Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc: Bao nhiêu cho đủ tham vọng?
Báo cáo của văn phòng tình báo hải quân Mỹ cho biết, trong năm nay, tàu ngầm hạt nhân Type 094 mang tên lửa đạn đạo JL-2 của Trung Quốc sẽ có chuyến tuần tra sẵn sàng chiến đấu trên biển đầu tiên.
Theo chuyên gia Vasily Kashin của Trung tâm phân tích công nghệ và chiến lược của Nga, chuyến tuần tra viễn dương đầu tiên của tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Tấn, mang tên lửa JL-2 là một bước ngoặt lịch sử của hải quân Trung Quốc. Những thành công trong việc tổ chức lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược sẽ là yếu tố quyết định đến chính sách tranh chấp lãnh thổ của Bắc Kinh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai.
Theo số liệu của Bộ quốc phòng Mỹ, bắt đầu từ năm 1987, Trung Quốc đã biên chế tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 092, có thể mang theo 12 quả tên lửa đạn đạo Cự Lang-1 (JL-1). Tuy nhiên từ đó đến nay, loại tàu ngầm hạt nhân này chưa hề một lần tiến hành các cuộc tuần tra trên biển dài ngày mà nó mới chỉ loanh quanh ở “sân nhà”, tham gia vào một vài cuộc diễn tập chung của lực lượng hải quân Trung Quốc.
Bài viết cho biết, vai trò của tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo Type 092 trong một cuộc chiến tranh là rất hạn chế. Khi xung đột bùng phát, nó chỉ có khả năng ra biển, giúp quân đội Trung Quốc khống chế được vùng biển nhỏ ở Bột Hải trong một thời gian ngắn. Tầm phóng của tên lửa JL-1 cũng chỉ giúp hải quân Trung Quốc có khả năng uy hiếp các căn cứ quân sự Mỹ đóng tại Nhật nên không đáp ứng được kỳ vọng của giới chức lãnh đạo quân đội nước này.
Video đang HOT
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn đã phần nào đáp ứng được sự mong đợi của Bắc Kinh. Loại tàu ngầm Type 094 này có khả năng mang theo các tên lửa đạn đạo JL-2, tầm phóng trên 8000km, có khả năng uy hiếp trực tiếp ít nhất là 2 tiểu bang Hawaii, Alaska của Mỹ và tất cả các căn cứ của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nếu áp sát bờ biển nước Mỹ, nó sẽ có khả năng bao trùm toàn bộ lãnh thổ nước này.
3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) lớp Tấn của Trung Quốc vừa xuất hiện tại căn cứ tàu ngầm ở vịnh Á Long – Tam Á – Hải Nam
Năm 2014, Trung Quốc đã quyết định sẽ tiến hành hoạt động tuần tra dài ngày trên biển, khả năng này sẽ được quyết định bởi số lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược trong tương lai của Trung Quốc. Xét về tính năng trang bị và yếu tố con người, để duy trì được hoạt động tuần tra chiến lược, ít nhất phải có 3 tàu, thậm chí là phải 4 tàu ngầm hạt nhân thay phiên nhau. Trong khi 1 tàu đi tuần tra, 1 tàu bảo dưỡng sau chuyến đi trước và 1 tàu làm công tác dự bị.
Tuy nhiên, đây là quy chuẩn đối với những nước đã sở hữu tàu ngầm hạt nhân từ lâu, có kinh nghiệm phong phú và nền tàng công nghệ tiên tiến. Ngoài Nga, Mỹ ra, chỉ có Anh, Pháp mới có khả năng sử dụng một số lượng nhỏ tàu ngầm hạt nhân tuần tra thường xuyên lãnh hải và các vùng biển quốc tế. Hải quân Trung Quốc chưa đạt đến tầm trình độ này nên họ phải dùng tới ít nhất là 5 tàu mà hiện nay Bắc Kinh mới có 3 tàu mà vẫn chưa chính thức trang bị.
Vấn đề quan trọng khác là chiến thuật tác chiến tàu ngầm. Khả năng tàng hình và chiến thuật tránh né của tàu ngầm Trung Quốc hiện chưa so được với các ông lớn trên, tàu ngầm của họ rất khó thoát khỏi sự kiểm soát của hải quân Mỹ, Nhật; nếu xảy ra chiến sự, chúng khó thoát khỏi đòn tấn công phủ đầu của tàu ngầm hạt nhân tấn công của đối thủ. Giải pháp khả dĩ nhất là Trung Quốc phải bắt chước được “hệ thống phòng thủ” của lực lượng tàu ngầm Nga.
Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm
(SLBM) JL-2 của tàu ngầm lớp Tấn
Trước đây, đối địch với các tàu ngầm hạt nhân Mỹ và NATO, tàu ngầm Liên Xô tương đối bị cô lập khi hoạt động trên các vùng biển. Vì vậy, Moscow đã xây dựng các “hệ thống phòng thủ” tại các vùng biển Barents và Okhotsk, giúp cho hoạt động chống ngầm và chống trinh sát ngầm của họ có khả năng phòng thủ từ xa, các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Liên Xô dễ dàng khởi hành ra biển tuần tra mà không bị theo dõi ngay khi vừa rời cảng, sau đó địch thủ sẽ hoàn toàn mất dấu các tàu ngầm này.
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là Liên Xô. Vùng duyên hải của họ – nằm trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất – là một trong những khu vực mà hoạt động vận tải viễn dương và hoạt động ngư nghiệp nhộn nhịp nhất; khu vực biển Hoa Đông và biển Đông đang có những tranh chấp biển đảo hết sức căng thẳng với những quốc gia láng giềng. Việc thiết lập các hệ thống này là rất khó, không khéo sẽ dẫn đến những xung đột cục bộ không đáng có.
Có thể nói, sự triển khai lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Bắc Kinh là mồi lửa có thể làm bùng phát xung đột cục bộ trong tranh chấp biển đảo và ngay trong những mẫu thuẫn nội tại của họ. Hiện nay, Trung Quốc đang tiến hành hàng loạt các hoạt động bảo đảm an ninh tàu ngầm hạt nhân ở khu vực đảo Hải Nam. Nếu biển Đông trở thành khu vực tuần tra chiến lược của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc có thể phát sinh những xung đột với lực lượng can dự của Mỹ. Mỗi hành động hiểu lầm của các bên đều có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng lớn.
Theo ANTD