở Washington, đồng tình với quan điểm của Hendrix. Theo ông, hải quân nên điều chỉnh cách tư duy về tàu sân bay khi mà năng lực chống hạm của các đối thủ đang ngày một lớn mạnh.
Tuy nhiên, bất kỳ lời bình luận nào nói tàu sân bay sẽ bị “thất sủng” đều là những nhận định thiếu chín chắn bởi hiện tại rất ít quốc gia sở hữu vũ khí có đủ độ chính xác để tạo thành mối đe dọa cho tàu sân bay Mỹ, Wood nói. “Tôi nghĩ tàu sân bay sẽ tồn tại với diện mạo như bây giờ thêm khoảng vài năm nữa”.
Tàu sân bay USS Saratoga. Ảnh: CNN
Vũ Hoàng
Theo VNE
Nga khoe dàn chiến hạm hiện đại nhân Ngày Hải quân
Hàng loạt chiến hạm cả mới và cũ với hệ thống vũ khí tối tân được dịp phô diễn sức mạnh trong đợt kỷ niệm Ngày Hải quân của Nga.
Ngày Hải quân Nga được tổ chức thường niên vào chủ nhật cuối cùng của tháng 7, bắt đầu từ năm 1939, nhằm kỷ niệm chiến thắng của Nga tại trận Gangut.
Trận Gangut, diễn ra từ ngày 27/7 đến 7/8/1914 trên vịnh Rilax, phía bắc bán đảo Hanko, là cuộc đối đầu giữa hải quân Nga và Thụy Điển trong khuôn khổ Đại chiến Bắc Âu. Sau 11 ngày giao tranh, Nga cuối cùng đánh bại Thụy Điển, đánh dấu chiến thắng quan trọng đầu tiên của lực lượng hải quân trong lịch sử nước Nga.
Trong ảnh, tàu hộ tống Steregushchy đậu tai bến cảng thành phố St. Petersburg cho khách tham quan. Nga hiện hoàn thiện và đưa vào sử dụng ba tàu lớp Steregushchy. Loại tàu này thường được điều động cho các nhiệm vụ hoạt động ven biển, tiêu diệt tàu ngầm, tàu mặt nước và yểm trợ đổ bộ.
Tàu hộ tống Boiky được bàn giao cho Hạm đội Baltic trong buổi lễ diễn ra tại bãi neo đậu thuộc nhà máy đóng tàu Severnaya Verf ở St. Petersburg.
Tàu Boiky có lượng giãn nước 2.000 tấn, đạt tốc độ 50 km/h, thủy thủ đoàn 100 người, bao gồm cả nhân viên bảo dưỡng trực thăng. Tàu được tích hợp công nghệ tàng hình nhằm làm giảm đáng kể các tín hiệu radar, cũng như thủy âm, hồng ngoại và từ tính.
Tàu chống ngầm diễn tập chuẩn bị cho lễ diễu hành kỷ niệm Ngày Hải quân, ngoài khơi bờ biển thành phố Baltiysk.
Tàu hộ tống Stoiky thuộc Dự án 20380 nên cũng sở hữu những tính năng tương tự tàu Steregushchy, tuy nhiên được cải tiến ở một số chi tiết.
Tàu đổ bộ đệm khí loại nhỏ Yevgeny Kocheshkov diễn tập. Tàu Yevgeny Kocheshkov được thiết kế để chuyên chở các đơn vị tấn công và phương tiện chiến đấu. Tàu cũng có khả năng đặt ngư lôi trên biển. Nhờ ưu điểm của bộ đệm khí, tàu có thể di chuyển trên bờ mà không bị cản trở bởi những chướng ngại vật như mương, hào, rãnh hay các bãi mìn, đầm lầy.
Tàu đổ bộ tốc độ cao Denis Davydov tập trận trong khu vực thử nghiệm Khmelyovka, thuộc quyền quản lý của Hạm đội Baltic ở Kaliningrad. Tàu dài 45 m, rộng 8,5 m, lượng giãn nước 2.980 tấn, tốc độ tối đa đạt 70 km/giờ, tầm hoạt động 800 km và chỉ yêu cầu một đội 6 người để thao tác điều khiển.
Tàu hộ tống nhỏ Astrakhan thuộc lớp Buyan trong một buổi tập. Các tàu lớp Buyan được thiết kế đặc biệt để hoạt động ở các vùng nước nông. Tàu có tính cơ động cao và cũng sở hữu công nghệ tàng hình. Tàu có khả năng tác chiến độc lập trong 10 ngày, vượt quãng đường hơn 2.770 km.
Từ trái qua, tàu hộ tống hải quân Steregushchy, tàu khu trục Nastoichivy và tàu khu trục nhỏ Gorshkov hôm 19/7 neo tại khu căn cứ của Hạm đội Nga ở thành phố Baltiysk, Kaliningrad.
Tàu ngầm Vyborg lớp Kilo (trước) và tàu Stary Oskol thuộc lớp Kilo cải tiến tham gia một biểu diễn tập chuẩn bị cho lễ kỷ niệm Ngày Hải quân.
Ở dưới nước, tàu Kilo có thể di chuyển với tốc độ 37 km/h, lặn sâu 300 m và hoạt động độc lập trong 45 ngày. Khả năng tác chiến của tàu ngầm lớp Kilo cũng được tối ưu hóa nhờ sử dụng tên lửa đối hạm 3M-54E Club-S được hỗ trợ bởi các hệ thống điện tử tiên tiến. Với tầm bắn đạt tới 220 km và mang theo đầu đạn 450 kg, tàu Kilo có thể tấn công mục tiêu nhanh, từ khoảng cách xa, giúp nâng cao khả năng sống sót trong thực chiến.
Tàu ngầm tên lửa hạt nhân lớp Borei K-535 Yuri Dolgorukiy tiến hành chạy thử nghiệm trên biển. Hải quân Nga hiện biên chế ba tàu ngầm loại này.
Tàu Borei có thể lặn tới độ sâu tối đa khoảng 450 m, tốc độ di chuyển trong nước gần 56km/h. Tàu có thiết kế thủy động lực học tối ưu cùng hệ thống bơm phun nên hoạt động rất êm. Borei được vũ trang từ 12 - 16 tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) RSM-56 Bulava với tầm bắn trên 8.300 km. Mỗi tên lửa gồm từ 6 - 10 đầu đạn hạt nhân. Mỗi tàu có thể mang theo từ 72 - 196 đầu đạn.
Siêu tuần dương hạm Varyag tham gia buổi lễ kỷ niệm ngày Hải quân tại Vladivostok.
Varyag được trang bị hệ thống vũ khí cực mạnh, phục vụ nhiều nhiệm vụ khác nhau. Varyag sở hữu 16 tên lửa chống hạm tầm xa P-500 Bazalt cải tiến, tầm bắn 550km, tên lửa được dẫn đường kết hợp quán tính và radar chủ động. Trong suốt quá trình bay đến mục tiêu, các tham số về mục tiêu được hiệu chỉnh thông qua một kênh liên kết dữ liệu với máy bay Tu-95D hoặc trực thăng Ka-27B.
Tàu tuần dương nguyên tử hạng nặng Pyotr Veliky thuộc lớp Kirov.
Chiến hạm lớp Kirov có lượng giãn nước tối đa 28.000 tấn, chiều dài 252m, rộng 28,5m, tốc độ cực đại lên tới gần 60 km/h, tầm hoạt động không giới hạn.
Các tuần dương hạm thuộc lớp này được trang bị hệ thống tên lửa đối hạm thuộc nhiều chủng loại khác nhau như tên lửa P-700 Granit, tên lửa phòng không tầm xa S-300F, tên lửa phòng không 9K95 Tor hay OSA-MA cùng các ống phóng ngư lôi 533 mm.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov trên biển Barent.
Không như các tàu sân bay khác của phương Tây vốn luôn cần một đội tàu hộ tống, Đô đốc Kuznetsov được thiết kế để có thể độc lập tác chiến chống lại các loại tàu khác với hệ thống vũ khí riêng.
Tàu Kuznetsov có thể mang 17 máy bay cùng 24 trực thăng các loại. Tàu được trang bị hệ thống tên lửa phòng không Klinok cùng hệ thống chống ngầm hiện đại nhằm đảm bảo an toàn cho hạm đội hơn 1.900 người trước mọi kịch bản tấn công.
Vũ Hoàng
Tổng hợp
Nga sẵn sàng lắp Kalibr/Klub cho Gepard, Molnya Việt Nam Nga sẵn sàng lắp đặt tên lửa Kalibr (còn gọi là Klub) trên các chiến hạm thuộc đề án Gepard và dành cho Việt Nam. Loại tên lửa hành trình này còn có thể được trang bị cho tàu tuần tra Molnya được đóng tại Việt Nam theo giấy phép của Nga. Hãng tin Nga Sputnik đưa tin rằng, tên lửa trứ danh...