‘Tàu nổ quá nhanh, chẳng ai kịp phản ứng’
Ăn cơm chiều xong, mọi người đang nói chuyện thì bất ngờ một tiếng nổ lớn phát ra từ khoang lái. Nhiều người bị hất văng xuống biển, vài người bám được vào mạn tàu nhưng đều bất tỉnh.
Sau vụ nổ tàu cá của ngư dân xã Hải Châu (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), 5 người sống sót đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tĩnh Gia. Sức khỏe dần hồi phục, nhưng tinh thần họ rất hoảng loạn. Nghe tin nhiều bạn nghề tử nạn với thi thể không còn nguyên vẹn, nhiều người ôm mặt khóc.
Tỉnh giấc sau cơn mê sảng, anh Bùi Hữu Nam (23 tuổi, ở xã Hải Châu) cho biết, hiện đầu còn choáng váng và khả năng nghe rất kém. Theo anh Nam, chiều 26/2 tàu đang ở vùng biển Lạch Cờn (Nghệ An). Khoảng 19h, sau bữa cơm, mấy anh em đang ngồi ngoài khoang tàu nghỉ ngơi uống nước chờ thả mẻ lưới tiếp thì bỗng có tiếng nổ vang trời phát ra từ khoang lái.
“Vụ nổ diễn ra quá nhanh nên mọi người không kịp phản ứng. Tôi bất tỉnh ngay sau tiếng nổ kinh hoàng đó. Bị bắn xa con tàu cả mấy mét, vừa rơi xuống nước thì tôi hồi tỉnh. Lấy hết sức bình sinh tôi cố nhoài người bơi về phía tàu. Khi bò lên được khoang, tôi lại ngất lịm. Khi mở mắt đã thấy mình nằm trong bệnh viện”, anh Nam thuật lại.
Cũng theo anh Nam, phía trong khoang lái lúc đó có mấy bình gas lớn dùng để nấu ăn và bình ắc quy nên cũng không ai biết nguyên nhân nổ do bình ắc quy hay bình gas…
Anh Bùi Hữu Nam đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Lê Hoàng.
Nằm cạnh giường anh Bùi Hữu Nam là nạn nhân Nguyễn Văn Hoàng (30 tuổi, anh vợ chủ tàu Phạm Văn Hoài, hiện mất tích ngoài khơi). Vẻ mặt sợ hãi, đôi mắt nhắm nghiền, anh Hoàng kể: “Tôi chỉ nghe tiếng nổ chát chúa rồi sau đó không nhớ gì nữa”. Người thân cho biết, anh Hoàng bị thương nặng ở vùng mặt, vai và hông. Hơn ngày qua anh chưa ăn được cơm mà chỉ truyền thuốc và uống chút sữa.
Ngồi bên giường bệnh chăm sóc chồng, chị Trần Thị Nhật kể, hơn ngày sau khi anh Hoàng rời nhà, chị nhận được hung tin. Mấy mẹ con ôm nhau khóc đợi tin. May mắn đến nửa đêm thì nghe dân làng nói anh Hoàng được đi cấp cứu. Giao vội hai đứa nhỏ cho ông bà, chị chạy sang hàng xóm vay nóng vài triệu lo thuốc thang cho chồng. “Phúc nhà còn lớn nên chồng tôi mới giữ được mạng sống, nếu không mấy mẹ con chẳng biết bám víu vào ai”, chị Nhật nức nở.
Video đang HOT
Theo chị Nhật, năm 2007, trong trận bão lớn đổ bộ miền Trung, chồng chị cùng nhiều ngư dân bị sóng đánh chìm tàu, rồi trôi dạt trên biển nhiều ngày. Sau đó anh Hoàng được cứu sống, còn người anh trai đã chết mất xác. Kể từ lần thoát chết đó, anh Hoàng bỏ nghề tìm ra Hà Nội làm thuê kiếm sống.
Gạt nước mắt, chị Nhật kể tiếp, do mới sinh cháu thứ hai được ít tháng nên mọi lo toan kinh tế đều dồn hết lên vai chồng. Đầu năm chưa tìm được việc làm, nhà lại túng quẫn nên anh Hoàng theo dân làng đi đánh cá thuê, ai ngờ gặp tai ương. “Sau này dù cảnh rau cháo qua bữa tôi và các con sẽ không bao giờ để anh đi biển nữa. Mỗi chuyến ra khơi đánh cá nếu kiếm được cũng chỉ vài triệu, nhưng hiểm nguy thì suốt ngày rình rập. Mỗi lần tiễn chồng ra khơi lòng tôi lại thấp thỏm lo âu”, chị Nhật nghẹn ngào.
Ngồi bên giường bệnh chăm sóc cho chồng là anh Nguyễn Văn Hoàng, chị Trần Thị Nhật quả quyết sẽ không bao giờ để chồng đi biển thêm lần nữa. Ảnh: Lê Hoàng.
Cũng theo chị Nhật, những lúc tỉnh táo nhất, anh Hoàng không xác định được nguyên nhân vì sao, vì vụ nổ chỉ trong tích tắc, tất cả mọi người đều bất tỉnh nên chỉ nghi ngờ rò rỉ khí gas khi nấu ăn khiến con tàu lâm nạn.
Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa huyện Tĩnh Gia cho biết, 5 nạn nhân được đưa vào viện lúc 22h50 đêm 26/2 trong tình trạng đa chấn thương vùng ngực, mặt, tay, chân, bụng… Sau một ngày điều trị, hiện tại các nạn nhân đã qua cơn nguy kịch, tuy nhiên về tinh thần vẫn còn hoảng loạn.
“Hiện ngoài dùng thuốc kháng sinh trị các vết thương, bác sĩ phải cho nạn nhân uống thuốc an thần để ổn định tâm lý. Nếu không có gì bất thường, những bệnh nhân này sẽ có thể xuất viện sau 8-10 ngày nữa”, vị bác sĩ phó khoa cho hay.
Trong khi đó suốt buổi chiều và tối 27/2, hàng trăm người dân thôn Liên Thành và thân nhân những người mất tích đã đổ ra bờ biển ngóng tin từ đội cứu hộ đang tìm kiếm 4 người mất tích ngoài khơi. Tiếng khóc than ai oán của những người vợ trẻ và đứa con thơ đôi lúc lại vang lên từng hồi hòa theo tiếng sóng biển gầm gào.
9 nạn nhân vụ nổ đều là anh em họ hàng. Trong đó gia đình ông Phạm Văn Hồ thiệt hại nặng nhất. Ông Hồ, hai con trai Phạm Văn Hoài, Phạm Văn Nhớ cùng đứa cháu họ bị hất văng xuống biển mất tích. 15h chiều 27/2, đội cứu hộ tìm thấy một nửa thi thể ông Hồ, một bộ phận tử thi dính trong ống quần được xác định của anh Phạm Văn Hoài. Số phần tử thi còn lại nghi ngờ của hai nạn nhân mất tích.
Theo anh Nguyễn Văn Đào, ngư dân trực tiếp cứu nạn, cơ may sống sót của những người còn lại rất thấp vì lực lượng cứu hộ đã rà soát trên nhiều km biển nhưng không tìm thấy. Hơn nữa họ phát hiện nhiều phần thi thể trôi nổi gần nơi tàu bị nạn. Dù vậy, chính quyền địa phương vẫn đang điều động 6 thuyền nỗ lực tìm kiếm những người mất tích.
Người thân ông Hồ cho hay, cuối năm ngoái, cả nhà gom góp được chút vốn, vay mượn thêm ngân hàng để đóng mới tàu ra khơi, không ngờ chuyến đi biển đầu năm lại gặp nạn. Hiện vợ anh Phạm Văn Hoài mới sinh con trai 15 ngày tuổi, còn anh Phạm Văn Nhớ mới ăn hỏi, đang đợi đến ngày cưới.
Theo VNE
Vụ sập mái nhà thờ qua lời kể nhân chứng
"Nếu có người ở phía dưới chắc chắn là chết hết rồi anh ạ. Nhiều người gãy tay, chân. Một số người nằm im bất động".
Xung quanh vụ sập mái công trình nhà thờ Ngọc Lâm, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên xảy ra vào khoảng 9h30 ngày 17/1, PV đã đến hiện trường để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.
Tại đây, một số người dân chứng kiến vụ sập kinh hoàng cho biết, vào thời điểm đó, trên mái có hàng chục người đang thi công và bên dưới là nhiều người khác đang trợ giúp với 7 máy trộn bê tông đang hoạt động. Vì việc đổ bê tông được tiến hành thủ công, nên trên mái lúc đó có mặt gần 100 người. Theo quan sát của PV, phần mái nhà thờ rộng khoảng 100m2 mới đổ bê tông đã bị sập hoàn toàn.
Hiện trường vụ sập
Công trình Nhà thờ Ngọc Lâm được khởi công từ tháng 10/2012, phần thi công chủ yếu được huy động từ sức dân trong vùng. Công trình hoàn thành sẽ là nơi cầu nguyện, sinh hoạt tôn giáo của gần 300 giáo dân xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Phần mái sập có độ cao khoảng 10m so với mặt đất. Theo ghi nhận ban đầu, việc thi công được tiến hành một cách tương đối thủ công đối với công trình xây dựng lớn này.
Anh Hiệu trao đổi với PV
Tại hiện trường, anh Phạm Quang Hiệu (45 tuổi, xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) kể: "Khi xảy ra vụ sập mái vòm nhà thờ Ngọc Lâm, tôi cách xa nhà thờ khoảng 1km. Tôi nghe thấy nhiều tiếng nổ to từ phía nhà thờ. Ban đầu tôi cứ ngỡ cháy nhà hay nổ bom, bình gas gì đó. Nhưng ít phút sau tôi thấy mọi người kéo đến vị trí nhà thờ rất đông. Lúc này tôi mới hốt hoảng chạy về phía nhà thờ, đồng thời nhiều taxi cũng chạy đến hiện trường cứu người".
"Vừa chạy, tôi vừa hoảng hồn thấy xe cứu thương, xe PCCC chạy rầm rầm cùng người dân đưa người bị thương rời khỏi nhà thờ qua cầu vào bệnh viện. Lúc tới hiện trường, tôi chỉ biết hết sức lôi các thanh chống và sắt thép để đưa người ra", anh Hiệu nhớ lại.
Các bệnh nhân đang cấp cứu tại bệnh viện
Còn anh Nguyễn Văn Quyền nhà cạnh nhà thờ Ngọc Lâm chưa hết hoảng hốt: "Tôi đang đi làm sơn, nghe sập vội chạy về nhà thờ để cứu người. Vì ở đây có anh và em trai tôi đang làm. Đến nơi nơi tôi lao vào đống đổ nát cứu họ cùng nhiều người dân trong xóm".
"Rất may là toàn bộ những người bị nạn đều ở trên mái vòm nhà thờ, không người nào ở phía dưới. Nếu có người ở phía dưới chắc chắn là chết hết rồi anh ạ. Nhiều người gãy tay, chân. Một số người nằm im bất động. Mọi người nhanh chóng đưa họ đến bệnh viện".
Còn tại cổng Bệnh viện Đa khoa Trung ương tỉnh Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Loan (người bán hàng nước ngoài cổng bệnh viện) cho biết: "Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa thấy ca tai nạn nào lại đông người vào bệnh viện cấp cứu như vậy. Xe cứu thương, xe taxi, xe máy... cứ chạy rầm rầm hàng tiếng đồng hồ đưa bệnh nhân vào viện".
Ông Đào trao đổi với PV
Trao đổi với PV - Ông Phan Bá Đào - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Khi xảy ra sự việc chúng tôi đã tiếp nhận cùng lúc hàng chục bệnh nhân cấp cứu. Trong đó có 3 người đã tử vong, 19 người điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình, 10 người vào khoa tim mạch, 1 ca đang tiến hành mổ vỡ gan và một số bệnh nhân được diều trị tại các khoa khác".
Theo ông Đào, tổng số người nhập viện là hơn 50 người. Do lượng bệnh nhân quá đông và cùng một lúc nên bệnh viện đã phải huy động toàn bộ lực lượng, thiết bị để tiến hành cấp cứu.
Bệnh nhân tay chân miệng tăng cao Theo Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, từ đầu tháng 9 đến nay, mỗi ngày khoa nhi của bệnh viện tiếp nhận 10-20 bệnh nhân bị bệnh tay chân miệng, tăng 2-3 lần so với thời điểm này tháng trước. Hiện toàn tỉnh có hơn 1.300 ca bệnh tay chân miệng. Theo Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ngãi, vào đầu năm...