Tàu nghìn tỷ sẽ bán sắt vụn?
Cục Hàng hải VN đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng cho phép phá dỡ những con tàu thuộc sở hữu VN mang quốc tịch nước ngoài nhưng không còn khả năng khai thác, xuống cấp và nằm ụ quá lâu tại các cảng.
Tuy nhiên, việc phá dỡ bán sắt vụn những con tàu này có nhiều chuyện đáng bàn.
Báo cáo Bộ GTVT mới đây, Cục Hàng hải VN cho biết hiện đang có hàng loạt tàu biển của các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân neo đậu tại VN và nước ngoài trong tình trạng không còn khả năng khai thác và không đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải.
Trong đó, có 22 tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài nhưng thuộc sở hữu của các doanh nghiệp VN, nếu muốn phá dỡ trong nước lại vướng quy định cấm nhập khẩu phương tiện vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ theo Luật bảo vệ môi trường. Trong khi đó, Bộ GTVT đang băn khoăn vì nếu sửa luật để xử lý tàu thì không đáng, nhưng không xử lý thì gây nhiều hệ lụy về môi trường và an toàn, an ninh hàng hải.
Tàu Vinashin Atlantic neo tại phao số 0, Vũng Tàu từ năm 2009 đến nay – Ảnh: Đ.Hà
Theo Cục Hàng hải, đến cuối tháng 1/2013 có 41 tàu biển neo đậu tại các cảng VN (trong đó có 10 tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài) không đảm bảo điều kiện an toàn, an ninh hàng hải. Bên cạnh đó còn có 54 tàu biển thuộc sở hữu của các doanh nghiệp VN đang neo đậu dài ngày ở nước ngoài (chiếm 14% tổng tải trọng đội tàu VN, những tàu nội mang cờ nước ngoài là do quá tuổi quy định, không được phép đăng ký tại VN nên chủ tàu đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài để hoạt động – PV).
Trong đó có 12 tàu đang neo đậu ở nước ngoài dài ngày (gồm bảy tàu của Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin – Vinashinlines, chuyển từ Vinashin sang Tổng công ty Hàng hải VN – Vinalines) trong tình trạng không được chủ tàu cấp kinh phí duy trì đảm bảo điều kiện an toàn, an ninh hàng hải.
Thu được đồng nào hay đồng đó
Theo một giám đốc doanh nghiệp vận tải biển, thông thường khi tàu không còn phù hợp để khai thác vì những lý do khác nhau, các chủ tàu thường tìm cách bán tàu, thậm chí phá dỡ bán sắt vụn khi không bán được vì càng để lâu càng lỗ do không khai thác vẫn mất chi phí đảm bảo điều kiện cho tàu neo đậu. Kể cả trường hợp tàu chưa quá tuổi nhưng do loại hàng hóa mà tàu đó chuyên chở không còn nhu cầu vận chuyển nhiều thì vẫn bán tàu hoặc phá dỡ để thu hồi được vốn chừng nào hay chừng nấy.
Video đang HOT
Thời kỳ hoàng kim của vận tải biển, nhiều chủ tàu đã lách luật mua tàu quá tuổi quy định của VN, làm thủ tục treo cờ nước ngoài để khai thác với tâm lý sau vài năm bán sắt vụn vẫn có lãi vì đã khai thác tàu hiệu quả trong giai đoạn có nhiều nguồn hàng, giá cước tốt. Tuy nhiên, dự tính này đảo lộn khi vận tải biển khủng hoảng nên lâm vào tình cảnh bán tàu không ai mua, phá dỡ tàu tại VN thì vướng luật, đưa tàu ra nước ngoài phá dỡ thì tiền thu được từ phá dỡ không đủ chi phí để đảm bảo điều kiện đi biển của tàu.
Lý giải tình trạng trên, Cục Hàng hải cho biết việc tàu biển VN và tàu biển mang cờ nước ngoài thuộc sở hữu của các doanh nghiệp VN không được đưa vào khai thác, neo đậu dài ngày, không đảm bảo điều kiện an toàn, an ninh hàng hải là do tình trạng suy thoái kinh tế làm vận tải biển sụt giảm, dẫn tới dư thừa năng lực vận tải của đội tàu nên nhiều tàu không được đưa vào khai thác, phải nằm chờ dài ngày.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, kể cả trường hợp tàu neo chờ, chủ tàu vẫn phải cung cấp đầy đủ nhiên – nguyên liệu và bố trí thuyền viên để duy trì hoạt động của tàu, đảm bảo các điều kiện về an ninh, an toàn hàng hải và đóng các loại phí, lệ phí liên quan.
Vì vậy, chi phí thường xuyên cho tàu biển, kể cả trong trường hợp không khai thác, là khá lớn. Nhưng do kinh doanh thua lỗ, nhiều chủ tàu không còn khả năng cung cấp tài chính cho tàu đã bỏ rơi tàu, dẫn đến tình trạng mất an toàn tàu và gây hoang mang cho thuyền viên, ảnh hưởng đến uy tín của đội tàu VN trên trường quốc tế.
Với những tàu thuộc dạng “bỏ hoang” đậu trong nước, cảng vụ hàng hải nhiều nơi đã phải cưỡng chế di chuyển tới vị trí an toàn, tránh nguy cơ ảnh hưởng tới hoạt động hàng hải ở khu vực. Thống kê của Cục Hàng hải cho thấy nhiều tàu đến nay trang thiết bị, máy móc không thể hoạt động được.
Đáng chú ý trong số tàu không được chủ tàu cấp kinh phí, không đảm bảo điều kiện an toàn, an ninh hàng hải, Vinashinlines góp mặt tới bảy tàu đang neo đậu dài ngày ở nước ngoài hay do nước ngoài bắt giữ. Bảy tàu này có tổng dung tích 210.089 DWT và chiếm 3% DWT đội tàu quốc gia VN, năm trong số bảy tàu này treo cờ của Panama, Liberia, Mông Cổ.
Còn hai tàu treo cờ VN thì tàu Cái Lân 4 bị bắt giữ tại Ấn Độ từ tháng 1/2012, tàu Hoa Sen được mua về từ Ý với giá 60 triệu euro vào cuối 2007, con tàu đang là tang vật của vụ án kinh tế xảy ra tại Vinashin đang neo đậu không khai thác tại Trung Quốc từ năm 2011 tới nay.
Do neo đậu, bắt giữ dài ngày, chủ tàu không còn đủ khả năng tài chính để đảm bảo điều kiện của tàu nên nhiều thủy thủ đoàn trên các con tàu này đồng loạt kêu cứu từ nhiều tháng nay.
Gỉ sắt bong tróc trên mặt boong tàu Vinashin Atlantic neo tại Vũng Tàu từ ngày 30/5/2009 đến nay – Ảnh: Đông Hà
Bán không được, phá dỡ lại vướng luật
Lãnh đạo Cục Hàng hải cho biết quy định về đăng ký mua bán tàu biển đã qua sử dụng được đăng ký lần đầu tại VN giới hạn tuổi không quá 10 năm với tàu chở khách, không quá 15 năm đối với các loại tàu biển khác. Nhưng do tàu quá tuổi quy định thường có giá rẻ nên nhiều doanh nghiệp VN đã mua những tàu quá tuổi và đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài để khai thác. Khi tàu quá cũ, không còn nhu cầu khai thác, chủ tàu muốn phá dỡ để thu hồi vốn.
Nhưng hiện nay nhiều ngân hàng, công ty cho thuê tài chính và công ty vận tải biển đang lúng túng khi phá dỡ tàu biển của chủ tàu VN nhưng treo cờ nước ngoài tại VN vì vướng cơ chế. Lý do là Luật bảo vệ môi trường năm 2005 quy định cấm nhập khẩu phương tiện vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ.
Vì không bán được tàu cũng không được phá dỡ, nhiều ngân hàng, công ty cho thuê tài chính, chủ tàu buộc phải chấp nhận để tàu vạ vật ở các vùng nước nội thủy hoặc đưa tới quốc gia có giá neo đậu thấp để neo đậu dài ngày. Việc này làm phát sinh tình trạng chủ tàu bỏ rơi tàu hoặc neo đậu dài ngày trong tình trạng mất an toàn để chờ giải quyết.
Vì vậy, Cục Hàng hải báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân ở VN được phá dỡ tại VN theo quy định như đối với tàu biển mang cờ quốc tịch VN kiến nghị Bộ TN-MT sửa đổi Luật bảo vệ môi trường để phù hợp thực tế hoạt động phá dỡ tàu biển tại VN.
Theo Cục Hàng hải, việc này nhằm giải quyết tình trạng tàu neo chờ dài ngày trong điều kiện không đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, đồng thời giúp các doanh nghiệp vận tải biển, cơ sở đóng mới, sửa chữa và phá dỡ tàu biển trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) và Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines).
Ông Nguyễn Văn Công ( Thứ trưởng Bộ GTVT):
Không khuyến khích sửa luật để phá tàu
Hiện nay Bộ GTVT đang cho các cục, vụ chức năng nghiên cứu đề xuất của Cục Hàng hải. Nhưng thấy vướng nhất là phá dỡ tàu mang cờ nước ngoài tại VN là trái luật, sửa luật thì không phải là đơn giản. Nếu đề xuất sửa luật để dỡ tàu bán thì với số lượng tàu trên, bán cũng không đáng bao nhiêu tiền. Nhưng vẫn cần giải pháp để xử lý vì để các tàu bơ vơ thì gây ảnh hưởng tới môi trường do han gỉ, dầu mỡ rò rỉ. Thứ hai là ảnh hưởng đến an ninh an toàn của tàu nếu đứt dây neo, dây chằng thì gây tai nạn va vào tàu khác, tắc luồng, đâm sập cầu, thậm chí là chết người. Thứ ba là trong hoàn cảnh này phá dỡ tàu để bán thì thu hồi được đồng nào cho Nhà nước, cho doanh nghiệp thì hay đồng ấy.
Nhưng trọng tâm nhất là tránh nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường và mất an toàn. Nếu sửa luật chỉ vì để một số doanh nghiệp phá tàu thu được ít tiền mà gây ảnh hưởng môi trường nhiều thì không khuyến khích. Nếu cho phép làm vậy có thể dẫn tới tình trạng doanh nghiệp lợi dụng mua tàu cũ về hợp thức hóa là tàu của mình để tháo dỡ. Vì vậy phải kiểm soát thật chặt, không để khe hở tạo điều kiện cho những người mua tàu cũ về hợp thức phá dỡ tại VN kiếm lãi.
Bộ GTVT đang nghiên cứu các quy định hiện hành rồi mới báo cáo Thủ tướng nhưng không phải đặt trọng tâm là sửa luật để cho phá dỡ tàu nhằm tránh lãng phí. Việc chủ tàu nào thu được tí tiền là việc thứ yếu phải xem xét. Việc quan trọng nhất là phải có giải pháp xử lý triệt để vì những tàu vô chủ như thế vẫn gây tác hại, hậu quả lớn hơn do gây ảnh hưởng môi trường, tai nạn, mất an toàn hàng hải.
Ông Đỗ Xuân Quỳnh (tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu VN):
Nơi chứa phế thải của thế giới?
Tôi không đồng ý với đề xuất của Cục Hàng hải cho phép sửa luật để nhập tàu VN mang cờ nước ngoài vào phá dỡ. Như thế là quá dở. Trong khi đó Công ước quốc tế Hong Kong về tái chế tàu biển an toàn và thân thiện với môi trường năm 1992 quy định rất nghiêm ngặt. Đối với các tàu hiện có, muốn phá dỡ ít nhất phải có được danh sách các hạng mục có chứa chất độc hại có trong thiết bị vật tư của tàu ở bộ phận nào, số lượng bao nhiêu. Công ước này có hiệu lực từ năm 2006 nhưng đến nay thực hiện ở VN cũng rất lơ lửng, coi thường việc này. Giờ lại đưa ra kiến nghị cho nhập vào mà phá thì môi trường đất nước VN sẽ ra sao khi trở thành nơi chứa phế thải của thế giới?
Vừa rồi tôi biết Chính phủ cũng cho Vinalines vay 200 tỷ đồng để xử lý mấy tàu của Vinashinlines bằng cách kéo về nước hoặc bán được thì bán tại chỗ, nhưng đến nay vẫn đang chờ đàm phán để xử lý. Ngân hàng cũng lập công ty quản lý tài chính để quản lý tàu đòi nợ về. Như Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển VN có Công ty cho thuê tài chính II đang quản lý một lô tàu. Ngân hàng Hàng hải cũng thu về vài chục tàu. Cái nào cho thuê được thì họ cho thuê, không được thì đắp chiếu nằm đấy. Cái này là trả giá quá đắt chứ không chỉ là trả giá đơn thuần. Và nợ xấu cũng nằm ở đây.
Tuấn Phùng ghi
Theo TNO
'Giải cứu' tàu nghìn tỷ mắc cạn do sóng lớn
Ảnh hưởng áp thấp gây sóng lớn, tàu nghìn tỷ PVT Mercury bị đứt neo dạt vào bờ mắc cạn. Từ tối qua, gần 100 người cùng nhiều phương tiện được điều động để "giải cứu".
Ngày 31/12, lãnh đạo Công ty đóng tàu Dầu khí Dung Quất (Quảng Ngãi) cho biết tàu PVT Mercury đang neo chờ bổ sung thêm một số hạng mục, thiết bị để bàn giao cho chủ đầu tư là Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans) thì bị sóng lớn gây đứt neo dạt vào bờ mắc cạn từ đêm 30/12. Đơn vị đang huy động lực lượng cùng sáu tàu lai dắt túc trực 24/24h để vừa giữ thăng bằng vừa kéo PVT Mercury trở lại biển.
Theo các kỹ sư gia cứu hộ, đến tối nay khi thủy triều dâng cao mới có hy vọng "giải cứu" được tàu trọng tải 104.000 tấn này.
Tàu PVT Mercury trị giá nghìn tỷ đang bị mắc cạn ở Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: Trí Tín
Hơn một tháng trước, theo yêu cầu của PV Trans, tàu PVT Mercury được đưa từ phao số 0 (cách bờ khoảng 7 hải lý ngoài cảng Dung Quất) vào gần sát ụ tàu để bổ sung một số hạng mục theo tiêu chuẩn mới được ngành hàng hải quy định trên vùng biển quốc tế. Sau khi đàm phán, phía PV Trans đồng ý bổ sung thêm 4 triệu USD để Công ty đóng tàu Dầu khí Dung Quất đặt hàng sản xuất thiết bị từ Hàn Quốc. Các hạng mục được bổ sung gồm van cách ly, hệ thống ống làm sạch hầm, đầu hút cứu hỏa...
PVT Mercury được Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đóng mới vào năm 2007 để chở dầu thô và lên kế hoạch hạ thủy vào đầu năm 2009. Thế nhưng bão số 9 làm sóng biển tràn vào ụ, nhấn chìm toàn bộ thiết bị của con tàu nghìn tỷ (từng được gọi là tàu "Dung Quất 01") ngay tại nhà máy đóng tàu Dung Quất. Sau bão, tàu được trục vớt đưa lên bờ, mời chuyên gia Hàn Quốc sang trợ giúp vệ sinh, rửa mặn, thay thế nhiều thiết bị hư hỏng gây tốn kém chi phí lớn. PVT Mercury mới chính thức hạ thủy vào cuối năm ngoái khi Vinashin bắt đầu tái cơ cấu toàn diện.
Theo quy định của Cục Hàng hải Việt Nam, tàu PVT Mercury hiện còn thiếu nhiều giấy chứng nhận đăng kiểm của các cơ quan chức năng để tham gia hoạt động vận tải hàng hải quốc tế.
Theo VNE
Vinawaco: Sáp nhập để cùng... chìm Cho đến thời điểm này, dư luận xã hội vẫn chưa hết bức xúc bởi những món nợ lớn cho nền kinh tế mà Vinashin, Vinalines đang gây ra. Chưa dừng ở đó, một DN nữa của ngành GTVT là Vinawaco (TCty XD đường thủy) cũng đang phải chịu sự giám sát đặc biệt của Bộ Tài chính, vì mang trên mình một...