Tàu ngầm Ấn Độ làm nóng cuộc đua vũ khí dưới lòng biển
Ấn Độ sắp trở thành nước thứ 6 trên thế giới đưa tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân vào hoạt động, khiến cuộc chạy đua vũ trang trong lòng đại dương ở châu Á quyết liệt hơn.
Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân INS Arihant của Ấn Độ trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: Reuters
Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân INS Arihant, với lượng giãn nước 6.000 tấn, được phát triển suốt ba thập kỷ qua trong một chương trình bí mật của chính phủ Ấn Độ, đang hoàn tất các khâu thử nghiệm cuối cùng ở vịnh Bengal, Bloomberg dẫn lời một sĩ quan cấp cao Ấn Độ giấu tên cho biết.
Theo Economic Times, INS Arihant sẽ trang bị tên lửa K-15, tầm bắn 750 km và tên lửa đạn đạo K-4, tầm bắn 3.500 km. Cả hai vũ khí trên đều có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.
INS Arihant do hải quân Ấn Độ vận hành nhưng đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Cơ quan Chỉ huy Hạt nhân do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu.
Việc triển khai tàu ngầm sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ đưa Ấn Độ trở thành cường quốc nắm trong tay bộ ba hạt nhân chiến lược, với khả năng khai hỏa vũ khí hạt nhân từ cả trên bộ, trên không và trên biển.
Giới chuyên gia lo ngại động thái này còn có thể thúc đẩy Trung Quốc thực hiện những biện pháp nhằm củng cố sức mạnh dưới đáy biển, cũng như hỗ trợ các đồng minh hạt nhân là Pakistan và Triều Tiên phát triển những công nghệ tương tự, tiềm ẩn nguy cơ tạo ra thêm những mối bất đồng nguy hiểm tại vùng biển châu Á, nơi các tranh chấp chủ quyền đã dẫn tới cuộc chạy đua tăng cường năng lực hải quân trên khắp khu vực.
“Chúng ta nhiều khả năng sẽ phải chứng kiến thêm nhiều cuộc xung đột ở những vùng biển nhỏ trong khu vực như Biển Đông hay vịnh Bengal”, Iskander Rehman, nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại Chương trình Chính sách Đối ngoại thuộc Viện Brookings, Mỹ, nhận xét.
“Căng thẳng chắc chắn sẽ nảy sinh từ những cuộc chạm trán dưới đáy biển, đặc biệt là khi cả tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân lẫn tàu ngầm sở hữu vũ khí quy ước đang xuất hiện ngày càng dày đặc khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Rehman cho biết thêm.
Video đang HOT
Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều chủ trương theo đuổi chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, nghĩa là chỉ đáp trả sau khi bị tấn công hạt nhân. Trên lý thuyết, những nỗ lực trang bị vũ khí hạt nhân cho tàu ngầm chủ yếu nhằm ngăn ngừa chiến tranh xảy ra bằng cách răn đe đối phương. Tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo được nhìn nhận là đã đóng vai trò răn đe tương tự trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Mỹ, Anh, Pháp, Nga và gần đây nhất là Trung Quốc đã đưa tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân vào hoạt động.
Bộ Chỉ huy Chiến lược và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ tiết lộ tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân Trung Quốc bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tuần tra chiến đấu từ năm ngoái song Bắc Kinh không đưa ra thông báo chính thức về các lần tuần tra này.
“Trước những khả năng đã được biết đến của Trung Quốc cũng như các nỗ lực nhằm phát triển năng lực răn đe trên biển của nước này, có thể thận trọng giả định rằng những chuyến tuần tra kiểu như vậy đang xuất hiện”, Washington Times dẫn lời người phát ngôn Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ Pamela Kunze nói.
Dù vậy, cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ cho phép họ xây dựng năng lực răn đe hạt nhân đủ tin cậy. Tàu ngầm của họ vẫn quá ồn và dễ bị phát hiện, khiến chúng khó được xem là có năng lực “tấn công lần hai”, tức đáp trả bằng hạt nhân sau khi bị đối phương tấn công hạt nhân phủ đầu, theo một báo cáo đưa ra hồi năm ngoái của Viện Chính sách Quốc tế Lowy, Australia.
Điều khiến giới chuyên gia lo ngại hơn là việc Pakistan và Triều Tiên, hai đối tác của Trung Quốc, đều từ chối thực hiện chính sách không tấn công hạt nhân trước. Nhiều dấu hiệu còn cho thấy hai quốc gia này đang ngày càng lộ liễu hơn khi theo đuổi việc triển khai vũ khí hạt nhân trên biển.
Pakistan năm ngoái hoàn tất thương vụ mua 8 tàu ngầm quy ước từ Trung Quốc, làm dấy lên những mối quan ngại cho rằng chúng có thể được lắp đặt tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân.
Triều Tiên cũng tuyên bố đang thử nghiệm tàu ngầm phóng tên lửa, đồng thời khẳng định đã phát triển thành công công nghệ gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa.
Trong khi đó, theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc hiện sở hữu ít nhất 62 tàu ngầm, trong đó 4 tàu có khả năng phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân.
“Một giai đoạn bất ổn kéo dài sẽ bắt đầu nếu Trung Quốc và Ấn Độ triển khai tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân trên tàu ngầm”, báo cáo của Viện Lowy nhấn mạnh. “Các tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân Trung Quốc và Ấn Độ, hay tàu ngầm của Pakistan và Triều Tiên, vẫn dễ dàng bị đối phương phát hiện. Thực tế này khiến hoạt động của chúng trở nên khó lường trong những thời điểm khủng hoảng. Hơn nữa, những lực lượng mới, được giả định là giúp bình ổn tình hình kể trên, còn có nguy cơ làm trầm trọng hơn các căng thẳng trên biển”.
Giới quan sát suy đoán Trung Quốc thậm chí đang lên kế hoạch biến các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông thành căn cứ cho hạm đội tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân.
Mặc dù gặp nhiều trở ngại, Ấn Độ vẫn đang đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát triển vũ khí trang bị cho tàu ngầm. Báo The Hindu dẫn lời một cố vấn khoa học của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho hay nước này năm 2013 đã phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo K-15 từ tàu ngầm.
Tháng 9 năm ngoái, Tổ chức Phát triển và Nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố sẵn sàng đưa vào sử dụng tên lửa đạn đạo K-4 phóng từ tàu ngầm.
Theo Jon Grevatt, nhà phân tích công nghiệp quốc phòng khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ tạp chí IHS Jane’s, Ấn Độ cần chứng tỏ cho thế giới thấy họ hoàn toàn có khả năng điều động tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân một cách hiệu quả. Cột mốc quan trọng này sẽ là một phần trong chiến lược lớn hơn nhằm bảo đảm an ninh cho Ấn Độ, ông Grevatt bình luận.
“Tàu ngầm INS Arihant là bàn đạp đối với Ấn Độ nhưng tôi không nghĩ nó sẽ thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, trừ phi Ấn Độ có 4 – 5 chiếc như vậy”, Grevatt nói.
Hồng Vân
Theo VNE
Ấn - Mỹ tiến tới chia sẻ căn cứ
Ấn Độ và Mỹ đang tiến gần đến thỏa thuận chia sẻ các dịch vụ hậu cần quân sự, dấu hiệu hứa hẹn về sự hình thành của một liên minh không chính thức.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ trong một cuộc tập trận với Ấn Độ và Nhật Bản - Ảnh: Hải quân Mỹ
Mỹ đang trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ sau nhiều năm bị Nga chiếm lĩnh thị phần, và hai bên liên tục tổ chức các cuộc tập trận chung với tần suất ngày càng tăng.
Lầu Năm Góc cũng đang đàm phán với New Delhi trong dự án đóng hàng không mẫu hạm lớn nhất của nước này, một động thái sẽ cải thiện đáng kể sức mạnh hải quân Ấn Độ trong bối cảnh Trung Quốc đang vươn tầm đến Ấn Độ Dương.
Và sau nhiều năm giẫm chân tại chỗ do các chính phủ trước đây lo ngại thỏa thuận chia sẻ nguồn lực hậu cần quân sự với Mỹ có thể kéo Ấn Độ vào thế phải cam kết hỗ trợ Mỹ trong thời chiến, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã bắn tín hiệu muốn hoàn tất Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (LSA) vẫn treo lơ lửng lâu nay.
Hãng tin Reuters ngày 29.2 dẫn lời các quan chức tiết lộ thỏa thuận sẽ cho phép quân đội hai nước sử dụng các căn cứ hải, lục, không quân của nhau cho mục đích tiếp tế, sửa chữa và nghỉ ngơi. Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho hay hai bên đang nỗ lực đàm phán thỏa thuận thứ nhất là LSA, kế đến là thỏa thuận CISMOA nhằm bảo mật liên lạc viễn thông khi quân đội hai nước cùng triển khai chiến dịch chung, và thứ ba là thỏa thuận trao đổi dữ liệu trắc địa, hàng hải và hàng không.
"Chúng tôi vẫn chưa ký kết với phía Ấn Độ, nhưng tôi cho là thời điểm đã cận kề", Đô đốc Harris phát biểu tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện trước khi lên đường đến thăm Ấn Độ trong tuần này.
Trong khi đó, một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cho hay các bên mong đợi LSA có thể được ký kết khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm New Delhi vào tháng 4.
Tiến triển mới trong quan hệ hai nước diễn ra vào đúng giai đoạn các bên cân nhắc phối hợp tuần tra các vùng biển, bao gồm Biển Đông. Reuters dẫn lời một quan chức Ấn Độ giấu tên cho hay trở ngại chính trong việc ký kết LSA đã được khơi thông, sau khi Washington cam kết rằng New Delhi không bị buộc phải tuân thủ thỏa thuận nếu Mỹ khai chiến với một quốc gia thân hữu, hoặc triển khai bất cứ hoạt động đơn phương nào mà Ấn Độ không ủng hộ.
"Chúng tôi đã làm rõ rằng mọi thứ sẽ được thực hiện dựa trên từng trường hợp một, chứ không phải các bên đều sẽ có quyền sử dụng những căn cứ của đối phương trong trường hợp chiến tranh", theo quan chức này. Trước đó, các chính phủ trung tả tại New Delhi lo ngại những thỏa thuận trên có thể làm suy yếu sự tự chủ chiến lược của Ấn Độ và lôi kéo nước này vào tình thế bị buộc phải thiết lập liên minh quân sự không chính thức với phía Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, tờ The Economic Times ngày 29.2 đưa tin New Delhi và Washington đã thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin liên quan đến theo dõi chuyển động của các vệ tinh, tránh va chạm và xác định các nguy cơ tiềm tàng đối với các tài sản vũ trụ và trên mặt đất. Hai bên cũng bàn thảo cơ chế chia sẻ dữ liệu vệ tinh trong lĩnh vực hàng hải.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ rõ tham vọng trên biển, Mỹ - Ấn có thể hợp tác triển khai các sứ mệnh trinh sát những tuyến hàng hải trên Ấn Độ Dương và châu Á - Thái Bình Dương, theo tờ báo Ấn Độ.
Thụy Miên
Theo Thanhnien
Tàu ngầm hạt nhân INS Arihan đã sẵn sàng trực chiến Theo Thời báo Kinh tế Ấn Độ (ET), Hải quân Ấn Độ đã thử nghiệm thành công nhiều loại vũ khí trên tàu ngầm INS Arihan do nước này tự đóng. Thành công ngoài mong đợi Để phục vụ quá trình thử nghiệm, tàu hỗ trợ lặn của Nga là EFS Epron chuyển đến từ ngày 1/10/2015 cùng Arihant lặn và kiểm tra...