Tàu sân bay Mỹ không vào bờ để tránh Covid-19
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman ở ngoài khơi để tránh Covid-19 và sẵn sàng được điều động nếu cần.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman . Ảnh Hải quân Mỹ
Tờ Navy Times ngày 14.4 đưa tin nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman của Mỹ vừa hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn ở ngoài khơi theo lệnh mới nhằm bảo vệ các thủy thủ trước nguy cơ nhiễm Covid-19 nếu lên bờ.
Theo các quan chức Hải quân Mỹ, nhóm tác chiến tàu sân bay này chưa quay về cảng Norfolk (bang Virginia, Mỹ) sau khi được điều động đến các khu vực hoạt động của Hạm đội 5 và Hạm đội 6.
Bên cạnh việc giúp các thủy thủ tránh nguy cơ mắc Covid-19, việc ở ngoài khơi thuộc khu vực Tây Đại Tây Dương giúp các tàu trong nhóm có thể được điều động nhanh khi cần thiết.
“Tàu đang ở tư thế sẵn sàng nếu được điều động bất ngờ. Bình thường chúng tôi cũng sẵn sàng khi neo đậu tại cảng, nhưng do dịch Covid-19, chúng tôi cần bảo vệ các tài sản có giá trị nhất và những người của chúng tôi bằng cách giữ tàu ở ngoài khơi”, theo phó đô đốc Andrew Lewis, chỉ huy Hạm đội 2.
Chuẩn đô đốc Andrew Loiselle, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay số 8, cho biết nhiều thủy thủ có thể không vui với chỉ đạo mới, trong đó có nhiều người rời cảng Norfolk từ tháng 9.2019 để thực thi các nhiệm vụ trên biển.
Thuyền trưởng tàu sân bay USS Theodore Roosevelt: ‘Thủy thủ đâu cần phải bỏ mạng’ vì Covid-19
Trong chuyến ra khơi vừa qua, tàu USS Harry S. Truman từng cùng tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower hoạt động tại vùng Vịnh giữa căng thẳng Mỹ – Iran.
Ông Loiselles cho biết sau khi hoàn thành sứ mệnh, các thủy thủ không muốn gì khác ngoài việc đoàn tụ với gia đình và bạn bè.
“Chúng tôi biết rằng đây là các tình huống đặc biệt và trách nhiệm bây giờ là đảm bảo khả năng đáp ứng lời kêu gọi của tổ quốc, cũng như bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của các thủy thủ”, ông phát biểu.
Các thủy thủ trên tàu sân bay USS Harry S. Truman Ảnh: Hải quân Mỹ
Nhóm tác chiến gồm tàu sân bay USS Harry S. Truman, các tàu khu trục Forrest Sherman, Farragut, Lassen và tàu tuần dương Normandy. Dự kiến Hải quân Mỹ sẽ có thông báo mới cho các thủy thủ và người thân trong 3 tuần nữa.
Trước đó, một thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tử vong do các biến chứng của bệnh Covid-19 sau khi nhập viện tại đảo Guam, theo CNN ngày 13.4. Đây là một trong 585 thủy thủ mắc Covid-19 trên tàu, trong số tổng cộng khoảng 900 thủy thủ thuộc Hải quân Mỹ mắc Covid-19.
Tại Pháp, nhóm tác chiến tàu sân bay Charles de Gaulle với 1.900 thủy thủ cập cảng vào ngày 12.4 (giờ địa phương) sau khi có 50 người mắc Covid-19. Toàn bộ thủy thủ còn lại đang được cách ly trong 2 tuần để theo dõi.
Khánh An
Đoàn tham quan tàu sân bay Mỹ phải quay về bờ vì biển động
Một đoàn tham quan chiều 5/3 đã lên thuyền ra gần phao số 0 ngoài cảng Tiên Sa, nơi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt neo đậu. Nhưng do biển động, việc lên tàu phải tạm hoãn.
Trước đó, theo dự kiến, đoàn tham quan gồm phóng viên sẽ được ra thăm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Nhưng do biển động, thuyền chở đoàn đã ra gần tàu sân bay phải quay trở lại bờ.
Sáng 5/3, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu tuần dương hộ tống USS Bunker Hill đã tới Đà Nẵng cho chuyến thăm 4 ngày. Lễ đón diễn ra vào buổi trưa.
"Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm quan trọng trong quan hệ song phương... quan hệ ngoại giao của chúng ta đang tốt đẹp nhất từ trước đến nay", Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink phát biểu trong một thông cáo về chuyến thăm.
Một chỉ huy từ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt bắt tay sĩ quan Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng.
Cũng ngày 5/3 đúng hai năm trước, tàu USS Carl Vinson tới Đà Nẵng và trở thành tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Mỹ thăm Việt Nam sau chiến tranh.
Huy Khâm, phóng viên hãng thông tấn Reuters, chia sẻ "không lên tàu được cũng cảm thấy tiếc", vì anh đang hào hứng có lại cảm giác như khi thăm tàu USS Carl Vinson hai năm trước.
"Mỗi con tàu như một thành phố, lên con tàu mới như trải nghiệm thành phố mới", anh nói.
"Nếu được lên, cảm giác thích nhất là sự quy mô, hoành tráng, hiện đại, khả năng kết nối các hệ thống của con tàu quá phức tạp, cảm giác khâm phục sự hiện đại, tối tân", Khâm nói thêm. "Một số người khác cũng đang tiếc vì không mua được đồ lưu niệm, bật lửa".
"Mình cũng đã lên Facebook xem trước tàu nó như thế nào, nói chung cũng hào hứng muốn lên tàu chụp ảnh", Lê Văn Chương, phóng viên báo Biên Phòng ở Đà Nẵng, cho biết. Anh đã mong vẫn thuyền vẫn cho đoàn lên tàu dù sóng mạnh. "Họ quá cẩn thận".
Việc lên tàu USS Theodore Roosevelt tham quan bị hoãn vì thời tiết. Ảnh: Thuận Thắng.
Một số thủy thủ tàu USS Theodore Roosevelt nói với Zing.vn nếu sóng mạnh, thuyền chở đoàn sẽ va đập mạnh vào thành tàu, khiến việc lên xuống tàu rất nguy hiểm. "Nhưng nếu trên tàu sân bay thì như đất liền, sóng mạnh đến mấy cũng không cảm thấy gì", một thủy thủ cho biết.
"Qua việc này cũng cảm nhận khó khăn của lính biên phòng", anh Khâm nói thêm. "Tàu lớn của nước phát triển, trang bị như vậy cũng khó hỗ trợ cho mọi người lên. Tàu nhỏ của Việt Nam mình chắc cũng gặp không ít khó khăn trên Biển Đông".
Theo Zing.vn
Tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh khu vực Chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ tới Đà Nẵng góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ song phương, duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) và tàu tuần duyên USS...