Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc kết thúc chạy thử
Hàng không mẫu hạm của Trung Quốc vừa trở về cảng Đại Liên sau khi hoàn tất cuộc chạy thử đầu tiên hôm qua.
Tàu sân bay Trung Quốc ở cảng Đại Liên. Ảnh: AP.
Con tàu vượt qua sương mù dày đặc và xuất hiện ở cách cảng Đại Liên 3 km lúc 10h30 sáng qua, Mirror Evening News, bao có trụ sở ở Bắc Kinh, đưa tin. Ít nhất 7 tàu kéo dẫn đường cho hàng không mẫu hạm này về cảng giữa tiếng hò reo và pháo hoa sáng rực. Các sĩ quan hải quân đi bộ thư thái trên tàu, song tất cả vũ khí ở đây đều được che kín, VOA cho biết.
Nhiều người đam mê quân sự ở Trung Quốc tỏ ra hào hứng với hành trình đầu tiên của con tàu sân bay. “Tôi nghĩ tàu sân bay giờ càng mạnh mẽ hơn sau khi nó hoàn tất cuộc thử”, một người lấy tên là feibaoluyang trên diễn đàn quân sự lớn ở Trung Quốc cho biết. “Tôi sẽ uống say với bạn bè đêm nay”.
Video đang HOT
Trung Quốc mua vỏ tàu Varyag từ Ukraina năm 1998 và bắt đầu cải tạo nó thành tàu sân bay đầu tiên của nước này. Nó bắt đầu chuyến hành trình đầu tiên trên biển hôm 10/8. Nhiều báo dẫn nguồn tin giấu tên trong quân đội Trung Quốc cho biết tàu này sẽ được giao cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào ngày 1/8 năm tới, trùng với kỷ niệm 85 năm ngày thành lập lực lượng này.
Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc chạy thử trong thời điểm căng thẳng về chủ quyền trên Biển Đông lên cao. Mỹ cũng tỏ ra quan ngại về việc Trung Quốc thiếu minh bạch trong vấn đề tàu sân bay.
Tuy nhiên, giới chức Bắc Kinh phản ứng lại rằng tàu này không đe dọa bất cứ nước nào và rằng mục đích của nó chỉ là để nghiên cứu và huấn luyện. Họ cũng chỉ ra rằng Trung Quốc là nước duy nhất trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không có tàu sân bay đang hoạt động.
Trong khi đó, Mỹ vừa điều hai tàu sân bay tới châu Á. Chiếc USS George Washington vừa đến vùng biển tiếp giáp Việt Nam, hôm qua. Mỹ cũng mời quan chức quân sự và chính phủ Việt Nam lên con tàu lớp Nimitz dài 333 mét này. USS George Washington được cho là đang trong hành trình thiện chí quanh các nước châu Á-Thái Bình Dương.
Con tàu thứ hai là USS Ronald Reagan bắt đầu chuyến đi 4 ngày tới Hong Kong hôm 12/8. Công chúng được phép lên tàu tham quan.
Theo VNExpress
Trung Quốc tuyên bố cần 3 tàu sân bay
Một viên tướng Trung Quốc khẳng định nước này cần ít nhất 3 hàng không mẫu hạm để bảo vệ các lợi ích của mình, chỉ một ngày sau khi cho phát một đoạn phim hiếm hoi về chiếc tàu sân bay Shi Lang.
"Chúng ta nhìn sang những người láng giềng, và thấy rằng Ấn Độ cũng như Nhật Bản đều sẽ có 3 hàng không mẫu hạm từ nay cho tới năm 2014", AFP trích lời thiếu tướng La Viện, một nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc. "Vì thế, tôi cho rằng con số tàu sân bay phù hợp đối với Trung Quốc không thể ít hơn 3 chiếc, nhằm giúp chúng ta có thể bảo vệ các quyền và lợi ích hải dương một cách hiệu quả."
Tàu sân bay Shi Lang của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Bình luận của ông La được đăng trên Beijing News hôm qua, tức là không lâu sau khi Trung Quốc tuyên bố rằng chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này, dự kiến mang tên Shi Lang, chủ yếu được sử dụng phục vụ công tác huấn luyện và nghiên cứu. Bắc Kinh lâu nay vẫn tin rằng 3 chiếc tàu sân bay của Nhật Bản vốn được chế tạo để dành cho việc hỗ trợ các hoạt động của trực thăng, sẽ sớm được hoán cải hoàn toàn thành một hàng không mẫu hạm thực thụ.
Trước thực tế là một cường quốc mới nổi nhưng lại chưa có tàu sân bay nào trong biên chế, Trung Quốc đã mua một hàng không mẫu hạm của Ukraina và hoán cải phục vụ cho mục đích quân sự. Giới quân sự Trung Quốc mãi tới gần đây mới chính thức xác nhận thông tin này, khiến dấy lên sự lo ngại trong khu vực.
"Chúng tôi đang làm mới lại một chiếc tàu sân bay cũ, và sẽ sử dụng nó vào việc nghiên cứu khoa học, thí nghiệm và huấn luyện", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Cảnh Nhạn Sinh nói trong một cuộc họp báo gần đây. Khi được hỏi liệu việc chiếc tàu Shi Lang xuất hiện trong biên chế của quân đội Trung Quốc có làm tăng năng lực quân sự của nước này, ông Cảnh chỉ nói rằng "đánh giá quá cao hoặc quá thấp vai trò của một tàu sân bay đều không đúng".
Ở một diễn biến khác, trong một cuộc họp báo chung mới đây với Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mike Mullen, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức cho rằng việc cường quốc châu Á có một tàu sân bay là cần thiết và còn nhấn mạnh rằng Mỹ cũng đang có 11 hàng không mẫu hạm trong biên chế. "Trung Quốc là một nước lớn nhưng lại chỉ có một số chiếc tàu, mà hầu hết là loại nhỏ. Điều này không tương xứng với tầm vóc của một đất nước như Trung Quốc", ông Trần nói.
Mỹ hôm qua hoan nghênh việc Trung Quốc công khai dự án tàu sân bay, coi đó là một bước tiến tới sự minh bạch hơn giữa hai cường quốc Thái Bình Dương.
Trung Quốc mua lại chiếc tàu sân bay có trọng tải 67.500 tấn từ Ukraina năm 1998 với giá khoảng 200 triệu USD. Ban đầu, Bắc Kinh định sử dụng chiếc tàu như một khách sạn nổi trên đại dương. Nhưng ý định này nhanh chóng thay đổi và tàu sân bay Shi Lang được người Trung Quốc hoàn thiện nốt đúng theo thiết kế ban đầu như một tàu sân bay phục vụ quân sự.
Theo VNExpress
Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên xác nhận chế tạo tàu sân bay Bộ quốc phòng Trung Quốc hôm nay cho biết một hàng không mẫu hạm đang được chuẩn bị để chạy thử trên biển "sẽ được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, thí nghiệm và đào tạo". Con tàu Varyag mà Trung Quốc mua lại từ Ukraine. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc xác nhận nước này đang...