Tàu ngầm hạt nhân của Mỹ tới Hàn Quốc giữa lúc căng thẳng với Triều Tiên
Hạm đội Thái Bình Dương thông báo tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles USS Springfield của hải quân Mỹ đã tới thăm cảng Busan, Hàn Quốc.
“USS Springfield là một trong 5 tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles được triển khai tới đảo Guam, và thường xuyên hoạt động trong khu vực của Hạm đội 7, đảm bảo an ninh hàng hải và hỗ trợ lợi ích an ninh quốc gia”, Korea Times dẫn thông báo hôm 25/2 trên Facebook của Hạm đội Thái Bình Dương.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles USS Springfield cập cảng Busan. Ảnh: Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ
Hoạt động triển khai tàu ngầm tới bán đảo Triều Tiên rất hiếm khi được phía Mỹ công bố. Do đó, động thái lần này được cho nhằm gửi lời cảnh báo mạnh mẽ tới Triều Tiên, sau khi chính quyền Bình Nhưỡng liên tiếp cho phóng thử tên lửa. Điển hình, Triều Tiên đã cho phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 vào ngày 18/2, có tầm bắn được cho có thể tấn công mọi mục tiêu nằm trên đất liền Mỹ.
Ông Shin Jong-woo, nhà nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết: “Sự xuất hiện của tàu ngầm hạt nhân của Mỹ sẽ đóng vai trò như lời cam kết răn đe mở rộng của Washington với Seoul”.
Cũng theo ông Shin, “tàu ngầm hạt nhân là hệ thống vũ khí có thể bí mật tiếp cận… Theo tôi, đây là mức độ cảnh báo khác đối với Triều Tiên”.
Vào giữa tháng Ba tới, một tàu sân bay hạt nhân của Mỹ cũng sẽ được triển khai để tham gia cuộc tập trận chung Freedom Shield của quân đội Mỹ – Hàn, mà khả năng là một tàu sân bay lớp Nimitz.
Thâm hụt thương mại năm 2022 của Hàn Quốc có thể cao kỷ lục trong 14 năm
Số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc (KCS) công bố ngày 13/12 cho biết, cán cân thương mại lũy kế từ đầu năm tới ngày 10/12 ghi nhận mức thâm hụt cao kỷ lục lên tới 47,46 tỷ USD, vượt xa mức thâm hụt kỷ lục trước đó là 20,62 tỷ USD của năm 1996.
Do đó, cán cân thương mại của Hàn Quốc trong cả năm 2022 sẽ ghi nhận mức thâm hụt cao kỷ lục sau 14 năm (kể từ năm 2008, thời kỳ diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu) với 13,26 tỷ USD.
Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng Busan, Hàn Quốc, ngày 1/1/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Theo KCS, quy mô thâm hụt cả năm 2022 của Hàn Quốc được cho là sẽ gần bằng hoặc vượt mức dự báo mà các tổ chức tài chính lớn trong nước đưa ra, như Hiệp hội Thương mại Quốc tế (KITA) dự báo 45 tỷ USD, Viện nghiên cứu Kinh tế công nghiệp và thương mại Hàn Quốc (KIET) với 42,6 tỷ USD và Viện nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI) với mức dự báo 48 tỷ USD. Bên cạnh đó, có một số tổ chức còn đưa ra dự báo rằng quy mô thâm hụt của Hàn Quốc trong năm 2022 có thể đạt 50 tỷ USD nếu quy mô thâm hụt trong tháng 12/2022 vượt 7,5 tỷ USD. Chỉ tính riêng 10 ngày đầu tháng 12 này, quy mô thâm hụt đã đạt 4,92 tỷ USD, tăng mạnh so với 10 ngày đầu tháng 10 vừa qua với 2,04 tỷ USD.
Cũng theo nhận định của KCS, cán cân thương mại năm 2022 của Hàn Quốc thâm hụt cao kỷ lục là do kim ngạch nhập khẩu tăng vọt với tác động ảnh hưởng từ việc giá nguyên vật liệu quốc tế leo thang sau khi nổ xung đột Nga - Ukraine. Theo đó, kim ngạch nhập khẩu 3 mặt hàng năng lượng lớn của Hàn Quốc là dầu thô, khí đốt và than đá từ đầu năm tới ngày 10/12 vừa qua đạt 180,41 tỷ USD, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, xuất khẩu lại bị thu hẹp do nền kinh tế toàn cầu đình trệ càng khiến quy mô thâm hụt cán cân thương mại của Hàn Quốc tăng mạnh. Xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 10/2022 giảm 5,8%, tháng 11/2022 giảm 14% và 10 ngày đầu tháng 12/2022 giảm 20,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, tính tới tháng 11/2022, xuất khẩu chíp bán dẫn (mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc) đã ghi nhận mức giảm bốn tháng liên tiếp. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, cũng giảm 6 tháng liên tiếp.
Giới chuyên gia nhận định cán cân thương mại của Hàn Quốc sẽ tiếp tục đà thâm hụt trong năm 2023 do xuất khẩu sẽ tiếp tục giai đoạn đình trệ tương tự năm 2022. KITA dự báo cán cân thương mại năm 2023 của Hàn Quốc sẽ thâm hụt ở mức 13,8 tỷ USD. Trong khi đó, KIET đưa ra mức dự báo thâm hụt cao gần gấp đôi, ở ngưỡng 26,6 tỷ USD.
Tập trận đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu ở ngoài khơi đảo Guam Cuộc tập trận đa quốc gia mang tên Pacific Vanguard (Đội tiên phong Thái Bình Dương) do Mỹ dẫn đầu đã diễn ra từ ngày 21-29/8 vừa qua ở vùng biển ngoài khơi đảo Guam (vùng lãnh thổ thuộc Mỹ) để tăng cường khả năng phối hợp tác chiến. Tham gia cuộc tập trận trên có các lực lượng hải quân của Mỹ,...